| Hotline: 0983.970.780

3 bên phối hợp bảo vệ tốt rừng Bù Gia Mập

Thứ Hai 06/11/2017 , 08:01 (GMT+7)

Trong khi thực trạng rừng tự nhiên ở tỉnh Bình Phước đang ngày một thu hẹp nghiêm trọng, thì Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, một trong số vài “mảng xanh” quý giá của tỉnh này được bảo vệ khá tốt. 

Ấy là nhờ sự phối hợp “ăn ý” giữa BQL vườn, chính quyền và người dân địa phương.
 

3 bên phối hợp bảo vệ rừng

Trạm Kiểm lâm số 2 của Hạt Kiểm lâm VQG là nơi đứng chân của cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập. Chia làm 3 tổ với 21 đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số, cộng đồng bảo vệ 2.071ha rừng. Mỗi tổ gồm 7 thành viên, chia làm 3 ca trực/tháng.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp các hộ nhận khoán tuần tra, bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập

Ông Huỳnh Văn Dương, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 cho biết, đơn vị được giao quản lý 4 tiểu khu, phối hợp cộng đồng nhận khoán, phân công cụ thể cho thành viên và chú trọng những điểm rừng ưu tiên. Bảo vệ rừng chặt chẽ, khoa học nên những năm gần đây tình trạng khai thác lâm sản không còn, xâm nhập rừng ít. Khi đi tuần, người đi đầu giữ và bấm nút hoạt động máy GPS thì tất cả hướng đi, tuyến đường, điểm mà nhóm tuần tra đi qua sẽ được lưu lại. Hằng tháng, đơn vị nộp máy về cơ quan theo dõi kết quả trên phần mềm kết nối với máy GPS. Từ đó, Ban quản lý vườn nắm sát tình hình thực tế ở các trạm kiểm lâm và tổ nhận khoán.

Tính đến năm 2016, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập đã giao khoán gần 25.000ha rừng cho 4 đồn biên phòng và 9 cộng đồng dân cư các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; xã Quảng Trực (tỉnh Đắk Nông) nằm trong vùng đệm. Các cộng đồng lập chốt tại khu vực được nhận khoán hoặc ở cùng với trạm kiểm lâm để tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. 

Mấy năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số đã hăng hái xung phong vào các tổ nhận khoán. Từ đó, lực lượng nhận khoán được trẻ hóa (2/3 thành viên trong cộng đồng có độ tuổi từ 17 - 35) đảm bảo sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Vườn còn áp dụng hình thức giao khoán song trùng, tức là các đơn vị giao khoán cùng đơn vị kiểm lâm phối hợp tuần tra, kiểm tra chéo để đạt hiệu quả cao nhất.

Anh Trần Đức Ái, Điều phối viên Ban Quản lý dự án Bảo vệ và phát triển rừng của vườn nói: "Đi tuần tra, các thành viên trực không được rời vị trí, nhiều khi nấu cơm xong, phát hiện có lâm tặc, tất cả đều bỏ bữa để làm nhiệm vụ. Biết là khổ, nhưng với chúng tôi, một tuần không được ăn cơm, tắm nước suối trong rừng thì cảm giác thiếu thứ gì đó...". 

Anh Điểu Đa, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3 cho biết: Hằng tháng, trạm phối hợp với tổ nhận khoán bảo vệ rừng đi kiểm tra, phục kích ở những điểm người dân thường vào rừng hái nấm, lấy măng... vừa tuyên truyền, thuyết phục vừa răn đe để hạn chế tối đa tình trạng này. Nhờ vậy, người dân đã nâng cao ý thức và góp sức bảo vệ rừng.

Trong mỗi đợt tuần tra, cán bộ của vườn và hạt kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nên thành viên cộng đồng nhận khoán có ý thức cao trong giữ rừng. Điểu Dương (SN 1998) thay cha đã lớn tuổi tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ rừng. Anh trai của Dương là Điểu Hồng cũng tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Rên. “Rừng nuôi mình nên phải bảo vệ”, anh Dương nói.
 

Dân vẫn là nòng cốt

Có thể nói, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã hỗ trợ đắc lực cho kiểm lâm trong quản lý bảo vệ rừng. Những năm qua, cộng đồng nhận khoán các thôn Bù Dốt, Bù Rên, Bù Lư, thôn 8 (xã Bù Gia Mập); cộng đồng Bon Bu Prăng 1, 2, dân quân du kích xã Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông; cộng đồng thôn 3, dân quân du kích thôn 3 (xã Đắk Ơ) phối hợp lực lượng kiểm lâm địa bàn bắt được cả trăm đối tượng xâm nhập rừng trái phép; phá hủy 10 luồng bẫy, thu hồi hàng trăm dây bẫy các loại; bắt khối lượng lớn gỗ thả bè qua suối Đắk Mai (xã Bù Gia Mập); giao hạt kiểm lâm nhiều cá thể động vật rừng như tê tê, chim, gà rừng, heo rừng...

Các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã hỗ trợ đắc lực cho kiểm lâm trong quản lý bảo vệ rừng

Theo ông Vương Đức Hòa, Phó Giám đốc VQG Bù Gia Mập, người dân trong vùng đệm của vườn đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, một số người thường xuyên vào rừng khai thác trái phép nguồn lợi từ rừng, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý. Do hạn chế về trình độ, thiếu đất sản xuất, nhiều thanh niên coi săn bắn động vật hoang dã trái phép, khai thác rừng là công việc đem lại thu nhập chính. Thực hiện nhận khoán đã giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời giúp các cộng đồng có thêm nguồn thu ổn định.

“Mỗi cộng đồng nhận khoán bảo vệ từ 1.700 - 2.000ha rừng (từ 18 - 26 người tham gia) với định mức giao khoán hiện tại là 250 ngàn đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, còn thu khoảng 2 triệu đồng/tháng. Qua đây, tạo tiền đề cho người dân vùng đệm tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần thoát nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng NTM. 

Để bảo vệ tốt hơn, cần tăng số hộ nhận khoán, nhưng để đảm bảo thu nhập cho họ, trong khi diện tích giao khoán không tăng chỉ còn một cách là tăng mức tiền giao khoán bảo vệ rừng lên khoảng 400 ngàn đồng/ha/năm”, ông Vương Đức Hòa.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.