| Hotline: 0983.970.780

24 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ nơm nớp nỗi lo cả triệu mét khối đất đá 'vùi lấp'

Thứ Ba 30/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

Thôn Pờ Sì Ngài là thôn cao nhất xã Trung Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai). Nơi đây, trong những ngày mưa lũ vừa qua, 24 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo bị hàng triệu mét khối đất đá trên sườn núi bất ngờ sạt lở xuống, cướp đi sinh mạng và tài sản.

Mất ăn mất ngủ

Từ quốc lộ 4D đoạn đi qua xã Trung Chải, huyện Sa Pa, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ngược dốc lên Pờ Sì Ngài.

Nhìn đỉnh núi chìm trong sương mù và bầu trời trĩu nặng mây đen, mưa bắt đầu rơi, anh Chảo Pết Lẩy, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chải bảo: “Trời mưa thế này đường trơn lắm đấy. Các anh phải hết sức cẩn thận, vì nhiều ngày qua mưa dầm, đất trên các vách núi ngậm nước “no” rồi, chỉ cần một trận mưa to là có thể sạt xuống bất cứ lúc nào”.

Sau đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 và cơn bão số 3, con đường lên thôn Pờ Sì Ngài đã bị những trận lũ từ trên đỉnh núi đổ về băm thành từng khúc, với ngổn ngang đất đá. Nhiều đoạn đường bị suối cắt ngang qua, trơn trượt và lầy lội.

Đó cũng là lý do chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ, leo dốc, vượt qua trên 20 điểm sạt lở nguy hiểm để đến được trung tâm thôn Pờ Sì Ngài, tiếp cận với 24 hộ dân tộc Dao đỏ đang ngày đêm sống trong nỗi lo sạt lở đất cướp đi tính mạng, nhà cửa và tài sản.

2160342191
Đường lên thôn Pờ Sì Ngài khoảng 4km nhưng có trên 20 điểm bị sạt lở nghiêm trọng

 

Cách đây hơn 3 tuần, ngôi nhà của anh Chảo Dào Siểu vẫn nằm bình yên giữa hai dòng suối thơ mộng. Chính gia đình anh Siểu cũng không biết rằng bên trong vẻ bình yên ấy là những mối nguy hiểm khôn lường.

Minh chứng là đêm 4/8, sau những cơn mưa lớn, trận lũ quét kinh hoàng từ trên đỉnh núi bất ngờ đổ ập về, cuốn theo nhiều tảng đá hộc và gốc cây to, tuy lũ quét chưa cuốn trôi ngôi nhà anh, nhưng cả gia đình đã phải trải qua những giây phút kinh hãi tột cùng, khi phải bồng bế nhau chạy khỏi nhà tránh trận lũ quét trong đêm.

Sáng hôm sau, nhìn lại cảnh tan hoang do cơn lũ để lại, anh Siểu mới biết chiếc chuồng trâu với 3 con trâu to của người hàng xóm ngay bên suối đã bị lũ cuốn trôi. Ngay sau đó, gia đình anh Siểu quyết định tháo dỡ ngôi nhà mình đang ở, di chuyển đồ đạc lên ở nhờ nhà trưởng thôn để an toàn tính mạng.

Cách nhà anh Siểu một đoạn là nhà anh Lò Dào Trình. Từ nhà anh Trình nhìn lên, có thể thấy những vết sạt lở khổng lồ, kéo dài dọc theo con suối từ trên đỉnh núi xuống.

3-1160342286
Các hộ dân sống dưới khu vực có nguy cơ sạt lở cao

 

Trong đêm 4/8, chỉ thiếu chút nữa là ngôi nhà của anh đã bị cơn lũ quét cuốn trôi. Chưa hết lo sợ khi cơn lũ vừa đi qua, anh Trình và gia đình lại càng sợ hãi khi phát hiện ra phía trên dãy núi ngay sau lưng nhà mình mới xuất hiện một vết nứt dài khoảng 150m và ngày càng rộng ra.

“Mấy ngày nay, trời tiếp tục mưa to, và không thể biết được khi nào thì cả hàng trăm nghìn mét khối đất đá trên sườn núi kia sẽ đổ ập xuống. Dù ngày hay giữa đêm khuya, cứ thấy trời mưa to là cả nhà tôi phải chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ, vì sợ sạt lở đất và lũ quét”, anh Trình cho hay.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở thôn Pờ Sì Ngài có 38 hộ dân, đều là đồng bào dân tộc Dao đỏ. Hiện nay, không chỉ gia đình anh Siểu, anh Trình, mà có 24 hộ sống trên các sườn núi, dưới các khe suối đang ngày đêm phải sống trong nỗi lo sợ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét đổ về cuốn trôi nhà cửa, tài sản, cướp đi tính mạng.

4160342496
Các hộ dân rất hoang mang, lo sợ

 

Điều đáng nói là, trong đó có 11 hộ dân đang sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm, cứ trời mưa là mọi người không dám ở trong nhà, phải thu dọn đồ đạc, lương thực để sang nhà hàng xóm trú nhờ tránh sạt lở đất.

 

Điểm trường nguy cơ bị vùi lấp

Đặc biệt, không chỉ có các hộ dân, mà cả phân hiệu Tiểu học Pờ Sì Ngài với trên 20 học sinh và phân hiệu Mầm non Pờ Sì Ngài với 18 học sinh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đất trên núi sạt xuống vùi lấp điểm trường.

Mặc dù trời đang mưa nhưng khi chúng tôi có mặt ở phân hiệu Mầm non Pờ Sì Ngài thì cô giáo và các em học sinh vẫn đang miệt mài với những bài học đầu tiên của năm học mới. Các em nhỏ ngây thơ, hồn nhiên đâu biết rằng mối nguy hiểm đang rình rập mình ngay phía sau trường.

5160342655
Phân hiệu Mầm non Pờ Sì Ngài nằm ngay dưới khu vực có nguy cơ sạt lở

 

Cô giáo Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Tôi rất mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp di chuyển điểm trường và các em học sinh cũng như nhân dân đến nơi an toàn. Chứ sống ngay dưới khu vực có nguy cơ sạt lở cao như ở đây, bà con không thể yên tâm được. Các cháu học sinh còn nhỏ quá, nếu thiên tai xảy ra biết chạy đi đâu?”.

Tôi rùng mình nhìn lên đỉnh núi phía sau trường, người dân ở đây cho biết trên đó có một vết nứt dài gần 200m, miệng vết nứt đang ngày càng rộng ra, chỉ cách điểm trường mầm non khoảng 1km đường chim bay.

Để tìm hiểu thực trạng nguy cơ sạt lở đất ở đây, chúng tôi tiếp tục vượt dốc tìm đến nhà anh Chảo Dào Tá, Trưởng thôn Pờ Sì Ngài. Anh Tá không giấu được nỗi lo sợ, chỉ cho chúng tôi những vết nứt dài mới xuất hiện trên nền nhà mình từ ngày 20/8 và mỗi ngày nền nhà anh lại có thêm nhiều vết nứt mới. Nguy cơ bị sạt lở đã hiện ra ngày càng rõ đối với ngôi nhà anh. Và có lẽ chỉ cần thêm vài trận mưa to nữa, nếu cả gia đình không di chuyển đi nơi khác, thì tính mạng sẽ bị đe dọa.

6160342753
Phụ huynh đến giúp cô giáo thu dọn đất sạt phía sau trường

 

Chúng tôi theo chân anh Tá lên sườn núi phía sau nhà để mục sở thị vết nứt dài khoảng 100m, rộng 15 cm, sâu gần 1m và đang tiếp tục nứt thêm, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở đất vùi lấp hơn chục hộ dân phía dưới. Như vậy, trên dãy núi Pờ Sì Ngài hiện nay có ít nhất 2 vết nứt dài, có thể sạt lở xuống phía dưới bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho biết: “Hiện nay UBND huyện Sa Pa đã có công điện chỉ đạo UBND xã trong những ngày mưa to, cần huy động các lực lượng đến vận động bà con nhân dân đến nơi tránh trú an toàn. Qua khảo sát, chúng tôi đã tìm được địa điểm để di chuyển các hộ dân đến đảm bảo an toàn, thoát khỏi nguy cơ sạt lở”.

Theo hướng chỉ tay của cán bộ xã Trung Chải và huyện Sa Pa, chúng tôi có thể nhìn thấy khu vực dự kiến sẽ di chuyển các hộ dân cũng như hai điểm trường đến nằm ở đoạn “yên ngựa” của dãy núi bên kia, cao hơn chỗ ở của các hộ dân hiện tại.

8160342937
Vết nứt trên núi ngày càng dài ra sau mỗi trận mưa

 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với vị trí cao như thế, việc mở đường đến nơi ở mới sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, đoạn đường từ trung tâm xã Trung Chải lên thôn sẽ dài thêm ra khoảng 1km. Vào mùa mưa lũ, đoạn đường thường bị sạt lở, vị trí mới cũng dễ bị cô lập. Nhưng giữa khu vực chủ yếu là sườn núi, có độ dốc cao, chỗ nào cũng có nguy cơ sạt lở, thì việc tìm được mặt bằng vừa đảm bảo an toàn, vừa gần trung tâm xã cũng rất nan giải.

Sống ngay dưới miệng tử thần, 24 hộ dân thôn Pờ Sì Ngài ngày nào cũng trong tình trạng mất ăn, mất ngủ.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất