| Hotline: 0983.970.780

5 ngày là chưa đủ

Thứ Sáu 11/10/2013 , 09:58 (GMT+7)

Gia đình Đại tướng xin cáo lỗi với đồng bào khi thời gian mở cửa đón khách tại nhà riêng chỉ kéo dài đến 18 giờ ngày 10/10. Và như vậy, với rất nhiều người, 5 ngày mở cửa là không đủ...

Theo kế hoạch thì số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) sẽ mở cửa từ ngày 6/10 đến hết ngày 11/10 để đón đồng bào đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng để đảm bảo việc tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng được chu đáo và trọn vẹn, gia đình Đại tướng xin cáo lỗi với đồng bào khi thời gian mở cửa đón khách tại nhà riêng chỉ kéo dài đến 18 giờ ngày 10/10. Và như vậy, với rất nhiều người, 5 ngày mở cửa là không đủ...

>> Dòng người viếng Đại tướng: Bất tận!
>> “Dòng người Thạch Sanh”

Không ai có thể đếm hết được có bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi trên những con đường Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu và tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu trong ngày cuối cùng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng chắc chắn, hàng triệu con tim đang cùng hướng về một phía, hướng về vị Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam với niềm tiếc thương vô bờ bến.


Rơi nước mắt tiếc thương vị Đại tướng của nhân dân

Ngày cuối cùng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mở đầu bằng màn diễn tập xe kéo pháo hộ tống linh cữu vị Tổng Tư lệnh của quân đội nhân dân Việt Nam đầy trang nghiêm theo đúng nghi lễ Quốc tang. Hàng chục chiếc xe đặc chủng, trong đó có một xe chở thi hài Đại tướng, một lựu pháo M30 122mm (từng được dùng để bắn trong dịp lễ 1.000 năm Thăng Long, đã được cải tiến và thiết kế lại phù hợp cho phù hợp với nghi thức Quốc tang) cùng lực lượng tiêu binh danh dự đại diện cho 3 quân chủng Hải – Bộ - Không quân.

Tất cả xuất phát từ Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, chạy trên các tuyến phố trung tâm rồi dừng lại ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Dừng tại đây khoảng 20 phút, đoàn xe tiếp tục lăn bánh, hướng về phía đường Trần Phú, Kim Mã, Cầu Giấy, Xuân Thuỷ…

Hình ảnh của đoàn xe đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến hàng triệu người dân Việt xúc động. Không ít người trong số đó không thể kìm được nước mắt, chắp hai tay trước ngực.

Nắng thu hanh hao vẫn lặng lẽ luồn qua kẽ lá trong khu vườn đầy ắp cây xanh nhà Đại tướng, chiếu xuống dòng người nối đuôi nhau vào ra thăm viếng người anh hùng của dân tộc. Chỉ khác một điều rằng, lượng người về thăm viếng Đại tướng đã bất ngờ tăng lên gấp 2 – 3 lần.

Nếu hôm kia, tôi vẫn thấy bóng dáng những chiếc xe bus lưu thông trên làn đường phía nhà Đại tướng trên phố Hoàng Diệu, thì hôm nay, mọi phương tiện đều bị cấm từ ngã tư Trần Phú – Hoàng Diệu đến ngã tư Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu.

Do lượng người xếp hàng quá đông, Ban Tổ chức quyết định ưu tiên các đoàn viếng thăm là cựu chiến binh, các cụ già sức yếu và các em nhỏ được “đi tắt” dưới lòng đường Hoàng Diệu.


Các cựu chiến binh vào viếng Đại tướng

Thế hệ làm báo trẻ như chúng tôi chưa bao giờ được chứng kiến một mùa thu buồn đến thế. Tôi thấy nỗi buồn mênh mang ẩn trong lời ca thăm thẳm u sầu nhưng đầy hào hùng, xen lẫn tiếng guitar réo rắt cất lên sau cánh cổng sắt số nhà 30 Hoàng Diệu của nhạc sĩ Thục Cầu, trong bài hát "Nhớ thương Đại tướng nhân dân".

Trong đoàn người thăm viếng, tôi đã thấy hàng trăm cụ già tóc trắng như vôi, mắt đã lờ mờ đục, họ nắm tay nhau dò dẫm từng bước chân run rẩy vào viếng bác. Có những người yếu đến mức không thể tự mình cất bước, đành ngồi trên chiếc xe lăn, nhờ con cháu mình đẩy đi.

Một cụ già tâm sự: Trong ký ức, cụ đã vô tình quên đi không ít những người bạn thân thiết, những đồng nghiệp trong suốt cuộc đời ngót 90 năm của mình, nhưng cái tên Võ Nguyên Giáp không thể nào xoá nhoà, giống như một giá trị bất tử.

Cũng trong đoàn người thăm viếng ấy, tôi đã thấy những cựu chiến binh, ngực áo lính đính đầy huy hiệu. Họ tự hào mình là lính của Cụ Hồ, quân của bác Giáp. Có người may mắn được chiến đấu chung một chiến hào với Đại tướng, có người chỉ biết về người thông qua những câu chuyện truyền tai nhau. Nhưng, đó là vinh dự lớn lao không phải thế hệ nào cũng có được.

Cứ tưởng rằng, sau bao năm xông pha nơi chiến trường khốc liệt, đối mặt hằng ngày với lưỡi hái tử thần nơi hòn tên, mũi đạn không có mắt; sẵn sàng hứng chịu những vết thương đau đớn nhất, thậm chí coi sự sống nhẹ tựa lông hồng… thì không điều gì có thể khiến họ khóc. Thế nhưng, khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, họ đã rơi lệ.

“Khi mẹ mất, tôi đau đớn nhớ thương. Khi cha qua đời, tôi như đứt từng khúc ruột. Khi nghe thông báo đặc biệt tin Tướng Giáp qua đời, tôi khóc như một đứa trẻ”, cựu binh Nguyễn Văn Chính, quê thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương, huyện Ý Yên , tỉnh Nam Định, chia sẻ.

Có cựu chiến binh già ngoài 70 tuổi, vì xúc động trước tâm nguyện của đồng đội bị liệt hai chân nhưng vẫn khát khao được dâng nén nhang thành kính lên Đại tướng mà tự nguyện cõng bạn trong suốt chặng đường dài.

Trước cửa số nhà 30 Hoàng Diệu, tôi đã gặp ông Lưu Đức Ngò, 66 tuổi - một thầy giáo dạy văn nay đã nghỉ hưu. Ông cầm trên tay những tấm bìa giấy dán kín ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào những năm kháng chiến chống Pháp. Sau khi xếp hàng viếng, ông treo những tấm hình lên một gốc cây xà cừ to, kể lại những câu chuyện về Tướng Giáp sinh động ngang một thầy giáo dạy chuyên sử.

Ông Ngò bảo: “Hơn 10 năm trước, tôi đã thích sưu tầm hình ảnh của bác Giáp. Ở đây có nhiều tấm ảnh tôi mua của phóng viên Thông tấn xã 50.000 đ/cái, trong khi giá vàng lúc ấy chỉ 250.000 đ/chỉ”.

Nghe tin tướng Giáp mất, cụ Diệu Hiền ở Sài Gòn liền nhờ con mua vé máy bay ra Hà Nội. Đến đầu đường Hoàng Diệu, gặp một đoàn cựu chiến binh Thái Bình từ số nhà 30 đi ra, trên tay nhiều người cầm ảnh Đại tướng, nước mắt cụ giàn giụa: “Các chú các bác ơi! Cho tôi xin tấm ảnh Đại tướng để tôi mang về quê nhà đặt lên bàn thờ”.

Tôi còn thấy một nhà sư gầy gò, chân băng bó vết thương mặc quần áo nâu sồng, hai tay chống hai nạng gỗ, nhích từng bước nhọc nhằn hướng về nhà Đại tướng. Đó là sư thầy Thích Thanh Hạnh, chùa Ngọc Thanh (Đông Triều, Quảng Ninh). “Năm 1972, thầy đi bộ đội, vào chiến đấu ở Sài Gòn. Năm 74, thầy bị thương trong một trận chiến ở Bến Cát, Bình Dương và thành thương binh. Thầy là quân của Tướng Giáp. Mấy ngày qua nghe tin Đại tướng mất nhưng không thể đi được vì chân đau, đến hôm nay, biết là ngày cuối cùng có thể viếng bác nên từ 3 giờ sáng, thầy nén đau đớn của thể xác, bắt ô tô lên Gia Lâm, rồi mượn xe máy, gác nạng, gác cả chân lái xe đến đây bằng 2 đôi tay”.

Trong suốt mấy ngày qua, những bàn tay nối những bàn tay của hàng trăm đoàn viên tình nguyện, tạo thành hàng rào, giữ trật tự hai bên lối đi dẫn vào nhà Đại tướng. Các bạn trẻ đã phát hàng trăm chiếc quạt, hàng ngàn chai nước, bánh mì, dìu đỡ hàng trăm cụ già, tiếp sức cho đoàn người viếng bác.

Cao Thuỳ Linh, một sinh viên trong số đó, cho biết: “Được đóng góp công sức trong ngày tang lễ của Đại tướng là một niềm vinh hạnh lớn đối với em”!

Giáo sư sử học người Pháp Derrien - người đã 5 lần sang Việt Nam để nghiên cứu về lịch sử, sau khi xếp hàng viếng bác Giáp đã tâm sự với phóng viên Báo NNVN rằng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người hùng của dân tộc Việt Nam, tầm vóc của ông vươn ra mọi quốc gia, dân tộc”.

Đến 18h30 hôm qua, hàng ngàn người dân vẫn xếp hàng từ đường Điện Biên Phủ chờ vào viếng Đại tướng. Cánh cổng số nhà 30 Hoàng Diệu vẫn mở để đón tiếp. Nguyễn Lệ Thu, một người dân ở Thái Bình lo lắng: “Đã hết giờ mở cửa viếng Đại tướng rồi nhưng tôi vẫn chưa thể vào được. Tâm trạng của tôi rất sốt ruột. Chỉ mong Ban Tổ chức tang lễ kéo dài thêm để nhân dân vào viếng bác”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất