| Hotline: 0983.970.780

16 bệnh binh đòi bồi thường thiệt hại

Thứ Hai 12/05/2014 , 07:30 (GMT+7)

16 bệnh binh hạng 2/3 của xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đã nhất loạt phát đơn yêu cầu UBND huyện Quốc Oai phải bồi thường thiệt hại.

Theo nội dung đơn của các bệnh binh hạng 2/3 Nguyễn Danh Vấn, Nguyễn Xuân Tường, Nguyễn Thế Hiện… thì từ những năm 1981-1982, họ đã được cấp trên cho về quê để tham gia sản xuất nông nghiệp, đều là xã viên HTXNN và đều đã có HKTT tại quê.

nh134052594
Những bệnh binh ở Phượng Cách đang chờ UBND huyện trả lời đơn của họ

Năm 1992, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội) được chọn làm thí điểm giao đất canh tác lâu dài cho nông dân.

Ngày 3/8/1992 UBND tỉnh Hà Tây ban hành quyết định số 250-QĐ/UB “Ban hành bản quy định về giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đến các hộ nông dân”, đồng thời ngày 25/9/1992, UBND huyện Quốc Oai ban hành quy định số 278-QĐ/UB “Về việc giao ruộng đất lâu dài cho nông dân”.

Mặc dù 2 văn bản trên của tỉnh, của huyện đều xác định đối tượng đầu tiên được giao đất canh tác lâu dài là “lao động, nhân khẩu thuộc các hộ xã viên HTXNN”, và “có HKTT, có mặt ở địa phương đến ngày 15/10/1992”.

Xét theo 2 tiêu chuẩn trên thì họ hoàn toàn đủ điều kiện để được giao đất canh tác lâu dài. Và theo quy định của điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật Đất đai năm 1987; Khoản 2, Điều 24 Luật Đất đai năm 1993, thì thẩm quyền giao đất cho hộ gia đình, cá nhân là của UBND huyện.

Thế nhưng không hiểu sao UBND huyện Quốc Oai lại không giao đất canh tác cho họ, trong khi các bệnh binh hạng 1/3 và 3/3 thì lại được. Và đến ngày 20/3/1994, khi UBTVQH có Pháp lệnh “Về việc ưu đãi người hoạt động cách mạng, Liệt sỹ và gia đình Liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng”.

Mặc dù họ là đối tượng được ưu tiên theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Pháp lệnh trên (Thương binh, bệnh binh được ưu tiên giao đất, vay vốn với lãi suất thấp để sản xuất; được miễn hoặc giảm nghĩa vụ lao động công ích theo quy định của pháp luật; tùy hoàn cảnh cụ thể của từng người, khả năng của địa phương, được xét giải quyết đất ở, hỗ trợ nhà ở), nhưng UBND huyện cũng không điều chỉnh về trường hợp của họ.

Thấy mình bị thiệt thòi, những bệnh binh hạng 2/3 nói trên đã nhiều lần, nhiều năm có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, trả lại quyền lợi cho họ, nhưng đều không được giải quyết. Khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào TP Hà Nội, các bệnh binh trên đã gửi đơn đề nghị UBND Thành phố xem xét nguyện vọng của họ.

Các bệnh binh trên đều khẳng định, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3; Khoản 1 Điều 4; Khoản 1 Điều 5 và khoản 8 Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thì họ có đầy đủ căn cứ để đòi UBND huyện Quốc Oai phải bồi thường.

Ngày 15/6/2012, UBNDTP Hà Nội có công văn số 4575/UBND-TNMT, do Phó chủ tịch UBNDTP Vũ Hồng Khanh ký, chỉ đạo UBND huyện Quốc Oai giao đất canh tác cho số bệnh binh nói trên.

Ngày 10/12/2012, UBND huyện Quốc Oai có quyết định số 3465/QĐ-UBND, giao 6.336 m2 đất canh tác cho 20 người (16 bệnh binh hạng 2/3 và 4 công nhân mất sức có thời hạn). Kết quả là mỗi người trong số họ đã được nhận 316,8 m2 đất.

Nói về lý do đòi UBND huyện Quốc Oai bồi thường thiệt hại, bệnh binh hạng 2/3 Nguyễn Danh Vấn cho biết:

- Diện tích đất canh tác 316,8 m2 đó là quyền lợi mà chúng tôi được hưởng theo chính sách của Nhà nước. Lẽ ra ngay từ năm 1992 chúng tôi đã được nhận, được khai thác diện tích đó để có hoa lợi nuôi sống bản thân rồi. Nhưng UBND huyện đã loại bỏ chúng tôi khỏi danh sách những người được giao đất canh tác lâu dài một cách rất vô lý, mà không có bất cứ một lời giải thích nào, khiến chúng tôi mất nguồn sống.

Ngay từ năm 1993, chúng tôi đã có đơn đề nghị giải quyết việc đó rồi, nhưng chỉ đến năm 2012, tức là đúng 20 năm, chỉ sau khi có sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, thì UBND huyện mới chịu trả lại quyền lợi đó cho chúng tôi. 20 năm là 40 vụ, bình quân mỗi vụ, mỗi người chúng tôi thiệt hại 500 ngàn đồng do không thu được hoa lợi, tổng cộng mỗi người thiệt hại 22 triệu đồng.

Chúng tôi chỉ yêu cầu UBND huyện bồi thường cho chúng tôi khoản đó. Còn công sức đi kêu xin ròng rã suốt 20 năm, không biết bao nhiêu vòng từ huyện lên tỉnh, tính ra cũng không hề nhỏ, thì chúng tôi không yêu cầu huyện bồi thường.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất