| Hotline: 0983.970.780

10 năm Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ

Thứ Hai 22/09/2014 , 13:20 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc”. 

* Nhiều tàu cá Trung Quốc vi phạm quy định

Hội nghị nhằm đánh giá quá trình thực hiện, qua đó nhìn nhận thẳng những vấn đề còn tồn tại để đưa ra phương hướng mới trong thời gian tới.

09-50-20_nh-1
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

TÀU TRUNG QUỐC “LẤN SÂN”

Báo cáo tại hội nghị, Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cho hay, trong 10 năm thực hiện hiệp định đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ.

Việc ký kết đã thể hiện chính sách đúng đắn và thiện chí của nước ta sẵn sàng cùng các nước liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của VN cho biết, trong 10 năm thực hiện, về phía VN có số lượng tàu cá đăng ký xin cấp giấy phép đánh cá trong vùng đánh cá chung thường xuyên có khoảng 2.000 - 2.500 tàu, nhưng chỉ có tối đa 1.543 tàu cá với tổng công suất 211.391 CV được cấp phép.

Trong đó chỉ chiếm 17% trên tổng số 26.022 tàu cá có công suất nhỏ của ngư dân từ Quảng Ninh đến Bình Định hoạt động. Phương tiện đánh bắt của ngư dân VN tham gia chủ yếu vẫn là tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế, công suất từ 60-300 CV, hoạt động phân tán, khả năng chịu đựng sóng gió kém.

Trong khi đó, tàu Trung Quốc (TQ) hoạt động trong vùng đánh cá chung dưới 1.000 tàu, nhưng có công suất lớn. Tàu nào cũng được trang bị hiện đại, vật liệu tốt, công suất lớn, khả năng chịu đựng sóng gió va đập cao.

Theo ông Trung, trong thời gian đầu triển khai hiệp định, một bộ phận ngư dân VN chủ yếu vi phạm các quy định về giấy phép, dùng chất nổ, xung điện, ánh sáng quá mức. Trong khi đó, tàu TQ lại cố tình vượt qua ranh giới phân định, không tuân thủ địa điểm trú tránh (cố tình vào đảo Bạch Long Vĩ), lợi dụng buôn lậu, thậm chí gây hấn, phá hoại tài sản, lấn át ngư trường của ngư dân VN.

“Có thời điểm, hàng nghìn lượt tàu cá TQ không được cấp giấy phép đánh bắt trà trộn với tàu được cấp giấy phép để vi phạm vùng biển của VN, thậm chí nhiều tàu dùng thủ đoạn treo dấu hiệu nhận biết giả để đánh lừa lực lượng thực thi pháp luật VN.

Trong 2 năm đầu tiên sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã gây phức tạp tình hình, tạo nên sự bất ổn trong vùng đánh cá chung”, ông Trung cho biết thêm.

Cũng trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát biển VN đã phát hiện, xua đuổi tổng số 7.781 lượt tàu cá TQ vi phạm quy định của hiệp định, vi phạm chủ quyền biển VN. Lực lượng đã xử phạt cảnh cáo, phóng thích ngay trên biển 214 tàu cá, phạt tiền 34 tàu và tịch thu 61.240 lít dầu.

09-50-20_nh-3
Thứ trưởng Vũ Văn Tám trao bằng khen cho những tập thể có đóng góp to lớn thực hiện nghị định

Còn Chi cục Kiểm ngư Vùng I cũng đã kiểm tra tổng số 4.168 tàu cá, xử phạt các hành vi vi phạm đối với 1.621 lượt tàu VN và 102 lượt tàu TQ.

Ngoài ra, lực lượng tuần tra Bộ đội Biên phòng đã xua đuổi 1.800 lượt tàu TQ vi phạm ra khỏi vùng biển nước ta, lập biên bản, cảnh cáo, phóng thích trên biển 459 lượt tàu vi phạm. Trong 5 năm (2004-2009), phía TQ đã bắt giữ và xử phạt tổng cộng 44 tàu cá VN với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.

Nói về quá trình thực hiện, ông Trung cho rằng, Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc bộ của VN cũng thẳng thắn nhìn nhận, do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên thời gian đầu, một bộ phận ngư dân của ta vẫn chưa nắm bắt được tình hình, gây xung đột trong quá trình đánh bắt, hoạt động không phép, vi phạm các quy định trong hiệp định.

Hiệp định có thời hạn hiệu lực chính thức từ ngày 30/6/2004 đến tháng 6/2019 (12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn), giá trị pháp lý ở cấp Chính phủ phê duyệt. Theo đó, VN và TQ thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía.
Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng VN đã tổ chức gần 400 lớp tập huấn, tuyên truyền nội dung của hiệp định cho ngư dân, với khoảng 55.000 ngư dân tham gia, phát hàng trăm ngàn sổ tay, tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn hiệp định về những điều cần biết khi hoạt động nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.

“Từ năm 2006 đến nay, cơ quan giám sát của 2 nước (Cảnh sát biển VN và Cục Ngư chính khu Nam Hải) đã phối hợp tổ chức 9 đợt kiểm tra liên hợp trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ và 9 hội nghị rút kinh nghiệm được tổ chức luân phiên tại mỗi nước.

Hoạt động này đã góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tuân thủ pháp luật trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ”, ông Trung nói.

CÒN NHIỀU PHỨC TẠP

Theo dự báo của Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của VN, trong 5 năm tiếp theo thực hiện hiệp định chắc chắn sẽ còn nhiều phức tạp.

Bởi tàu cá có công suất của TQ sẽ lợi dụng công tác kiểm tra, trong khi giám sát của VN còn hạn chế để cố tình vi phạm sâu vào vùng biển chủ quyền VN. Trước tình đó cần có nhưng phương án mới để thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá về quá trình thực hiện hiệp định, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay, chúng ta triển khai đồng bộ và nghiêm túc tất cả các nội dung của hiệp định. Trong quá trình kiểm tra giám sát thì về phía các lực lượng của VN phối hợp rất tốt nhưng sự phối hợp giữa các lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của VN với TQ có những thời điểm phối hợp thực sự chưa được tốt.

Thứ trưởng Tám chỉ đạo: Trong thời gian tới, khi hiệp định còn 5 năm thì Ủy ban Liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc Bộ phía VN tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong hiệp định quy định cho Ủy ban mỗi bên có 11 nhiệm vụ, chúng ta phải rà soát lại những nhiệm vụ này và tiếp tục thực hiện sâu sắc.

09-50-20_nh-4
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục phó Tổng cục Thủy sản trao bằng khen cho các nhân có thành tích xuất sắc

Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Cao Đức Phát trao tặng bằng khen cho 17 tập thể và 23 các nhân, đã hoàn thành nhiệm vụ 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

“Chúng ta phải cùng với các lực lượng khác tạo ra môi trường hòa bình, hữu nghị nhưng mà đảm bảo quyền lợi và chủ quyền của chúng ta trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển nhưng khai thác một cách bền vững.

Duy trì giao ban cũng như trao đổi giữa hai Ủy ban và nghề cá hai nước, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề, xử lý những vấn đề xảy ra đột xuất trên biển đối với nghề cá.

Đề nghị Tổng cục Thủy sản tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị này để hoàn thiện báo cáo tham mưu cho Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết 10 năm thực hiện hiệp định. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch 5 năm tới cho việc thực hiện hiệp định này để triển khai thực hiện trong thời gian tới hiệu quả hơn”, ông Tám nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất