| Hotline: 0983.970.780

2 ngày nữa hết hạn đăng ký và kê khai giá: DN vẫn... bình chân

Thứ Sáu 08/10/2010 , 09:52 (GMT+7)

Chỉ còn 2 ngày nữa để 150 DN đăng ký và kê khai giá theo Thông tư 122 về quản lý giá của Bộ Tài chính. Nhưng theo Bộ này, tình hình “vẫn chưa đâu vào đâu”.

Phân bón là một trong nhiều mặt hàng phải đăng ký kê khai giá

Đến hôm nay (8/10), chỉ còn 2 ngày nữa để 150 DN đăng ký và kê khai giá theo Thông tư 122 về quản lý giá của Bộ Tài chính. Nhưng theo Bộ này, tình hình “vẫn chưa đâu vào đâu”.

Sữa, phân bón thờ ơ

Theo Bộ Tài chính, Thông tư 122 quy định về đăng ký và kê khai giá đối với các mặt hàng thiết yếu có hiệu lực từ 1/10. Nhưng để các DN chuẩn bị, Bộ này đã “giãn” thời gian đăng ký và kê khai giá cho 150 DN đến 10/10, tức là còn đúng… 2 ngày nữa, bao gồm: Ngành xi măng 8 DN; thép xây dựng có 18 DN; khí hóa lỏng 5 DN; than có Tập đoàn than khoáng sản; phân bón hóa học 11 DN; thuốc BVTV: 36 DN; thuốc thú y: 10 DN; muối: 10 DN; đường ăn: 8 DN; thóc gạo: TCT lương thực Miền Nam và TCT lương thực Miền Bắc. Với xăng dầu, tất cả các đầu mối kinh doanh đều phải đăng ký. Riêng mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi có 7 DN phải đăng ký giá gồm: Nestle Việt Nam, Dược phẩm 3A, Cty sữa Meiji Việt Nam, Cty Tiên Triên, Seryung, Mead Jonhson, Friesdlan Campina...

Tuy nhiên, qua trao đổi với NNVN, đa phần các DN đều chưa chuẩn bị, hoặc chưa có ý định đăng ký kê khai giá. GĐ đối ngoại của một DN sữa than thở, từ trước đến nay DN chưa thực hiện đăng ký kê khai, nên không biết sẽ có những trở ngại gì khi đưa sản phẩm ra thị trường nếu có tăng giá. Vài DN trước đây có đăng ký kê khai thì thắc mắc: có phải đăng ký lại không, hay chỉ khi có kế hoạch tăng giá mới kê khai…

Riêng 11 DN phân bón hóa học phải đăng ký kê khai giá đợt này thì vẫn “bình chân như vại”. Ông Nguyễn Hạc Thúy, PCT HH Phân bón Việt Nam, trao đổi với NNVN sáng qua (7/10), cho hay, các DN thuộc HH hiện vẫn chưa thực hiện đăng ký giá, và cũng không hiểu đăng ký kê khai thế nào. “Giá phân bón hiện đang nhấp nhổm tăng, và thực tế là đã tăng ở ĐBSCL, vì thế, hiện các DN đang tối mắt tối mũi để lo đầu ra, đầu vào, thời gian đâu mà đăng ký giá”, ông Thúy cho biết.

Vả lại, theo ông PCT HH thì để đăng ký, kê khai giá phân bón là điều không hề đơn giản, bởi lẽ, giá trong nước phụ thuộc quá nhiều và giá nguyên liệu thế giới. Chúng ta hầu hết phải nhập nguyên liệu, nên khó có thể niêm yết giá cố định trong một thời điểm.

Không đăng ký, phạt nặng!

Theo Cục Quản lý giá, Cục không phải là nơi tiếp nhận tất cả mà việc tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá được phân cấp cho 63 tỉnh thành. Có mặt hàng Sở Tài chính tiếp nhận, có mặt hàng các cơ quan khác tại địa phương tiếp nhận. Các cơ quan này có trách nhiệm rà soát cơ cấu, yếu tố hình thành giá.

Để rõ ràng hơn, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 154/2010/TT-BTC về quy chế tính giá mới nhằm kiểm soát tình trạng gian lận khi các DN thực hiện đăng ký, kê khai giá với cơ quan quản lý. Điểm mới của Thông tư 154 là không quy định giới hạn tỷ lệ từng loại chi phí để so sánh, đối chiếu khi tính toán giá thành sản phẩm mà phân biệt rõ các chi phí hợp lý, hợp lệ được phép tính vào cơ cấu giá thành; còn các loại chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá thành sản phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đây, theo thông tư 104, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ trên thị trường của mặt hàng tăng bình quân từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động thì Nhà nước sẽ thực hiện việc bình ổn giá. Đây chính là kẽ hở để các DN lách và tăng giá vô tội vạ như thời gian qua. Vì vậy, Cục Quản lý giá cho biết từ việc đăng ký kê khai giá theo Thông tư 122 hoàn tất, DN muốn điều chỉnh giá phải gửi bảng đăng ký kê khai cấu thành giá sản phẩm đến Cục hoặc cơ quan chức năng. Nếu giải trình hợp lý thì nơi này mới cho phép điều chỉnh. Mới đây nhất, đầu tháng 10, Cục Quản lý giá đã từ chối một DN phân bón tăng giá bán sau khi kiểm tra các cơ cấu giá thành và thấy rằng việc tăng giá chỉ nhằm tăng lợi nhuận chứ không phải do chi phí đầu vào.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, thì việc đăng ký kê khai giá từ các địa phương cập nhật đến hôm qua vẫn “chưa đầu vào đâu”. Lý do là các DN thờ ơ, chưa quan tâm đến khâu đăng ký, hoặc có thể chưa có thông tin về ngày hết hạn là 10/10. “Vấn đề ở chỗ, nếu không đăng ký kê khai, DN sẽ bị phạt nặng. Thậm chí, nếu đủ căn cứ cho thấy giá chênh lệch quá cao giữa đầu vào, đầu ra, DN có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh”, ông Thỏa nói.

Tuy nhiên, theo các DN, điều e ngại nhất không phải là không dám kê khai cơ cấu chi phí sản phẩm mà chính là quy trình thực hiện và sự chính xác trong việc kê khai giá. Thực tế đối với mặt hàng sữa, cơ cấu chi phí trong vận chuyển, nhân lực, chi phí lưu kho bãi... nơi cao nơi thấp, trong khi cấp sở ở địa phương khó biết DN đăng ký giá như vậy nhưng thực tế có bán đúng giá hay không.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm