| Hotline: 0983.970.780

11.000 tỷ đồng phát triển mắc ca ở các tỉnh Tây Nguyên

Thứ Ba 26/07/2016 , 07:30 (GMT+7)

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Cty CP Him Lam (cổ đông sáng lập chủ chốt của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) cam kết dành trên 11.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca...

* 11.000 tỷ đồng và NM mắc ca 5.000 tấn/năm

* Hỗ trợ 60.000 cây giống cho người dân Lâm Đồng

17-27-35_ong-phm-s-pct-ubnd-tinh-lm-dong-cm-ket-to-dieu-kien-cho-dn-du-tu-vo-mc-c
TS.Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong việc phát triển mắc ca trên địa bàn

 

Đầu tháng 6 năm nay, tại Đà Lạt, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Cty CP Him Lam (cổ đông sáng lập chủ chốt của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) cam kết dành trên 11.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

11.000 tỷ đồng cho mắc ca

Chúng tôi vừa có chuyến khảo sát mắc ca vùng Tây Nguyên cùng đoàn của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Trên xe từ TP Đà Lạt đi Lâm Hà, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội, thành viên HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chia sẻ, Tập đoàn Him Lam đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến. Phía Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ cung ứng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp trồng và chế biến mắc ca.

Tôi nói với ông Huy rằng, các ông đang hướng những đồng vốn vào nông nghiệp, một lĩnh vực làm thì khó, rủi ro thì cao. Ông Huy bảo, cũng có chút liều lĩnh nhưng kinh doanh là vậy. Hơn nữa, chúng tôi đã có những trải nghiệm khá sâu sắc trên thương trường, đặc biệt với mắc ca chúng tôi tin sẽ thành công.

Ông Huy không đề cập nhiều về những “toan tính thành công”, điều ông trăn trở chính là phải làm sao cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền đến tận người dân hiểu cặn kẽ về mắc ca để việc đầu tư thật sự có hiệu quả.

Tôi để ý khi tiếp xúc với người dân đã trồng mắc ca 7 – 10 năm tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk, ông Huy hỏi nhiều về họ các biện pháp kỹ thuật và đề nghị của họ đối với lộ trình phát triển mắc ca. Tôi nghĩ rằng, người dân sẽ kêu về vốn đầu tư hoặc chính sách hỗ trợ... nhưng không phải.

Đồng bào ở đây cho hay, trồng mắc ca “khỏe” hơn các loại cây trồng khác. Mắc ca được trồng xen với cà phê, tiêu nên đã tận dụng triệt để diện tích hiện có, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cây trồng khác. Chính trồng xen này, mắc ca đã hỗ trợ cho cà phê, tiêu điều hòa không khí, nhất là mùa nắng.

Đề cập đến các biện pháp kỹ thuật, họ cho rằng phải đặc biệt chú ý đến chất lượng giống cây và hố trồng. Ngoài việc tiếp xúc với các hộ dân, chúng tôi còn khảo sát tại vườn giống của Cty CP Vina Mắc ca để có thêm nhận định.

Theo khuyến cáo của người dân và các cán bộ kỹ thuật thì giống cây mắc ca tốt nhất phải là giống ghép từ giống cây đầu dòng, không dùng giống thực sinh (ươm từ hạt rồi đem trồng trực tiếp).

17-27-35_7h-mc-c-cu-ong-nguyen-vn-cuc-trong-xen-voi-vuon-tieu-cho-thu-nhp-hng-ty-dong-moi-nm
Ông Nguyễn Văn Cúc (trái) chia sẻ về biện pháp kỹ thuật trồng mắc ca xen với tiêu cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm

 

Về hố trồng thì rộng 70cm và sâu 70cm. Lý giải điều này, họ cho rằng cây mắc ca khi phát triển có tán rộng, nhiều lá, rễ cây phát triển chậm hơn tán lá. Do đó, hố đào sâu để khi có mưa, gió, cây không bị đổ. Trước khi mang trồng cắt bỏ khoảng 2cm phía dưới bầu, kể cả rễ, bỏ bọc bầu ra.

Một vấn đề khác cũng được người dân đặc biệt quan tâm đó chính là đầu ra cho sản phẩm. Họ cho rằng, trong vài ba năm tới việc tiêu thụ sản phẩm không mấy khó khăn. Về lâu dài, đây sẽ là bài toán mà các nhà đầu tư và Nhà nước cần “toan tính” ngay từ bây giờ để giúp người dân.

Những trăn trở lo âu của người dân được ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam ghi chép đầy đủ. Nói chuyện với người dân, ông Huy động viên nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích. Về phía Hiệp hội sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để có giải pháp tốt nhất trong việc kiểm soát chất lượng giống.

Về tiêu thụ sản phẩm, ông Huy cam kết rằng, nhà máy của Tập đoàn Him Lam được xây dựng ở Lâm Đồng sẽ giải quyết căn cơ bài toán đầu ra sản phẩm.

Làm cho dân giàu thì không đắn đo

Qua hai ngày khảo sát thực tế tại cơ sở, chiều 19/7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các Sở, ngành liên quan có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Buổi làm việc do TS.Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì.

Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch trồng mắc ca trên địa bàn. Đây là cơ sở để các địa phương có lộ trình thực hiện. Từ năm 2006 đến năm 2020 diện tích cây mắc ca trồng xen dự kiến đạt 3.500-4.000 ha, diện tích thu hoạch khoảng 950 ha, năng suất bình quân 1,8 tấn/ha, sản lượng đạt 1.700 tấn hạt/năm (tập trung ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng…).

Trước mắt, ưu tiên phát triển mắc ca trồng xen cà phê tại các xã đã thực hiện thành công tiến tới mở rộng các xã khác. Theo đó, đến năm 2030 diện tích cây mắc ca trồng xen sẽ đạt 12.000 ha – 15.000 ha, diện tích thu hoạch khoảng 4.000 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha, sản lượng đạt 8.000 tấn hạt/năm.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, sau 2 tháng gửi văn bản ra Bộ NN-PTNT xung quanh vấn đề phát triển mắc ca đến nay chưa nhận được hồi âm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S giao Sở NN-PTNT chủ trì thành lập Hội đồng xét công nhận chất lượng giống cây mắc ca và giao Sở có nhiệm vụ huy động các nhà khoa học, nhà chuyên môn và nông dân có kinh nghiệm cùng tham gia.

“Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là cái gì đã được thí điểm, thành công và thế giới họ đã làm rồi, không vi phạm pháp luật thì cứ thế mà làm. Làm ở đây là làm cho dân giàu, nên cần phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành. Không đắn đo”, ông Phạm S khẳng định.

Tại buổi làm việc, ông Phan Hưng Long, Phó TGĐ Cty CP Him Lam (Tập đoàn Him Lam) cho biết: Năm 2016, số cây đầu dòng Cty đã chuẩn bị được 1.500 gốc, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá đảm bảo chất lượng. Trong năm nay sẽ ươm đủ 60.000 cây giống mắc ca và sẽ phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để mang toàn bộ số cây giống này hỗ trợ 100% cho người dân.

17-27-35_ong-long-cm-ket-bo-tieu-ton-bo-sp-mc-c-cho-nguoi-dn-v-trong-nm-ny-ti-tro-60000-cy-giong-cho-lm-dong
Ông Phan Hưng Long, Phó TGĐ Cty CP Him Lam cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca của người dân. Trong năm nay sẽ tài trợ 60.000 cây giống mắc ca cho người dân Lâm Đồng

 

Với chiến lược của Tập đoàn Him Lam, ông Long cho hay, năm 2017, năng suất giống của Cty có thể đạt đến 1,2 triệu cây. Cty lựa chọn rất kỹ, những cây 2 năm liền có năng suất, chất lượng quả tốt mới sử dụng làm cây đầu dòng.

Về lộ trình, Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mắc ca công suất 5.000 tấn/năm đi vào hoạt động năm 2018 tại Lâm Đồng. Dự kiến sản lượng mắc ca của 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ ít. Do đó, Tập đoàn chủ động cung ứng giống và các khả năng có thể để hỗ trợ tối đa cho người dân mở rộng diện tích.

Ông Long cho biết thêm, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 3.000 tấn mắc ca. Trong khi, Trung Quốc đặt hàng toàn bộ sản lượng của Úc. Vì thế, về lâu dài, việc tiêu thụ sản phẩm không mấy khó khăn, hiện tại thì rất thuận lợi.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt UBND tỉnh, ông Phạm S khẳng định, cấp ủy, chính quyền và người dân Lâm Đồng sẽ ủng hộ việc phát triển mắc ca. Tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì việc giám sát chất lượng nguồn giống và tổ chức sản xuất 100% giống ghép (không dùng giống thực sinh).

Ông S nhắc lại, Lâm Đồng có đất đai và lao động, nhiều người dân có kinh nghiệm trồng mắc ca nhưng cái thiếu chính là vốn. Ngay lập tức, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Huỳnh Ngọc Huy cam kết: Vốn không lo, ngay cả việc ân hạn cho nông dân, so với các ngân hàng khác, Liên Việt dành hẳn 5 năm. Điều ông Huy mong muốn chính là người dân phải nắm chắc các kỹ thuật trồng và chăm sóc để sản xuất có hiệu quả.

+ Những năm gần đây trên địa bàn nở rộ việc phát triển mắc ca nên thương lái bán giống rất nhiều. Thậm chí nhiều gia đình có mắc ca cho thu hoạch đã chủ động ươm giống rồi bán, ít thực hiện biện pháp ghép, giới chuyên môn cho rằng, đây sẽ là giống không đảm bảo. Vấn đề này được đại diện Hiệp hội Mắc ca hết sức lưu ý.

+ Bà Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị cần hình thành các tổ hợp tác để hộ dân liên kết sản xuất. Muốn vậy phía Tập đoàn Him Lam có kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của tổ cũng như tập huấn, đào tạo; đề nghị phía ngân hàng có vốn vay ưu đãi…

+ Ông Phạm S tán thành việc thành lập các tổ hợp tác. Việc ngân hàng có vốn vay và lãi suất thế nào, tỉnh đề nghị ngân hàng có văn bản cụ thể thông báo đến tận người dân. Còn việc đề nghị DN hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nghề, vấn đề này sẽ do ngân sách tỉnh chi trả, không làm phiền DN.

 

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.