| Hotline: 0983.970.780

55 tuổi nặng 20 kg

Thứ Ba 07/02/2012 , 12:56 (GMT+7)

Khác với “người tí hon” Phùng Thị Xuyến, chị Phạm Thị Lý (SN 1957) ở đội 4 xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội) sinh ra, lớn lên hoàn toàn bình thường. Chị có chồng và ba đứa con đã khôn lớn. Ở thời cao điểm nhất chị Lý nặng 48 kg, lao động rất năng nổ nhưng nay chỉ còn 20 kg.

Khác với “người tí hon” Phùng Thị Xuyến, chị Phạm Thị Lý (SN 1957) ở đội 4 xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội) sinh ra, lớn lên hoàn toàn bình thường. Chị có chồng và ba đứa con đã khôn lớn. Ở thời cao điểm nhất chị Lý nặng 48 kg, lao động rất năng nổ nhưng nay chỉ còn 20 kg.

>> Những người tí hon nhất trần gian

Không dám bước lên bàn cân

Trước đây chị làm Bí thư đoàn xã, Hội phụ nữ xã, Đội trưởng đội sản xuất, kế toán, Bí thư chi bộ. Ở nhà chị làm 9 sào ruộng, vừa chăn tằm vừa ươm tơ, nuôi bầy con lít nhít để chồng đi công tác trong Nam gần 20 năm. Mãi đến năm 2005, sức khỏe yếu, mắc “bệnh gày” vô nguyên nhân chị mới nghỉ việc xã hội, lơi tay cày cấy.

Thủa bao cấp có phong trào nhà nhà, người người nuôi bèo hoa dâu làm phân xanh, lại có cả những HTX bèo hoa dâu, những nữ kiện tướng bèo hoa dâu, chị có tiếng là xông xáo. Chị em trong đội kỹ thuật không kể mưa nắng, sớm tối, cùng nhau đi thu gom bèo hoa dâu ở các thùng vũng, ao hồ đem về thả nhân giống rồi chăm chút. Mỗi khi bèo bị bệnh, chính tay chị trộn thuốc DDT 666 - loại thuốc mà về sau mới biết là cực độc để xử lý.

Chị Phạm Thị Lý

Hoạt động hăng hái đến nỗi cô Bí thư đoàn xã mới chỉ 23 tuổi đã được kết nạp Đảng. Chẳng biết có phải do thứ chất độc đó ngấm vào hay không mà răng chị cứ mục dần, lay đứt từng nửa cái một không hề chảy máu. Trọng lượng từ 46, 38, 36 tụt xuống còn 19, 20 kg khiến cho chị sợ cân đến mức cả năm trời không dám ướm chân lên thử. Sức khỏe chị như mực nước ở trong cái bình bị vỡ đáy, cạn kiệt nhanh chóng.

Năm 2004 chị ốm, sốt, ra Bệnh viện 103 khám được chẩn đoán có khối u máu nhỏ ở gan. Bác sĩ chọc cả cái xi lanh dài vào gan hút ra mấy xê xê dịch, thử mới biết là u lành tính, bảo bình thường cứ về tẩm bổ là khỏe. Uống 100 thang thuốc lá, cả chục cân thuốc tây, vài bao tải thuốc nam.

Đi hết bà lang Phiển nổi tiếng với bài thuốc xạ đen rồi đủ kiểu thầy lang bản, lang làng có bài nào hay cũng chữa nhưng chị gầy một thêm gày. Gày đến nỗi chỉ còn trông thấy mỗi da, tóc, hố mắt. Gày đến độ không bác sĩ nào dám truyền nước tại nhà vì trọng lượng chỉ còn bằng 1/3 người thường, dễ sốc mà mất mạng.

Xương, gân, cơ cứ thế yếu dần. Lúc đầu chị còn chống gậy đi lại nhúc nhắc được. Dăm tháng trước, một bận trượt gậy, không ngã nhưng bị đau, chị giờ chủ yếu nằm liệt trên giường. Ngay cả hành động ngồi dậy đơn giản cũng là cả một sự vật lộn, đấu tranh với lực hút của trái đất. Chị chống đầu. Nghỉ mấy phút lấy sức. Rồi dùng cả tay lẫn đầu đẩy mạnh xuống chiếu làm điểm tựa bẩy từ từ cái thân thể nặng 20kg dậy.

Những ngày đại hàn là một cực hình với chị, luôn để cả chậu than rừng rực cạnh giường mà vẫn thấy rét. Cái rét chỉ tràn qua lớp da mỏng là đã thấu tận xương tủy, tứ thời đắp chăn. Đợt mồng một Tết năm ngoái khi chị đang ăn cơm bị một cơn đau khó thở tưởng vĩnh viễn ra đi.

Mong nấu cho chồng một bữa ăn

Chị nhỏ nhẻ: “Ai cũng ham sự sống, tôi cũng thế chú à! Một ngày cố ăn ba bữa, mỗi bữa một bát cơm, tối lại uống thêm sữa nữa mà chẳng béo được. Các con tôi, trai chưa vợ, gái chưa chồng nên dù không muốn ăn tôi vẫn phải cố mà sống nhìn các con khôn lớn”.

Chị ốm, cái máy ươm tơ, đàn lợn sề, đàn bò, cót thóc cứ lần hồi hóa thành thang thuốc, thành tiền chạy chữa. Chị khám đủ kiểu từ lao, ký sinh trùng, chụp cắt lớp, X quang đến xét nghiệm máu, phân, nước tiểu… bác sĩ nào cũng lắc đầu bảo có bệnh gì ngoài mỗi cái u máu. Người chị hao nhanh như một ngọn đèn đã cạn dầu, cháy đến tận cùng sợi bấc.

Đau đớn không hé răng kêu, chị giấu giếm cân nặng, tình trạng sức khỏe của mình ngay cả với hai đứa con đang xa xứ. Hàng xóm, láng giềng khi quả bưởi, quả cam, bận cân đường, hộp sữa đến động viên, an ủi chị lại động viên người hỏi thăm rằng chị vẫn khỏe, vẫn minh mẫn.

Hai đứa con ở trong Nam hai cái Tết rồi không về vì đồng lương công nhân còm cõi không lo nổi tiền tàu xe, đồng quà tấm bánh. Ba năm rồi chị không dám nghĩ tới khám chữa gì phần vì đi lại khó khăn, phần bởi không đồng xu dính túi. Chồng nghỉ mất sức, vợ bệnh tật ốm đau. Anh chị nghèo đến mức phải vay 16 triệu cho con đi học trung cấp, đúng hôm ông Công ông Táo về trời thì đáo hạn, bị đòi riết phải gọi người đến bán thóc.

Người phụ nữ gày nhất thế giới chỉ nặng vẻn vẹn có 17 kg, được gắn cho biệt danh là "cái tăm xỉa răng", bà Irialdes Santos Alves ở Brazil. Có điều khó hiểu là bà Irialdes vẫn mạnh khỏe để sinh ra một đứa con. Giới y học cũng chịu không thể giải thích nổi tại sao người đàn bà 44 tuổi này với thân hình chỉ là cái khung xương lại qua thời kỳ mang thai không sự cố. Được báo chí "khám phá" ra năm 1976, hồi bà chỉ nặng có 25 kg. Sau khi lấy chồng năm 1989 bà tăng thêm được một vài cân nhưng giảm xuống còn có 17 kg khi bà chửa đẻ.

Y khoa thế giới cũng ghi nhận một phụ nữ mắc chứng kém ăn đó là Kate Chilver (31 tuổi) ở Anh với trọng lượng 25 kg. Cô gày tới mức nội tạng đã "chết" vì thiếu máu, gày tới mức quả tim chỉ nhỏ bằng một nửa so với bình thường. Được đưa tới một cơ sở điều trị lười ăn ở tuổi 15, trong 16 năm đấu tranh với bệnh tật, Chilver không đáp ứng với thuốc và không tham gia các khóa tâm lý trị liệu vì không thể ngồi, mọi bài tập luôn là quá sức.

Chỗ thóc thơm chị định để dành ăn Tết đành bán sạch vì thóc thường năm cùng tháng tận người ta không chịu mua. Nghe tiếng người ta rồn rột cào xúc, chị cố nén tiếng nấc khỏi bật ra nơi cổ họng. Cám cảnh chị đứa em gái mang đến cho một cái chân giò gọi là có đồ mà cúng ông bà tổ tiên.

Mấy đứa cháu nhà chị mượn đâu được cái cân bàn về để trước mặt, chị cũng không thể đứng được mà đành ngồi bệt lên. Chiếc kim nhúc nhích, giật giật theo từng nhịp thở, nhịp đung đưa của cái thân hình mỏng tang và dừng ở mức 21kg. Loại trừ mớ quần áo rét cân nặng thực của chị chỉ cỡ 19-20kg cho một chiều cao 1m56.

Chị tâm sự với những giọt nước mắt. Lời nói cứ nghẹn lại mỗi lúc quá xúc động: "Mấy năm nay tôi gày guộc, yếu ớt khiến cho chồng con khổ. Tôi chỉ tiếc không ai nấu cho chồng, cho con một bữa ăn ngon. Tôi chỉ mong sao y học chữa được cho mình chứng nhức nhân tay, đi lại được, nấu cho chồng con những bữa ăn ngon là đã mãn nguyện lắm rồi”.

Anh Dung, chồng chị, tiếp lời: “Tôi 16 năm làm công nhân lái xe trong Nam đến lúc trở về quê thì thất nghiệp nên đã coi như đời thất bại. Mình tôi vừa lo 9 sào ruộng, vừa đi chợ, nấu cơm, chăm sóc vợ để cho mấy đứa con yên tâm đi làm xa. Chúng tôi không còn con đường nào khác. Nếu buộc con cái ở nhà chăm mẹ, mình nhàn thân nhưng lại trói mất tương lai của các cháu nên đành phải gắng thôi”.

Lúc tôi ra về, anh Dung và đứa con trai út đang chuẩn bị bữa ăn. Hai người đàn ông, một già, một trẻ lui cui trong căn bếp trống huơ hoắc. Lửa cháy rần rật, tàn than bay tung tóe mà chiều cuối năm vẫn quạnh quẽ, đìu hiu vì thiếu bàn tay đàn bà.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất