| Hotline: 0983.970.780

Khuất Duy Tiến - Người chiến sỹ cộng sản trong sáng:

19 tuổi đi 'Vô sản hóa'

Thứ Hai 09/10/2017 , 08:42 (GMT+7)

Ngày Thủ đô Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng từ 5 cửa ô lớp lớp tiến về (10/10/1954), trong đó có một người lãnh đạo được các tầng lớp quần chúng yêu mến vô cùng. Ông là Khuất Duy Tiến, nguyên Phó Bí thư Thành ủy - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Cái nôi sinh anh tài của xứ Đoài

Ông Khuất Duy Tiến (1910 - 1984) (ảnh: Tư liệu gia đình)

Tôi từng có vài dịp về quê ông, xưa gọi là làng Thuần Mỹ, xã Thuần Mỹ, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện; nay là xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội. Làng xưa là đất văn hiến, cái nôi sinh anh tài của xứ Đoài. Riêng thế hệ ông, dòng họ Khuất đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều chiến sỹ cách mạng. Em ruột ông là bà Khuất Thị Bảy (Vĩnh), sau này là vợ đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị. Một người em họ gần gũi của ông là Khuất Duy Tiễn, tức Minh Tranh, nhà sử học, từng làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Sự thật (nay là NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật).

Cũng chính ông Khuất Duy Tiến người cán bộ đã nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở chính quê hương, đưa đến sự ra đời của chi bộ đầu tiên của Phúc Thọ. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên do ông gieo trồng, năm 1940, chi bộ đảng đầu tiên của Phúc Thọ được thành lập do ông Phan Trọng Tuệ (Phó Thủ tướng Chính phủ sau này) làm Bí thư. Chi bộ đầu tiên còn có các đảng viên nổi tiếng về sau là ông Nguyễn Huy Phường (tức Trung tướng Lê Hiến Mai - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH); bà Khuất Thị Bảy, người phụ nữ tham gia chỉ đạo giành chính quyền tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Yên) năm 1945…
 

“Chị nuôi” của báo chí cách mạng

Đó là bình luận của nhà sử học Trần Huy Liệu về Khuất Duy Tiến trong hoạt động báo chí thời kỳ Phong trào Bình dân.

Cuối năm 1936, khi luật ân xá chính trị phạm của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp được ban hành ở Đông Dương. Nhiều chiến sĩ cộng sản từ các nhà tù trở về. Trong số đó có ông Khuất Duy Tiến. Ông gia nhập ngay vào nhóm viết báo Le Travail (Lao động).

Không khí đấu tranh của báo chí tự do, cùng với các ông Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Phan Tử Nghĩa, Võ Nguyên Giáp, ông Khuất Duy Tiến đã tham gia tổ chức Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ và thành lập Hội Ái hữu Báo giới Bắc Kỳ. Hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc kỳ họp ngày 24/4/1937 tại Hội quán CSA số 1 phố Charles Coulier (nay là Câu lạc bộ Thể dục Thể thao phố Khúc Hạo).

Không chỉ tham gia viết báo tiếng Pháp, Khuất Duy Tiến còn viết báo tiếng Việt và tham gia vào lãnh đạo tòa soạn. Đó là tờ Tin tức, cơ quan ngôn luận của Đảng có trụ sở ở 105 phố H. D’Orlean (nay là phố Phùng Hưng). Viết báo cách mạng không có lương, mà còn phải góp tiền vào để ra báo, ai may mắn thì được tiền phụ cấp 4 đồng/tháng từ quỹ Đảng nhưng không phải ai cũng được. Trong hồi ký “Mặt trận dân chủ Đông Dương” (1960), ông Trần Huy Liệu hài hước kể lại: “Khuất Duy Tiến có một chị nuôi giàu thì không những không được tiền phụ cấp, mà còn phải góp tiền thêm để trả tiền in báo”.
 

19 tuổi đi “Vô sản hóa”

Tháng 9 năm 2016, có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi được gặp gia đình ông bà Phạm Thành Anh và Hoàng Tuyết Hạnh, người con nuôi của ông Khuất Duy Tiến. Những kỷ niệm về người cha, người chiến sĩ cách mạng lại ùa về trong bao nỗi xúc động.

Theo lý lịch tự khai, ông Khuất Duy Tiến sinh ngày 6/3/1910. Năm 16 tuổi, đang học ở trường Bưởi, ông đã tham gia phong trào yêu nước của học sinh Hà Nội, bãi khóa để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Tham gia vào tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Đông Dương Cộng sản Đảng.

Năm 1929, thực hiện chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng, ở tuổi 19, đang học trường Cao đẳng Thương mại ở Hà Nội, Khuất Duy Tiến đi “Vô sản hóa”, để có điều kiện vận động công nhân.

Hai chàng trai trẻ cùng tuổi 19 là Khuất Duy Tiến và Ngô Duy Ngụ (quê ở Hưng Yên) đã rời bỏ cuộc sống tương đối an nhàn của giáo viên và sinh viên đang có học bổng hồi đó. Họ cùng nhau xuống Nam Định, vào làm việc ở nhà máy điện để làm việc và đấu tranh cùng với công nhân lao động. Theo quy định của điều lệ Đảng hồi đó, ai là công nhân vào Đảng, chỉ làm đảng viên dự bị có 3 tháng là được trở thành đảng viên chính thức. Còn xuất thân tiểu tư sản như Khuất Duy Tiến, phải mất từ 10 đến 12 tháng mới được chuyển Đảng chính thức. Tuy nhiên, do tích cực hoạt động nên chỉ sau gần 2 tháng dự bị, chi bộ tôi đã đề nghị công nhận ông là đảng viên chính thức.

Tháng 3/1930, Khuất Duy Tiến được bầu làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nam Định, phụ trách các Đảng bộ Nam Định, Thái Bình. Cuối năm 1930, ông làm Ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu vực Hải Phòng.

Tháng 4/1931, do sự phản bội của Nghiêm Thượng Biền, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, ông Khuất Duy Tiến cùng nhiều cán bộ cao cấp khác đều bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Sáu năm ở địa ngục trần gian, năm 1936, nhờ phong trào Mặt trận Bình dân, ông được tha tù và trở về Hà Nội, tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Nhờ cuộc “Vô sản hóa” này, nhờ “Bốn cùng” với anh em công nhân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng đấu tranh, mà tôi đã học tập được nhiều ở anh em. Tôi đã hiểu rõ thêm nỗi khổ cực, khả năng làm việc, và sức mạnh đoàn kết đấu tranh của anh em công nhân. Nhờ đó mà tinh thần tôi thêm vững mạnh trong bước đường theo Đảng, tham gia hoạt động cách mạng. Nhờ đó mà tôi đã vượt được nhiều gian khổ trong thời gian hoạt động bí mật, trong những năm bị đế quốc Pháp tra tấn tù đày” (trích hồi ký của Khuất Duy Tiến)

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất