| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 27/07/2015 , 07:50 (GMT+7)

07:50 - 27/07/2015

3 tỷ USD & câu chuyện quy hoạch

"May mà chúng ta tìm được luật sư giỏi…" là lời chia sẻ của một lãnh đạo Bộ KH-ĐT khi nhắc đến việc suýt phải bồi thường một doanh nghiệp nước ngoài số tiền 3 tỷ USD vì một dự án thất bại do quy hoạch chồng chéo.

Có trường hợp một địa phương cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng sau đó xảy ra tranh chấp, vì lãnh đạo địa phương trước căn cứ theo quy hoạch về du lịch, còn lãnh đạo sau của địa phương lại căn cứ theo quy hoạch khoáng sản, dẫn đến dự án của doanh nghiệp bị tổn thất.

Và họ đã kiện chúng ta ra tòa án quốc tế, yêu cầu Tòa tuyên buộc chúng ta phải bồi thường cho họ 3 tỷ USD, trong khi vốn ban đầu họ bỏ ra chỉ 70 ngàn USD.

3 tỷ USD là con số lợi nhuận mà họ kỳ vọng nhận được từ dự án. May mà chúng ta tìm được luật sư giỏi…

Đó là lời chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khi nói về dự thảo Luật Quy hoạch, trong buổi họp báo công bố một số nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch, do Bộ KH-ĐT vừa hoàn thành, đang được Bộ Tư pháp thẩm định để báo cáo Chính phủ trong tháng 7/2015.

Quy hoạch có bản chất là một định hướng lớn cho các ngành của nền kinh tế đất nước, nhằm tránh những chồng chéo trong quá trình đầu tư.

Quy hoạch là một câu chuyện dài, không ít lần đã làm “nóng” diễn đàn Quốc hội, với nhiều chuyện rất bất cập. Khái niệm quy hoạch đang bị lạm dụng, nhiều quy hoạch lập ra không có cơ sở, không phù hợp với kinh tế thị trường.

Theo lời của tổ trưởng tổ biên tập dự luật, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch (Bộ KH-ĐT) Vũ Quang Các, thì cả nước hiện có tới 19.285 đề án quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, tiêu tốn tổng số tiền đến trên 8.000 tỷ đồng.

Nhưng ông Các cũng nhấn mạnh “quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi”.

Quy hoạch lập nhiều nên không ít quy hoạch thiếu tính gắn kết, chồng chéo, mâu thuẫn. Trong khi đó việc lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án bị buông lỏng.

Ví dụ gần đây nhất, khiến dư luận xôn xao là quy hoạch mạng lưới chợ của Bộ Công thương đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, khi quy hoạch này nêu rõ việc xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên, chợ phía Nam Hà Nội, trong khi Sở Công thương Hà Nội thì bức xúc khẳng định không hề có chuyện đó.

Hay theo dẫn chứng của ông Vũ Quang Các thì có những bản quy hoạch có tên “Quy hoạch doanh nhân xuất khẩu gạo”, đặt ra hàng loạt điều kiện cho doanh nhân xuất khẩu gạo.

Hay quy hoạch bán lẻ rượu bia, nước giải khát, trong đó quy định mỗi địa phương có bao nhiêu điểm bán bia, rượu, hay có bản quy hoạch nuôi cá tra, cá basa...

“Chúng ta có quá nhiều bản quy hoạch mà nội dung không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập. Nhiều bản quy hoạch còn mang dấu ấn kinh tế bao cấp, nhà nước muốn làm hết”, ông Vũ Quang Các cho biết.

Sở dĩ có tình trạng lộn xộn trên, là do việc ban hành văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng chưa hợp lý, thiếu thống nhất.

Hy vọng với dự án Luật Quy hoạch lần này, mọi tình trạng trên sẽ được chấm dứt. Việc quy hoạch sẽ rõ ràng và hiệu quả hơn, và ngân sách sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm