| Hotline: 0983.970.780

10 năm hợp tác khoa học Thái Bình - Tứ Xuyên

Thứ Hai 24/05/2010 , 09:40 (GMT+7)

Sự hợp tác Thái Bình và Tứ Xuyên trong 10 năm qua đã ghi lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, sự hợp tác này là cầu nối để cho Thái Bình và Tứ Xuyên có cơ hội giao lưu học tập giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Trần Mạnh Báo (*)

Từ giống lúa lai đã thành thương hiệu nổi tiếng mang tên D.ưu 527 cho đến gần đây là Thái Xuyên 111 - giống 3 nhất: Năng suất cao nhất, kháng sâu bệnh tốt nhất, chất lượng gạo ngon nhất; đó là sản phẩm hợp tác khoa học hiệu quả giữa Thái Bình - Việt Nam và Tứ Xuyên - Trung Quốc 10 năm qua.

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu lúa lai từ những năm đầu thập kỉ 60 và đã trở thành nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa lai. Hiện nay Trung Quốc đã có hơn 500 nhà khoa học nghiên cứu lúa lai, trong đó có những nhà khoa học hàng đầu thế giới như giáo sư Viên Long Bình, Châu Khai Đạt... Viện Nghiên cứu lúa nước của Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên là cái nôi nghiên cứu và tạo ra những tổ hợp lúa lai có nhiều đặc tính ưu việt đưa vào Việt Nam.

Đầu thập kỷ 90, các giống lúa lai Sán ưu 63 (TG1), Bắc ưu 64 có nguồn gốc Trung Quốc bắt đầu có trong cơ cấu diện tích của các tỉnh miền Bắc Việt Nam và dần chiếm tỷ lệ lớn. Từ đó cây lúa lai khẳng định vị trí.

Với những yêu cầu đặt ra của sản xuất, Thái Bình có chủ trương hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu và sản xuất lúa lai của Trung Quốc. Để sự hợp tác có chiều sâu và bền vững, Thái Bình đã thông qua Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, giới thiệu để tiếp xúc và lập quan hệ hợp tác với Viện nghiên cứu lúa nước thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên - Trung Quốc.

Ngày 7 tháng 5 năm 2000, đoàn Đại biểu của Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên - Trung Quốc do Giáo sư Lí Bình làm trưởng đoàn sang Việt Nam và về làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở NN & PTNT Thái Bình đã tiếp và làm việc với đoàn. Theo đó việc hợp tác giữa Trường ĐHNN Tứ Xuyên và tỉnh Thái Bình được cụ thể bằng việc giao Công ty Giống cây trồng Thái Bình hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa nước - Trường Đại học nông nghiệp Tứ Xuyên Trung Quốc. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình chỉ đạo thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Thái Bình và Tứ Xuyên ngày càng mở rộng.

Tháng 8 năm 2001 và tháng 4 năm 2009, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình dẫn đầu đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh sang thăm Trường ĐHNN Tứ Xuyên và Viện nghiên cứu Lúa nước - ĐHNN Tứ Xuyên - Trung Quốc.

Sự hợp tác được bắt đầu từ vụ mùa năm 2000; trường ĐHNN Tứ Xuyên gửi sang 6 tổ hợp lúa lai mới để khảo nghiệm tại Thái Bình trong đó có giống rất nổi tiếng sau này là D.ưu 527.

Qua 3 năm khảo nghiệm theo dõi, Công ty giống cây trồng Thái Bình tổng kết đánh giá D.ưu 527 là tổ hợp lai có nhiều đặc tính ưu việt, thích ứng rộng, năng suất cao có thể đạt 80 - 90tạ/ha/vụ và chất lượng gạo ngon hơn hẳn các giống lúa lai phổ biến thời điểm đó như các tổ hợp Sán ưu và Nhị ưu. Năm 2003, Công ty giống cây trồng Thái Bình phối hợp với Trung tâm KKN giống cây trồng Quốc gia đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận cho sản xuất thử D.ưu 527; năm 2004 giống được công nhận chính thức. Đây là giống lúa lai đầu tiên được Nhà nước công nhận chính thức đưa vào sản xuất ở Việt Nam.

Diện tích cấy giống lúa lai D.ưu 527 của Thái Bình ngày càng được mở rộng, vụ xuân năm 2004 giống D.ưu 527 chỉ chiếm 20% diện tích cấy lúa lai của tỉnh thì đến nay đã lên tới 75%. D.ưu 527 không chỉ là giống chủ lực ở vụ xuân của Thái Bình mà nhiều năm nay đã là giống có tỷ trọng chính trong cơ cấu của các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đỉnh cao năng suất của D.ưu 527 cho đến nay ít giống lúa lai vượt qua, khả năng thích ứng của giống vô cùng rộng, chất lượng gạo khá. Đây là sản phẩm hợp tác rất hiệu quả trong nhiều năm giữa Thái Bình và ĐHNN Tứ Xuyên.

Sau thành quả đó, Thái Bình tiếp tục đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa lai mới từ ĐHNN Tứ Xuyên. Năm 2002, Công ty giống cây trồng Thái Bình đưa giống lúa lai CNR36 vào khảo nghiệm, đến năm 2005 Bộ NN & PTNT công nhận cho sản xuất thử và năm 2007 giống được công nhận chính thức. Giống CNR36 nhanh chóng được nhân dân Thái Bình và các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ đưa vào sản xuất với qui mô diện tích lớn. Bà con nông dân ở các tỉnh đều khẳng định CNR36 có nhiều đặc tính tốt, cứng cây, chịu thâm canh và đặc biệt cho năng suất cao, đã góp phần đáng kể nâng cao năng suất lúa xuân của Thái Bình cùng một số tỉnh trong khu vực.

Vụ xuân năm 2007, giống lúa lai CNR7111 của Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên Trung Quốc được Công ty CP giống cây trồng Thái Bình đưa về khảo nghiệm ở Thái Bình, đồng thời được đưa đi tham gia mạng lưới khảo nghiệm giống quốc gia tại các tỉnh đại diện cho 3 vùng sinh thái trong cả nước.

Qua theo dõi liên tục 4 năm gồm 8 vụ sản xuất, giống lúa lai CNR7111 có những đặc tính đáp ứng cho nguyện vọng của nông dân đó là năng suất cao, tính thích ứng rộng, kháng sâu bệnh tốt đặc biệt là chất lượng gạo rất ngon, là giống lúa lai có chất lượng gạo ngon nhất trong các giống lúa lai đang cấy phổ biến hiện nay. Với những đặc tính ưu việt nổi trội ấy, năm 2010, giống lúa lai CNR 7111 đã được Bộ NN & PTNT công nhận tạm thời và đưa ra sản xuất thử.

Để kỷ niệm thành quả 10 năm hợp tác khoa học, Công ty CP giống cây trồng Thái Bình và Công ty TNHH NN Công nghệ cao Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên (Xuyên Nông) đã đặt tên giống CNR7111 thành giống Thái Xuyên 111 (Thái Bình - Tứ Xuyên 3 nhất). Năng suất cao nhất, tính thích ứng và kháng sâu bệnh tốt nhất, chất lượng gạo ngon nhất.

Sự hợp tác Thái Bình và Tứ Xuyên trong 10 năm qua đã ghi lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, sự hợp tác này là cầu nối để cho Thái Bình và Tứ Xuyên có cơ hội giao lưu học tập giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Trong 10 năm qua các đồng chí lãnh đạo Trường Đại học nông nghiệp Tứ Xuyên, Ban Giám đốc và cán bộ của Công ty TNHH nông nghiệp Công nghệ cao đã nhiều lần sang Thái Bình trực tiếp giúp đỡ Công ty CP giống cây trồng Thái Bình đưa nhanh những giống lúa lai có nhiều đặc tính ưu việt vào sản xuất ở Thái Bình và Việt Nam.

Trong 10 năm qua các đồng chí lãnh đạo của Thái Bình đã sang thăm Trung Quốc và hàng trăm cán bộ của tỉnh và Công ty CP giống cây trồng Thái Bình sang Trung Quốc học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nhiều cán bộ đã hiểu sâu, nắm chắc công nghệ sản xuất lúa lai giúp cho quá trình chỉ đạo sản xuất của Công ty CP giống cây trồng Thái Bình có hiệu quả cao.

Nhờ sự hợp tác Thái Bình và Tứ Xuyên nên những giống lúa lai mới đã đưa vào sản xuất ở Thái Bình, từng bước thay đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ góp phần đưa năng suất lúa của Thái Bình vươn lên cắm những mốc son mới. Từ 5 tấn/ha năm 1965 lên 11,47tấn/ha năm 1993 và đến nay đã đạt 13,5 tấn/ha; Thái Bình trước sau vẫn là một trong những tỉnh có năng suất lúa dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng.

(*): Tác giả hiện là TGĐ Cty CP Giống cây trồng Thái Bình

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm