| Hotline: 0983.970.780

100ha - 50 cuộc họp với 499 hộ dân và giải pháp cấp bách ở Lam Sơn

Thứ Ba 25/10/2016 , 14:30 (GMT+7)

Với mô hình tích tụ mới, nông dân vẫn giữ vai trò là người nắm quyền sử dụng đất, đã được Nhà nước giao để cho thuê, góp hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất này, hợp tác liên kết lâu dài cùng với doanh nghiệp sản xuất nông sản hàng hóa, theo nguyên tắc hai bên thỏa thuận, chính quyền địa phương thừa nhận...

Đất đai manh mún thực sự là bài toán quá khó, kể cả với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh. Câu chuyện ở Cty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO) là một ví dụ điển hình.
 

Nút thắt đất đai

Tại một diễn đàn phát triển doanh nghiệp nông nghiệp do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức vừa qua, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) đã có những đề xuất cấp thiết cần sớm có cơ chế, chính sách giải quyết vấn đề tích tụ đất đai, hướng đến sản xuất lớn.

16-42-03_ong-le-vn-tm
Ông Lê Văn Tam
 

Cụ thể, người đứng đầu LASUCO khẳng định: Vấn đề đất đai đang là rào cản thật sự với doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Vì đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi khiến DN rất khó tích tụ ruộng đất sản xuất lớn. Do vậy, để giải quyết được vấn đề này, phải có các chính sách đổi mới thực sự về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai như hiện nay.

Ông Tam tha thiết: “Báo cáo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nếu chúng ta không có cơ chế mới về đất đai thì khó sản xuất lớn được.

Đất đai manh mún, nông dân bỏ ruộng rất nhiều. Tài sản quý như vậy đang bị lãng phí, chúng ta không thể làm ngơ. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hết sức rủi ro, các doanh nghiệp không vào được… Đây là vấn đề rất lớn đang đặt ra, vì vậy cần phải có chính sách phù hợp”.

Chưa hết, trong nhiều cuộc hội họp khác, ông Tam liên tục khẳng định rằng: Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đất đai vẫn là khâu vướng mắc nhất của LASUCO.

Thực tế ở Cty CP Mía đường Lam Sơn và các vùng mía nguyên liệu ở Thanh Hóa đã chứng minh, những đề xuất của người đàn ông đã được phong tặng Anh hùng Lao động là hoàn toàn xác đáng.

Thanh Hóa có hơn 30.000ha mía nguyên liệu, mỗi năm sản xuất từ 270.000 đến 280.000 tấn đường, với giá bán khoảng 700 USD/tấn sẽ mang lại khoảng 210 triệu USD.

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành mía đường theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, phấn đấu sản xuất 500.000 tấn đường mỗi năm để mang lại giá trị kinh tế khoảng 300 triệu USD thì cần phải có những gắn kết công - nông nghiệp, đưa giá trị kinh tế mía đạt 400 triệu, thậm chí 500 triệu đồng/ha.

Lời giải cho bài toán này cần phải đổi mới phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ manh mún sang phương thức liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa.

16-42-03_tich-tu-dt-di-o-lm-son
Tích tụ đất đai ở Lam Sơn
 

Theo ông Tam, khó khăn nhất là khâu tổ chức sản xuất. Đất đai manh mún, trong khi cây mía có thời gian sinh trưởng dài, tới 12 tháng. Trong thời gian này, việc sản xuất phụ thuộc vào sức người quá nhiều dẫn đến chi phí sản xuất tăng kéo theo giá mía nguyên liệu tăng, hiệu quả sản xuất giảm. Nếu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giá thành mía nguyên liệu sẽ chỉ còn từ 300.000 đến 350.000 đồng/tấn.

Với mô hình tích tụ mới, nông dân vẫn giữ vai trò là người nắm quyền sử dụng đất, đã được Nhà nước giao để cho thuê, góp hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất này, hợp tác liên kết lâu dài cùng với doanh nghiệp sản xuất nông sản hàng hóa, theo nguyên tắc hai bên thỏa thuận, chính quyền địa phương thừa nhận và bảo hộ, đã và đang được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng tình và khuyến khích mở rộng phát triển.

Năm 2012, công ty thử nghiệm thuê đất của các hộ dân ở xã Vân Sơn (Triệu Sơn) để thực hiện mô hình tích tụ. Đó có thể xem là một cuộc cách mạng khi LASUCO để người nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với thời hạn 20 năm, hết thời hạn này thì đất lại thuộc về họ.

Công ty bỏ vốn hàng năm tổ chức sản xuất, người nông dân vẫn canh tác trên ruộng mía của họ mà không phải lo đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, lại được tính thêm tiền công lao động. Nông dân được chia 30% số tiền từ doanh thu bán mía cho công ty mẹ. Công ty dành 10% lợi nhuận để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất...

Mô hình này đã tạo ra thuận lợi: Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu mía ổn định, có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, người nông dân vẫn có việc làm, thu nhập ổn định, và đặc biệt họ vẫn có quyền giám sát phần đất của mình. LASUCO đã trả cho nông dân 1 sào/năm là 230kg thóc.

Ngoài ra, mỗi công lao động được công ty chi trả 150.000 đồng/ngày; nếu tham gia trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, hoặc hộ nào đảm nhận một sào được công ty trả công 1,7 triệu đồng/vụ.

Mặc dù vậy, theo thống kê, LASUCO phải trải qua gần 50 cuộc họp để bàn bạc, thỏa thuận, hoàn chỉnh các thủ tục và ký kết hợp đồng với 499 hộ dân để thuê lại 499 thửa đất nhỏ, lẻ. Tổng diện tích của cánh đồng lớn này rộng chỉ gần 100ha nhưng vẫn bị chia cắt làm 4 khu.
 

Giải pháp cấp bách ở xa lộ NNCNC

Trước thực tế quá nhiều khó khăn về tích tụ đất đai, LASUCO đã chọn một con đường liên kết hợp tác với nông dân và địa phương tổ chức lại sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi từ đồng ruộng đến thị trường, tạo ra khối lượng sản phẩm nông sản lớn, giá trị gia tăng cao, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp, nông dân và địa phương.

16-42-03_x-lo-nong-nghiep-cong-nghe-co
Sản xuất NNCNC
 

Sau nhiều cuộc bàn bạc, nghiên cứu giữa GS.TS Đỗ Năng Vịnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học NN Việt Nam) và ông Lê Văn Tam, tháng 12/2014, Trung tâm nghiên cứu, phát triển NNCNC Lam Sơn ra đời.

Cột mốc đánh dấu ý tưởng về xa lộ nông nghiệp công nghệ cao dọc đường HCM trở thành hiện thực. Được xây dựng trên diện tích 200ha, được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà nuôi cấy mô... theo công nghệ tiên tiến, mục tiêu của trung tâm là nhân giống, trồng, khảo nghiệm các giống mía mới, các loại cây ăn quả, hoa có giá trị kinh tế cao để phục vụ các đô thị công nghiệp.

“Chúng tôi đang hướng tới hợp tác xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc đường Hồ Chí Minh suốt từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, trong đó vùng Lam Sơn sẽ là hạt nhân trung tâm của “xa lộ” này”, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT LASUCO.

Tất nhiên không thể là câu chuyện của một sớm một chiều, nhưng những tín hiệu bước đầu có thể gọi là mỹ mãn. Chỉ trong vòng chưa đến một năm, trung tâm này đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hàng chục mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, mỗi mô hình hàng nghìn m2 tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân...

Sau đó, biên bản hợp tác giữa LASUCO với Viện Khoa học NN Việt Nam đã được ký kết. Phía Viện sẽ giúp đỡ công ty hoàn thiện hệ thống nhân giống mía, nhân giống cây có múi sạch bệnh, đầu tư nhà lưới theo công nghệ Israel với chi phí phù hợp nhằm phục vụ lộ trình phát triển Lam Sơn thành vùng NNCNC.

Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, Cty CP Mía đường Lam Sơn đã chỉ đạo Cty NNCNC Lam Sơn quy hoạch lại ruộng đất trên thực địa; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống đường giao thông, thủy lợi, hồ sinh thái, khu nhà kính, nhà lưới, trung tâm giới thiệu sản phẩm... bước đầu đạt được những kết quả khả quan, điển hình như mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, cây dưa đã cho năng suất, chất lượng, độ đồng đều cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân, mỗi hecta cho thu hoạch từ 80 đến 100 tấn, trị giá khoảng 2,4 đến 3 tỉ đồng/năm.

Ông Tam cho biết, từ nay đến năm 2017, công ty sẽ liên kết chuyển giao công nghệ cho 200 hộ nông dân và đến năm 2020 sẽ có 1.000 hộ liên kết với công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đủ để sản xuất một lượng hàng hóa ổn định cung cấp cho thị trường.

Từ đầu năm 2016 đến nay, LASUCO triển khai và đang tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết hợp tác với nông dân, chính quyền thị trấn Vạn Hà và xã Thiệu Đô xây dựng cánh đồng mẫu lớn 168ha (Vạn Hà 138ha, Thiệu Đô 30ha) để sản xuất lúa gạo sạch chất lượng cao theo phương pháp hữu cơ (không dùng thuốc trừ sâu hóa chất) thân thiện với môi trường, hàm lượng protein cao, các bon thấp. Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, giải phóng sức lao động nặng nhọc cho nông dân, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.

Mô hình "3 dưa, 1 hoa": Thu lãi 500 - 600 triệu đồng/ha

LASUCO đã đầu tư hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho một số hộ nông dân trong vùng xây dựng nhà lưới diện tích 1.000 m2/hộ để trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu và hoa.

Trong một năm, các hộ đã trồng được 3 vụ dưa, 1 vụ hoa, cho thu khoảng 120 triệu đồng/1.000 m2, tương đương 1,2 tỉ đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng, tương đương 500 - 600 triệu đồng/ha.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.