| Hotline: 0983.970.780

78 tuổi vẫn ôm vô lăng đi làm việc thiện

Thứ Sáu 30/01/2015 , 06:23 (GMT+7)

Ông khoe: “Dù làm cái việc chỉ hao tiền nhà chứ không thu về đồng nào nhưng vợ con tui đều ủng hộ, có vậy tui mới thoải mái sống trải lòng”.

Đã 78 tuổi, đầu tóc bạc phơ, nhưng ông vẫn vững tay ôm vô lăng. Đặc biệt hơn, phương tiện ông cầm lái là chiếc xe tang ông tự sắm bằng tiền túi, không chạy kiếm tiền, mà chỉ để làm việc thiện. Đó là ông Nguyễn Văn Xuân (SN 1937) ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn - Bình Định).

Từ một chuyện đau lòng

Về xã Phước Mỹ, hỏi thăm ông “Xuân xe tang”, Phó Chủ tịch UBND xã Trương Văn Lý vừa ký giấy tờ, vừa buông ngay 1 câu: “Ờ, ông già tuyệt vời của xã Phước Mỹ này”.

Hỏi vì sao gọi ông là “ông già tuyệt vời”? Ông Xuân hỏi lại 1 câu như là để trả lời: “Đã gần 80 tuổi, già cả không làm ra tiền, nhưng dám bỏ tiền túi ra cả gần 100 triệu đồng để sắm chiếc xe tang và đồ tang lễ chuyên phục vụ làm việc thiện chứ không lấy tiền, hỏi thế không phải là ông già tuyệt vời thì là gì?”.

Tôi cười trừ, ngỏ lời muốn gặp ông Xuân, Phó Chủ tịch xã Phước Mỹ Trương Văn Lý bốc điện thoại gọi ngay.

Ông Trương Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ: “Bác Xuân đóng góp rất nhiều trong việc vận động nhân dân thôn Thanh Long tham gia xây dựng nông thôn mới. Bác đã huy động nhiều hộ dân hiến đất, hiến ruộng để làm đường giao thông nông thôn. Trong những cuộc họp Chi Hội người cao tuổi, bác Xuân luôn nhắc nhở các cụ hội viên phải thường xuyên giáo dục con cháu sống và học tập theo gương Bác Hồ. Trò chuyện với lớp trẻ, bác luôn có những câu chuyện sinh động mang tính giáo dục sâu sắc, nhằm hướng thế hệ trẻ trong địa phương biết sống tốt, biết sống vì cộng đồng”.

Chỉ 10 phút sau, ông Xuân đã có mặt tại UBND xã Phước Mỹ. Trông nét mặt hào sảng, dáng dấp cứng cáp, ứng xử linh hoạt của ông Nguyễn Văn Xuân, tôi không nghĩ là ông đã chạm tuổi “bát thập”.

Không cầm được lòng tò mò, tôi đặt ngay câu hỏi: “Xuất phát từ đâu bác nảy ra ý sắm xe tang để làm việc thiện như thế này?”. Ông Xuân nhoẻn nụ cười hiền hậu, chầm chậm nói: “Cũng từ một chuyện đau lòng…”.

Ông Xuân kể: Cách đây khoảng 10 năm, một hôm, ông đi dự đám tang của một người cùng lứa ở thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, tên là Trần Văn Làm. Ông Làm mất vì bệnh lao, khi đưa tang thanh niên trong làng sợ bị lây bệnh nên không dám khiêng quan tài. Đảm nhận công việc nặng nhọc này là những cụ già còn chút sức khỏe trong Chi hội Người cao tuổi thôn Long Thành. Nhìn thấy mấy ông già khiêng chiếc quan tài quá cực nhọc, ông Xuân nghĩ bụng, giá như mình có tiền sắm chiếc xe tang để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn như thế này thì hay biết mấy. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng tuổi già làm không ra tiền, lấy đâu kinh phí thực hiện ước nguyện.

Mãi đến 3 năm sau, không chờ được nữa, ông Xuân mở lời đề nghị con trai cho mượn 60 triệu đồng.

Con trai hỏi: “Ba làm gì thiếu tiền mà phải mượn?”.

Ông Xuân bày tỏ: “Ba dùng tiền để mua xe tang làm việc thiện, cũng là tích đức cho mấy đứa con”. Nghĩ thấu, anh con trai “duyệt chi” ngay.

Cầm được tiền, ông Xuân liền mua chiếc xe Hyundai 12 chỗ ngồi còn 2 năm đời với giá 40 triệu đồng. Đưa xe về, ông thuê thợ cơ khí cắt thùng, cải tiến lại thành chiếc xe tang, tốn thêm 20 triệu đồng nữa.

Tạm ổn, nhưng chưa có bộ đồ tang lễ. Ông lại xin vợ 15 triệu để sắm cờ, trang phục cho âm công, trang phục cho chấp kích. Bà vợ đã không nhăn nhó, lại còn vui vẻ ủng hộ nghĩa cử của chồng.

Từ đó đến nay, ông Xuân cầm lái chiếc xe tang phục vụ không thu tiền cho toàn bộ những đám tang trong xã Phước Mỹ, mà còn phục vụ cả đám tang gia đình khó khăn ngoài địa phương.

Ông Xuân bộc bạch: “Những gia đình khó khăn tui nhất quyết không lấy đồng nào, bỏ tiền túi ra mua dầu chạy. Đám tang ở những gia đình khá giả, dù tui không lấy tiền nhưng họ cứ nhất quyết đổ dầu vào xe. Tui đồng ý cái rụp, xe có nhiên liệu để phục vụ gia đình khó khăn khác”.

Nửa đêm, gà gáy cũng đi

Không chỉ đưa đám tang, bất cứ người trong làng bị tai nạn giao thông ở đâu, không thuê được xe chở về cứ gọi đến ông Xuân.

Có những cuộc gọi vào giữa khuya, dẫu tuổi cao sức yếu, nhưng trước những hoàn cảnh thương tâm ông Xuân vẫn cố gắng gạt giấc ngủ, thức dậy chạy xe đưa thi thể nạn nhân về nhà lo việc mai táng.

Ông Xuân nhớ lại: “Có một lần vào nửa đêm, 1 hộ dân trong xã gọi điện nhờ tui đi chở xác 1 người thân bị tai nạn giao thông biến dạng cả người. Chở cái xác ấy về rồi, mang xe đi rửa, dịch vụ rửa xe vừa luôn miệng phàn nàn, vừa áy náy cho công việc không bình thường này của tui. Tui chỉ cười, nhắc lại lời người xưa: Làm quan rồi cũng có ngày trả chức lại cho triều đình. Làm giàu rồi cũng có ngày trả của cải về cho bá tánh. Chỉ làm việc thiện mới lưu tồn tử tôn. Có lẽ mấy chú rửa xe ngộ ra nên hết kiềng riềng”.

Do công việc thường đến “bất thình lình”, nên chiếc xe tang của ông Xuân luôn trong tình trạng sẵn sàng. “Có thể trong túi không có tiền ăn sáng, nhưng chiếc xe tang của tui luôn đầy ắp nhiên liệu, lốp lang luôn mới tinh, máy móc ổn định, cứ lên xe đề là nổ. Xe tang mà chết máy dọc đường là không hay, nên tui luôn tu bổ hoàn thiện cho chiếc xe”, ông Xuân nói.

Việc làm của ông Xuân không chỉ nhận được sự ủng hộ của người dân trong xã, nhất là đối với 176 lão niên trong Chi hội Người cao tuổi thôn Thanh Long mà ông Xuân là chi hội trưởng; mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương.

Ông Trương Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, bày tỏ: “Dẫu thuộc thành phố, nhưng do xã Phước Mỹ nằm dưới chân ngọn núi Hàm Rồng nên được xem là “xã miền núi” của TP Quy Nhơn. Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn. Việc làm của ông Xuân đã giúp ích thiết thực cho những gia đình nghèo khổ khi có tang chế. Do đó, khi nào xe tang có trục trặc, cần kinh phí sửa sang chính quyền xã hỗ trợ ngay”. Ông Nguyễn Văn Xuân tiếp lời: “Vừa rồi, xe tang bị hư cái bình. Xin tiền vợ con hoài cũng ngại quá, tui ngỏ lời với anh Lý xin hỗ trợ. Anh Lý đồng ý cái rụp, đề xuất UBND xã ủng hộ ngay 1,8 triệu mua bình mới. Bây giờ cứ bật khóa, đề, là nổ giòn tan”.

Tuổi già, không thể cứ khỏe hoài. Hôm nào trong địa phương có đám tang mà ông Xuân không nhích người lên nổi là ông “điều” ngay 1 trong 3 người con trai đang cầm lái 3 chiếc xe tải thay ông vận hành xe tang.

Ông Xuân khoe: “Dù làm cái việc chỉ hao tiền nhà chứ không thu về đồng nào nhưng vợ con tui đều ủng hộ, có vậy tui mới thoải mái sống trải lòng”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm