| Hotline: 0983.970.780

140 cán bộ và một năm thu ngân sách 20 triệu đồng

Thứ Hai 24/12/2012 , 10:00 (GMT+7)

Là một tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nhưng một số huyện miền núi của Quảng Ninh còn nghèo lắm. Ba Chẽ, Tiên Yên... là những huyện được coi là nghèo nhất. Nhưng ở đó có những xã lượng cán bộ đông xấp xỉ số hộ dân, trong khi đó, thu ngân sách trên địa bàn một năm chỉ vài chục triệu đồng.

Báo NNVN đã có loạt bài “Ngân sách nào kham nổi?”, phản ánh tình trạng nhiều cán bộ cơ sở nhưng hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của nhân dân. Câu chuyện  cán bộ một lần nữa được nhắc đến khi PV tìm hiểu tại Quảng Ninh, nơi công tác cán bộ như một bức tranh có nhiều gam màu sáng, tối. 

140 cán bộ và một năm thu ngân sách 20 triệu đồng

Là một tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nhưng một số huyện miền núi của Quảng Ninh còn nghèo lắm. Ba Chẽ, Tiên Yên... là những huyện được coi là nghèo nhất. Nhưng ở đó có những xã lượng cán bộ đông xấp xỉ số hộ dân, trong khi đó, thu ngân sách trên địa bàn một năm chỉ vài chục triệu đồng.

“Vẫn thiếu một cán bộ chuyên trách”

Thanh Sơn là một trong những xã còn khó khăn nhất của huyện miền núi Ba Chẽ. Ở xã này, cuộc sống người dân còn nặng tính tự cung tự cấp, cộng thêm với sự hỗ trợ của Nhà nước. Ấy thế mà chỉ với 1.600 nhân khẩu, 380 hộ, mà xã có tới 140 cán bộ cả xã và thôn. Làm phép tính đơn giản, mỗi cán bộ “quản” hơn 10 người dân.

Ông Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn, Phạm Văn Tâm, khi tiếp xúc với PV, vẫn than rằng công việc nhiều, lượng cán bộ thì ít. Ông Tâm bảo, Thanh Sơn là xã vùng 2, nếu theo quy định, xã được 23 chỉ tiêu biên chế Nhà nước. Nhưng hiện nay, xã mới chỉ có 22 người, còn thiếu 1 người và đang tuyển thêm.

Cả xã Thanh Sơn có 9 thôn, dân số chủ yếu là dân tộc ít người. Ông Tâm cho biết, hệ thống chính trị ở xã thế nào ở thôn có như vậy. “Cán bộ thôn gồm trưởng thôn, bí thư, phó trưởng thôn, thanh niên, cựu chiến binh, chi hội nông dân, trưởng ban công tác mặt trận thôn, phụ nữ, công an viên... Mỗi thôn có 10 người. Xã có 9 thôn, có 90 cán bộ thôn. Ở xã không có phó bí thư còn cấp thôn không có khuyến nông thôn”, ông Tâm liệt kê.

Ông Bí thư Đảng ủy xã cho hay, toàn bộ cán bộ không chuyên trách ở thôn đều hưởng phụ cấp từ ngân sách của tỉnh. Trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn “ăn lương” cao nhất, 1.050.000 nghìn đồng/tháng. Ở xã có 17 cán bộ không chuyên trách, cán bộ không chuyên trách này thì “ăn lương” 1.0 và 0.8 hệ số lương cơ bản.

“Xã tôi thuộc vùng 2 và theo quy định 23 người chuyên trách nhưng xã mới có 22 người, 13 người không chuyên trách. Còn cán bộ thôn thì hưởng phụ cấp theo chức danh theo quy định 92”, ông Tâm cho hay. Vì thế, theo ông Tâm, không thể “cắt” được bất cứ chức danh nào, vì quy định “ở trên” là như thế. “Nếu cắt, thì phần ngân sách đấy ai hưởng?”, ông Tâm nói.

Con số cán bộ mà ông Tâm liệt kê cho PV còn chưa được tính người làm  chuyên môn ở trạm y tế và các trường học, bởi theo ông Tâm “nó trực thuộc ngành y tế, giáo dục, là ngành dọc”.


Cán bộ các xã miền núi nhiều nhưng đời sống của người dân chưa được nâng lên (ảnh minh họa)

Ông Bí thư Đảng ủy xã bảo, trong những năm qua, công tác cán bộ của xã được thực hiện rất tốt, không có hiện tượng tiêu cực cũng như đáng tiếc nào xảy ra ở địa bàn. Tiền lương cán bộ không chuyên trách thì có nguồn ngân sách ở tỉnh, với người dân xã chỉ thu 3 khoản phí đền ơn đáp nghĩa, quỹ người nghèo, quỹ phòng chống lụt bão. Xã không có nguồn thu gì, là xã vùng sâu, vùng xa nên không được thu các khoản về nông nghiệp. Hiện ở xã chỉ thu được một phần kinh phí từ người dân, doanh nghiệp trồng rừng, còn như phí khai thác cát, sỏi thì huyện thu. Ở xã không có nguồn thu nên kinh tế rất eo hẹp. Mỗi năm, xã chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng.

