| Hotline: 0983.970.780

20 tấn gạo nghĩa tình sẻ chia với bà con vùng lũ Hà Tĩnh

Thứ Ba 25/10/2016 , 07:01 (GMT+7)

650 suất, 10 tấn gạo đã được đoàn công tác phát đến tận tay các hộ dân. Từ chính quyền địa phương đến người dân đã bày tỏ sự cảm ơn đến đoàn cứu trợ...

Nhằm chia sẻ những khó khăn, mất mát với đồng bào miền Trung đang gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, cuối tuần qua, Quỹ tấm lòng nhân ái VINASEED (Cty CP Giống Cây trồng Trung ương) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức trao 20 tấn gạo có tổng trị giá 280 triệu đồng đến bà con nhân dân vùng lũ hai huyện Vũ Quang và Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh).

16-13-36_mt1
Phó TBT Báo NNVN, ông Trịnh Bá Ninh trao gạo cho bà con vùng lũ
 

Ngay từ thời điểm bà con miền Trung đang phải gồng mình gánh chịu những hậu quả nặng nề của trận đại hồng thủy, Quỹ tấm lòng nhân ái VINASEED đã lập tức có những sự chuẩn bị để lên đường. Để có được số lượng 20 tấn gạo tươi sạch kịp thời chuyển đến bà con vùng lũ, Cty CP Giống cây trồng Trung ương cho chạy dây chuyền xay xát và đóng gói ngày 20/10, vận chuyển lập tức vào vùng lũ trong đêm tối.

Cũng trong đêm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh đồng thời là thành viên Quỹ tấm lòng nhân ái VINASEED cùng PV NNVN đã di chuyển từ Hà Nội vào vùng lũ. Với các thành viên trong đoàn, những hạt gạo tươi mới tuy không nhiều nhưng chắc chắn góp phần hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn.

Kế hoạch phát gạo được vạch ra nhanh chóng. Sau khi rà soát, bình xét, danh sách 1.352 hộ dân chịu thiệt hại nặng nề, đang gặp khó khăn cần cứu giúp ở các huyện Vũ Quang và Hương Khê được địa phương chuyển về. Xã Ân Phú 400 hộ, xã Đức Giang 250 hộ, xã Hương Thủy 202 hộ, xã Hòa Hải 500 hộ…

16-13-36_mt2
Giám đốc kế hoạch đầu tư VINASEDD Nguyễn Quang Trường trao gạo tới bà con vùng lũ
 

Từ sáng sớm tinh mơ, đoàn công tác đã có mặt tại các xã miền hạ huyện Vũ Quang để chuẩn bị phát gạo cho bà con hai xã Đức Giang và Ân Phú. Nước lũ đã rút, nhưng vết tích để lại quá ngổn ngang. Những cánh đồng bạc phếch, những căn nhà xiêu vẹo, đường sá tan hoang, thậm chí, ở một số nơi vẫn đang còn bị cô lập.

Vết tích của lũ cũng in hằn trên gương mặt những người nông dân xứ này, bất chấp việc họ quá quen với lũ lụt vài ba lần trong một năm.

Có mặt ở điểm phát gạo từ rất sớm là bà cụ Nguyễn Thị Vinh (75 tuổi) ở xóm 2 xã Ân Phú. Chồng mất sớm, lại không có con nên trận lũ vừa rồi, nước ngập lên tận nửa cột nhà, nhờ hàng xóm giúp đỡ nên mới giữ lại được vài ba vật dụng sinh hoạt. Tài sản lớn nhất của bà Vinh là đàn gà khoảng 10 con bị lũ cuốn trôi không còn một mống. Nhận gạo từ đoàn cứu trợ, bà Vinh nói, sẽ cất kỹ để ăn dần vì tuổi này không còn lao động được nữa.

650 suất, 10 tấn gạo đã được đoàn công tác phát đến tận tay các hộ dân. Từ chính quyền địa phương đến người dân đã bày tỏ sự cảm ơn đến đoàn cứu trợ. Ông Nguyễn Xuân Đường, Bí thư Đảng ủy xã Ân Phú nói, mặc dù là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nhưng tính đến thời điểm này, đoàn cứu trợ của Báo NNVN và VINASEED mới chỉ là đoàn thứ hai đến với bà con trong xã. Số gạo này sẽ giúp cho nhân dân có lương thực để khắc phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống.

Rời Vũ Quang, đoàn cứu trợ tiếp tục chở gạo lên huyện Hương Khê, nơi được xem là rốn lũ của Hà Tĩnh. Dọc đường mòn Hồ Chí Minh, những đoàn xe cứu trợ từ khắp mọi miền đất nước chở những tấm lòng đến với bà con vùng lũ. Nhưng có lẽ bao nhiêu cũng không thể đủ, bởi thiệt hại do cơn lũ gây ra quá nặng nề.

16-13-36_mt7
Đại diện địa phương nhận gạo cứu trợ
 

Theo báo cáo của chính quyền sở tại, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn cộng với việc nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ đã làm 16/22 xã trên địa bàn huyện bị ngập, hơn 10.000 hộ dân bị ảnh hưởng trong đó có nhiều xã bị ngập sâu từ 2 - 3m. Đây được xem là đợt ngập lụt lớn trong vòng 5 năm trở lại đây.

Khỏi nói hết những nhọc nhằn, vất vả và cả những oán hận của nhân dân với trận lũ vừa rồi. Ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy kể lể thế này: So với các trận lũ lớn năm 2007 và 2010 thì năm nay lũ không to bằng nhưng lại phức tạp hơn. Lũ ập về vào ban đêm, nước lên rất nhanh khiến dân trở tay không kịp. Cả xã có 1.200 hộ dân thì có đến hơn 710 hộ bị ngập sâu. Cho dù may mắn không thiệt hại về người nhưng hoa màu sản xuất gần như mất sạch. Trâu bò lợn gà nhiều hộ gia đình đã bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ.

Còn ở xã Hòa Hải có 1.850 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu, hơn 500 nhà dân bị ngập nặng, hoa màu, tài sản bị lũ cuốn trôi gây nên thiệt hại hết sức nặng nề.

Ví như thôn Tam Bảo. Cả thôn có khoảng 120 hộ dân thì có đến 100 hộ ngập sâu trong nước. Nhiều ngày liền người dân nơi này bấu víu nhau vượt lũ nhưng họ chỉ giữ lại được vài vật dụng cần thiết. 15ha lúa sắp thu hoạch mất trắng. Trâu bò, lợn gà, vườn cam, vườn mía bị lũ nhấn chìm. Những thiệt hại này, từ người dân đến chính quyền địa phương cho rằng do Thủy điện Hố Hô gây ra.

Trưởng thôn Tam Bảo, ông Nguyễn Huy Hợp bức xúc: Trong các ngày 14 - 15, trời không mưa nhưng nước lũ dâng vùn vụt. Từ ngày đến đêm lũ ập vào làng khiến dân chúng tôi chỉ kịp cứu vớt những vật dụng sinh hoạt và một vài tài sản đáng giá, còn lại phải bất lực nhìn lũ cuốn trôi.

16-13-36_mt3
16-13-36_mt4
16-13-36_mt5
Niềm vui của bà con khi nhận gạo cứu trợ của VINASEED và Báo NNVN
 

Chia sẻ với những mất mát của nhân dân, ông Trịnh Bá Ninh, Phó Tổng Biên tập Báo NNVN, nói rằng, những hạt gạo của đoàn cứu trợ tuy ít ỏi nhưng chứa đựng tinh thần chia sẻ những vất vả, nhọc nhằn và sự tri ân với người nông dân của VINASEED, của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi mong muốn, bằng sự can trường vốn có, người nông dân vượt qua những khó khăn sau lũ, tiếp tục ổn định đời sống, sản xuất.

Anh Nguyễn Quang Trường - Giám đốc kế hoạch đầu tư - Bí thư Đoàn Thanh niên của Cty VINASEED cho biết, Quỹ Tấm lòng nhân ái VINASEED được thành lập dựa trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không vì lợi nhuận và tự tạo vốn nhằm hướng đến học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, các hoàn cảnh hộ nông dân đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa...

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất