| Hotline: 0983.970.780

30 NĂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC KHẢO KIỂM NGHIỆM GIỐNG SẢN PHẨM CÂY TRỒNG VÀ PHÂN BÓN

Thứ Năm 25/11/2010 , 14:38 (GMT+7)

I. Sự lớn mạnh và hoàn thiện về tổ chức, cơ sở vật chất

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng giống cây trồng đối với sản xuất nông nghiệp. Năm 1980, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã quyết định thành lập Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây Trung ương. Quyết định này là bản khai sinh ra ngành khảo, kiểm nghiệm giống cây trồng ở nước ta. Đứng trước yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý chất lượng giống cây trồng và tính cấp thiết của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phân bón, tháng 11 năm 2004 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển Trung tâm trực thuộc Cục Nông nghiệp, sau đó là Cục Trồng trọt; tháng 2 năm 2007 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định đổi tên và bổ sung chức năng nhiệm vụ Trung tâm mang tên Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia là đơn vị sự nghiệp giúp Cục Trồng trọt thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt.

Trải qua 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu, định hướng phát triển đến nay Trung tâm đã trưởng thành về mọi mặt. Khi mới ra đời, chỉ có ba đồng chí, không phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất còn nghèo nàn đến nay Trung tâm có: 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 07 đơn vị trực thuộc; đội ngũ cán bộ viên chức và lao động với tổng số 125 người, trong đó: 05 tiến sỹ; 29 thạc sỹ; 52 kỹ sư­ và cử nhân, 14 trung cấp; 24 sơ cấp, công nhân; 03 nghiên cứu sinh, 02 học Thạc sỹ nước ngoài, 10 học Thạc sỹ trong nước, 4 học đại học tại chức, hàng năm có hàng chục lượt cán bộ được cử đi đào tạo, tập huấn các lớp chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn ở trong và ngoài nước. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị được đầu tư ngày càng đồng bộ gồm: 03 phòng kiểm nghiệm giống cây trồng; 02 phòng kiểm nghiệm phân bón; 05 trạm khảo nghiệm được phân bố từ bắc vào nam.

Với hệ thống tổ chức được bố trí ở các vùng sinh thái khác nhau, Trung tâm đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống quản lý chất lượng giống cây trồng và phân bón: là cơ quan trọng tài; đầu mối đào tạo người lấy mẫu, người kiểm định, kiểm nghiệm; khảo nghiệm VCU, khảo nghiệm DUS, kiểm nghiệm chất lượng giống sản phẩm cây trồng, phân bón trên toàn quốc; tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học kết quả các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở được đánh giá đạt chất lượng tốt. Trung tâm đã được công nhận 7 giống mới đang phát triển ngoài sản xuất: Lúa thuần ĐB5, ĐB6, Ngô lai T7, Mía ROC 22, Khoai tây Solara, Marabel và Esprit. Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai hoàn thành tốt các chương trình, dự án khuyến nông, dự án hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ cho các địa phương. 

II. Một số thành tựu đạt được trong 30 năm

1. Xây dựng và phát triển mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia

Mạng lưới khảo nghiệm từ chỗ chưa có địa điểm khảo nghiệm đến nay Trung tâm đã thành lập được 05 trạm khảo nghiệm với tổng diện tích gần 30 ha đồng ruộng và cơ sở vật chất đang từng bước được hoàn thiện. Trước đây chỉ tập trung khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống mới như: năng suất, chất lượng, tính chống chịu (khảo nghiệm VCU). Đến những năm đầu của thế kỷ XXI nhận thức được tầm quan trọng của công tác công nhận giống cây trồng mới và bảo hộ quyền tác giả giống mới, Trung tâm đã tập trung công tác khảo nghiệm đánh giá sự khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống mới (khảo nghiệm DUS) một số loài cây trồng chính và các loài cây trồng đăng ký bảo hộ. Hầu hết các giống cây trồng mới được tiến hành khảo nghiệmVCU trên mạng lưới khảo nghiệm quốc gia tại 35 điểm đại diện cho 7 vùng sinh thái của cả nước. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm khảo nghiệm VCU từ 500- 600 lượt giống cây trồng mới.

Mạng lưới khảo nghiệm DUS đang hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo hộ giống cây trồng của 64 loài cây trồng đã đăng ký bảo hộ. Trung tâm là đầu mối về kỹ thuật và trực tiếp khảo nghiệm một số loài cây trồng: lúa, ngô, lạc, đậu tương, cà chua, dưa chuột, dưa hấu, su hào, mía, mướp đắng. Đến nay, Trung tâm khảo nghiệm DUS được 200 giống lúa, 120 giống ngô, 50 giống cà chua, 60 giống đậu tương, 50 giống lạc, 20 giống su hào, 36 giống cải bắp, 35 giống dưa chuột, 50 giống dưa hấu, 60 giống hoa hồng, 65 giống hoa cúc, 77 giống mía.

Trung tâm đã phối hợp ngày càng chặt chẽ với các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, các công ty về khảo nghiệm giống cây trồng mới do đó chất lượng của công tác khảo nghiệm giống cây trồng ở nước ta có bước tiến bộ rõ rệt, giúp cho quản lý Nhà nước công nhận đưa ra sản xuất được nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sâu bệnh hại.

Trung tâm là đơn vị chủ trì soạn thảo trình Bộ ban hành các quy phạm khảo nghiệm VCU, DUS của một số loài cây trồng (lúa, ngô; lạc; đậu tương; khoai tây, cà chua, chè, bông, nho, dưa hấu, dưa chuột, bắp cải, su hào, hoa hồng, hoa cúc, ớt, lily, cà rốt). Bên cạnh đó Trung tâm còn tích cực đề xuất, tham gia biên soạn và đóng góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật, kỹ thuật về lĩnh vực khảo nghiệm giống cây trồng. Kết quả công tác khảo nghiệm giống cây trồng mới Trung tâm đã tham mưu, đề xuất Bộ công nhận cho phép sản xuất trên 600 giống mới có năng suất cao chất lượng tốt và khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi. 

2. Hình thành hệ thống kiểm nghiệm chất lưọng hạt giống

- Kiểm định ruộng giống: Trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, đặc biệt là việc thực hiện chứng nhận phù hợp chuẩn các cấp giống lúa SNC, NC, lúa lai và ngô lai F1. Diện tích kiểm định ruộng sản xuất giống do Trung tâm thực hiện tăng đáng kể hàng năm, đặc biệt trong giai đoạn từ 2001-2009. Công tác kiểm định đã góp phần nâng cao chất lượng hệ thống sản xuất giống lúa các cấp: SNC, NC và hạt giống xác nhận. Trong những năm gần đây, mỗi năm kiểm định: khoảng 5.000-6.000 ha giống lúa 20.000-30.000 dòng G1, G2 lúa.

- Kiểm nghiệm trong phòng: từ những ngày đầu thành lập trang thiết bị và con người hết sức thô sơ, đến nay hệ thống kiểm nghiệm chất lượng hạt giống ở nước ta đã phát triển cả về số lượng và chất lượng đã hình thành hệ thống kiểm nghiệm chất lượng từ Trung ương xuống địa phương. Trước đây chỉ có 01 phòng kiểm nghiệm giống cây trồng đến nay đã có 20 phòng kiểm nghiệm. Trong đó 3 phòng thuộc Trung tâm tại Hà Nội, Quảng Ngãi và thành phố Hồ Chí Minh, được đầu tư thiết bị khá đồng bộ. Phòng kiểm nghiệm Quốc gia tại Hà Nội được Hiệp hội kiểm nghiệm hạt giống quốc tế (ISTA) công nhận tháng 6 năm 2006. Trung tâm là đơn vị đầu mối xây dựng hệ thống, hướng dẫn kỹ thuật trong công tác kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng của cả nước. Kết quả các chỉ tiêu kiểm nghiệm chất lượng giống ngày càng được chính xác, nhanh, đặc biệt chỉ tiêu đúng giống được xác định chính xác hơn.

3. Xây dựng hệ thống khảo nghiệm phân bón và kiểm nghiệm sản phẩm cây trồng, phân bón

Từ khi được giao nhiệm vụ khảo, kiểm nghiệm chất lượng phân bón và sản phẩm cây trồng, Trung tâm đã khẩn trương bắt tay triển khai và thực hiện nhiệm vụ mới. Sau 3 năm, Trung tâm đã hình thành được mạng lưới 10 điểm khảo nghiệm phân bón ở 03 vùng sinh thái đến nay đã khảo nghiệm được khoảng 300 sản phẩm phân bón các loại. Công tác kiểm nghiệm sản phẩm cây trồng và phân bón đang từng bước được hoàn thiện từ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Năm 2009, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phân tích chất lượng sản phẩm cây trồng và phân bón và phòng kiểm nghiệm phân bón đã được công nhận và đi vào hoạt động.

4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn phục vụ cho sự phát triển của Trung tâm và bổ sung nguồn nhân lực cho Cục Trồng trọt và các cơ quan của Bộ

Trung tâm luôn coi trọng công tác tuyển dụng, rèn luyện và đào tạo cán bộ do đó số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được tăng cường. Trung tâm còn là nơi đào tạo nguồn cán bộ cho Cục và các cơ quan trong và ngoài Bộ. Hàng năm, Trung tâm đã đào tạo cho hàng 1000 người lấy mẫu, người kiểm định, kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón ở khắp các địa phương.

Thường xuyên rà soát, sắp xếp, bổ sung, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ theo đúng các quy định hiện hành và quy chế dân chủ cơ sở, kết quả Trung tâm luôn xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó Trung tâm luôn đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách, khen thưởng thi đua, đời sống vật chất và tinh thần của viên chức ngày càng được nâng cao. Hàng năm chủ động rà soát, ban hành Quy chế làm việc, Quy chế quản lý lao động, Quy chế quản lý tài sản, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy định một cửa, phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo.

III. Khen thưởng

Với những đóng góp của Trung tâm trong 30 năm qua đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ và cơ quan cấp trên tặng thưởng:

- Huân chương lao động hạng ba năm 1997 tại Quyết định số 82/KT/CTN ngày 12 /12/1997 của Chủ tịch nước.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 tại Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 15 /01/2010.

- Huân chương lao động hạng nhì năm 2010 tại Quyết định số 1382/KT/CTN ngày 23 /8/2010 của Chủ tịch nước.

- Hàng năm Trung tâm đã được tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giấy khen của Cục Trồng trọt.

IV. Định hướng phát triển

Những thành tựu đạt được 30 năm qua là quan trọng, song để xây dựng hệ thống khảo, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập đòi hỏi Trung tâm phải tăng cường hơn nữa về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực. Phát huy những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua, trong thời gian tới Trung tâm cần tập trung một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm sau đây:

1. Xây dựng và phát triển hệ thống khảo nghiệm giống, phân bón mới trên phạm vi cả nước. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống khảo nghiệm Quốc gia để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khảo nghiệm.

- Tập trung phát triển khảo nghiệm DUS, bên cạnh phương pháp truyền thống cần tiếp cận ứng dụng kỹ thuật di truyền phân tử (Điện di mao quản, PCR) trong đánh giá tính đúng giống và độ thuần giống nhằm cung cấp kết quả chính xác, nhanh, kịp thời cho quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh.

- Hoàn thiện hệ thống khảo nghiệm VCU, trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng thí nghiệm (Bắc, Trung, Nam) đánh giá nhân tạo khả năng chống chịu sâu, bệnh hại chính, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xét công nhận giống cây trồng Nông nghiệp mới.

2. Xây dựng và sớm hoàn thiện các phòng kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón ở cả ba miền với trang thiết bị và nguồn nhân lực có đủ năng lực để cung cấp kết quả chính xác, nhanh, kịp thời. Trung tâm đóng vai trò chủ trì về công tác kiểm nghiệm chất lượng, thử nghiệm liên phòng và giám sát các phòng kiểm nghiệm.

3. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực về khảo nghiệm DUS, phân tích chất lượng sản phẩm cây trồng và phân bón ở trong và ngoài nước. Lựa chọn cán bộ cỏ đủ năng lực đào tạo thành các chuyên gia giỏi, chuyên sâu. Thường xuyên tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ để xây dựng và phát triển Trung tâm trong thời kỳ hội nhập và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, chức năng của Trung tâm.

4. Xây dựng hệ thống khảo nghiệm và kiểm nghiệm phân bón trên phạm vi toàn quốc.

5. Hình thành một số phòng phân tích đánh giá chất lượng sản phẩm cây trồng ở các vùng miền.

6. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của Văn phòng Trung tâm, các trạm Văn Lâm, Từ Liêm, Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ.

7. Tăng cường hơn nữa công tác hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới về: khảo nghiệm DUS; kiểm nghiệm giống cây trồng; phân tích chất lượng sản phẩm cây trồng và phân bón. Tập trung hợp tác về phương pháp đánh giá, trang thiết bị, công nghệ và công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

8. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, quyền lợi cho toàn thể cán bộ, viên chức lao động Trung tâm.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, xây dựng và phát triển, phát huy những thành tích đã đạt được và những bài học kinh nghiệm toàn thể cán bộ viên chức lao động Trung tâm đoàn kết, trí tuệ và đổi mới tiếp tục phấn đấu xây dựng Trung tâm ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới, thiết thực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn ở nước ta.

(*) TS. Hà Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia

Xem thêm
Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm