| Hotline: 0983.970.780

4 năm đồng hành& chia sẻ

Thứ Sáu 24/05/2013 , 09:37 (GMT+7)

Cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ và Cty CP Phân bón Bình Điền vừa tổ chức đêm gala kỷ niệm 4 năm phát sóng chương trình "Đồng hành & chia sẻ".

Cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ và Cty CP Phân bón Bình Điền vừa tổ chức đêm gala kỷ niệm 4 năm phát sóng chương trình "Đồng hành & chia sẻ". Đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý, khuyến nông cùng hơn 200 nông dân tiêu biểu ở ĐBSCL tham dự.

Sống được

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện Khoa học nông nghiệp VN phát biểu: “Mặc dù nội dung không mấy hấp dẫn nếu không nói là khô khan, nhưng chương trình đã “sống” được 4 năm, với 105 kỳ phát sóng trực tiếp, chứng tỏ nó có sức sống. Ở góc độ quản lý khoa học, chúng tôi rất cảm động trước việc làm của một số doanh nghiệp, như Cty Bình Điền".

Cũng theo ông Bộ, những năm qua, Nhà nước không đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu khoa học, nhất là về lĩnh vực phân bón, trong khi Bình Điền rất năng động, luôn có tầm nhìn xa, gắn kết chặt chẽ với các nhà khoa học, đưa nhanh TBKT từ nước ngoài về, SX ra những sản phẩm phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp với từng vùng đất, từng loại và từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.

Bình Điền với tiêu chí “giảm lượng bón, giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đạt năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, lại góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái; từ các sản phẩm có phối trộn hoạt chất Agrotain, Avail, pennac… rồi đưa ra thực đơn chính xác trên cây trồng cho nông dân bằng nhiều con đường, với nỗ lực rất cao mà chương trình "Đồng hành & chia sẻ" này là một kênh chuyển giao TBKT hữu dụng.

Tiến tới thời kỳ “nông dân a lô”

Chúc mừng thành công của chương trình sau 4 năm phát sóng, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: “Chương trình đi sâu giảng dạy kiến thức về phân bón cho nông dân, đã bám sát vào các chương trình lớn của Bộ NN-PTNT… như SX theo VietGAP, nông dân được hướng dẫn ghi chép vào sổ theo dõi, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nông sản, tiến tới thời kỳ “nông dân a lô”, tức SX trên cánh đồng lớn, tiếp thu hướng dẫn kỹ thuật nhanh nhất trên máy vi tính, điện thoại di động…”.

Rất tâm đắc với chương trình, ở chỗ “cùng với sẻ chia, phải đồng hành...”, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, người đã gắn bó với chương trình ngay từ kỳ phát sóng đầu tiên, chia sẻ. “Lúc đầu hướng dẫn trên truyền hình, bà con nghe, nhưng không làm, do làm ăn manh mún, ngại thay đổi tập quán, kinh nghiệm SX, sợ lỡ thất mùa thì đói. Khi các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật Cty Bình Điền xuống ruộng cùng chăm sóc cây trồng với nông dân và đối chứng kết quả cụ thể thu hoạch thì họ mới thật sự tin theo. Giờ thì họ coi ti vi, hỏi, ghi chép và áp dụng liền”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, Tiền Giang nói: “Chương trình rất bổ ích. Tôi chưa bỏ qua buổi phát hình nào. Coi và áp dụng kỹ thuật do các diễn giả của đài hướng dẫn thấy dễ, đạt hiệu quả tốt. Rất ngon”.

Theo TS. Đỗ Minh Nhật, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì: “Đây là chương trình hướng dẫn sử dụng phân bón rất bài bản, quy tụ được nhiều nhà khoa học có uy tín, chuyên nghiên cứu về đất, phân bón, cây trồng; có kinh nghiệm làm công tác khuyến nông, giúp nông dân thực hành bón phân theo 4 đúng, tạo ra nông sản ngon và lành.

Chương trình còn thông tin kịp thời những TBKT trong nước và trên thế giới. Nó giúp rất nhiều cho công tác quản lý của ngành nông nghiệp nên chúng tôi rất quan tâm, khuyến cáo nông dân và ngay cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng đón xem từng kỳ phát sóng”.

Sẽ tiếp tục đồng hành

Được hỏi có cần thiết phải duy trì chương trình? Ông Huỳnh Thành Lễ ở Sóc Trăng giẫy nảy: “Có chớ. Đừng có bỏ. Đây là lớp học rất bổ ích cho nông dân. Tụi tôi được nâng hiểu biết lên rất nhiều, đó là bón phân cho cây trồng có cơ sở KHKT đàng hoàng, tin chắc sẽ thắng, chớ không chỉ năm ăn năm thua như trước đây”.

Chính vì vậy, đến lượt mình, ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền bày tỏ lòng biết ơn các nhà khoa học cùng góp sức làm ra một chương trình có ích cho bà con nông dân. “Và chính sự theo dõi, cổ vũ nhiệt tình của bà con đã động viên chúng tôi phải duy trì chương trình dù có tốn kém đến mấy. Chương trình đã được nhân rộng ra ra các đài truyền hình Bình Thuận, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai… và tới đây là các tỉnh thành phía Bắc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến để chương trình không những bổ ích, mà còn hấp dẫn nữa với bà con, góp phần mở mang kiến thức KHKT nông nghiệp, không chỉ về dinh dưỡng cho cây trồng. Cũng là đóng góp một phần nhỏ của mình vào tiến trình xây dựng một nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững”, ông Phong chia sẻ.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.