| Hotline: 0983.970.780

10 phút dùng nước, mất 1,8 tỷ đồng

Thứ Sáu 20/04/2018 , 13:30 (GMT+7)

Sống giữa lòng phố thị, nhưng gần trăm hộ dân 2 thôn Đất Đèn và thôn Tát 2 của xã Cam Đường, TP Lào Cai (Lào Cai) vẫn “khát” nước sạch.

Trớ trêu là vẫn hiện hữu ở đây một công trình cấp nước, đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM. Từng ngày, công trình nằm phơi mưa nắng, xuống cấp trong sự bất lực.
 

Tiền tỷ ném vèo qua cửa sổ

Năm 2012, để phục dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 91/114 hộ dân thôn Đất Đèn phải di dời tới nơi ở mới. Tại đây, các hộ dân được đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước máy, trong khi 23 hộ dân còn lại được ở chỗ cũ.

15-18-50_1
Công trình nước sạch 1,8 tỷ đồng không một giọt nước (Ảnh: MH)

Năm 2014, từ nguồn vốn xây dựng NTM, công trình nước sạch thôn Đất Đèn được đầu tư 1,8 tỷ đồng do UBND xã Cam Đường làm chủ đầu tư, do Cty CP Xây dựng số 1 Lào Cai thi công, mục tiêu cung cấp nước sạch cho 23 hộ dân thôn Đất Đèn và hơn 50 hộ dân thôn Tát 2. Cuối năm 2014, công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng trong niềm vui của hàng chục hộ dân.

Nhưng ngay sau khi bàn giao, công trình đã không có một giọt nước phục vụ nhu cầu người dân. Ông Trần Văn Xuân, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đất Đèn khẳng định, ông đã có ý kiến về việc nguồn nước lấy ở khe không bảo đảm cả về chất lượng cũng như lưu lượng trước khi công trình được xây dựng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công đã phớt lờ, trả lời nếu không thi công thì sẽ mất vốn!?

Còn ông Nguyễn Kim Cải, trưởng thôn Đất Đèn cho biết, ngay trong ngày bàn giao thì nước có về khoảng hơn 10 phút sau đó thì mất hẳn cho đến bây giờ. Thật oái oăm, 10 phút cấp nước mất toi hàng tỷ đồng.

“Mặc dù không được họp lấy ý kiến, nhưng khi cán bộ về khảo sát, chúng tôi đã có ý kiến là nguồn nước ở đây chảy rất yếu, nếu để làm nguồn cung cấp cho công trình thì sẽ không đủ. Nhưng họ nói không làm sẽ bị thu hồi vốn nên vẫn đè ra thi công. Kết quả là công trình hàng tỷ đồng bỏ phí mấy năm nay”, vẫn theo ông Cải.
 

Cái gì cũng “tắc”

Trong khi tiền tỷ ném qua cửa sổ thì từng ngày, người dân thôn Đất Đèn cũng như thôn Tát 2 vẫn phải sử dụng nước giếng khơi sinh hoạt. Có một điều khó hiểu, là theo người dân nơi đây, không hiểu vì sao, từ khi dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thi công thì hầu hết giếng nước trong thôn cạn đi?

15-18-50_2
Người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn “tắc” (Ảnh: LTĐ)

Bà Trần Thị Mùi, thôn Đất Đèn cho biết, trước giếng nhà bà sâu 4 - 5m nước, đường cao tốc làm xong, nước giếng tụt còn 2 - 3m. Nhiều hôm nước có mùi tanh, hôm thì rất đục. “Khi công trình nước sạch được xây dựng, chúng tôi mừng lắm, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi mà sáng bàn giao, chiều đã chẳng có giọt nước nào chảy về.

Để khắc phục, chúng tôi có mời đơn vị cấp máy lọc nước về tư vấn, lắp đặt máy lấy nước giếng lên dùng vậy. Tuy nhiên, khi kiểm tra họ bảo nước giếng nhiễm chì nặng lắm. Chúng tôi rất hoang mang, mong cơ quan chức năng có kết luận chính xác về chất lượng nguồn nước giếng đang sử dụng”, bà Mùi nói một tràng dài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Long, Chủ tịch UBND xã Cam Đường cho biết, về công trình nước sạch tại thôn Đất Đèn, UBND xã đã nhiều lần báo cáo TP Lào Cai xác định nguyên nhân thì được trả lời, do thi công đường cao tốc nên ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp cho công trình.

“Chúng tôi xin hướng giải quyết thì được TP trả lời, nếu có nguồn nước bảo đảm sẽ khôi phục lại công trình. Chúng tôi đề nghị, nếu không khắc phục được thì thanh lý, thu hồi một phần vật tư như đường ống, các van... Việc nguồn nước nước giếng bị ô nhiễm, cơ quan chức năng tỉnh đã về lấy mẫu gần tháng nay nhưng chưa có kết quả”, ông Long thông tin.

Cũng theo ông Long, xã đã có ý kiến với Cty cấp nước TP Lào Cai đưa nước máy về cho bà con, nhưng do phải đầu tư hạ tầng với nguồn kinh phí lớn lên chưa thể triển khai. Chính vì vậy, trước mắt bà con vẫn phải sử dụng nước giếng thôi.

15-18-50_3
Từng ngày, mấy trăm con người vẫn dùng nước giếng (Ảnh: MT)
Trong khi công trình không cấp được nước, chính quyền chưa có hướng giải quyết thì người dân vẫn phải dùng nguồn nước tanh hôi đến tắc thở. Câu hỏi đặt ra, ai là người chịu trách nhiệm về sự lãng phí liên quan tới công trình nước sạch này? Phải chăng, việc sử dụng tiền xây dựng NTM quá dễ dãi nên đã vung tay!

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.