| Hotline: 0983.970.780

3 giống lúa chịu mặn

Thứ Năm 06/06/2013 , 10:26 (GMT+7)

3 giống lúa Hương ưu 98, DT 68 và H2 - DT là kết quả của đề tài “Nghiên cứu khảo nghiệm và tuyển chọn giống lúa chịu mặn thích hợp cho vùng đất nhiễm mặn tỉnh Thái Bình”.

Thạc sỹ Trịnh Thị Thanh Hương, GĐ Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết, đơn vị vừa khảo nghiệm và tuyển chọn thành công 3 giống lúa chịu mặn, chất lượng gạo ngon, thích nghi với đồng đất tỉnh Thái Bình, đó là các giống Hương ưu 98, DT 68 và H2 - DT.

Bà Hương cho biết, 3 giống lúa trên là kết quả của đề tài “Nghiên cứu khảo nghiệm và tuyển chọn giống lúa chịu mặn thích hợp cho vùng đất nhiễm mặn tỉnh Thái Bình”. Đề tài này được tiến hành trong 2 năm, từ tháng 1/2012 đến 12/2013. Xuất phát điểm của đề tài chính là thực trạng của sự biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn khiến cho việc SX lúa gặp nhiều khó khăn.

Các tỉnh ĐBSH như Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình đang phải chịu sự nhiễm mặn nặng nề… Vùng đất ven biển của tỉnh Hải Phòng bị nhiễm mặn khoảng 20.000 ha ở cả hai dạng nhiễm tiềm tàng và xâm nhiễm từ 0,3 - 0,5%. Thái Bình có trên 18.000 ha đất nhiễm mặn, Nam Định 10.000 ha, Thanh Hóa khoảng 22.000 ha.


PGS.TS Đặng Trọng Lương (trái), Phó Viện trưởng Viện Di truyền NN kiểm tra 3 giống lúa kháng mặn tại Thái Bình

Giống lúa mùa các địa phương này gieo trồng chủ yếu là Cườm, Nhộng, Tẻ Tép, Tẻ Đỏ, Chiêm Bầu, Cút Hương... năng suất khá thấp, khoảng 18 - 20 tạ/ha. Gần đây, một số giống chịu mặn trung bình được đưa vào như Mộc Tuyền, X21, Xi, X19, VD97, VD920…cho năng suất khá cao nhưng có dạng hình cây yếu, ít chịu thâm canh.

Từ thực trạng trên, tỉnh Thái Bình đã phối hợp cùng Trung tâm Thực nghiệm sinh học NNCNC tìm ra giống lúa có khả năng chịu mặn, cho năng suất, chất lượng cao. Trung tâm đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống các huyện Tiền Hải, Thái Thụy để nghiên cứu đất đai, khảo khát sát cơ cấu giống. Từng xã trong vùng khảo sát được lấy mẫu đất, rồi kiểm tra phân tích hàm lượng N - P - K - Na (đạm, lân, kali, natri) để phân loại cấp độ nhiễm mặn.

Để có được 3 giống tiêu chuẩn kể trên, Trung tâm đã sử dụng 15 giống lúa cả lai và thuần để tiến hành khảo nghiệm. 15 giống lúa này phải trải qua các giai đoạn chăm sóc, thử nghiệm vô cùng khắt khe gồm: Trồng cây trong dung dịch Yoshida; trồng cây trong khay đất có môi trường mặn nhân tạo. Sau khoảng 10 - 20 thanh lọc, cán bộ chăm sóc sẽ tiến hành ghi nhận tính chống chịu mặn của các giống lúa. Hương ưu 98, DT 68 và H2-DT “sống sót” qua quá trình khảo nghiệm và trở thành những ứng cử viên số 1 cho vùng đất ven biển Thái Bình.

Ông Trần Văn Phê, Chủ nhiệm HTX Đông Minh (Tiền Hải) phấn khởi cho biết, hiện tại 4.000 m2 lúa trồng thử nghiệm trồng tại đây phát triển rất tốt. Không chỉ tỏ ra kháng mặn, những giống lúa này còn có khả năng kháng bệnh đạo ôn, riêng DT68 còn kháng bệnh cháy lá trong cả 2 vụ. Về năng suất lúa, ông Phê khẳng định, thấp nhất đạt khoảng trên 2 tạ/sào, cao nhất thì 2,7 tạ/sào.

Tại xã Đông Long (huyện Tiền Hải), diện tích lúa trồng thử nghiệm lại được chia thành nhiều mảnh nhỏ. Mỗi mảnh phục vụ một nội dung nghiên cứu của đề tài. Theo đó, một mảnh được bón phân thành ba cấp độ 80 - 100 - 120 kg/sào. Một mảnh được gieo thành ba trà là trà sớm, trà trung và trà muộn.

“Giống lúa chịu mặn sẽ giúp ổn định năng suất lúa trong điều kiện thời tiết thay đổi ở các vùng ven biển của VN nói chung và ở các vùng ven biển tỉnh Thái Bình nói riêng. Đáp ứng nhu cầu cho SX lúa hàng hóa, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, gia tăng năng suất, giảm chi phí SX giúp nông dân nâng cao thu nhập”, Thạc sỹ Trịnh Thị Thanh Hương chia sẻ.

KS Nguyễn Văn Cường, cán bộ Trung tâm cho biết, việc chia diện tích thử nghiệm thành nhiều mảnh nhỏ như trên nhằm đánh giá một cách chính xác nhất hiệu quả của mô hình. “Sau khi thu hoạch toàn bộ số lúa trồng thử nghiệm, trung tâm sẽ phân loại, đánh giá và đưa ra cách chăm sóc, thời vụ gieo cấy để lúa có năng suất, chất lượng tốt nhất”, KS Cường chia sẻ.

Ông Vũ Hồng Phước, Chủ nhiệm HTX Trà Bôi, xã Thụy Liên (Thái Thụy) là hồ hởi khoe với chúng tôi rằng chắc chắn năm nay cánh đồng lúa của bà con sẽ bội thu. Ông Phước dẫn chúng tôi đi thăm một vòng những thửa ruộng lúa chín vàng óng.

“Đây đã là vụ thứ 2 chúng tôi đưa 3 giống lúa chịu mặn này vào SX cho thấy chịu mặn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất khoảng 70 tạ/ha/vụ và gạo ăn rất ngon. Trong vụ mùa tới, HTX vẫn đưa 3 giống này cho bà con gieo cấy với diện tích 10 ha", ông Phước nói.

Bà Bùi Thị Hạnh, xã viên HTX Trà Bôi cho biết, rất nhiều giống lúa năng suất cao được đưa về đây nhưng đều chết yểu do không chịu được độ mặn của đất. “Tôi thấy mấy giống lúa này năng suất rất cao, vụ trước cân được gần 3 tạ/sào, trong khi lượng phân bón cũng bình thường”, bà Hạnh cho hay.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.