| Hotline: 0983.970.780

14 lần tỉnh Quảng Trị ra 'tối hậu thư', tất cả đều... bất lực!

Thứ Tư 06/09/2017 , 09:05 (GMT+7)

Chưa từng thấy có một dự án nào tại tỉnh Quảng Trị mà có số văn bản, giấy tờ lại nhiều như dự án mắc ca ở Hướng Hóa. Chỉ tính riêng trong gần 2 năm qua, UBND tỉnh này đã ra 14 “tối hậu thư” về hạn cuối cùng phải giao đất cho dự án. Nhưng mọi việc vẫn ngưng trệ.

Quảng Trị không chỉ có gió Lào, cát trắng...

Đây là lời nói của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính từ năm 2015 khi được PV hỏi về tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh. Ông Chính còn nói: “Cây mắc ca không là vấn đề mới với chúng tôi. Từ năm 2014, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về phát triển mắc ca ở Hướng Hóa. Dù chưa có quy hoạch từ trên, nhưng chúng tôi vẫn làm, vì có lợi cho dân. Hiện nay, tỉnh đang thí điểm trồng 150 ha mắc ca năm 2015 và dự kiến quy hoạch 1.500 ha”.

Cây chưa bị phá đang phát triển rất tốt. Nếu như giao đủ đất cho Cty và bò không phá thì toàn bộ diện tích 587,2 ha cây mắc ca và chuối Nam Mỹ sẽ như thế này.

Vì sao ông Chủ tịch tự tin vậy?

Cho rằng gió Lào và cát trắng chỉ là cách nói bóng bẩy về Quảng Trị thôi, ông Chính tỏ ý không hài lòng, vì thực tế không hoàn toàn vậy. Nơi đây có những tiềm năng thu hút đầu tư, điều kiện để làm giàu ngay chính ở lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Chủ tịch dẫn chứng, ở huyện Hướng Hóa, gió từ Lào sang đã bị dãy núi Trường Sơn (Tây) chặn lại, nên rất mát mẻ. Gió chỉ nóng dần lên khi đổ ra phía biển, sau khi phơi nhiệt ở chặng đường 70 km từ Hướng Hóa. 

Mùa gió Lào lại là mùa mưa ở Hướng Hóa, nơi có nền nhiệt độ quanh năm thấp và tạo nên một vùng tươi mát rộng lớn, trên nền đất đỏ bazan. Điều kiện tự nhiên đó được UBND tỉnh đánh giá là thuận lợi để Hướng Hóa bổ sung phát triển cây mắc ca, bên cạnh thế mạnh về hồ tiêu và cà phê. Đặc biệt, vùng đất đỏ bazan khu vực quanh thị trấn Khe Sanh, độ cao từ 700 - 800 m so với mực nước biển càng phù hợp với loại cây mới này.

Thực tế, trước khi UBND tỉnh tính đến cây mắc ca để gắn với lợi thế tự nhiên đó, đã có DN sớm nhận ra. Họ vào, đầu tư lượng vốn lớn và làm. Mô hình phát triển mắc ca có lợi ngay, tin trước - làm sau và an toàn cho nông dân xuất phát từ đây.

Đấy là câu chuyện của hơn 2 năm trước. Còn hiện tại, một “mớ bòng bong” vẫn chưa biết tỉnh Quảng Trị gỡ cách nào.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa và các phòng ban liên quan thừa nhận, đa số các vướng mắc nêu trên xuất phát từ việc giao đất, thu hồi, kiểm kê đền bù đều... trên giấy.

Chính vì vậy, việc thu hồi tiền đền bù sai đối tượng để trả lại cho Cty My Anh là một việc khó. Nhưng cái khó hiện tại đã và đang diễn ra từng ngày là tình trạng hàng trăm con trâu, bò của người dân phá hoại cây mắc ca, chuối và dược liệu. Nếu cuối tháng 4 vừa rồi, Công an và Viện KSND huyện Hướng Hóa khám nghiệm có đến 150ha cây mắc ca, 10ha chuối, 5,5ha sắn và 5ha cây huê bị phá hoại, thì nay đã lên 200ha, thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng.

Nếu như giao đủ đất cho Cty và bò không phá thì toàn bộ diện tích chuối Nam Mỹ sẽ như thế này

Trước bức xúc của DN, tháng 7/2017, ông Nguyễn Đức Chính cùng các ban, ngành đi thực địa để kiểm tra. Chứng kiến những cây mắc ca cao quá đầu người xanh tốt, những cây chuối Nam Mỹ trổ buồng đồng loạt và hệ thống hạ tầng, nước tưới hiện đại làm thay đổi hàng trăm ha đất bấy lâu nay hoang hóa, ông Chính kỳ vọng dự án sẽ biến vùng đất này trở nên trù phú.

Khi được đưa đến địa điểm diện tích cây trồng bị cả đàn bò đang nhởn nhơ gặm, và diện tích đất đã được tỉnh này cho thuê, đã đền bù nhưng chưa trồng trọt được vì tranh chấp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã im lặng và lên xe trở về khi trời đã quá trưa.

“Tại thời điểm này, tôi không còn niềm tin vào các lời hứa hẹn về mốc thời gian “sẽ hoàn thành giao đất” cho dự án nữa. Đến hết tháng 6/2017 này, các vướng mắc không được giải quyết, chính quyền địa phương không đưa ra cam kết cụ thể, thì tôi sẽ kiến nghị ra Trung ương. Không thể đứng nhìn cơ ngơi của mình dần sa lầy vì những vướng mắc vô lý như trên được”, ông Trí rưng rưng nước mắt.

Trong đó, ngoài những kiến nghị giải quyết hàng loạt vướng mắc, còn có những biện pháp để chấm dứt tình trạng người dân thả trâu bò vào phá vườn cây, như việc đề nghị chính quyền bố trí khu đất để Cty khai hoang cho người dân canh tác...

Đặc biệt là lời đề nghị đầy tính nhân văn, rằng chính quyền sẽ làm đầu mối để Cty liên kết với người dân có đất trồng cây mắc ca và chia lợi nhuận 40/60, đối với những hộ dân không có khả năng lao động sẽ được Cty cho mượn 1 triệu đồng/hộ/tháng, đến khi có thu nhập từ cây mắc ca thì trả dần…
 

14 lần ra “tối hậu thư” và… thất bại

Thống kê của NNVN cho thấy, chưa có dự án nào ở Quảng Trị lại có số văn bản, giấy tờ chỉ đạo, gia hạn…. nhiều như dự án FDI đầu tư về cây mắc ca này. Chỉ trong vòng gần 2 năm, UBND tỉnh Quảng Trị đã 14 lần gia hạn thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc giao đất, giải quyết vướng mắc cho Cty My Anh – Khe Sanh.

Xin được nêu ra một vài dẫn chứng:

Ngày 12/1/2016, UBND tỉnh Quảng Trị ra Thông báo số 12 chỉ đạo “UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm nhằm tháo gỡ vướng mắc cho Cty trước ngày 20/1/2016”. Đến ngày 22/2/2016, UBND tỉnh này lại ban hành Thông báo số 27: UBND huyện Hướng Hóa khẩn trương thực hiện và hoàn thành thủ tục trình UBND tỉnh giao đủ diện tích đất cho Cty My Anh – Khe Sanh; hoàn thành trước ngày 10/3/2016”. Đến tháng 4/2016, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi.


Phần diện tích bị bò phá hoại hiện Cty đang cày để trồng lại.

Ngày 29/4/2016, UBND tỉnh Quảng Trị lại ra Thông báo số 77 sau khi “họp bàn biện pháp giải quyết vướng mắc trong giao đất cho dự án mắc ca”. Lần này, tiếp tục gia hạn “Hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước 15/5/2016”.

Nhưng hết tháng 5, DN vẫn không có đất để khai hoang, xuống giống. Ngày 7/6/2016, UBND tỉnh này lại ra Thông báo số 102 với “chỉ lệnh” của Chủ tịch UBND tỉnh: Hoàn thành việc giao đất trước 15/7/2016.

Đúng ngày 16/7, UBND tỉnh Quảng Trị lại tổ chức cuộc kiểm tra tiến độ giao đất cho dự án FDI. Và “nhà đầu tư vẫn tiếp tục kêu ca, phàn nàn”. Lại tiếp tục gia hạn: Phải hoàn thành giao đất trong tháng 7/2016.

Tháng 7 lại trôi qua. Đất vẫn không được bàn giao. Ngày 3/8, UBND tỉnh Quảng Trị lại phát văn bản hỏa tốc số 3073 “Về việc khẩn trương giải quyết các vướng mắc tại dự án trồng cây mắc ca”.

Lần này, gia hạn: Hoàn thành việc giao đất trước ngày 10/8/2016. Đến ngày 1/9, UBND tỉnh này lại phát văn bản số 3508; lại tiếp tục chỉ đạo: “UBND huyện Hướng Hóa kiểm tra làm rõ và tìm biện pháp giải quyết các tồn tại, vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho Cty khai hoang trồng cây mắc ca kịp thời vụ; hoàn thành trước 15/9/2016.

Cho đến tháng 12/2016, DN FDI này vẫn tiếp tục phát văn bản kêu cứu vì không được giao đất đúng tiến độ. Ngày 9/12, tại Thông báo số 223, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ ra 8 nhiệm vụ cấp bách và yêu cầu UBND huyện Hướng Hóa tổ chức hiện hoàn thành trước 25/12/2016. Nhưng, đến cuối tháng 12, vướng mắc vẫn như cũ. Lại tiếp tục gia hạn bàn giao đất: Hoàn thành trước 10/1/2017.

Nhưng thêm nhiều lần nữa, mốc gia hạn không được thực hiện. Cty My Anh – Khe Sanh tiếp tục có nhiều văn bản kêu cứu gửi Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị. Gần đây nhất, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, hạn của UBND tỉnh đối với Hướng Hóa là 31/8/2017 phải giao đất. Nhưng đến nay, đã đầu tháng 9, tình hình chưa có gì chuyển biến.

Sự bất nhất của chính quyền thể hiện rõ ràng qua các văn bản chỉ đạo và… không thực hiện. Ngay như việc ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã từng tuyên bố đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét để điều chuyển Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nhận nhiệm vụ khác vì không hoàn thành việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư tại địa phương cũng không được thực hiện.

“Tỉnh luôn nhớ những điều đã cam kết, tạo điều kiện cho các DN và nếu nơi nào đó không thực hiện được điều đã cam kết thì sẽ bị thay thế. Đây là vấn đề tỉnh Quảng Trị đã khẳng định nhiều lần. Bí thư Tỉnh ủy cũng đã có ý kiến như vậy”, ông Chính đã từng nói như thế.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm