| Hotline: 0983.970.780

5 tồn tại và 9 định hướng

Thứ Năm 04/11/2010 , 11:04 (GMT+7)

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) được sắp xếp và tổ chức lại theo các Quyết định 220/2005/QĐ-TTg và 930/2005/QĐ-TTg, ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Viện hiện có 17 đơn vị, 5 Ban chức năng; tổng số cán bộ CBCNV 3.416 người, trong đó số biên chế là 2.654 với 30 Giáo sư và Phó giáo sư, 210 TSKH và TS, 531 Thạc sỹ, 1.436 Kỹ sư/Cử nhân/Cao đẳng. Tỷ lệ cán bộ khoa học trình độ từ đại học trở lên chiếm 41.3%.

Được Nhà nước đầu tư tương đối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu và các phòng thí nghiệm, kinh phí, nên trong 5 năm qua (2006-2010) Viện đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó nhiều kết quả được thương mại hoá, được địa phương ứng dụng và nhân rộng. Mặc dù vậy, vẫn còn một số tồn tại cần phân tích nguyên nhân để VAAS phát triển xứng tầm một Viện nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia. 

TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

 1. Quá nhấn mạnh đến nghiên cứu ứng dụng mà chưa quan tâm đến nghiên cứu cơ bản.

Do sức ép từ sản xuất, nhiều năm qua các đơn vị nghiên cứu chủ yếu tập trung cho nghiên cứu ứng dụng. Các nghiên cứu này đã thực sự mang lại hiệu quả nhanh trong sản xuất. Tuy nhiên từ cách tiếp cận này mà nhiều đề tài nghiên cứu không được bố trí nội dung nghiên cứu cơ bản một cách tương xứng. Việc này đã dẫn đến nhiều nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ mô tả hiện tượng thay vì dẫn được cơ sở khoa học của hiện tượng đó.

Cũng với xu hướng này, chúng ta đang dần tạo ra sự hụt hẫng các nhà khoa học cơ bản. Bài học cho việc thiếu đi các nghiên cứu cơ bản đã làm cho chúng ta lúng túng trong xử lý các biến đổi bất thuận của thời tiết, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen trong trồng trọt; dịch cúm gà, lợn tai xanh… trong chăn nuôi.

2. Sự phối hợp nghiên cứu có tiến bộ song chưa đáp ứng yêu cầu.

Sự thiếu hụt nguồn lực chất lượng cao, thiết bị và phòng thí nghiệm tạo nên sự cần thiết phải phối hợp nghiên cứu. Tuy nhiên, do các qui định về khoa học, tài chính, về tư duy cục bộ, về áp lực công ăn việc làm nên sự phối hợp chưa tốt. Hợp tác trong nghiên cứu tuy có được cải thiện song vẫn chưa mạnh mẽ, phần nhiều mới chỉ dừng lại ở các hợp tác đơn lẻ, tự phát, hoặc hợp tác một cách bắt buộc do sức ép hành chính.

3. Kết quả nghiên cứu chưa bền vững, nhiều kết quả trong sản xuất chưa ổn định.

Hiện nay, hàng năm số kết quả được công nhận là tiến bộ kỹ thuật nhiều song số kết quả được nhân rộng trong sản xuất không nhiều. Có nhiều nguyên nhân, song có lẽ do nghiên cứu ngắn hạn, thiếu phần cơ bản, nghiên cứu về kỹ thuật thường tiến hành đơn lẻ nên khó cung cấp trọn gói kỹ thuật cho nông dân. Việc nghiên cứu và khuyến nông/chuyển giao vận hành độc lập, chưa tạo sự gắn kết cũng làm cho việc chuyển giao chậm.

Chiến lược nghiên cứu khoa học của ngành chưa có cũng tạo nên khó khăn trong định hướng cho các lĩnh vực. Việc các Hội đồng tư vấn nhiệm vụ hàng năm đôi khi chưa được cung cấp và cập nhật các chiến lược, định hướng của ngành cũng làm cho công tác tư vấn có chất lượng chưa cao.

4. Cơ chế quản lý được đổi mới song chưa đáp ứng yêu cầu.

Với mô hình tổ chức mới, đã từng bước giải quyết được các chồng chéo về tổ chức và trong thực hiện nhiệm vụ KHCN; sự phối hợp tốt hơn và hiệu quả hơn, công tác kế hoạch triển khai sớm và bảo bảo tính thống nhất, đồng bộ và chất lượng đề cương tốt hơn. Sự phối hợp giữa các đơn vị có tiến triển theo hướng tốt hơn, tự nguyện hơn. Việc hình thành các viện vùng đã tạo điều kiền rất tốt để tiến đến hình thành các Trung tâm khoa học vùng, tiếp cận nhanh với thực tiễn để đề xuất nhiệm vụ chính xác hơn và chuyển giao kết quả hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức như Viện KHNN Việt Nam là mô hình mới, song các cơ chế phù hợp cho loại hình này chưa được đáp ứng. Sự quyết tâm của Lãnh đạo Bộ chưa được kịp thời thể chế hoá tại các cơ quan quản lý liên quan. Những tồn tại lớn là cơ chế mô hình viện lớn, viện trực thuộc và quyền tự chủ theo tinh thần Nghị định 115 (vấn đề này cũng sẽ phát sinh tại các Trung tâm trực thuộc các đơn vị trực thuộc).

Sự phân cấp về KHCN chưa cao do vướng về các qui định của khoa học, tài chính. Những qui định, phân cấp về công tác cán bộ, bổ nhiệm, xuất cảnh… cũng chưa có sự phân biệt các Viện lớn đã được tổ chức lại và các đơn vị qui mô nhỏ hơn, gây ra các bức xúc không cần thiết. Việc tập trung các nhà khoa học theo “Nhóm công tác” để thực thi nhiệm vụ KHCN cho phép liên kết tốt hơn giữa các đơn vị, phát huy được thế mạnh của từng cá nhân, tổ chức, môi trường hợp tác được cải thiện hơn song lại không có nguồn lực để thực hiện.

Các đề tài hợp tác quốc tế còn mất nhiều thời gian về các thủ tục cho phép thực hiện, kể cả đề tài kinh phí rất ít, yêu cầu thực hiện ngay theo tính chất công việc nên cần có những cải tiến thích hợp, tạo điều kiện để các đơn vị tìm kiếm, tranh thủ các nguồn lực từ HTQT.

Trong 5 năm qua, Viện đã có 63 giống cây trồng được công nhận chính thức, trong đó có 16 giống lúa, 7 giống ngô, 5 đậu đỗ, 8 giống rau, 4 giống cây ăn quả, 5 giống cà phê, 2 giống mía...; 107 giống được công nhận cho sản xuất thử. Viện đang quản lý 24.500 mẫu nguồn gen của các loài cây trồng có ở Việt Nam với gần 20.000 nguồn gen đang bảo tồn tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia và trên 5.000 nguồn gen lưu giữ tại các cơ quan mạng lưới.
5. Do có khó khăn về nguồn lực tài chính, công tác thông tin, xuất bản của Viện chưa xứng tầm với một Viện Quốc gia 

ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU ƯU TIÊN

Căn cứ chiến lược nghiên cứu của Viện đã được Bộ NN- PTNT phê duyệt, Viện kiên định các định hướng lớn cho các năm 2011-2015 như sau :

1. Ưu tiên nghiên cứu cơ bản có định hướng phục vụ cho công tác chọn tạo giống, nhân giống và thâm canh giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán xét nghiệm các tác nhân gây bệnh hại cây trồng, côn trùng, vật nuôi; Sử dụng có hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm trong nghiên cứu chuyên sâu và giải quyết những vấn đề cấp bách nảy sinh trong sản xuất. Sử dụng công nghệ mới kết hợp hài hoà với công nghệ truyền thống để phục vụ công tác chọn tạo giống mới; Đánh giá và khai thác hiệu quả tài nguyên di truyền bản địa, tài nguyên đất.

2. Chọn tạo và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với dịch hại chính. Đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng ưu thế lai trong chọn, tạo giống, coi đây là hướng đột phá để nâng cao năng suất sinh học và chất lượng nông sản. Thực hiện bảo tồn thông qua phát triển các loài cây trồng, vật nuôi bản địa có chất lượng. Đẩy mạnh nhập nội nguồn gen từ nước ngoài nhằm tạo ra nguồn vật liệu di truyền phong phú để tạo giống có nhiều đặc tính di truyền tốt, phù hợp với đặc điểm sinh thái cũng như thị hiếu của thị trường. Thu thập, đánh giá, chọn lọc và phát triển các giống, kỹ thuật mới do nông dân phát hiện.

3. Tập trung nghiên cứu quản lý cây trồng tổng hợp, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để đạt năng suất tối đa và hiệu quả kinh tế tối đa. Nghiên cứu cơ sở khoa học và và phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với yêu cầu thị trường và vùng sinh thái.lợi thế.

4. Nghiên cứu Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP) để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám và hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) để nghiên cứu dự báo và phát hiện các dịch bệnh mới và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời. Nghiên cứu sử dụng ký sinh thiên địch có ích, sản xuất thuốc BVTV sinh học, thuốc có nguồn gốc thảo mộc, phân bón hữu cơ vi sinh theo để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phối hợp nghiên cứu giảm tổn thất sau thu hoạch, công nghệ bảo quản nhất là với rau, hoa và quả; công nghệ tưới tiết kiệm và công nghệ giữ ẩm.

5. Nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên theo cách tiếp cận về phát triển bền vững. Đề xuất cơ sở phương pháp luận cho việc xây dựng quy trình lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, nông thôn.

6. Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp với tiếp cận tổng hợp kinh tế xã hội nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững và theo nhu cầu của thị trường. Nghiên cứu thể chế tổ chức sản xuất nông hộ, các loại hình hợp tác trong nông thôn, chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn, hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu theo ngành hàng nhằm phát huy lợi thế so sánh trên thị trường trong và ngoài nước.

7. Nghiên cứu giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và giải pháp thích ứng. Nghiên cứu tác động môi trường trong sản xuất thâm canh cao hiện nay. Nghiên cứu phát triển nhiên liệu sinh học và năng lượng tái sinh.

8. Phát triển công nghệ cho các vùng sinh thái theo hướng khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên khí hậu, trước mắt ưu tiên cho sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng vụ một cách phù hợp; đồng thời nghiên cứu cơ sở khoa học để khai thác vùng đất trống đồi núi trọc, đất 1 vụ ở miền núi phía Bắc và đất hoang hoá duyên hải miền Trung theo hướng nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, nông nghiệp sinh thái. Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp tổng hợp ở qui mô cấp xã/xã điểm.

9. Nghiên cứu phát triển cây thức ăn chăn nuôi, theo hướng đa dạng hóa về chủng loại và giàu dinh dưỡng, trong đó ưu tiên phát triển nguồn thức ăn xanh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.