Gần giống với xã Thanh Sơn, xã Điền Xá của huyện Tiên Yên cũng có khoảng 140 cán bộ trên tổng số khoảng 300 hộ, 1.400 nhân khẩu ở 7 thôn. Ông Tô Văn Khải, Chủ tịch UBND xã  Điền Xá, cho biết, xã có 43 cán bộ, trong đó có 19 cán bộ chuyên trách còn lại bán chuyên trách. Mỗi thôn có 14 cán bộ gồm mặt trận, nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh. 5 ngành này, mỗi ngành có 2 cán bộ là trưởng với phó, còn lại như trưởng thôn, và bí thư chi bộ, công an viên, khuyến nông viên.

“Hiện ở các thôn chưa có phó thôn và phó bí thư, bởi theo quy định dân số chưa quá 50 hộ/thôn. Trong tương lai, khi dân số tăng lên thì cán bộ thôn sẽ tăng, trong đó có phó trưởng thôn và phó bí thư chi bộ”, ông Khải cho biết. Vì lượng cán bộ đông, nên ông Khải nói rằng, UBND xã hiện đang còn thiếu phòng làm việc, mỗi đoàn thể ở một phòng, thậm chí có phòng chứa tới 3 đoàn thể.

“Đội công tác” của xã

Lượng cán bộ đông, mà vẫn thiếu, theo cách nói của Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn Phạm Văn Tâm. Và, “chưa có một điều gì đáng tiếc xảy ra trên địa bàn”, ấy vậy mà trong tháng 12/2011, các ông, bà: Đàm Văn Phật ở thôn Bắc Văn, Lê Văn Hồng và Đinh Thị Tiên, ở khu 7, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, đã có đơn thư phản ánh: Gia đình họ và hàng chục hộ dân khác đã được giao trồng hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn tại thôn Bắc Văn, thôn Khe Nà, xã Thanh Sơn đang bị “đội công tác” của xã, xâm hại.

Căn nguyên của câu chuyện trên là, thấy còn rất nhiều đất trống, đồi núi trọc bị xói mòn, ảnh hưởng đến môi sinh, bên cạnh cánh rừng mà họ được giao trồng, quản lý, những ông, bà trên đã tự mua cây giống trồng vào, để bảo vệ nguồn nước. Đến thời điểm này, cây đã lên xanh tốt. Những ngày cuối tháng 10/2011, họ thấy những nhóm người tự xưng là “Đội công tác của UBND xã Thanh Sơn” xông vào chặt phá không thương tiếc hàng chục ha rừng đầu nguồn này. Khi người dân hỏi, họ nói: chặt phá theo Quyết định số 54/QĐ-UBND, ngày 21/10/2011 của UBND xã Thanh Sơn . Tiền công phá rừng họ được trả là 150.000 đồng/người/ngày.

 Ông Lê Văn Hồng bức xúc cho biết: “Trong lúc tôi không có mặt ở trang trại, đội công tác đã vào chặt của tôi gần 2 ha rừng trồng trên đất trống, đồi núi trọc và hành lang đường liên xã Thanh Sơn - Đạp Thanh. Rừng tôi trồng mục đích để bảo vệ nguồn nước, làm bóng mát ven đường. Nếu Nhà nước thu hồi, chúng tôi sẵn sàng hiến tặng, còn việc, chặt phá rừng đầu nguồn “làm luật”, là việc làm gây rất nhiều bức xúc cho người trồng rừng”.

Việc quá nhiều cán bộ mà vẫn để xảy ra những bức xúc của nhân dân từ cơ sở, có lẽ không riêng gì ở xã Thanh Sơn. Một cán bộ làm công tác mặt trận ở địa phương thuộc huyện Ba Chẽ lý giải rằng, phải bầu đủ cán bộ theo quy định vì nếu kiêm nhiệm thì anh cũng sẽ không được trả đúng theo mức tính phụ cấp 2 chức danh. Như thế là thiệt thòi cho cả người kiêm nhiệm và người chuyên trách. Tiền nhà nước có riêng một khoản phụ cấp thì cần gì phải kiêm nhiệm để người khác mất cơ hội có được suất lương...

+ Theo Quyết định 515 của UBND tỉnh Quảng Ninh, quy mô thôn (bản) có từ 100 hộ dân trở lên; ở miền núi, hải đảo ít nhất có 50 hộ dân. Đối với khu phố, có từ 100 hộ dân trở lên nhưng không quá 350 hộ dân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh mức phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ thôn, bản, khu phố theo mức lương tối thiểu chung. Theo đó khoán cho mỗi xã, phường, thị trấn 14 định suất cán bộ không chuyên trách, mỗi suất được hưởng phụ cấp với hệ số bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung (theo Nghị định 121 của Chính phủ, có đến 19 định suất cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn).

 

 

+ “Không thể phủ nhận hiệu quả hoạt động của bộ máy thiết chế ở cơ sở, nhất là cấp thôn, bản. Tuy nhiên vì hoạt động chưa thực sự gắn với lợi ích của nhân dân nên bộ máy ngày càng cồng kềnh. Tình trạng trồng được 1 cây mà có tới 4-5 hội, đoàn thể làm báo cáo thành tích chủ yếu là do hệ lụy của tình trạng này. Cán bộ càng đông càng dễ chồng chéo chức năng và càng khó vận hành. Thực trạng hiện nay đang đặt ra vấn đề, hoạt động của bộ máy thiết chế cơ sở phải có nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải tăng người, tăng lương làm cho bộ máy ngày càng phình to như hiện nay”, GS Nguyễn Lân Dũng.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất