| Hotline: 0983.970.780

5 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng về kết quả khảo sát arsen trong nước mắm

Thứ Sáu 21/10/2016 , 19:57 (GMT+7)

Không chỉ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo đánh giá mức độ thiệt hại của thông tin chất arsen vượt ngưỡng, VASEP và các hiệp hội nước mắm còn mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi quảng cáo không đúng.

vasep-cung-4-hiep-hoi-nuoc-mam-gui-kien-nghi-len-thu-tuong
Nước mắm truyền thống gặp khó trước thông tin có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng.
 

16h chiều nay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các hiệp hội nước mắm truyền thống chính thức gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và các Bộ: Y tế, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Công Thương và Công an đề nghị xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất này.

Trao đổi với PV, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết ngày 20/10, các hiệp hội đã tổ chức họp và thống nhất gửi văn bản với mong muốn mang lại công bằng cho những nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Trước đó vào ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm, trong đó có hơn 67% không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc. Báo cáo cũng nhận xét các loại nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ arsen tổng vượt ngưỡng càng tăng.

Trước kết quả này, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Phan Thiết - Bình Thuận, Phú Quốc, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM và VASEP cho rằng công bố này đã gây nhầm lẫn giữa arsen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và asren vô cơ rất độc.

"Nội dung công bố trên chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nồng độ arsen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng mà còn không phù hợp với quy chuẩn của Bộ Y tế, trong đó hàm lượng arsen, được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1 mg một lít", kiến nghị nêu.

Trong khi đó, nước mắm là sản phẩm truyền thống của Việt Nam, gắn liền với cuộc sống của người dân. 

Mỗi năm, người tiêu dùng Việt tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm, trong đó 50 triệu lít là loại nguyên chất (nước mắm truyền thống). Rất nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống đã xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới.

Các hiệp hội cho rằng, sau khi công bố trên được phát đi, ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam đang phải chịu tác động mạnh, người tiêu dùng cực kỳ hoang mang, có nhiều dấu hiệu về việc chối bỏ nước mắm truyền thống khi một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua. Tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển.

Do vậy, các hiệp hội kiến nghị Thủ Tướng chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại của công bố nêu trên đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và có biện pháp xử lý phù hợp để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.

Đồng thời, các Bộ liên quan được kiến nghị kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng arsen (thực chất là không gây hại), cũng như việc quảng cáo không đúng.

Kiến nghị này cũng bao gồm việc công bố công khai trên thông tin đại chúng rằng arsen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm arsen vô cơ trong nước mắm. 

Các hiệp hội cũng mong Thủ tướng xem xét chuyển giao việc soạn thảo và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cho nước mắm sang Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để phù hợp với chuyên môn, đồng thời thúc đẩy việc ban hành nhanh chóng quy chuẩn kỹ thuật này.

Chia sẻ trước đó với PV về lý do chỉ lựa chọn kiểm nghiệm với một nhóm chỉ tiêu thành phần dinh dưỡng như nitơ, nitơ axit amin, kim loại nặng (arsen) và nội dung ghi nhãn nước mắm..., ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinastas cho rằng đây là những chỉ tiêu liên quan trực tiếp tới an toàn sức khoẻ của người tiêu dùng, được thể hiện ngay trên bao bì.

“Để kiểm nghiệm những chỉ số khác rất tốn kém, với kinh phí được tài trợ có hạn chúng tôi chỉ có thể khảo sát trên quy mô như đã công bố”, ông Tuấn nói, đồng thời khẳng định việc nhận tài trợ để làm nghiên cứu nêu trên không ảnh hưởng đến kết quả và tính khách quan của việc công bố.

Tuy vậy, quan điểm và kết quả từ phía Vinastas vẫn gặp nhiều phản đối từ dư luận những ngày gần đây. “Hết sức bất bình” là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc với PV. Vị này cũng đặt câu hỏi nếu sản phẩm nước mắm đã được ưa chuộng hàng trăm năm nay chứa thạch tín vô cơ cao như công bố thì người dân dùng nước mắm địa phương sao có thể tồn tại được?

Theo bà, ảnh hưởng về kinh tế như đối tác huỷ hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất nước mắm chưa thể thống kê được, nhưng ảnh hưởng tinh thần, tâm lý người dùng cũng như nhà sản xuất hết sức nghiêm trọng. 

“Ai gặp tôi mấy ngày nay đều hỏi tại sao, tại sao. Tôi phải giải thích cho mọi người, họ nghe nhưng không biết trong tâm lý họ có hiểu được hay không khi thông tin công bố trên đã khiến họ mất niềm tin”, bà Tịnh nói.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 20/10, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng việc Vinastas đứng ra khảo sát và công bố về chất lượng nước mắm là không đúng pháp luật. 

“Ở đây, Vinastas không có quyền công bố những thông tin đó, nhất là khi nó liên quan, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng", đại biểu Cương nói.

“Tôi đã đề cập vấn đề này với ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Phải làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chức năng chứ không thể để xảy ra chuyện đó”, vị này thông tin thêm.

VnExpress

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.