| Hotline: 0983.970.780

35 năm, một ngày gặp gỡ

Thứ Tư 01/12/2010 , 10:34 (GMT+7)

Từ thành phố Hồ Chí Minh trở về, em tôi là Phí Văn Nhàn cùng vợ, cô Võ Thị Hồng (công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam) tìm sang Bộ Quốc phòng để nhờ giúp đỡ.

Di ảnh liệt sĩ Phí Văn Cương
Từ thành phố Hồ Chí Minh trở về, em tôi là Phí Văn Nhàn cùng vợ, cô Võ Thị Hồng (công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam) tìm sang Bộ Quốc phòng để nhờ giúp đỡ.

>> Suýt sập bẫy nhà ngoại cảm rởm
>> Tôi đi tìm mộ em trai

Bộ chỉ sang Cục Chính sách. Tại đó vợ chồng em tôi được đón tiếp, chỉ dẫn khá tận tình. Sau một thời gian tìm tòi, các em tôi đã thấy một hồ sơ mang tên Phí Văn Cương. Cũng trong thời gian đó, một phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại phía Nam điện cho gia đình tôi biết, anh đã truy tìm danh sách các liệt sỹ đã mai táng ở Tây Ninh, và thấy có tên liệt sỹ Phí Văn Cương, được mai táng ở nghĩa trang huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh…

Chúng tôi lập tức đi Tây Ninh, lần này có cô Kim em gái thứ ba và vợ chồng chú Nhàn, cô Hồng. Đầu tiên, các em tôi qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh để trình bày nguyện vọng và nắm thêm thông tin, rồi tiếp theo, về Sở LĐ- TBXH tỉnh và Phòng LĐ- TBXH huyện Châu Thành rồi ra nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Em Cương tôi nằm ngay hàng mộ đầu của khu mộ các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Khơme đỏ (diễn ra từ năm 1975 đến 1979). Nghĩa là trong khu mộ này, em tôi là một liệt sỹ “già” nhất.

Đúng 43 năm kể từ ngày em tôi lên đường nhập ngũ ở tuổi hai mươi, cái tuổi “Gân đang săn và thớ thịt căng da/Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa” như nhà thơ Tố Hữu đã viết, và đúng ba mươi lăm năm kể từ ngày gia đình nhận được giấy báo tin em đã hy sinh, sau bao nhiêu chuyến tìm kiếm đầy gian nan, giờ đây mới gặp. Phút gặp gỡ, dẫu là âm dương cách biệt, khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Các em trai, em gái, em dâu tôi nức nở gọi anh, nước mắt rơi lã chã trên gương mặt mọi người.

Các em gọi điện ra ngay báo cho tôi. Trong giấy phút ấy, tôi lại nhớ đến bố mẹ tôi, nhớ đến tận lúc ra đi, các cụ vẫn đau đáu một nỗi niềm là chưa tìm thấy một khúc ruột của mình. Tôi thầm khấn: “Thưa bố mẹ, chúng con đã tìm thấy em. Dưới suối vàng, giờ đây bố mẹ có thể ngậm cười được rồi”.

Nhưng rồi sau phút giây cảm động, chúng tôi lại thấy băn khoăn: Em tôi sinh năm 1947, quê quán là xã Văn Lung, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (lúc đó hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ còn nhập làm một, lấy tên là Vĩnh Phú). Trên mộ chí ở nghĩa trang Châu Thành này ghi tên liệt sỹ là Phi Văn Cương (không phải Phí Văn Cương) và năm sinh thì lại là năm 1949, quê quán lại là xã Văn Lang chứ không phải Văn Lung, thị xã Phú Thọ chứ không phải huyện Lâm Thao, mà tỉnh thì lại là tỉnh Vĩnh Phúc chứ không phải Vĩnh Phú.

Mộ chí ghi em tôi hy sinh ngày 12/9/1969 cũng không đúng với ngày hy sinh của em tôi mà chúng tôi tìm thấy trong hồ sơ lưu ở Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng. Cả số mộ chí là 192E7P cũng sai. Có sự nhầm lẫn gì chăng? Hay người nằm dưới mộ kia là một người khác? Trong thiên hạ, người trùng họ tên nhau rất nhiều. Cương ơi, có phải em đây không? Chao ôi, giá người đã khuất có thể hiển linh để trả lời một tiếng…

Chúng tôi lại trở về Phòng LĐ- TBXH huyện Châu Thành. Tại đây, chúng tôi mới biết người có tên Phí Văn Cương trên mộ chí ở nghĩa trang huyện Châu Thành, thực ra hy sinh ở Campuchia năm 1969, được mai táng bên đó rồi năm 1982 mới được quy tập về nghĩa trang này. Chị Nguyễn Thị Gái, Trưởng phòng LĐ- TBXH huyện Châu Thành, quê ở Quốc Oai (Hà Nội), đã rất nhiệt tình cung cấp cho các em tôi địa chỉ một đồng chí đã làm công tác quy tập đó. Chúng tôi vội vã tìm đến, nhưng tiếc quá, đến nơi thì mới hay đồng chí đó đã mất.

Suốt 3 ngày lục tìm trong các hồ sơ liệt sỹ lưu tại Phòng LĐ- TBXH Châu Thành, các em tôi tìm thấy một trang bổ sung trong hồ sơ của liệt sỹ Phi Văn Cương, do một cán bộ tên là Trần Hồng Hải viết. Trong trang bổ sung này, anh Hải đã đính chính, Phi là Phí và gạch chữ Văn Lang ở phần ghi quê quán của liệt sỹ Phí Văn Cương đi, thay bằng chữ Văn Lung. Chị Gái bảo:

- Anh Trần Hồng Hải hiện ở phường 1 thị xã Tây Ninh. Ngày lễ, ngày Tết nào anh ấy cũng đến nghĩa trang liệt sỹ Châu Thành thắp hương cho liệt sỹ Phí Văn Cương, các anh các chị hãy tìm đến nhà anh ấy, hỏi xem.

Không chần chừ, cô Kim em gái và vợ chồng chú em tôi là Phí Văn Nhàn lên đường ngay. Nhưng cũng thật tiếc, đến nơi thì anh Hải cũng đã mất. Quay ra Quân khu 7, tìm trong danh sách liệt sỹ lưu không thấy tên Phí Văn Cương, nhưng trên máy vi tính thì lại có, ghi rõ liệt sỹ Phí Văn Cương có tên bố thì đúng là tên ông thân sinh ra anh em tôi. Đến đây, chúng tôi mới tin chắc chắn rằng người nằm tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Châu Thành đúng là em tôi, vì tên của bố chính là bố của chúng tôi rồi.

Ông Phí Văn Kỷ tâm sự:

- Suốt chừng ấy năm lặn lội đi tìm người thân, công sức của anh em tôi, cuối cùng, cũng không đến nỗi uổng phí. Và cũng là điều may mắn, vì dẫu sao, em tôi cũng đã được quy tập về một nghĩa trang, được yên nghỉ yên ổn cùng với rất nhiều đồng đội của mình trong từng ấy năm. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để tới đây sẽ đưa em tôi về quê quán. Nhưng cứ nghĩ đến bao nhiêu liệt sỹ khác còn nằm rải rác trên khắp mọi miền của đất nước, vì điều kiện này hay điều kiện khác mà chưa được quy tụ về, để lại nỗi khắc khoải cho hàng triệu thân nhân, thì tôi lại thấy đau lòng (Hết)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.