| Hotline: 0983.970.780

1 cái ao, 10 năm, 3 cấp đánh vật

Thứ Tư 22/06/2011 , 12:59 (GMT+7)

Theo sổ mục kê đất đai của xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội) năm 1976 thì chủ sử dụng chiếc ao mang số thửa 39, tờ bản đồ số 01, bản đồ địa chính xã Bích Hòa, nằm bên QL 21 A thuộc thôn Kỳ Thủy là cụ Phạm Văn Sin.

Theo sổ mục kê đất đai của xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội) năm 1976 thì chủ sử dụng chiếc ao mang số thửa 39, tờ bản đồ số 01, bản đồ địa chính xã Bích Hòa, nằm bên QL 21 A thuộc thôn Kỳ Thủy là cụ Phạm Văn Sin.

Theo xác nhận của các ông Phạm Văn Cách (địa chính thôn Kỳ Thủy từ năm 1967 đến năm 1985) và Nguyễn Lương Đoàn (cán bộ địa chính xã Bích Hòa từ năm 1967 đến năm 1989), thì chiếc ao đó có nguồn gốc từ tổ tiên cụ Sin để lại, trong các đợt kê khai năm 1978,1983, cụ Sin đều đứng tên kê khai, không có ai tranh chấp và cụ vẫn sử dụng liên tục cho đến khi mất (1996). Sau khi cụ Sin mất, con trai cụ là Phạm Văn Tình tiếp tục đứng tên kê khai, sử dụng ao…

Năm 2001, ông Nguyễn Văn Ngọt có đơn ra xã tranh chấp chiếc ao trên, nói chiếc ao đó là của ông cha ông để lại. UBND xã chưa kịp giải quyết thì tháng 4/2002 ông Ngọt cùng con trai là Nguyễn Văn Khương tổ chức lấp ao, bịt luôn cả ngõ đi nhà ông Tình. Thấy vậy, bố con ông Tình đã ra ngăn cản. Cuộc tranh chấp chẳng dính dáng gì đến bà Lê Thị Hảo (cùng thôn Kỳ Thủy) nhưng bà Hảo đã cùng con cháu kéo đến hành hung bố con ông Tình rất dã man. Ông Tình bị đánh 2 nhát xà beng vào ngực, gục xuống, phải đưa đi viện cấp cứu và chết sau 16 tháng vừa nằm viện vừa chữa chạy ở nhà. Con trai ông Tình là Phạm Văn Oanh bị đánh bằng xà beng vào lưng, cũng phải vào viện và bị hỏng cột sống, trở thành tàn phế. Ngay sau vụ hành hung, bà Nguyễn Thị Quý (vợ ông Tình) đã có đơn tố cáo gửi công an huyện Thanh Oai. Công an huyện có xuống lập biên bản nhưng rồi không hiểu sao vụ án bị “chìm” từ đó đến giờ, gia đình bà Quý chỉ được những kẻ hành hung “bồi thường”1,4 triệu đồng (?)

Ngày 7/4/2004, UBND xã triệu tập 2 gia đình đén để giải quyết việc tranh chấp trên. Sau khi xem xét các chứng cứ, chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Nhất kết luận và quyết định: "Chiếc ao đó thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị Quý. Giao lại cho gia đình bà Quý sử dụng". Ông Nguyễn Văn Khương tiếp tục làm đơn lên huyện. Ngày 8/4/2005, UBND huyện Thanh Oai có Quyết định 143 giải quyết vụ tranh chấp. Quyết định trên nhận định: "Trước cải cách ruộng đất, chiếc ao thuộc quyền sử dụng của cụ Phạm Văn Sang. Sau cải cách, cụ Sang cho con gái là Phạm Thị Xưa và bà Xưa đã sử dụng liên tục cho đến năm 1983. Năm 1983, bà Xưa đổi ao đó cho ông Ngọt lấy 360 m2 đất phần trăm". Từ nhận định đó, UBND huyện quyết định giao chiếc ao cho ông Nguyễn Văn Khương, chỉ trả lại cho bà Quý 59 m2 ngõ đi đã bị ông Khương bịt lại từ trước.

Quyết định nói trên của UBND huyện Thanh Oai có những điều hết sức lạ lùng: Trong tất cả các tài liệu địa chính của xã Bích Hòa từ năm 1983 trở về trước không có bất cứ tài liệu nào ghi thửa ao đó là của cụ Sang hay bà Xưa. Các cán bộ địa chính thôn và xã thời kỳ đó đều xác nhận chiếc ao đó thuộc quyền sử dụng của cụ Phạm Văn Sin bố ông Phạm Văn Tình, cụ Sin sử dụng liên tục cho đến khi mất (1996).

Thấy sự việc quá bất công, tháng 6/2011, Cty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự đã quyết định vào cuộc để “đồng hành cùng bà Nguyễn Thị Quý” làm sáng tỏ vụ việc. Vụ tranh chấp đang được Thanh tra Chính phủ xem xét. Được biết, ngày 23/6/2011, Thanh tra Chính phủ sẽ có buổi làm việc với đại diện Cty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự và bà Nguyễn Thị Quý. Hy vọng lần này, công lý sẽ đến được với bà.

Tại Công văn số 14 ngày 10/6/2011 trả lời Cty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng TN&MT huyện Thanh Oai cho biết: "Bản đồ đo đạc chỉnh lý năm 1976, sổ mục kê ghi tên ông Phạm Văn Sin, tờ bản đồ số 01, thửa số 39”, nhưng rồi ngay dưới đó lại ghi năm 1983, thửa ao đó là…đất chùa. Nếu là đất chùa thì làm sao bà Xưa có quyền mang đổi cho ông Ngọt? Trong đơn tranh chấp chiếc ao, ông Nguyễn Văn Ngọt nói chiếc ao đó là "đất của ông cha" ông để lại, chứ không hề nói có việc đổi chác cho bà Xưa. Bản thân bà Xưa được UBND xã mời ra nhiều lần để xác minh, bà đều khẳng định bà không có chiếc ao đó, và cũng chẳng đổi chác gì cho ông Ngọt (bà Quý đã ghi âm lại lời bà Xưa để làm bằng chứng).

Không đồng ý với Quyết định số 143 nói trên, bà Nguyễn Thị Quý khiếu nại lên UBND tỉnh Hà Tây cũ. Ngày 16/7/2006, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Đỗ Nghiêm ký Quyết định số 653 “Giữ nguyên Quyết định số 143 của UBND huyện Thanh Oai”. Khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Quý tiếp tục khiếu nại Quyết định số 653 của UBND tỉnh Hà Tây cũ lên UBNDTP Hà Nội. Ngày 14/12/2009, UBNDTP Hà Nội có Công văn số 11888 “Yêu cầu Sở TN&MT thành phố, UBND huyện Thanh Oai tổ chức thực hiện Quyết định 653 của UBND tỉnh Hà Tây cũ”.

Về quyết định trả lại cho bà Quý 59 m2 ngõ đi của UBND huyện Thanh Oai, ông Khương không chấp hành, chỉ đến khi bị UBND xã Bích Hòa cưỡng chế, ông mới chịu trả cho bà Quý 30 m2.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.