| Hotline: 0983.970.780

2012: Nên đầu tư vào đâu?

Thứ Sáu 23/12/2011 , 10:44 (GMT+7)

PV NNVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, doanh nhân Đặng Thành Tâm- Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn quanh vấn đề này.

* Nếu trông đợi "mưa rào" thì không thể có trước quí 4 năm 2012 

Ông Đặng Thành Tâm

Sau một năm chật vật, khó khăn, trong năm 2012 tới, diễn biến dòng vốn sẽ chảy thế nào? Doanh nghiệp nên đầu tư vào đâu để có hiệu quả? PV NNVN đã có cuộc trao đổi với  đại biểu Quốc hội, doanh nhân Đặng Thành Tâm- Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư  Sài Gòn.  

Mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới 10% vào năm 2012 là quá dễ vì điều kiện lạm phát tăng không còn nữa. Năm nay chúng ta trượt giá đồng tiền nên đã đẩy lạm phát lên mức 18%. Tức là yếu tố trượt giá gây lạm phát đã bị triệt tiêu. Hai yếu tố trượt giá đồng tiền và tăng giá hàng hóa đã hết.  

Ở đây chúng ta phải nhìn theo chu kì kinh tế chứ không phải theo năm tài khóa, đầu năm có thể lạm phát tới 16% nhưng 6 tháng cuối năm lạm phát chỉ còn 2%. Nghĩa là vào thời điểm cuối năm lạm phát chỉ 2% thôi. Nếu 6 tháng tiếp theo lạm phát có gấp đôi hiện tại cũng chỉ lên tới 4%. Nếu 6 tháng tiếp nữa có tăng gấp đôi thì vẫn dưới 10%.  

Vì vậy kinh tế bây giờ theo tôi nên chuyển mục tiêu khác chứ không phải mục tiêu kiềm chế lạm phát. Chúng ta phải phân tích yếu tố để xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho phù hợp chứ không phải vin vào kìm chế lạm phát để rồi xây dựng kế hoạch tăng trưởng thấp. 

Vậy nên xây dựng kế hoạch phát triển cho năm tới như thế nào? 

Thứ nhất, Nghị quyết Quốc hội là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu. Thâm hụt thương mại không quá 10% tổng giá trị xuất khẩu. Ta thấy rằng cách đây 4 năm ta thâm hụt lên 40% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 3 năm thôi đến nay thâm hụt chỉ còn 10% và  nếu tiếp tục duy trì xuất khẩu tốt chúng ta sẽ cân đối được đồng tiền, không bao giờ trượt giá sẽ không dẫn đến lạm phát cao nữa.  

Vấn đề thứ hai là an sinh xã hội, hiện dân số VN tập trung vào khu vực nông nghiệp tới 70%. Từ trước tới nay chúng ta lúc thì đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa, lúc tăng cường dịch vụ này khác, còn nông nghiệp thì cứ nói mãi mà chính sách thì không có. Bây giờ phải đưa ra chính sách hết sức thuận lợi để thu hút dòng tiền vào nông nghiệp. Đầu tư cho trang trại, chế biến thực phẩm. Có thu hút được lĩnh vực này thì mới giải quyết triệt để vấn đề đói nghèo. 

Muốn thành công thì phải có chính sách chứ không cần cho tiền. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh VN hiện đóng góp 40% GDP. Trước đây 10 năm tỉ lệ này không được 10%, tức là tăng lên gấp 4 lần. Nhờ đâu có tốc độ tăng trưởng đó? Nhờ luật khuyến khích đầu tư trong nước. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… đã phát triển đến mức bão hòa và dẫn đến nguy cơ sụp đổ.  

Vậy theo ông dòng tiền 2012 sẽ đi về đâu?  

Nhà nước ra chính sách ở lĩnh vực nào thì dòng tiền sẽ đi về đó. Nếu nhà nước không có chính sách tốt để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến thực phẩm làm tăng giá trị gia tăng thì chắc chắn tiền sẽ đổ vào vàng chứ chẳng đổ vào bất động sản hay chứng khoán. Vì sao? Vì vàng thế giới đã nhận định có thể vượt 2.000 USD/ouce. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước mới phải xây dựng nghị định quản lí và kinh doanh vàng nhằm tránh hiện tượng đầu cơ vào vàng.  

Hiện nay lượng vàng trong nước ta tính khiêm tốn nhất cũng khoảng 20 tỉ USD, lạc quan hơn có thể lên tới 40 tỉ USD. Người giữ vàng ngày mai có thể kiếm lời nhờ giá vàng tăng gấp đôi nhưng sản phẩm xã hội lại không có – đây là mối nguy cho sự phát triển. 

Tức là thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng thì trong thời gian tới các nhà đầu tư nên lưu tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao? 

Tôi vẫn từng trao đổi với mấy anh ở ngành lương thực rằng trong vài năm tới giá lương thực thế giới sẽ tăng rất lớn, có thể tăng trên gấp đôi trong vòng 3 năm nữa. Và tôi khẳng định tôi đang chuyển vốn đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề sâu xa trong nội tại nền kinh tế, hay tái cấu trúc nền kinh tế thì VN cần đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chất lượng dinh dưỡng lúa ở Nhật Bản cao gấp 5 lần VN thành ra giá bán của họ cũng gấp 10 lần giá bán gạo của VN. Điều này cho thấy chúng ta phải đầu tư khoa học, nâng cao chất lượng, năng suất. 

Thứ hai là gia tăng các sản phẩm chế biến, những cái sushi của Nhật họ vẫn đóng thành hộp. Chỉ khoảng 200g cá có giá từ 1- 2 USD nhưng thành món sushi giá bán tới mấy chục USD/hộp. Trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm VN có lợi thế tốt nhất và khi nhà nước có chính sách chắc chắn doanh nghiệp sẽ đổ xô vào đầu tư lĩnh vực này. 

Nhưng có ý kiến cho rằng đây là thời điểm để mua vào chứng khoán, bất động sản? 

Để xác định được kênh đầu tư hiệu quả thì chúng ta phải nhìn vào dòng tiền. Tiền ở đâu? Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ tức là đã thu tiền về. Dòng tiền ít thì lãi suất cao. Đương nhiên đầu tư vào bất động sản và chứng khoán bị hạn chế. Thị trường chứng khoán năm 2011 quá xấu, vì tổng dư nợ tín dụng bằng 1/3 so với năm 2010 và 1/4 so với năm 2009. Sang năm 2012 dư nợ tín dụng sẽ tăng khoảng 17% có nghĩa là gấp 3 GDP và do yếu tố lạm phát không còn nữa thì ta sẽ giữ đúng cam kết về dư nợ tín dụng.  

Như vậy tiền có thể tăng gấp đôi so với năm nay. Nếu lãi suất giảm, dòng tiền ra ngoài dồi dào thì chắc chắn một phần nhỏ trong dòng tiền bằng cách này hay cách khác sẽ chảy vào chứng khoán và bất động sản, khoảng 20%. Còn đa phần vẫn phải thực hiện mục tiêu chính là phục vụ sản xuất. Như vậy cứ cho là thị trường chứng khoán được 10% và hà hơi tiếp sức khoảng 10% nữa thì cuối năm may ra mới hi vọng lên tới 400- 450 điểm…  

Vấn đề khơi thông nguồn vốn thị trường bất động sản cũng phụ thuộc vào dòng tiền thôi. Cái mà ngân hàng nói đưa một phần đối tượng bất động sản vào nhóm sản xuất là thực hiện cơ cấu lại các khoản vay, chứ không phải dòng tiền ra thực tế. Nếu vay bất động sản là 26-27% thì họ chuyển 6-7% cho vay nhà ở sang lĩnh vực sản xuất, nhằm xác định chính xác phần 20% “bong bóng’ trong tỉ trọng cho vay bất động sản. Nếu đồng tiền ra ngoài thực tế  thì không cần nói người ta sẽ mua, giá sẽ lên.  

Chắc chắn là tháng cuối năm này dòng tiền sẽ tốt hơn vì doanh nghiệp cần trả lương cho công nhân mà thông thường cũng có tiền ngoại hối của Việt kiều gửi về. Ít nhất cũng làm cho những người ngất lâm sàng có thể tỉnh dậy được. Tất nhiên động thái này chỉ nhỏ giọt tựa như một đám sương mù thoảng qua sa mạc chứ không phải là cơn mưa rào vì thời điểm giáp Tết mà nới lỏng tiền tệ thì sợ tiêu dùng sẽ tăng. Nếu trông đợi mưa rào thì không thể có trước quí 4 năm 2012.

Nhưng thực tế là không thêm một đồng tiền nào ra ngoài cả. Ngay tồn tại dư nợ tín dụng hiện nay cũng ảo khoảng 2% vì sau trượt giá một doanh nghiệp vay nợ 1 triệu USD lúc tương đương với 19 tỉ thì bây giờ ghi trên sổ sách sẽ là 21 tỉ. Không có tiền, sẽ có khoảng 10% doanh nghiệp phá sản và thêm khoảng 50.000 doanh nghiệp đang thoi thóp chờ được tiếp sức. Nhìn chung xu hướng sẽ là thắt lưng buộc bụng, không nhiều cơ hội để đầu tư mạo hiểm vào chứng khoán và đất đai.  

Vậy thì dòng tiền chi tiêu cần tập trung vào các sản phẩm thực tế,  hiệu quả hơn làm cho hệ số ICO đầu tư tốt hơn.  

ậy theo nhận định của ông, đến bao giờ nhà nước mới nới lỏng tín dụng? 

Đương nhiên cũng không nên để lâu quá tình trạng này. Tức là phải dần nới lỏng theo lộ trình, bởi nếu chặt quá thì doanh nghiệp sẽ chết. Hiện đã mất khoảng 10% doanh nghiệp và vẫn còn khoảng 50% doanh nghiệp đang khó khăn, nếu để lâu có nguy cơ phá sản chuyển thành nợ khó đòi, như vậy là rất nguy hiểm. Nếu ngân hàng thực hiện đúng cam kết thì lãi suất sẽ dần xuống dưới 15%.  

Trong kinh doanh nếu lãi suất khoảng 12% thì doanh nghiệp sẽ phát triển rất tốt. Hơn một chút thì nó cố gắng nhưng nếu vượt 15% thì doanh nghiệp không thể sống nổi.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất