| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 18/01/2010 , 10:54 (GMT+7)

10:54 - 18/01/2010

4 câu chuyện & 1 vấn đề lớn

Cuối tuần qua trong cuộc chuyện phiếm, lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tiết lộ rằng, sau khi ăn chỉ vài cọng rau sống, ông đã bị Tào Tháo rượt đuổi cả tuần liền. Thành ra mấy hôm nay, ông khiếp vía, cứ nghe đến rau sống, rau sạch là ông lại nổi da gà. Chuyện đáng nói ở chỗ, ông là người thường xuyên chỉ đạo việc "trồng rau sạch, phun thuốc an toàn" cho nông dân cả nước.

Còn lãnh đạo một Viện nghiên cứu- để an toàn ông có thói quen chỉ ăn các loại quả như bầu, bí, mướp, đậu đỗ...Chẳng biết ai xui khiến, ông khăng khăng tin rằng những quả mọc ở...lưng chừng thì sạch sẽ hơn phần ở ngọn và gốc. Lần này thì niềm tin của ông bị đổ vỡ khi vợ ông vào siêu thị mua về nắm đậu đũa mà chồng ưa thích. Không ngờ, cả gia đình ông đã phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Hoá ra chẳng có...đoạn nào an toàn như ông vẫn nghĩ.

Chuyện thời sự hơn, trong cuộc làm việc của đoàn công tác Chính phủ với TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tâm sự thật: “Tôi phải ăn kiêng nên chủ yếu ăn rau. Nhưng về nhà vợ bảo rau toàn là thuốc trừ sâu. Rốt cuộc mình không biết ăn gì cho an toàn. Đĩa rau sống mà phải ngâm thuốc tím cả giờ đồng hồ thì nát hết rồi, còn gì ngon lành nữa”.

Câu chuyện cuối cùng mà tôi kể ra đây, đó là một gia đình chuyên trồng rau an toàn. Hằng ngày, ông chồng tỉa rau về cho vợ mang ra chợ bán. Nhưng giả sử hàng có ế, thay vì gia đình sử dụng, hoặc cho gia súc, gia cầm ăn, thì gia đình nọ lại cất đi, mai tiếp tục mang bán. Lý do họ không dám cho động vật trong nhà ăn, người nhà lại càng không dám, vì thứ rau đó, họ đã bơm quá nhiều thuốc trừ sâu.

Bốn câu chuyện, nhưng là nói chung về một vấn đề lớn: An toàn thực phẩm. Tết đến nơi, vấn đề này lại càng bức xúc. Nói như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Các ngành chức năng thấy các giải pháp hiện có chưa đủ thì phải nghiên cứu, đề xuất bổ sung. Kêu báo chí nói to, nhưng rõ ràng là việc xử lý vi phạm vẫn chưa đúng mức, chưa đủ để răn đe. Hậu quả do mất an toàn giao thông gây ra có thể đo đếm được, nhưng hậu quả do mất ATVSTP gây ra thì gặm nhấm con người từng ngày, không thể tính được”.

Chúng ta có thể đổ tội cho nhiều người, nhiều yếu tố làm mất ATVSTP, nhưng rõ ràng, lỗi đầu tiên phải kể đến là người sản xuất – nông dân. Có thể vì cái lợi trước mắt, họ quên đi cái hại lâu dài là đầu độc con người. Nhưng sâu xa hơn, chính nông dân sẽ là đối tượng thiệt hại nhất, bởi họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi người tiêu dùng quay lưng lại với chính sản phẩm họ làm ra.