| Hotline: 0983.970.780

12,8 triệu nông hộ và 78 triệu mảnh ruộng tiến lên sản xuất lớn kiểu gì?

Thứ Hai 13/02/2017 , 08:35 (GMT+7)

Khi được “cởi trói” bởi Khoán 100 rồi Khoán 10, mô hình kinh tế nông hộ đã phát triển đột phá thì nay có nguy cơ thành một cản trở. Ngót 30 năm trôi qua, nền sản xuất nhỏ lẻ mà đặc trưng nhất là ở miền Bắc với mỗi nhà 3-4 sào ruộng, 1 con bò mẹ, 1-2 con lợn sề, tự cung tự cấp là chính, thừa mới đem ra chợ bán gần như vẫn không thay đổi.

Nông hộ là bất lợi

Thời chiến tranh, chỉ với 5% đất được chia nhưng kinh tế nông hộ lại đóng góp một phần nhân lực, vật lực đáng kể cho việc thống nhất đất nước. Thời bình, cũng chính nông hộ được “cởi trói” thông qua Khoán 100, Khoán 10, giao đất từ các HTX “cha chung không ai khóc” về từng hộ gia đình đã biến Việt Nam từ đói ăn triền miên thành nước xuất khẩu lương thực có tiếng.

14-49-42_dsc_6969
Sản phẩm của kinh tế nông hộ
 

Ngót 30 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi mà nông hộ vẫn không thay đổi. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức với 12,8 triệu nông hộ và 78 triệu mảnh ruộng thì tiến lên sản xuất lớn kiểu gì?

Ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhận định: Mô hình kinh tế hộ hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp. Đã là kinh tế là phải bán được hàng hóa còn nếu chỉ tự làm tự ăn thì vào dạng rất nguyên thủy. Hàng hóa muốn bán được phải có chất lượng, có quy mô (trừ các đặc sản), có thương hiệu, cần các khâu khác hỗ trợ như chế biến, vận chuyển…

Rõ ràng là nông hộ hiện nay đang không làm được điều đó. Bởi không làm được nên càng sản xuất càng rủi ro vì bị động, không hoạch toán được lợi nhuận kỳ vọng, vì chi phí nhiều mà lợi nhuận lại ít ỏi. Xã hội hiện đại, phố xá mọc lên khắp nơi nhưng tốc độ phát triển của nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng. Nhiều nông dân không thiết tha nông nghiệp, đầu tư rất thấp vào ruộng đồng thậm chí còn bỏ hoang. Ngược lại, cũng đất đai ấy, con người ấy mà sản xuất ở quy mô lớn thì lại có lợi thế về mọi mặt.

Theo ông Thịnh, nông thôn và nông nghiệp vẫn không thể bỏ rơi được bởi nó vừa có ý nghĩa về môi trường vừa giải quyết công ăn việc làm vì không như công nghiệp sẽ không thải ra những lao động quá già, không đáp ứng được nhu cầu. Dù gì đi nữa lao động trong nông nghiệp có tự do, sáng tạo, thoải mái nên cảm xúc hơn, hạnh phúc hơn so với lao động công nghiệp.

14-49-42_dsc_7002
Lên đường đi làm đồng
 

Nông hộ cần phải thay đổi, cần phải cải cách theo kiểu tiệm tiến lên quy mô lớn hơn, liên kết tốt hơn chứ không thể mãi như hiện nay. Bên cạnh mô hình nông hộ có thể có mô hình tập trung ruộng đất lớn thông qua doanh nghiệp, mô hình liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng, mô hình nông dân cùng nhau góp đất. Ở Hiệp Hòa đã manh nha những mô hình như vậy như HTX Hưng Thịnh, HTX sản xuất và tiêu thụ rau cần Hoàng Lương và đặc biệt là HTX Đồng Tâm 3 nơi lần đầu tiên nông dân cùng nhau góp đất để cùng làm như công nhân nông nghiệp.
 

Nông hộ giờ ra sao?

Tôi làm cuộc điều tra xã hội học quy mô ở Đồng Tân - một xã nghèo nhất nhì huyện Hiệp Hòa với nhiều thông số về nghề nghiệp, nguồn thu cũng như tài sản tích lũy. Là xã loại nhỏ nên Đồng Tân chỉ có 3.507 khẩu, nguồn thu chính vẫn là nông nghiệp với 451 hộ nông nghiệp, 204 hộ công nghiệp, 37 hộ xây dựng, 36 hộ thương nghiệp, 14 hộ vận tải… “Của chìm” của người nông dân ở đây không nhiều nhặn gì và cũng rất khó thống kê nhưng “của nổi” về nông nghiệp thì có 49 con trâu, 781 con bò, 4.423 con lợn, 15.259 con gà, 3.180 con vịt…

Chị Ngô Thị Yến thuộc vào hàng "phú nông" ở thôn Thắng Lợi bởi nhạy bén trong làm ăn, biết đi cùng lúc bằng cả “hai chân”. Chân thương mại là cửa hàng tại gia bán đủ thứ từ hạt giống, chai dầu, lọ nước mắm đến cái dép, cái khẩu trang. Chân nông nghiệp là 5 sào ruộng cấy, 2 con bò, 2 con lợn sề cùng dịch vụ cày thuê và vận tải. Năm thuận cũng như năm không, vợ chồng chị thu được khoảng 100 triệu nhưng đến phân nửa là nằm trên giấy tờ, nằm trong 7 quyển sổ nợ dày cộp, mỗi quyển cả trăm trang mà lúc nào họ cũng giữ kè kè bên người. Có những món trong đó đã lưu cữu 2-3 năm ròng trong khi buôn bán cò con kiểu này nợ một năm đã là hết lãi.

14-49-42_dsc_7022
Cảnh cày bừa ở nông thôn
 

Hộ anh Ngô Văn Long ở thôn Hòa Bình thuộc vào hàng trung nông nhưng lại có khát khao phát triển kinh tế theo hướng gia trại nên đã chấp nhận bỏ ngôi nhà ở giữa làng để ra rìa ngòi lập nghiệp trên mảnh đất rộng 2.000m2. Bởi thế đất trũng, mùa mưa hay bị ngập lụt nên anh mới nghĩ ra một mô hình nhà sàn của riêng mình, trên để ở dưới để chăn nuôi, lúc nào mưa ngập chuồng thì lùa lợn lên trên nhà…ngủ chung với người. Tổng suất đầu tư mất 500 triệu đủ để nuôi 6 lợn nái đẻ ra bao nhiêu chăn hết bấy nhiêu cộng với 250 vịt đẻ và 100 gà thịt.

Năm đầu tiên ra làm ăn quy mô cũng chính là lúc giá lợn rẻ rúng đến không ngờ, xuất lứa đầu trên 1 tấn thịt móc anh đã mất đứt hơn 20 triệu mà trong chuồng vẫn còn tồn hơn 60 con nữa nên tổng lỗ phải gấp đôi, gấp ba số đó. 20 năm lăn lộn đủ thứ nghề giờ đây anh vẫn phải gánh 132 triệu nợ ngân hàng, 100 triệu nợ chủ cửa hàng vật liệu, 120 triệu tiền nợ phường. Vay vốn qua kênh chính ngạch với lãi suất thấp để phát triển sản xuất vẫn chỉ là giấc mơ xa vời ở nông thôn hiện nay nên những người nông dân như anh Long vẫn phải huy động tiền bằng các hội phường. Nào là phường đồng niên, đồng họ, phường anh em, phường làng xã…

Cặp vợ chồng Nguyễn Văn Thực - Nguyễn Thị Tình ở thôn Quyết Thắng nghèo đích thực bởi có 5 khẩu nhưng chỉ có 2,5 sào ruộng nửa trồng lúa, nửa trồng màu. Đám ruộng đó giỏi mỗi vụ cho họ ngót 2 tạ thóc trong khi một tháng 5 miệng ăn trong nhà đã hết hơn 1 tạ. Đám con cái nhâng nhâng của họ đang tuổi ăn, tuổi lớn, không có chất đạm thì chỉ còn nước mỗi bữa vục 4-5 bát cơm trắng, ăn đến phưỡn bụng, ăn đến chống đũa mà thở mới chịu thôi.

Chị làm công nhân vệ sinh ở khu công nghiệp gần đó, tháng thu nhập 4 triệu còn anh ở nhà làm ruộng, nuôi 1 lợn sề, 1 bò mẹ, thỉnh thoảng đi phụ hồ thêm, kiếm được chừng 1 triệu nữa. Ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ là hồi môn của bố mẹ để cho, tài sản trong nhà không có gì ngoài con bò và cái xe máy Tàu trị giá hơn 1 triệu nhưng anh chị vẫn chỉ được xếp vào hộ cận nghèo.

Chuyện xóa nghèo vẫn được đều đặn “giao khoán” từ trên xuống dưới nên trước đó Ban rà soát hộ nghèo của thôn cũng có ý động viên để “nhặt bớt” các hộ nghèo đơn thân ra khỏi danh sách nhường chỗ cho các hộ đông con, khó khăn như gia đình anh Thực nhưng không thành. Lại đành phải theo ba rem là nhặt từ trên xuống dưới theo thang điểm kiểu như có ti vi chưa? Có rồi, cộng điểm. Có xe máy chưa? Có rồi, cộng điểm. Có điện thoại chưa? Có rồi, cộng điểm. Có nồi cơm điện, giường tủ… chưa? Có rồi, lại cộng điểm. Bất biết là cái ti vi, xe máy, điện thoại đấy đáng giá chỉ vài triệu, thậm chí vài trăm ngàn.

Lúc tôi đến thăm, lợn trong chuồng nhà vẫn phải khất tiền mua cám, bò chưa có chuồng mà chỉ che tạm bợ bằng một mảnh vải bạt, ngân quỹ của gia đình chị vỏn vẹn còn 29.000 đồng do vừa đi mua 1 kg ngô giống mất 135.000đ. Chị bảo số tiền đó đủ 1 lần đổ xăng để đi 1 kíp 4 ngày đến nhà máy, nếu chẳng may thủng xăm dọc đường thì chỉ còn nước ngửa tay mà vay.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.