| Hotline: 0983.970.780

3 kịch bản cá tra 2013

Thứ Tư 30/01/2013 , 10:04 (GMT+7)

Năm 2013, xuất khẩu cá tra vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với khó khăn. Do đó, VASEP đã đưa ra 3 kịch bản về xuất khẩu cá tra 2013.

Nếu như những năm trước đây, ngành cá tra thường đặt mục tiêu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước về mặt giá trị, thì trong năm nay, lại lựa chọn phương án giảm về giá trị để có sự phát triển bền vững hơn.

Theo VASEP, trong năm 2012, do những khó khăn về vốn, nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, giá xuất khẩu giảm mạnh…, nên xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,74 tỷ USD, giảm 3,4% so năm 2011 và không đạt kế hoạch đề ra là 1,8 tỷ USD. Năm 2013, xuất khẩu cá tra vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như trên. Trước tình hình đó, VASEP đã đưa ra 3 kịch bản về xuất khẩu cá tra 2013.

Kịch bản thứ nhất là nếu những khó khăn về vốn được khắc phục ít nhiều, các thị trường xuất khẩu bắt đầu phục hồi trở lại, sản lượng cá nguyên liệu khoảng 1-1,1 triệu tấn (giảm nhẹ so với mức trên 1,2 triệu tấn năm 2012), giá xuất khẩu bình quân được nâng lên 3,4-3,5 USD/tấn. Khi ấy, giá trị xuất khẩu cá tra năm nay có thể đạt mức 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này không có tính khả thi và cũng không phải là mong muốn của ngành cá tra. Bởi để đạt 1,8 tỷ USD giá trị xuất khẩu, bắt buộc phải giữ sản lượng cá nguyên liệu ở mức cao, lượng cá thành phẩm xuất khẩu cũng phải cao. Mà như thế, sẽ tiếp tục dẫn tới tình trạng khó kiểm soát về chất lượng, giá xuất khẩu trung bình khó có thể tăng lên, qua đó gây áp lực làm suy giảm ngành cá tra trong năm 2014 và những năm sau đó.


Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Kịch bản thứ 2 là trong quý 1 này, do người nuôi và nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì việc nuôi cá như những năm trước nên sản lượng cá tra sẽ giảm mạnh, chỉ khoảng 100 ngàn tấn. Việc giảm mạnh sản lượng sẽ khiến cho xuất khẩu bị sụt giảm, thiếu hụt nguồn cung cá tra. Khi ấy, giá cá tra có thể được đẩy lên trên thị trường thế giới, kéo giá cá nguyên liệu trong nước tăng theo.

Do đó, các doanh nghiệp và người nuôi sẽ đầu tư nuôi trở lại, nên từ quý 2 trở đi, sản lượng cá tra sẽ tăng lên. Nếu người nuôi và doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách dễ dàng hơn so với năm 2012, lượng cá xuất khẩu và giá cá xuất khẩu tăng lên trong nửa cuối năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,5 tỷ USD. Nếu so với giá trị xuất khẩu năm 2012 và so với mục tiêu về giá trị xuất khẩu trong kịch bản thứ nhất, thì mức 1,5 tỷ USD rõ ràng là thấp hơn nhiều. Nhưng theo VASEP, trong bối cảnh ngành cá tra đã đi xuống rất nhiều như bây giờ, thì đây lại là một mức xuất khẩu khả quan, giúp lấy lại giá trị cho cá tra, tạo cơ hội cho cả ngành hàng tự cơ cấu lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu theo hướng cân bằng cung – cầu.

Kịch bản thứ 3 là các doanh nghiệp nhỏ và người nuôi nhỏ lẻ vẫn tiếp tục khó khăn về vốn như trong năm 2012. Những khó khăn khác cũng chưa được giải quyết. Khi ấy, diện tích và sản lượng cá nguyên liệu có thể giảm tới 50% so với năm ngoái, gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu một cách trầm trọng. Do đó, giá trị xuất khẩu cá tra cả năm nay chỉ có thể đạt ở mức khá thấp là 1,2 tỷ USD. Nếu sản xuất và xuất khẩu cá tra đi theo kịch bản này, thì năm 2013 có thể sẽ là một năm mà ngành cá tra tạm thời chững lại để điều chỉnh sự phát triển quá nóng và thiếu quy hoạch trong thời gian qua, từ đó tiến tới phát triển bền vững với mục tiêu xuất khẩu cá tra với đúng giá trị thực của nó.

Hiện nay thị trường tiêu thụ cá tra loại Untrimmed đã co hẹp lại. Mặt khác, sản xuất và xuất khẩu cá tra loại Untrimmed là đi ngược lại với chủ trương đưa hàm lượng giá trị gia tăng vào cá tra. Đây là kết quả của việc chúng ta cứ mãi chạy theo sản lượng nên mới làm cá tra thịt đỏ giá rẻ.

Như vậy, có thể thấy, về xuất khẩu cá tra năm nay, VASEP nghiêng về phía có thể giảm mạnh sản lượng và giá trị để tạo cơ hội cơ cấu, tổ chức lại ngành hàng theo hướng phát triển bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với việc nên cắt giảm sản lượng cá tra nguyên liệu. Ông Trần Duy Hiển, GĐ Cty TNHH Lê Như Brothers, cho rằng cần chính thức thông báo với thị trường là Việt Nam sẽ giảm sản lượng cá tra còn 1 triệu tấn/năm trong 5 năm tới để tái cơ cấu ngành, ổn định chất lượng và bảo vệ môi trường. Cũng theo ông Hiển, cần phải thực hiện những giải pháp khác để khôi phục giá trị cá tra. Chẳng hạn, Nhà nước cần tiến hành làm ngay tiêu chuẩn cá tra Việt Nam cụ thể là tiêu chuẩn VietGAP (nên dựa theo tiêu chí của GlobalGAP và ASC). Khi có tiêu chuẩn cho sản phẩm cá tra thì các công ty thương mại phải bán đúng giá theo từng tiêu chuẩn chất lượng.

Nhà nước cũng nên cấm sử dụng hóa chất phụ gia trong chế biến cá tra như ngành cá hồi Na Uy đã làm. Bởi lạm dụng chất tăng trọng nên cá tra xuất khẩu có rất nhiều giá. Nếu các nhà máy không lạm dụng chất tăng trọng thì giá sẽ không chênh lệch vài chục cents/kg như hiện nay. Nhà nước cần xem lại có nên cấm xuất khẩu cá tra Untrimmed (cá thịt đỏ) vì đây là tác nhân góp phần giảm giá trị cá tra. 10 năm trước Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra loại well trimmed (cá thịt trắng). Nhưng mấy năm nay, Việt Nam lại xuất khẩu cá tra loại Untrimmed khiến sản lượng nuôi tăng đột biến.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất