| Hotline: 0983.970.780

39 năm mới hết lụy đò

Thứ Sáu 26/12/2014 , 09:18 (GMT+7)

Sau 39 năm giải phóng đất nước, hơn 1.000 hộ dân ở ốc đảo ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) và ấp Phu Lễ A, xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Hậu Giang) mới xóa được cảnh lụy đò ngang.

Ông Lê Văn Để, người được bà con tín nhiệm giao quản lý vật tư, ghi nhận công lao động và tổ chức cơm trưa cho những người thợ "bất đắc dĩ" xây cầu, cho biết: Sông Ngã Lá rộng 70 m, dài khoảng 3 km là con đường thủy phục vụ cho hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ từ nhiều thập kỷ qua nhưng mãi sau 39 năm giải phóng đất nước, hai bờ mới nối được nhịp vui.

Với số tiền hơn 70 triệu đồng của gia đình ông Bùi Văn Thành (87 tuổi ở thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách) và hơn 30 triệu đồng tiền đóng góp của bà con trong ấp cùng với hàng trăm ngày công lao động, sau gần 3 tháng thi công đã nối nhịp đôi bờ vào ngày 20/12 vừa qua.

Cây cầu Ngã Lá có ý nghĩa lớn nhất là giúp các em học sinh và người dân đi lại giảm khoản phí qua đò rất đáng kể và đảm bảo an toàn tính mạng.

Cụ thể, học sinh ngày hai buổi đến trường sẽ không còn phải tốn 4.000 đồng qua đò; phụ huynh đưa con đi học bằng xe gắn máy 4 lượt/ngày giảm 16.000 đồng/ngày. Bình quân mỗi hộ gia đình giảm khoảng 300.000 đồng tiền qua đò/tháng. Đi lại trong đêm không còn phải canh giờ hay sợ trễ chuyến đò cuối cùng.

Giá trị nữa là việc vận chuyển hàng nông sản của nhà vườn bằng đường xe rất thuận tiện và việc cấp cứu người bệnh vào ban đêm. Cầu Ngã Lá đưa vào sử dụng góp phần vào quá trình xây dựng NTM trên xã điểm Xuân Hòa.

Ông Bùi Văn Thành, nhà tài trợ xây cầu, chia sẻ: "Nhà tôi ở thị trấn An Lạc Thôn, tuổi cũng sắp gần đất xa trời. Tôi rất thương trẻ em nghèo vùng nông thôn. Mỗi ngày đến trường nhiều trẻ không có tiền ăn quà bánh nhưng phải dành tiền để trả phí qua đò khiến tôi rất xót xa.

Xuất phát từ đó, tôi đã xin tiền các con ở nước ngoài cùng với số tiền dành dụm nhiều năm để hỗ trợ cho ấp Hòa Thành xây cầu Ngã Cái, cầu Ngã Lá và cầu Mặt Cật để cho các cháu đi học không phải lụy đò và đảm bảo an toàn tính mạng. Ngoài ra, giúp cho bà con đi lại được thuận lợi nhất là khi bệnh hoạn vào ban đêm phải cấp cứu".

Ông Võ Trung Thành, Trưởng ban nhân ấp Hòa Thành, cho biết: Toàn ấp có 813 hộ dân với 5.512 nhân khẩu đang sinh sống trên 471,75 ha vườn cây ăn trái. Hòa bình đã qua 39 năm và mãi đến hôm nay người dân sống trên ốc đảo này mới hết lụy đò.

Tết này, người dân ấp Hòa Thành và ấp Phú Lễ A đi lại trong những ngày xuân sẽ rất phấn khởi vì không còn cảnh sợ trễ chuyến phà đêm.

Cầu Ngã Lá hoàn thành không chỉ người dân ở ấp Hòa Thành hưởng lợi mà hàng trăm hộ dân ấp Phú Lễ A, xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) cũng hưởng lợi.

Việc Mạnh Thường Quân hỗ trợ tiền xây cầu và dân đóng góp ngày công xây dựng thể hiện tình đoàn kết trong việc xây dựng NTM. Cây cầu khánh thành đã nối nhịp bờ vui, tạo điều kiện đi lại, học hành, giao thương hàng hóa không còn phải lụy đò ngang.

Các nhà từ thiện đã hỗ trợ cho ấp Hòa Thành 3 cây cầu gần 200 triệu đồng giúp cho Hòa Thành xóa thế ốc đảo sau 39 năm giải phóng. Hiện tại, cầu Ngã Lá và cầu Ngã Cái đã đưa vào sử dụng, còn lại cầu Mặt Cật đang xây dựng và sẽ khánh thành trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Ông Huỳnh Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa, cho biết: Xuân Hòa là xã điểm và Hòa Thành là ấp điểm xây dựng NTM. Việc ông Thành tài trợ hơn 150 triệu đồng cho địa phương xây dựng 3 cây cầu giúp ốc đảo Hòa Thành xóa cảnh đò ngang là một việc làm rất đáng trân trọng.

Để ghi nhận tấm lòng của nhà tài trợ, UBND xã đã trao tặng bằng khen cho ông vì đã chung tay cùng với địa phương xây NTM. Khi Hòa Thành xóa thế ốc đảo, tin rằng giá trái cây đặc sản sẽ tăng, đời sống nông dân sẽ phát triển, nông thôn ngày càng đổi mới.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm