| Hotline: 0983.970.780

1 triệu ha cánh đồng mẫu lớn: "Dài cổ" chờ doanh nghiệp

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:58 (GMT+7)

Mặc dù tổng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh phía Nam đã có sự tăng nhanh về diện tích cũng như số lượng nhưng sự góp mặt của các DN vẫn khá khiêm tốn.

Cánh đồng mẫu lớn thúc đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL

Với những thành công từ vụ hè thu 2011, vụ đông xuân 2011-2012, tổng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh phía Nam đã có sự tăng nhanh về diện tích cũng như số lượng các địa phương tham gia. Tuy nhiên, sự góp mặt của các doanh nghiệp vẫn khá khiêm tốn. 

Hướng tới 1 triệu ha

Theo Cục Trồng trọt, nếu như trong vụ hè thu 2011, mới chỉ có 13 tỉnh (12 ở ĐBSCL và 1 ở ĐNB) thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) với tổng diện tích 7.803 ha, thì trong vụ đông xuân 2011-2012, đã có tới 20 tỉnh, TP phía Nam đăng ký thực hiện CĐML với tổng diện tích đăng ký cho đến thời điểm này là 18.880 ha. ĐBSCL vẫn là vùng trọng điểm thực hiện CĐML, khi có tới 12/13 tỉnh, TP của khu vực này tham gia, với tổng diện tích 16.180 ha.

Trong đó, An Giang dẫn đầu với 5.000 ha. Tiếp theo sau là Long An (2.800 ha), Đồng Tháp (2.000 ha). Các tỉnh ĐNB và Nam Trung bộ, dù lúa không phải là cây trồng chủ lực, nhưng cũng đã tích cực vào cuộc với tổng diện tích 2.700 ha. Trong đó, nơi nhiều nhất là Tây Ninh (2.000 ha) và thấp nhất là TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu (cùng 50 ha).

Như vậy, tổng diện tích đăng ký CĐML như trên đã gần đạt so với kế hoạch của Bộ NN-PTNT là 20.000 ha trong vụ ĐX 2011-2012. Đây là cơ sở để Bộ NN-PTNT mạnh dạn đưa ra kế hoạch phát triển CĐML trong những năm tới. Cụ thể, trong năm 2012, sẽ có từ 40.000-80.000 ha CĐML. Đến năm 2013, tổng diện tích CĐML ở các tỉnh phía Nam sẽ khoảng 100.000-200.000 ha. Theo Cục Trồng trọt, việc mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tiến tới vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu đạt đến 1.000.000 ha là có thể tổ chức thực hiện được.

Chờ doanh nghiệp

Khả năng mở rộng CĐML là thế, lợi ích từ CĐML thì đã thấy rõ, quyết tâm của các địa phương về xây dựng CĐML đều có. Thế nhưng việc nhân rộng mô hình CĐML vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn trở ngại. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng cái khó lớn nhất là thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo. Trong vụ hè thu vừa rồi, mới có sự tham gia của 5 doanh nghiệp, trong đó, chỉ có 3 công ty chuyên xuất khẩu gạo. Vậy là quá ít.

Đã thế sự tham gia của 3 công ty xuất khẩu gạo trong vụ hè thu vừa rồi vẫn chưa được bài bản, từ đầu đến cuối như một doanh nghiệp chuyên về thuốc BVTV là Cty CP BVTV An Giang. Chẳng hạn, trong khi Cty CP BVTV An Giang cung ứng giống, phân bón và thuốc BVTV cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho trong 30 ngày, thì Cty Gentraco mới cung ứng giống lúa với lãi suất 0%, thu mua lúa với giá cao hơn từ 0-150 đồng/kg. Công ty Angimex ngoài cung ứng giống còn thêm được khâu cung ứng phân bón và thu mua lúa với giá cao hơn từ 200-300 đồng/kg. Còn Cty Lương thực Long An mới chỉ thực hiện khâu cuối ở CĐML là thu mua lúa với giá cao hơn từ 100-150 đồng/kg.

Trong khi đó, để có được một CĐML đúng nghĩa, ngoài việc nâng cao kiến thức của nông dân, nhất là việc áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, còn cần tới sự đầu tư không nhỏ CĐML ở những khâu như: một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; sản xuất và hỗ trợ giống lúa xác nhận; xây dựng, cải tạo làm phẳng mặt bằng đồng ruộng bằng hệ thống tia laser tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ...

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, việc thực hiện CĐML sẽ tạo ra những nhà xuất khẩu gạo kiểu mới. Đó là những nhà xuất khẩu luôn chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, gắn bó mật thiết với quyền lợi của nông dân … Chính vì thế, theo PGS.TS Phạm Văn Dư, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có ngay kế hoạch hợp tác với nông dân để làm CĐML.

Những khoản đầu tư ấy, ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, không thể thiếu sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp. Mặt khác, CĐML là mô hình hợp tác từ doanh nghiệp xuống nông dân và ngược lại từ nông dân ra doanh nghiệp. Bởi thế, nếu làm CĐML mà thiếu sự tham gia của doanh nghiệp thì sẽ khó có được thành công.

Hiện nay đã có trên 100 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Nếu mỗi doanh nghiệp bắt tay với nông dân, xây dựng cho mình một vùng nguyên liệu 10.000 ha, thì chỉ trong một thời gian ngắn, ở ĐBSCL sẽ có được trên 100 ngàn ha CĐML.

Việc thực hiện CĐML không chỉ tăng thêm lợi nhuận cho nông dân mà cả doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó TGĐ Cty CP BVTV An Giang, gạo từ CĐML do công ty này đầu tư luôn được xuất khẩu với giá cao hơn gạo cùng loại của các doanh nghiệp khác tới vài chục USD/tấn. Khi có CĐML thì việc doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo xuất khẩu sẽ thực hiện được.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất