| Hotline: 0983.970.780

80% mẫu bún chứa chất cực độc!

Thứ Ba 23/07/2013 , 10:04 (GMT+7)

Tinopal có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Hôm qua (22/7), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN (Vinastas) đã “gây sốc” khi công bố kết quả kiểm tra các mẫu bún bán tại siêu thị và chợ ở TPHCM: 80% mẫu bún chứa chất làm trắng huỳnh quang Tinopal cực độc!


Bún ở cả chợ và siêu thị đều phát hiện chất cực độc Tinopal.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Nam Vinh – Phụ trách Văn phòng Vinastas phía Nam cho biết, thời gian gần đây nhiều nguồn tin phản ánh về tình trạng các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo dùng để ăn liền như: bún; bánh canh; bánh phở, bánh hỏi… (gọi chung là bún) sử dụng chất làm trắng huỳnh quang (Tinopal) để làm trắng bún. 

Nhóm các sản phẩm bún này lại được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân nên đang gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày.

Tinopal gây loét ruột, dạ dày và ung thư!

Đặc biệt, Tinopal có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên chứa các tạp chất gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thì các chất làm trắng quang học ngoài khả năng gây độc, nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của con người.

Trước tình hình này, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng được Vinastas giao tiến hành khảo sát nhanh các mẫu bún bày bán trên thị trường để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đồng thời cảnh báo sớm đến người tiêu dùng.

Theo ông Đỗ Ngọc Chính – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, việc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 25/6/2013.

Người tiêu dùng khi mua các sản phẩm bún tươi có thể dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal. Đặc biệt cần chú ý quan sát khi mua, nếu thấy thực phẩm có màu trắng bất thường thì từ chối ngay. Bên cạnh đó cũng không nên mua các thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn hiệu, bao bì, không địa chỉ, tên của nhà sản xuất, cơ sở chế biến, không hạn sử dụng... (ông Đỗ Ngọc Chính).

Tổng cộng có 30 mẫu khảo sát gồm  6 loại: bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được mua ngẫu nhiên tại 9 cơ sở bán thực phẩm (gồm 4 siêu thị, 4 chợ ở trung tâm thành phố và 1 cửa hàng). Các mẫu được xác định sự hiện diện của Tinopal bằng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366 nm.

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 24/30 mẫu, chiếm tỷ lệ 80% số lượng mẫu khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng quang học. Phân tích kết quả theo từng loại sản phẩm cho thấy số lượng mẫu có chất làm trắng huỳnh quang cụ thể như: bún 5/9 mẫu (56%); bánh cuốn 0/1 (0/%); bánh ướt 4/4 (100%); bánh hỏi 5/5 (100%), bánh phở 3/4 (75%), bánh canh 7/7 (100%).

Như vậy, có 3 loại mẫu khảo sát gồm: bánh ướt; bánh canh và bánh hỏi với 100% số lượng mẫu khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng huỳnh quang.

Ông Chính cho biết, các hợp chất Tinopal này có khả năng phát huỳnh quang (fluorescence), cho nên chúng hấp thu các ánh sáng vàng của chất liệu mà chất này bám vào và phát ra ánh sáng màu xanh từ đó làm mắt con người nhận thấy sản phẩm sáng trắng hơn.

Các chất làm sáng quang học chuyển ánh sáng của các bước sóng ngắn trong vùng cực tím (UV range) thành các bước sóng dài sáng xanh trong vùng khả kiến (visiable range) và giảm các ánh sáng vàng. Các chất này sẽ bám vào sợi bún và làm cho các sợi bún thấy sáng hơn.

Thực tế, các chất làm sáng quang học này không làm cho bún trắng hơn mà chỉ tạo cảm giác của mắt thấy sáng và trắng hơn, tạo sự hấp dẫn cho người mua. Bên cạnh đó chất Tinopal còn được dùng trong sản xuất bún với mục đích cải thiện độ bóng bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn về mặt hình thức.

Ông Chính cũng khẳng định, qua kết quả khảo sát nhanh trên đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực để giải quyết một cách triệt để. Cụ thể, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành về phụ gia thực phẩm đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BYT (ngày 30/11/2012) về “Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm”. Trong văn bản này quy định “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm”.

Để các đối tượng có liên quan nắm vững và thực hiện nghiêm túc, Bộ cần có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định này.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất