| Hotline: 0983.970.780

30 năm vẫn dang dở một giấc mơ

Thứ Ba 27/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Những ngày đầu lên miền rừng, hơn 50 hộ dân quê ở Thái Bình mang theo bao hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Sau gần 30 năm, mơ ước xây dựng vùng kinh tế mới tại đất Tây Bắc vẫn chỉ là ước mơ.

Con đường lên Điện Biên Đông giờ đã được mở rộng, trải nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường mọc lên những ngôi nhà sàn xinh xắn của đồng bào người Thái trông thật thơ mộng. Giữa núi đồi trập trùng đó lại có một cái xóm nhỏ của người dân quê ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) di dân lên đây. Đó là bản Hắc Hẹ, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Thiếu đất giữa rừng

Vượt qua mấy con ngõ nhỏ quanh co, chúng tôi mới tìm đến được nhà ông Trưởng bản Nguyễn Văn Chính. Ngôi nhà cũ kĩ đã xuống cấp của ông Chính cửa đóng im ỉm. Tìm mãi tôi mới gặp được một thanh niên tên là Phương đang cày ruộng.

Giữa thời cả nước đang cơ giới hóa, người nông dân ở bản Hắc Hẹ vẫn triệt để thực hiện phương châm “con bò đi trước cái cày theo sau”. Bóng Phương đổ dài dưới nắng chiều, trán mướt mồ hôi, tay chỉnh đường cày, Phương quát con bò luôn miệng.

Vãn thửa ruộng, Phương mới dừng tay, cả người và bò thở dốc. Lấy tay quyệt mồ hôi trên trán, Phương bảo: “Mấy đời nhà cháu gắn với công việc bới đất, lật cỏ rồi. Làm mãi vẫn đói chú à. Cái thửa đất này là nhà cháu thuê lại của người ta, mỗi năm hết 5 triệu để trồng rau và trồng ngô. Khéo làm, gặp trời mưa thuận gió hòa, dư ít sản lượng còn được hưởng. Trời mà giở chứng, không đủ tiền trả sản lượng chú à”.

Ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà Phương đã phải ở nhà đi làm. Trăm sự cũng tại cái nghèo, nhà không đủ ăn, lại thiếu lao động nên đường học hành của Phương phải gác lại. Theo sự chỉ dẫn của Phương, vượt qua cái cầu treo tựa như cái bẫy bắc qua dòng suối dữ, chúng tôi tìm sang vùng đất bãi - nơi mà ông Trưởng bản đang cày ruộng.

Dưới cái nắng, tiếng lão nông quát bò khản đục như xua tan cái tĩnh lặng của rừng chiều. Vợ chồng ông Chính đang đánh vật với con bò. Dáng ông Chính nhỏ thó, người gầy còm, bước thấp bước cao, cố gắng nắn đường cày cho thẳng.

Bà Lụa - vợ ông tay giữ cái dây thừng dắt chú bò gầy còm. Cả người và vật dường như đang phải vượt lên trên cả sức mình. Nom thấy bóng dáng người khách lạ ra tận ruộng, ông Chính vừa gắng sức nâng chiếc cày, ông vừa thở hổn hển: “Chú đợi tôi làm nốt đường cày này cái nhé”.

Giữa vùng đất bãi phẳng lì, ruộng đất màu mỡ nhưng lại bị chia cắt thành những thửa rất nhỏ. Tôi đang phân vân không hiểu sao, Trưởng bản Chính đã lại gần. “Ở dưới xuôi mình là Trưởng thôn, giờ lên vùng cao người ta gọi mình là Trưởng bản”, ông Chính vừa nói vừa xoa xoa hai tay vào nhau cho rơi đám đất bùn.

Năm nay đã gần 60 tuổi, tóc đã bạc, thân thể cũng đã rệu rã như "yêu cầu" ông Trưởng bản đã đến lúc phải nghỉ ngơi, chứ không thể lăn ra làm mãi được. Nói về bản Hắc Hẹ, ông Chính nén tiếng thở dài: “Cả 78 hộ trông cả vào cái diện tích 5 ha này đấy chú à. May mà trời đổ cơn mưa trái vụ vừa rồi, chứ không vụ trồng ngô năm nay phải lùi lại”.

Ruộng ít, người đông, điểm xuất phát thấp nên đa phần các hộ dân của bản Hắc Hẹ đều rơi vào tình trạng khó khăn. Bản còn 12 hộ nghèo, nếu nhìn vào mức thu nhập hiện tại, số hộ nghèo của bản sẽ không dừng lại ở con số đó.

Cái nghèo đã đeo bám gần 30 năm qua cũng là một nỗi ám ảnh với bà con người Thái Bình lên vỡ hoang ở miền rừng này. “Vốn xuất thân là nông dân, bà con cũng cần cù, chịu thương chịu khó bới đất, lật cỏ nhưng không đủ ăn. Ai cũng mong di dân lên đây để xóa nghèo, nào ngờ cái giấc mơ đó đến giờ vẫn dang dở”, ông Chính thở dài.

Ám ảnh cái nghèo

Lần giở trong ký ức của mình, ông Chính vẫn còn nhớ như in vào một ngày đầu xuân năm 1986, bầu đàn thê tử của mấy chục hộ dân ở Hưng Hà (Thái Bình) nô nức kéo nhau lên Điện Biên xây dựng vùng kinh tế mới.

10-22-17_img_20140323_165924
Người dân bản Hắc Hẹ còn gặp nhiều khó khăn

Ai cũng hy vọng lên xứ hoa ban có nhiều đất để SX, cộng với sự quyết tâm của tuổi trẻ, họ sẽ có cơ hội đổi đời. Trước thập niên 90 của thế kỉ XX, bản Hắc Hẹ thuộc 2 đội SX của HTX Hưng Biên 2 (Hưng có nghĩa là quê hương Hưng Hà, Biên là Điện Biên, để ghi nhớ ngày bà con Thái Bình lên Điện Biên xây dựng vùng kinh tế mới), sau gộp lại thành bản Hắc Hẹ.

Đám thanh niên bỏ đi làm ăn xa lại nảy sinh vấn đề “lợi bất gặp hại”. Chúng bị kẻ xấu rắp tâm rủ rê, lôi kéo rơi vào vòng xoáy tệ nạn. Ước tính hiện giờ bản có khoảng gần 20 đối tượng nghiện hút ma túy, chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên và con số tiềm ẩn là bao nhiêu thì chưa thống kê được.
Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Bà con ở bản Hắc Hẹ vẫn hy vọng rằng, thế hệ tương lai của bản được ăn học đến nơi đến chốn sẽ tìm được phương kế thoát nghèo tốt hơn những bậc tiền nhân của bản.

Cuộc di dân của mấy chục hộ dân ở miền quê lúa mang theo bao niềm hy vọng đó bị dội gáo nước lạnh ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới.

Diện tích đất ở được phân, chỉ đủ dùng, riêng đất SX, mỗi nhân khẩu bản Hắc Hẹ được chia 100 m2 đất bãi, diện tích ấy để trồng ngô 2 vụ. Gia đình nào đông nhân khẩu cũng được khoảng 500 - 600 m2 đất bãi. Mỗi vụ cho thu hoạch 2-3 tấn ngô. Đó là nguồn lương thực duy nhất để duy trì cuộc sống.

Trong thâm tâm của mọi người khi đó, ai cũng tưởng mỗi nhà sẽ có vài ha đất để SX, giờ chỉ được một cái thửa đất bé tí tẹo đó làm sao sống nổi?

Nơi ở mới thiếu thốn đủ thứ, bà con dựng lều trại ở tạm. Nhiều người nản chí định quay về quê hương nhưng ở quê lỡ cắt khẩu rồi nên đường quay về cũng đầy trông gai.

Các cư dân ở miền xuôi nhẫn nại, cần cù làm ăn để xây dựng vùng kinh tế mới. Đói, rét, lo lắng, muộn phiền rồi bị thời gian khỏa lấp.

Nhắc chuyện xưa để nói chuyện nay. Đến giờ, sau gần 30 năm trôi qua, bài toán xóa đói, giảm nghèo vẫn chưa có lời giải. Đất chật, người sinh ra ngày một nhiều, từ một cái xóm nhỏ, giờ bản Hắc Hẹ có tới 78 hộ gia đình, với gần gần 300 nhân khẩu.

Người đẻ nhưng đất SX vẫn chỉ gói gọn theo định mức chia từ năm 1986 nên hầu hết các gia đình phải xoay cách khác tìm kế sinh nhai.

Giờ ở bản chỉ có ông già, trẻ con ở nhà, chứ thế hệ thứ hai sinh ra tại Hắc Hẹ một lần nữa phải chu du các nơi kiếm cái ăn. Người về Hà Nội, người vô Nam, người ra Điện Biên kiếm việc.

Chị Trần Thị Thảo là một trong những hộ dân khó khăn nhất bản Hắc Hẹ. Mình chị phải nuôi 4 đứa con. Cái nghèo gõ cửa nhà chị vì nhiều nhẽ nhưng nguyên nhân căn bản là gia đình có rất ít đất để SX. Cuộc sống của 5 con người trông chờ vào vài trăm mét vuông đất bãi.

Số lương thực thu được chỉ đủ cho mẹ con chị dùng trong vài tháng. Cả năm chị phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Nửa đời người quanh quẩn với kiếp nghèo, nhiều lúc chị muốn về thăm quê cũng không có đủ tiền xe.

Quả thực, vào thăm các gia đình của bản Hắc Hẹ mới cảm nhận hết được nỗi thống khổ của những người con tha hương. Bà Nguyễn Thị Toán, bản Hát Hẹ là cựu TNXP, lăn lộn trên tuyến đường Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến năm 1974 rồi ở lại Điện Biên xây dựng kinh tế mới. Từ ngày lên Điện Biên đến nay, bà mới được về quê Thái Bình duy nhất một lần cách đây 5 năm vào dịp sang cát cho mẹ.

“Là người miền xuôi lên làm kinh tế mà không kiếm đủ tiền về thăm quê, tôi thấy ngượng lắm! Ở nông thôn lại có quá ít đất SX nên cũng khó xoay xở lắm anh à. Ai giỏi lo đủ ăn là khá lắm rồi”, bà Toán than thở.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất