| Hotline: 0983.970.780

55 năm trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội

Thứ Ba 11/10/2011 , 09:50 (GMT+7)

Cách đây vừa tròn 55 năm, 12/10/1956 Trường Đại học Nông Lâm, tiền thân của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội ngày nay, được thành lập...

Một góc trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội
Cách đây vừa tròn 55 năm, 12/10/1956 Trường Đại học Nông Lâm, tiền thân của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội ngày nay, được thành lập theo Nghị định số 53/NĐ-NL của Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nước VNDCCH. Hôm nay, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, ngày hội gặp mặt truyền thống của các thế hệ thày và trò.

Trường ĐH Nông Lâm là một trong bốn trường đại học đầu tiên của nước VNDCCH, được thành lập sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Bác Hồ đã trực tiếp cử một số cán bộ đảng viên và trí thức yêu nước về xây dựng trường. Bác mong muốn đào tạo được nhiều kỹ sư nông nghiệp phục vụ cho đất nước vốn đi lên từ một nền nông nghiệp lạc hậu, nghèo đói, để sớm đưa nông nghiệp Việt Nam đi lên hiện đại, nông thôn Việt Nam sớm trở nên văn minh, giàu đẹp.

Trong thời kỳ đầu mới thành lập, trường có 3 khoa với 4 ngành đào tạo, 27 giáo viên, 467 sinh viên; cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, thiếu thốn, giảng đường, phòng thí nghiệm chỉ là tranh tre, nứa lá, phòng thực tập mới có vài chiếc kính hiển vi đơn sơ. Nhưng ngay từ những ngày đầu sơ khai ấy, giáo viên đã thi đua thực hiện 3 hoá: “Chuyên môn hoá, Việt Nam hoá, Tinh giản hoá”; sinh viên có phong trào thi đua "Học tập tốt, lao động tốt". Những giống lúa cấp quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam mới như 813, 828, VN1, NN1 ngắn ngày, năng suất cao đã được trường tạo ra trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và thiếu thốn ấy. Một số thành tựu khác như chọn tạo giống cây ăn quả, mô hình trại nuôi bò sữa, nhân giống lợn nội và ngoại, cho cá đẻ nhân tạo... là những thành tựu đã tạo uy tín và vị thế ban đầu của một trường đại học non trẻ trong xã hội.

Ít người biết rằng, trong khói lửa của cuộc chiến tranh những năm 60-70 của thế kỷ trước, trên các vùng căn cứ của cách mạng miền Nam, và ngay cả ở vùng bị tạm chiếm, các cựu SV Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã là tác giả của các biện pháp gieo sạ khác nhau: sạ khô, sạ gác, sạ ngầm; của phong trào lên líp nâng cao mặt ruộng, rửa chua phèn, cải tạo đất, phát triển vụ lúa hè thu, phong trào lên vuông kết hợp trồng lúa, nuôi cá và trồng cây ăn quả… góp phần quan trọng trong cung cấp lương thực cho Cách mạng.

Lịch sử phát triển nông nghiệp và nông thôn nước nhà mãi mãi ghi nhận những đóng góp quan trọng và nổi bật của Trường ĐHNN Hà Nội trong chuyển đổi vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân, với các giống lúa cấp quốc gia do trường tạo ra như ĐX2, ĐX3, ĐX4, ĐX5, VN10, VN20… có khả năng thâm canh và cho năng suất cao; phát triển vụ đông, đẩy mạnh phong trào “5 tấn thóc, 2 con lợn/1 lao động/1 ha gieo trồng”, nghiên cứu sử dụng phân lân, sử dụng bèo hoa dâu trong thâm canh lúa, xây dựng bờ vùng bờ thửa, kỹ thuật gieo vãi lúa, làm mạ sân, tiêm phòng và chữa bệnh gia súc, đưa máy móc về đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất, đổi mới quản lý hợp tác xã, phát triển lợn lai kinh tế,… là những bước tiến rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc thời bấy giờ.

Đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất của những ngày đầu vừa ra khỏi chiến tranh, thày và trò nhà trường vừa giữ vững truyền thống “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, vừa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Những giống lúa mới năng suất cao như T125, A3, A4, A5…, các mẫu máy nông nghiệp mới như máy nghiền trục đứng, máy trộn thức ăn gia súc, máy thái củ, máy băm vùi thân lá dứa, máy rũ đay ngâm…vẫn tiếp tục ra đời và được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. 

Đặc biệt, trong thời kỳ này, hàng ngàn lượt thầy cô giáo và sinh viên của trường đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Viện Quy hoạch thiết kế NN, tiến hành các chương trình điều tra tình hình dịch bệnh gia súc ở các tỉnh phía Nam, điều tra cơ bản nông nghiệp và đất đai Tây Nguyên, điều tra tính chất nông hoá đất ở tất cả các tỉnh, huyện và tham gia xây dựng bản đồ thổ nhưỡng toàn quốc. Các chương trình khoa học này đã cung cấp những cứ liệu khoa học hết sức quan trọng cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn của cả nước.

Hiện nay trường có gần 1.300 CBCNV đang giảng dạy, NCKH và phục vụ tại 13 khoa, 14 phòng ban, 14 viện, trung tâm nghiên cứu, công ty; trong đó có trên 700 CBGD, gần 300 nghiên cứu viên, 75 giáo sư, phó giáo sư, trên 25% CBGD có học vị tiến sỹ, trên 40% CBGD có học vị thạc sỹ, hầu hết số tiến sỹ và thạc sỹ này được đào tạo từ các nước có nền giáo dục và khoa học tiên tiến.

Nhà trường đã mở nhiều ngành nghề đào tạo mới, hiện nay có 46 chuyên ngành đào tạo đại học, 16 chuyên ngành cao học và 20 chuyên ngành tiến sĩ; thực hiện đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Nhà trường đã mở ra nhiều chương trình đào tạo liên kết trình độ ĐH và sau đại học với các trường ĐH, viện nghiên cứu danh tiếng của Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Thái Lan như UC Davis, ĐH Wisconsin-Madison, ĐH Waginigen, ĐH Liege, Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT)…

Hiện nay trường tuyển mới hàng năm trên 6.000 sinh viên hệ chính quy, giảm dần quy mô tuyển sinh các hệ không chính quy, 1.250 học viên cao học và 60 NCS; quy mô sinh viên hàng năm hiện nay của trường ở tất cả các hệ đào tạo lên tới trên 23.000 người. Quy mô mở rộng, nhưng chất lượng đào tạo luôn được củng cố và nâng cao. Trong những năm gần đây mỗi năm có từ 48.000 đến 52.000 thí sinh đăng ký dự thi vào trường, điểm chuẩn xét tuyển nhiều ngành vượt xa điểm sàn theo quy định của Bộ GD- ĐT. SV tốt nghiệp ra trường 84% có việc làm sau 6 tháng, 93% có việc làm sau 1 năm.

Qua 55 năm không ngừng phát triển, trường đã đào tạo cho đất nước gần 70.000 kỹ sư và cử nhân, gần 3.500 thạc sĩ, trên 350 tiến sỹ; đội ngũ cán bộ do trường đào tạo chiếm trên 65% số cán bộ KHKT và quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước; trong số họ, nhiều người đã trở thành các nhà khoa học có uy tín cao, nhiều nhà giáo mẫu mực, nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều cán bộ lãnh đạo và quản lý tài giỏi, từ cơ sở sản xuất đến lãnh đạo một số bộ ngành trung ương.

Có 8 cựu cán bộ, sinh viên của Trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 cựu SV là Anh hùng LLVTND, 2 cô giáo được nhận giải thưởng Kovalepskaia, trên 80 nhà giáo được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, gần 200 nhà giáo được nhận chức danh GS, PGS…, gần 100 nhà giáo và SV được nhận giải thưởng VIFOTEC; ba công trình và cụm công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh...

Các nhà khoa học của trường đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo các giống cây trồng ưu thế lai, làm chủ công nghệ vi nhân giống, đồng tác giả công trình lợn lai năng suất và chất lượng cao; các giống lúa lai 2 dòng đầu tiên mang thương hiệu VL và TH (VL20, VL50, TH3-3, TH3-4, …), các giống cà chua lai đầu tiên mang thương hiệu HT (HT7, HT21, HT46, …), các loại phân viên nén mang thương hiệu HUA của Việt Nam đều do các nhà khoa học của trường tạo ra.

Cùng với các giống cây, con mới là các tiến bộ kỹ thuật về canh tác tiết kiệm chi phí, thử nghiệm thành công vụ cà chua xuân hè, nhân nhanh khoai tây giống sạch bệnh, phát triển công nghệ khí canh, sản xuất các enzyme xử lý và chế biến rác thải hữu cơ, chế tạo một số vacxin chịu nhiệt, vacxin dịch tả vịt, xác định các loại virus gây bệnh nguy hiểm cho lúa bằng công nghệ phân tích phân tử và giải trình tự gen, giải trình tự gen virus gây bệnh tai xanh và chế tạo KIT chẩn đoán bệnh tai xanh trên lợn, chế tạo gần 40 mẫu máy nông nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng GIS và viễn thám trong quy hoạch sử dụng đất, về phân tích ngành hàng, phân tích chính sách, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động, liên kết cùng với địa phương xây dựng hàng loạt mô hình sản xuất hợp lý và mô hình hợp tác, liên kết mới, hiệu quả trên các vùng sinh thái điển hình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, …

Số lượng các bài báo của các nhà khoa học Trường ĐHNN Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

(*): Tác giả hiện là Hiệu trưởng ĐHNN Hà Nội

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất