| Hotline: 0983.970.780

65 năm- Nhìn lại và suy nghĩ tiếp cho nông dân

Thứ Ba 07/09/2010 , 19:17 (GMT+7)

Để góp thêm góc nhìn về những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn, nông dân 65 năm độc lập, những thách thức sẽ phải đối mặt, Chi nhánh Báo NNVN tại TPHCM đã tổ chức một buổi toạ đàm...

65 năm qua, bộ mặt đất nước đã có nhiều đổi thay. Nền kinh tế từ chỗ gần như thuần nông, đang chuyển mạnh theo hướng CNH, HĐH. Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ một trong những nước XK nông sản hàng đầu thế giới ở nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su…Đời sống của người dân, nhất là người dân thành thị, đã được cải thiện khá nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đời sống của người dân nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, vẫn tiếp tục là tầng lớp được hưởng lợi ít nhất từ thành quả phát triển và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc như SX nhiều rủi ro, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, bị mất đất cho các mục đích phi nông nghiệp… 

Đời sống của người dân nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, vẫn tiếp tục là tầng lớp được hưởng lợi ít nhất từ thành quả phát triển (Ảnh minh họa)

Để góp thêm góc nhìn về những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn, nông dân 65 năm độc lập, những thách thức sẽ phải đối mặt, Chi nhánh Báo NNVN tại TPHCM đã tổ chức buổi toạ đàm, với sự tham gia của những khách mời gồm: GS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM; ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN- PTNT 2; TS Hoàng Tuấn, Phân viện Quy hoạch và TKNN Miền Nam và nhà báo Lê Phú Khải. Họ đều đã có nhiều năm gắn bó và rất am hiểu nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung cũng như Nam bộ nói riêng.

NHIỀU THÀNH TỰU VỮNG CHẮC, TO LỚN

Nhìn lại lịch sử 65 năm qua, năng suất, sản lượng, diện tích nhiều loại cây trồng, vật nuôi cũng đã có bước phát triển cao mang tính đột biến. Nét nổi bật nhật của sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đã tiệm cận được với các nền nông nghiệp tiên tiến về mặt năng suất ở một số cây trồng hàng hóa chủ lực.

Năng suất lúa bình quân cả nước năm 1955 chỉ là 1,6 tấn/ha, đến nay đã đạt 5,4 tấn/ha, gấp hơn 3 lần và cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan hiện nay, cường quốc số 1 về XK gạo (2,8 tấn/ha). Cà phê năm 1995 năng suất bình quân đã đạt 2,2 tấn/ha, gấp hơn 3 lần năng suất bình quân thế giới khi đó (0,7 tấn/ha). Năm nay, năng suất cà phê của ta là 2,8 tấn/ha, gấp 2,7 lần năng suất bình quân thế giới. Hồ tiêu đạt năng suất 2,5 tấn/ha, gấp hơn 2 lần nước SX hồ tiêu hàng đầu là Ấn Độ (1,2 tấn/ha), đấy là chưa kể năng suất cá biệt khó tin ở Gia lai lên đến 10 tấn/ha. Cây điều có năng suất chưa cao so với các cây trồng khác, mới chỉ đạt 1,1 tấn/ha, nhưng cũng đang gấp rưỡi năng suất bình quân của thế giới.

Trong ngành chăn nuôi, thì con heo Việt Nam đang có năng suất tương đương với các nền chăn nuôi tiên tiến, khi mà chỉ trong 100 ngày nuôi, con heo đã đạt 100kg. Nuôi gà công nghiệp 42 ngày xuất chuồng, đạt bình quân 2,4 kg/con, nuôi vịt 40 ngày xuất chuồng đạt bình quân 3kg, không kém gì năng suất ở các nước chăn nuôi phát triển. Diện tích chè năm 1960 chỉ khoảng 6.000 ha, năm nay lên tới trên 130.000 ha. Cao su năm 1975 chỉ khoảng 75.000 ha, nay đã gấp hơn 10 lần...Thủy sản cũng có sự phát triển thần kỳ, nhất là tôm và cá tra.

Những đối tượng cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, được tập trung nguồn lực, có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, đã tạo ra những bước đột phá lớn trên và mang lại nguồn thu to lớn. Tổng giá trị SX nông, lâm và thủy sản năm 2009 so với giá cố định năm 1994 đạt gần 220 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với năm 1994. Kim ngạch XK ngành nông nghiệp năm 2009 đạt 15,34 tỷ USD.

Sự phát triển của nông nghiệp còn có ý nghĩa hơn vì nó giải quyết việc làm cho trên 23 triệu lao động trong tổng số 45 triệu lao động của toàn xã hội. Giá trị gia tăng của một lao động nông nghiệp đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Giá trị XK của nông nghiệp cũng mang lại lợi nhuận cao hơn các ngành khác vì tỷ lệ giá trị NK “đầu vào” thấp hơn. Sự phát triển của nông nghiệp trong những năm qua là điều kiện cơ bản nhất cho sự ổn định xã hội, tạo tiền đề cho công nghiệp và hiện đại hóa. 

THÁCH THỨC CŨNG...TO KHÔNG KÉM 

TS HOÀNG TUẤN, PHÂN VIỆN QUY HOẠCH VÀ TKNN MIỀN NAM: “5 GIẢM, 5 TĂNG VÀ 5 THIẾU”

 SXNN ở nước ta đang phải đối mặt với những vấn đề mà tôi gọi là “3 cái 5”, gồm 5 giảm, 5 tăng và 5 thiếu. Cái giảm đầu tiên là ruộng đất. Sở dĩ tôi đặt ruộng đất lên hàng đầu vì đất đai là tư liệu SX chính của người nông dân ở bất cứ đâu. Không có đất thì khác gì nhà nông bị trói tay trói chân. Dù KHKT có thể giúp cho nông dân trồng cây trên giá thể, trồng thuỷ canh, nhưng 99% sản lượng nông sản trên thế giới vẫn là trồng từ đất. Ở nước ta, từ năm 1945 đến nay, diện tích đất nông nghiệp đã liên tục được khai thác, mở rộng thêm. Đến 1/1/2009, diện tích đất nông nghiệp cả nước đã đạt mức tối đa là 9,7 triệu ha. Nhưng rồi, bắt đầu từ năm 2011 trở đi, sẽ hết đất khai thác mới để làm nông nghiệp. Trong khi đó, đất nông nghiệp đã khai thác lại đang giảm rất nhanh qua từng năm. Mỗi năm, có khoảng 75.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang sang các mục đích phi nông nghiệp.

Cái giảm thứ 2 là phạm vi vùng chăn nuôi và vùng nuôi trồng thuỷ sản đạt tiêu chuẩn tạo sản phẩm sạch đang ngày càng bị thu hẹp vì ô nhiễm, vì có rất nhiều Vedan chưa bị lộ.

Cái giảm thứ 3 là nguồn nước và chất lượng nước cho SXNN cũng đang ngày càng ít đi, ít kinh khủng. Sắp tới, ĐBSCL chỉ còn 64% lượng nước xả xuống từ thượng nguồn sông Mekong, do 37 cái đập ở thượng nguồn cơ bản giữ hết nước. Lượng phù sa ở ĐBSCL không còn được vài triệu tấn mỗi năm như trước đây nữa. Phù sa giảm mạnh, thì phải tăng gấp 3 lần lượng phân bón. Ở Tây Nguyên, 7 năm nay phát triển cà phê, với điền kiện như hiện nay thì e rằng sắp tới không còn nước để tưới cà phê nữa. Nhiều khu vực ở vùng rìa của Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai, chỉ bơm nước được 2 tiếng đồng hồ, trong khi ngày xưa bơm được 6 tiếng. Trước đây, mỗi ha cà phê chỉ cần khoan 1- 2 giếng là đủ tưới. Nay phải cần tới 10 giếng.

Cái giảm đáng ngại thứ 4 là giảm hiệu quả SXNN. Hiện nay lãi trên chi phí nông nghiệp là cực thấp. Năm 2000, một ngày công lao động chỉ 20.000 đồng, giờ 80.000 đông. Một kg urea trước đây chỉ 2.300 đồng giờ là 7.000 đồng. Một chai thuốc trừ sâu ngày trước 18.000 đông giờ 90.000 đồng, một lít xăng dầu trước đây 4.300 đồng giờ 17.000 đồng. Mới 9 năm mà giá công lao động, giá vật tư đầu vào tăng 3,7- 4 lần, trong khi giá nông sản chỉ tăng có 2 lần.

Cái giảm cuối cùng là hiệu lực các giải pháp kỹ thuật. Ngày xưa, 1 kg phân urê có thể làm tăng được 20kg lúa, giờ chỉ được 2kg, vì năng suất lúa đã tới ngưỡng. Các cây trồng và vật nuôi khác cũng đang xảy ra tương tự. Nói theo logic kinh tế là giá thành SX ngày càng tăng lên trong khi giá nông sản tăng chậm hơn nhiều, có nông sản dư thừa còn giảm giá.

Bên cạnh 5 cái giảm, có 5 cái tăng. Cái tăng số 1 là cường độ và sức phá hoại của thiên tai. Chúng tôi đã tổng kết bão, lũ, hạn hán từ năm 1995 đến nay và thấy tỷ lệ thiệt hại rất cao, lên tới 30% (trước đây chỉ 10%).  Trong khi đó, các giải pháp ứng phó vừa chậm, vừa thiếu hiệu quả, mà người gánh chịu nhiều nhất là nông dân.

Cái tăng thứ hai là giá các loại vật tư phục vụ SXNN, với mức tăng như tôi đã nói ở trên là rất nhanh. Tôi vừa đi Indonesia về, thấy giá xăng dầu của họ thấp hơn, giá urê thấp hơn bên mình 1.000 đ/kg. Giá vật tư đầu vào cho SXNN ở Việt Nam hiện đang vào hạng cao trên thế giới. Đầu vào cao mà đầu ra giữ nguyên thì lãi ít đi là chắc chắn rồi.

Giá công lao động ở nước ta nông nghiệp cũng tăng nhanh không kém, cao gấp đôi công lao động ở Indonesia. Vì thế, tất cả những cây trồng không thể cơ giới hoá mà vẫn phải sử dụng lao động thủ công thì sẽ không còn lợi nhuận. Ở TPHCM, diện tích lạc năm 2000 là 14.000 ha, giờ chỉ còn 1.000 ha vì phải cần tới 250 công lao động. Cây bông cũng không thể tồn tại vì cần tới 270 công lao động. Tôi ra Quảng Trị, 1ha cà phê chè cho năng suất 2 tấn hạt tương đương với 14 tấn quả. Để hái 1kg quả, thuê nhân công 1.500 đồng. Hái hết 14 tấn quả để tại ruộng, nông dân mất 18 triệu đồng thuê nhân công, vậy thì lấy đâu ra lời nữa.

Cái tăng thứ 4 cũng rất đáng sợ là tăng giá thành SX ra nông sản. Giá thành trong 10 năm qua đã tăng rất nhanh. Năm 2000, giá thành 1kg lúa vụ đông xuân là 700 đồng, vụ hè thu là 800 đồng, nay tăng lên tương ứng là 2.400- 2.700 đồng/kg và 3.000-3.2000 đồng/kg. Mỗi kg cà phê năm 2000 có giá thành 8.000 đồng/kg, nay đã tới 23.000 đồng/kg. Đó là những con số rõ to ai cũng nhìn thấy. Giá thành tăng, lại SX nhỏ thì lấy đâu lời nữa mà lo cho cuộc sống.

Lãi suất ngân hàng cũng tăng kinh khủng. Hiện nay, hạch toán trên cây lâu năm, nếu nông dân phải vay ngân hàng để SX thì không cây lâu năm nào có lời. Chẳng hạn, 1ha cà phê phải đầu tư 105 triệu đồng cho giai đoạn thiết kế cơ bản. Nếu lãi suất 15%/năm, thì trả không cho lãi suất ấy, mỗi năm đã là 11 triệu đồng. Cộng với trả gốc và khấu hao 10 năm, đã mất đứt 1/3 giá trị sản lượng bán ra. Vì thế, lãi suất ngân hàng ở mức “cắt cổ” như hiện nay đang bóp chết SXNN. Trên thế giới chắc không đâu lãi suất dựng đứng như nước ta.

Sau cùng là 5 cái thiếu. Cái thiếu đầu tiên là thiếu cơ chế, chính sách, thiếu hệ thống chế tài, pháp luật. Và khi đã có được chính sách, thì chờ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện phải mất 2 năm. Có những chính sách, ở những phần có lợi cho nông dân, thì nông dân không được biết và không được hưởng lợi.

Thiếu con người. Hiện nay con người làm nông nghiệp vừa có kinh nghiệm, vừa tâm huyết thì sắp hết rồi, vắng vẻ lắm. Lớp trẻ có học vấn tốt thì không chọn ngành nông nghiệp. Có viện nghiên cứu, ngoại trừ một nữ tiến sỹ, hầu như toàn bộ cán bộ khoa học còn lại, 18 năm nay không có 1 công trình nghiên cứu nào. Có người mà không ra sản phẩm nghiên cứu mới lạ chứ.

Cái thiếu thứ 3 là thiếu những DN mạnh. Nước ta xuất 1,1 triệu tấn cà phê mỗi năm, mà có tới 142 DN tham gia, trong đó có nhiều DN mỗi năm chỉ xuất 100 tấn, bằng mấy ông cửu vạn vác tốc hành qua biên giới xuất tiểu ngạch. Trong khi đó, bang Sao Paulo của Braxin, nơi chỉ có 10 DNXK cà phê, cũng XK được mỗi năm trên 1 triệu tấn.

Cái thiếu thứ 4 là thông tin vừa thiếu chính xác, vừa thiếu cập nhật, và thiếu sự chọn lọc để người ta có thể tiếp cận, sử dụng.

Cái thiếu thứ 5 là thiếu những khoa học, công nghệ được chọn lọc. Khoa học kỹ thuật, quản lý, quản trị…đang đưa vào nước ta một cách à uôm, thiếu chọn lọc nhiều thứ không phù hợp với điều kiện nước ta, ở các nước khác họ coi là...rác thải hoặc quăng đi từ lâu rồi. 

 NHÀ BÁO LÊ PHÚ KHẢI: “SAO CHỈ NHÌN NÔNG NGHIỆP QUA CÂN LÚA, TRÁI XOÀI”

 Ở nước Pháp, giá trị SXNN là 86 tỷ USD, chỉ chiếm trên 3% GDP của cả nước này. Nhưng 100 năm năm nay, 30 triệu ha đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên. Trong đó, 15 triệu ha phục vụ chăn nuôi, 15 triệu ha còn lại chủ yếu trồng nho và lúa mì. Nông nghiệp, nông thôn Pháp hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển du lịch. Mỗi năm nước Pháp thu hút 75 triệu khách du lịch, phần nhiều là về thăm thú các vùng nông thôn. Cuối tuần, người dân Pháp sinh sống ở các đô thị đua nhau về nông thôn chơi, bỏ ngỏ thành phố cho người nước khác đến tham quan. Doanh số từ du lịch làng quê lên tới 25 tỷ USD mỗi năm. Dịch vụ ở nước Pháp hiện chiếm khoảng 70% GDP, trong đó có đóng góp lớn của nông nghiệp, nông thôn nước này.

Ở nước ta, lâu nay, nhiều người chỉ nhìn nông nghiệp qua giá trị của cân lúa, trái xoài…, mà chưa đặt vào tổng thể chung của đất nước. Vì thế, người ta sẵn sàng lấy đất nông nghiệp để xây dựng mấy cái nhà máy may mặc, đóng giày, nói chung là dạng công nghiệp lạc hậu, giá trị thấp. Việt Nam chỉ có rất ít đất, nếu cứ lấy đất bờ xôi, ruộng mật để xây dựng các nhà máy may, đóng giày là có tội với ông bà, tổ tiên và cả với con cháu. 

ÔNG NGUYỄN MINH NHỊ, NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH AN GIANG: “TÔI CŨNG THẤY HOANG MANG”

 Từ khi nghỉ hưu tôi thực hiện 3 không: Không làm thêm bất cứ việc gì trong bất cứ một tổ chức kinh tế chính trị xã hội nào; Không hỏi ai làm gì và không phát biểu. Thế nhưng Báo NNVN lại là người nhà hỏi mà làm thinh thì đâu có được. Nhìn qua cứ tưởng nông dân đang giàu lên, nhà nào cũng có tivi, xe máy nhưng thực ra họ đang “lấy ruột làm da”, người ta có mình không có không được.

Thực tế đời sống của phần đông nông dân ĐBSCL đang rất khó khăn. Phân hoá giàu nghèo diễn ra quá nhanh. Nếu làm nông nghiệp, chỉ chủ trang trại mới sống nổi bởi họ có vốn, có học, có tích luỹ...Số còn lại, kể cả những hộ có 5-7 ha đất (ngoài Bắc có diện tích cỡ này đã là trang trại, nhưng ở An Giang vẫn chỉ là dạng kinh tế hộ), nếu vẫn cứ để họ làm lúa như bây giờ, thì không sống nổi. Cháu tôi không có đất, để con cho ông bà nuôi, vợ chồng sang Campuchia thuê 7 ha trồng lúa mà cứ xong mùa là cũng hết tiền. Nuôi cá, phải cỡ cán bộ về hưu như tôi thì mới sống được. Người nghèo không vốn, không thông tin, không KHKT, không ai bảo trợ, nuôi cá thua là cái chắc.

Nông dân không sống nổi còn vì giá cứ bấp bênh, trồi sụt. Việc trồi sụt này cứ đổ cho giá cả thế giới, thật ra đều là mưu ma chước quỷ của những Cty mà ra. Trong lúc đó bộ máy chính quyền của mình có quá nhiều vấn đề cần phải xem xét. Khi tôi đang còn làm Chủ tịch tỉnh, nhiều xã mời tôi về nhưng khi hỏi đến các vấn đề cụ thể như dự tính đầu tư công trình nào, hiệu quả ra sao, cách thức tổ chức SX, tổ chức tiêu thụ nông sản như thế nào thì họ lại không trả lời được, thế mà họ lại có nhiều bằng cấp mới lạ chứ. Có một thư ký UBND xã làm việc 12 năm có tới 12 bằng khen.

Trước đây tôi có chính sách chọn con em nông dân rồi nhờ anh Võ Tòng Xuân, Đại học An Giang đào tạo cán bộ xã và tỉnh trợ cấp cho họ thêm 500.000 đ/người/tháng nếu họ làm việc. Thế nhưng khi kiểm tra lại thấy chủ yếu là con em của cán bộ, chẳng thấy con em nông dân đâu. Không chỉ cán bộ xã mà cán bộ huyện, cán bộ tỉnh cũng bất cập, khi giao cho họ soạn thảo một công văn, chỉ thị gì thì nhanh cũng phải vài ba ngày, nên nhiều lúc tôi phải bỏ ra 1- 2 tiếng tự làm lấy. Nhà nước đầu tư mở con đường mới thế nào cũng có cán bộ xí phần mặt tiền, có khi đất họ xí phần là đất công. Tôi từng hỏi tòa án liệu có kiện họ được không, tòa án nói không. Tại sao bất nhân như thế mà không trừng trị? Ranh giới giữa cái thiện cái ác ngày một nhòa đi. Tôi cũng hoang mang quá. 

PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI: “BỨC XÚC NHẤT LÀ ĐẤT ĐAI, MÔI TRƯỜNG”

 Có 2 vấn đề nóng hiện nay, trước hết là công tác tái định cư cho những người bị thu hồi đất phục vụ cho các công trình. Tái định cư không phải là giao cho người ta một cái nền nhà mới, mà là tạo ra kế sinh nhai mới để họ đảm bảo cuộc sống không thấp hơn so với nơi ở cũ. Nhưng hầu như các chương trình tái định cư chưa làm được điều này. Trong khi đó, người ta lấy đất SXNN của nông dân rồi đền bù với giá rẻ mạt, tiền đền bù 1 ha đất nông nghiệp có khi không mua nổi một nền nhà 80m2, không đủ tái tạo nên giá trị mới bằng giá trị cũ.

Thứ hai là chuyện nông dân chán đất. Báo NNVN dùng từ “chán đất”, theo tôi là rất đúng. Làm lúa không có lời, chăn nuôi lỗ, người ta chán đất là phải. Hơn ai hết, nông dân là những người yêu đất nhất. Vậy mà họ lại chán đất, đó là một vấn đề lớn, rất bức xúc. Nông dân chán đất thì hỏng rồi.

Để nông dân không chán đất, cần phải có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để nông dân có thể làm ăn hiệu quả hơn. Những người ruộng đất quá ít nên được tạo kế sinh nhai khác để họ có thể bán quyền sử dụng đất cho những người có năng lực và yêu thích nghề nông. Người tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp cần phải được đảm bảo bằng pháp lý.

Bên cạnh đó, cũng cần phải thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Nông dân Việt Nam, nhất là nông dân Nam bộ đương nhiên coi đất là của người ta, do ông bà để lại, chứ không phải là sở hữu chung. Vừa rồi Bộ TN-MT lại “khất” Quốc hội về việc chưa sửa Luật Đất đai trong năm tới mà chưa biết đến bao giờ mới sửa. “Khất” là vì chúng ta vẫn chưa thống nhất được quan niệm ruộng đất là đa sở hữu như những tư liệu sản xuất khác, chưa thừa nhận quyền sở hữu đất của nông dân.

Ngoài ruộng đất, môi trường cũng đang là vấn đề “nóng” ở nông thôn, mà vụ Vedan là một điển hình. Còn nhiều Vedan "con, cháu, chắt, chút, chít" lắm, vấn đề là chưa lôi ra được. Một số địa phương không muốn lôi để còn lôi kéo đầu tư. Qua đó cho thấy, chính quyền nhiều địa phương, lãnh đạo một số Bộ, ngành, chưa thực sự quan tâm bảo vệ môi trường sống của người dân, nhất là dân nông thôn. Ô nhiễm môi trường ở thành thị thường chỉ gây tác hại tới sức khỏe người dân. Còn ở nông thôn, ô nhiễm môi trường không chỉ gây hại sức khoẻ mà còn làm ảnh hưởng tới kế sinh nhai của nông dân. Do đó, ô nhiễm môi trường thường khiến cho nông dân bị thiệt hại kép.

Một chương trình lớn đang được thực hiện là xây dựng nông thôn mới. Quan niệm nông thôn mới là một danh hiệu hay một tiến trình? Tôi đang lo với bệnh thành tích thì “nông thôn mới” cũng chẳng khác gì “Thôn, ấp văn hoá”, chẳng khác gì tỷ lệ tốt nghiệp cấp 3. Theo tôi, xây dựng nông thôn mới phải là một tiến trình, và đến khi nào không còn phân biệt thành thị với nông thôn, thì tiến trình này mới chấm dứt. Xây dựng nông thôn mới phải đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể, bức thiết nhất, ở đâu thiếu cái gì thì làm cái đó trước. Chẳng hạn, ngày hôm qua tôi không có nước sạch, ngày hôm nay tôi có nước sạch, đó là nông thôn mới. Nói tóm lại, xây dựng nông thôn mới là tạo lập cuộc sống tốt hơn ngày hôm qua cho từng làng, xã một. 

GS ĐÀO CÔNG TIẾN, NGUYÊN HIỆU TRƯỞNG ĐH KINH TẾ TPHCM: “CẦN KHOAN SỨC NÔNG DÂN”

30 năm chiến tranh đã vắt kiệt sức dân ta. Sau năm 1975, lẽ ra kinh tế phải được khôi phục và phát triển trên tinh thần khoan sức dân nhưng điều đó đã không diễn ra do những sai lầm trong lựa chọn giải pháp phát triển. Trên 20 năm đổi mới, kinh tế có tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng khá cao, nhưng chất lượng cuộc sống người dân không được tăng tương ứng, chậm được cải thiện vì phải “thắt lưng buộc bụng” để phát triển. Phương thức đó cũng đã đến giới hạn, không thể áp dụng cho chiến lược tiếp theo. Chiến lược phát triển KT- XH giai đoạn 2011-2020 phải là chiến lược trên tinh thần khoan sức dân.

Về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, tôi muốn nhấn mạnh đến quyền sở hữu đất đai của người nông dân. Trên thế giới, phần lớn các nước đều đa dạng hoá sở hữu đất đai. Chỉ một vài nước như Việt Nam, Trung Quốc...có một hình thức sở hữu đất đai duy nhất là công hữu hoá. Nếu coi đất đai là lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên như vùng trời, vùng biển, thì phải là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quản lý. Còn đất đai để làm nông nghiệp là tư liệu SX, là công cụ lao động, thì phải thuộc quyền sở hữu của chủ SX chứ. Tại sao con trâu thuộc về người nông dân, còn ruộng đất lại không? Thế dắt trâu ra cày bừa ở đâu? Cày hộ hàng xóm à?

Theo tôi, đất đai trong SXNN với tư cách là tư liệu SX cần được đa dạng hoá quyền sở hữu. Có những cái thuộc sở hữu Nhà nước, có cái thuộc sở hữu tập thể, cũng có phần sở hữu của người nông dân (phần này phải là đa số), và phải có thị trường chuyển dịch cho tư liệu này. Có mua bán, chuyển dịch mới đảm bảo được thị trường đất đai mang tính tự chủ. Trong kinh tế nông thôn phải có kinh tế thương mại đất đai, và đây là khoản thụ hưởng chân chính, làm giàu chân chính của người nông dân.

Xem thêm
Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào cuộc sống.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất