| Hotline: 0983.970.780

20 năm hệ thống tổ chức khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ Ba 04/10/2011 , 10:53 (GMT+7)

Cách đây 20 năm, thực hiện QĐ số 130-CT, ngày 20/4/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và QĐ số 187/TS-QĐ ngày 27/6/1991 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản, hệ thống tổ chức khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) chính thức được thành lập.

Hệ thống gồm hai cấp quản lý: ở Trung ương là Cục BVNLTS thuộc Bộ Thuỷ sản, đến năm 2003 bổ sung thêm nhiệm vụ và đổi tên thành Cục KT&BVNLTS, ở địa phương gồm các Chi cục BVNLTS, đến năm 2008, sau khi hợp nhất 2 Bộ, một số Chi cục ven biển đổi tên thành Chi cục KT&BVNLTS hoặc Chi cục Thủy sản.

20 năm trước, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận thành lập Ban Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tỉnh Kiên Giang thành lập Đội Kiểm ngư, đến nay hệ thống tổ chức KT&BVNLTS đã phát triển trên phạm vi 53/63 tỉnh, TP và trở thành lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật nghề cá nói chung và trong quản lý khai thác, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản nói riêng.

Cùng với mở rộng hệ thống tổ chức, lực lượng CBCNV thuộc hệ thống tổ chức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng không ngừng tăng về số lượng và chất lượng, từ vài chục người (1991) đến nay đã có trên 1.500 người, trong đó trên 80% có trình độ đại học, trên đại học với 10 chuyên ngành đào tạo khác nhau.

Cho đến nay tất cả các Chi cục và Cục đã có trụ sở làm việc với các trang thiết bị văn phòng bước đầu đáp ứng yêu cầu hoạt động; đội tàu kiểm ngư từ chỗ chỉ có 5 tàu cá cũ (1991), đến năm 2007 (chuyển giao cho Thanh tra Thủy sản) đã tăng lên 67 chiếc; trong đó có 27 tàu được thiết kế và đóng mới theo mẫu tàu tuần tra, có đủ tính năng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm ngư trên các vùng biển.

Phát huy những kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh BVNLTS (1989-1999), công tác bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật không chỉ mở rộng phạm vi cả nước mà đã đi vào chiều sâu, tập trung giải quyết những vấn đề liên quan như giảm áp lực khai thác thuỷ sản ở các thuỷ vực nội địa, vùng biển ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Nổi bật là công tác bảo tồn, với 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa và 16 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và đưa vào quản lý.

Cục đã triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ khai thác hải sản như Quyết định 289/QĐ-TTg, Quyết định 48/2010/QĐ-TTG, Quyết định 459/QĐ-TTg… giúp ngư dân tháo gỡ những khó khăn, duy trì khai thác hải sản trên các vùng biển. Triển khai Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam- Trung Quốc.

Ngoài việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Cục và các Chi cục đã hướng dẫn các chủ tàu thực hiện các quy định liên quan, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo cho các lô hàng thủy sản XK vào EU có đủ các loại giấy tờ chứng nhận nguồn gốc. Phối hợp với Viện nghiên cứu Hải sản Hải Phòng cung cấp các bản tin dự báo khai thác hải sản cho 5 đối tượng khai thác của 4 loại nghề.

+ Với những thành tích đạt được, 20 năm qua hệ thống tổ chức KT&BVNLTS đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 31 Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba; Cờ luân lưu của Bộ Thuỷ sản... cho tập thể và cá nhân Cục và các Chi cục; 32 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; trên 600 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, TP…

+ “Sự phát triển của ngành Thủy sản trong suốt 20 năm qua gắn liền với sự đóng góp có hiệu quả của hệ thống tổ chức KT&BVNLTS trong các lĩnh vực bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý khai thác, quản lý tàu cá; đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT tôi biểu dương những cố gắng và thành tích đạt được của toàn thể CBCNV thuộc hệ thống tổ chức KT&BVNLTS…”, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát.

Với số lượng cán bộ chuyên trách của Cục chưa đầy 150 người, phải quản lý đội tàu cá 130.000 chiếc, trong đó trên 60.000 tàu cá thuộc diện hàng năm phải kiểm tra an toàn kỹ thuật (đăng kiểm), song đến nay đã có trên 90% tổng số tàu cá đã được đăng ký (số tàu cá chưa đăng ký là thuyền thủ công, lắp máy có công suất nhỏ dưới 20CV hoạt động chủ yếu trong sông, cửa sông, đầm phá) và trên 90% số tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Thuỷ sản trong thời gian tới, hệ thống tổ chức BVNLTS sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giúp Bộ, UBND các tỉnh hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của tổ chức BVNLTS; đặc biệt trong việc sửa đổi Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản. Nhanh chóng hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống tổ chức KT&BVNLTS trình Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để củng cố, tổ chức lại bộ máy quản lý cũng như hoạt động của Cục và các Chi cục.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình, đề án, dự án liên quan đến bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác quản lý tàu cá, khai thác thuỷ sản và thực hiện đổi mới trong quản lý nghề cá trên cơ sở thực hiện xã hội hoá. Tăng cường công tác phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Thuỷ sản...

(*): Tác giả hiện là Cục trưởng Cục KT&BVNLTS

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.