| Hotline: 0983.970.780

Trẻ sinh non tăng đáng sợ!

Thứ Tư 03/10/2012 , 09:51 (GMT+7)

9 tháng đầu năm 2012, trong tổng số 200 cháu bé được chuyển đến Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương, có khoảng 150 cháu sinh non (chiếm 75%), chủ yếu dưới 1.500 gram. Trong khi so với năm 2011, tỷ lệ trẻ sinh non chỉ chiếm khoảng 40%.

BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương cho PV NNVN biết, ông “giật mình” khi 9 tháng đầu năm 2012, trong tổng số 200 cháu bé được chuyển đến Trung tâm, có khoảng 150 cháu sinh non (chiếm 75%), chủ yếu dưới 1.500 gram. Trong khi so với năm 2011, tỷ lệ trẻ sinh non chỉ chiếm khoảng 40%. Có tới 2,2% trẻ sinh non tại BV Phụ sản Trung ương bị ẩn tinh hoàn.

Cháu bé nằm lọt thỏm trong chiếc lồng ấp nhiều vải trắng bọc lên. Nó bé quá nên các bác sĩ phải lót thật nhiều vải để còn nhìn thấy nó... nhô lên. Bàn tay yếu ớt, nhỏ chỉ bằng ngón trỏ người lớn, giơ lên một cách khó nhọc. Đôi bàn chân bé xíu tương ứng cũng đâu có đạp vùng vẫy như những trẻ sơ sinh bình thường. Đôi mắt nó ti hí, thỉnh thoảng đảo qua đảo lại một cách vô thức. Có vẻ khó chịu lắm nhưng nó không cất nổi tiếng khóc oe... oe... oe. Bởi nó mới 28 tuần tuổi đã phải... chào đời. Gần 1 giờ ngồi trong Phòng chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương, tôi không hề nghe một tiếng khóc trẻ con.

Từ những hài nhi sớm thành người

Thằng bé có cái tên khá hay: Trần Việt Anh, 1 trong gần 200 trẻ đang được chăm sóc tại Phòng chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương. Hồ sơ đầu giường ghi rõ: sinh ngày 21/8, trọng lượng xấp xỉ 700 gram. Ngày 23/9: nặng 800 gram.

Nhòm vào chiếc lồng bé xinh, thấy hai mắt bé Việt Anh ti hí, hai cái chân bé xíu nhúc nhích như chào người giúp bé thành người. Các BS trong khoa còn nhớ như in, ngày mang Việt Anh xuống đây, bé tí như con mèo nhỏ, yếu ớt, tưởng chừng không thể sống nổi 1-2 ngày. Ngay bản thân BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh còn bất ngờ khi "tôi tưởng không thể cứu sống được đứa trẻ này bởi nó sinh quá non. Nhìn thể trạng nó, tôi còn bảo gia đình hãy chuẩn bị trước tinh thần nếu như bé không thể sống sót. Thế nhưng, như có phép màu nhiệm đã xoay chuyển ngược tình thế. Chỉ sau hơn 1 tháng, bây giờ bé đã lên được hơn 800g - mốc trọng lượng vượt qua ngưỡng “tử thần” rồi".

BS Lợi cũng chỉ một "cô rồng" nhỏ nằm bên cạnh bé Việt Anh có cái tên khá ấn tượng: Kiều Thị Nguyệt Minh, sinh ngày 19/8/2012, nặng 800g. Hiện nay đã lên được 920g. Da bé mỏng tang, thấy rõ những đường mạch máu tím nhỏ như sợi chỉ. Vì nhiều cơ quan chưa phát triển hoàn thiện nên bé cũng được các BS chăm sóc với một chế độ đặc biệt. Cứ 30 phút lại có một y tá vào kiểm tra tình hình sức khỏe của bé. 1-2h lại vào cho ăn bằng đường xông… Tất cả các cháu đều được chăm sóc trong một chiếc lồng ấp nhỏ.


BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương đang chăm sóc một em bé sinh non

Thấy tôi tỏ vẻ tò mò khi chạm nhiều lần vào chiếc lồng, vị Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh tủm tỉm: Chắc nhà báo đang muốn biết tại sao chiếc lồng này lại có thể cứu sống những đứa trẻ kia hả? Rồi ông giải thích, lồng ấp này được thiết kế giống như môi trường trong dạ con bà mẹ, phải điều khiển được nhiệt độ và độ ẩm theo tuổi thai, được tính bằng ngày của em bé. Môi trường không nóng không lạnh. Ở tuần tuổi này, da em bé mỏng như tờ giấy, nhiều em thấy cả ruột phía trong, mạch máu chạy dưới da loằng ngoằng. Nếu độ ẩm không làm tốt, để da bé bay hơi đã là nguy hiểm rồi.

Công đoạn khó khăn không kém để chăm sóc trẻ sinh non là chế độ nuôi dưỡng. Hiện tại, những đứa trẻ này chưa thể sống được bằng sữa, buộc phải ăn bằng đường tĩnh mạch. Nhưng để làm sao dinh dưỡng vào được bé như trong bụng mẹ, BS Lợi khẳng định: “Một em bé phải nuôi bằng tầm 20 loại thuốc truyền vào tĩnh mạch đường rốn. Đó là vitamin, đường, đạm, mỡ, các yếu tố vi lượng…”.

Theo BS Lợi, thông thường trọng lượng một đứa trẻ vừa mới sinh ra sẽ bị nhẹ đi khoảng 100g. Sau 20 ngày, nếu được chăm sóc tốt, đứa trẻ đó sẽ lên bằng trọng lượng ban đầu. Và những tháng tiếp theo, mỗi trẻ sẽ lên được từ 300-600g/tháng. Chỉ đến lúc nào, mỗi bé nặng khoảng từ 1.700-1.800g thì bác sĩ sẽ cho xuất viện về nhà. Tuy nhiên vẫn phải chăm sóc theo đơn chỉ định riêng của bác sĩ. “Tôi thấy nhiều nơi nói rằng, vừa cứu sống 1 đứa bé sinh ra nặng 700g là một kỳ tích. Nếu áp dụng ở đây, thì kỳ tích đó nhiều lắm. Như hiện nay chẳng hạn, lúc nào Trung tâm cũng đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 200 trẻ, trong đó 150 trẻ là do sinh non như vậy” - BS Lợi cho biết.

Đối mặt với hàng tá bệnh của trẻ sinh non bởi tuổi thai là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá các chức năng của một đứa bé lúc nào thì phổi có thể tự thở được, tim có thể tự bóp, hệ tiêu hóa tự hấp thu hay thận có thể bài tiết các chất độc… Thực tế, bác sĩ có thể cứu được những đứa bé từ tuần thứ 24 trở đi. Tuy nhiên, do sự phát triển chưa hoàn thiện của cơ thể nên các bác sĩ phải có chiến lược phòng ngừa các biến chứng thường gặp đối với trẻ sinh cực non như xuất huyết não, mù mắt, phổi mãn tính. Ngoài ra, trẻ sinh non còn có thể đi kèm như teo rò khí thực quản, thoát vị hoành, tắc ruột, viêm phúc mạc, thủng ruột... Tuy nhiên, nếu chẩn đoán sớm từ trong bụng mẹ hoặc được phát hiện sớm ngay sau đẻ, các bác sĩ đều có phương án điều trị phù hợp để khi trẻ xuất viện, có thể sống khỏe mạnh như những trẻ em khác.

Đến những cặp vợ chồng “sợ” có con

Không khí oi ả của ngày cuối tháng 9 càng khiến cho những bà bầu đang chầu chực đến lượt khám tại Trung tâm sàng lọc trước sinh, BV Phụ sản Trung ương bức bối hơn. Chờ mãi không đến lượt, chị Mai chạy ra ngoài hành lang, cách đó vài mét, ngồi bệt trên tấm ny lon mà ông xã vừa mang đến. Lấy nhau được gần 2 năm, thời gian đầu cả hai vợ chồng chị Mai - anh Hòa (Thái Bình) kế hoạch và thống nhất 1 năm mới sinh em bé. Mọi chuyện diễn ra bình thường, cho tới 12 tuần - thời điểm được coi là quan trọng đầu tiên xác định về các dị tật nên vợ chồng quyết định lên khám tại BV Phụ sản Trung ương cho “ăn chắc”.

Lúc này vợ chồng chỉ quan tâm đến các chỉ số liên quan tới thai nhi, đặc biệt nhất là xem về độ mờ da gáy của em bé có vượt qua tiêu chuẩn cho phép hay không. 5 phút trôi qua, nét mặt bác sĩ khá căng thẳng. Rồi bác sĩ siêu âm hỏi: "Em có bị cúm trong khi mang thai không?". Chị Mai trả lời: "Không ạ, em bình thường". Bác sĩ hỏi lại: "Đúng là không bị cúm chứ, thai của em không tốt"...

Chị Mai khá bình tĩnh, nằm im và trả lời: "Em khỏe mạnh bình thường”. Nghe đến đó, bác sĩ thở dài cho biết: "Thai của em không phân chia não trước, một bên tay trái của em bé bị khoèo. Đó là một lỗi về nhiễm sắc thể số 13, ảnh hưởng tới não và các bộ phận mắt, mũi. Lỗi này khó có thể truy tìm được nguyên nhân thực sự, có thể do yếu tố di truyền nhưng cũng có thể chỉ là lỗi trong quá trình phân chia tế bào".

Ngay khi cưới nhau, vợ chồng Thu – Vận (Khâm Thiên, Hà Nội) quyết định sinh con khi hai người cùng 23 tuổi và cứ đinh ninh “bố mẹ khỏe sẽ sinh ra con khỏe”. Gia đình chồng thuộc loại khá giả nên khi nghe tin con dâu có thai trai, cả nhà mừng khôn xiết. Thế nhưng, khi đứa bé lên ba tuổi tự nhiên không đi được nữa. Vợ chồng mang con chạy chữa khắp nơi, kể cả những bệnh viện lớn ở Thái Lan, Trung Quốc nhưng ở đâu bác sĩ cũng nói là bệnh di truyền, không chữa khỏi. Ba năm sau anh chị mất con. Đầu năm 2012, chị lại có thai trai và hy vọng đứa này sẽ thật sự khỏe mạnh “vì mấy năm rồi nên cơ thể sẽ thay đổi” - hai vợ chồng cùng nghĩ. Gặp đúng lúc vợ chồng chị đi khám bệnh tại BV Thanh Nhàn khi thai đã bước sang tuần thứ 13, tôi cũng mừng cho chị rồi cùng ngồi chờ khám với họ.

BS Lợi cho biết: Trẻ sinh non tử vong chủ yếu dưới 25 tuần tuổi, nặng 400-500 gram. Với trẻ nặng “7 lạng” thì nhiều lắm, hồ sơ cao chót vót. Sản phụ sinh non đến nhiều nhất là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt chú ý tỷ lệ tuổi bà mẹ có con bị dị tật đã thay đổi, phần lớn dưới 30 tuổi.

Nhìn kết quả khám siêu âm mà hai chân chị Thu không thể bước được: chỉ số bào thai đang mang mầm bệnh teo cơ Ducchen, một loại bệnh mà thế giới còn bó tay. Đợi vài phút để qua cơn sốc, chị Thu cho biết thêm, kết quả này cũng trùng với nhận xét của bác sĩ khi hai vợ chồng đi siêu âm bốn chiều tại Phòng khám 14 Điện Biên Phủ, Hà Nội của bác sĩ Danh Cường. Không ngăn nổi hai hàng nước mắt lăn ra, Thu nghẹn ngào: “Mình chẳng muốn có con nữa đâu vì mỗi lần “bỏ” chúng là một lần cắt đi khúc ruột. Đau lắm. Vợ chồng cũng đã bàn nhau rồi, sau sự việc này sẽ đi xin một đứa con nuôi để cho vui cửa, vui nhà. Mình yêu chúng thì chúng sẽ yêu mình thôi”.

Mất con đã là một nỗi đau. Nuôi một đứa con bị bại não nỗi đau có khi tăng lên gấp bội. Vợ chồng Dương - Mai (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) là một điển hình. Nhìn thấy Dương túi bụi với công việc ở đài truyền hình kỹ thuật số nhưng mắt vẫn không quên nhìn đồng hồ để kịp về nhà đưa cô con gái 5 tuổi đi châm cứu tận Mỹ Đình. Nó đáng thương lắm. Tay chân lèo khèo, cái đầu nghẹo hẳn một bên cảm giác như không có xương cổ. Nhìn thấy con mỗi lần lên cơn đau, người co quắp lại, Dương càng muốn làm mọi cách để con được bớt đau. Thế nhưng, điều mà hai vợ chồng cùng không thể lý giải: tại sao họ đều trẻ, khỏe mạnh, gia đình không ai có bệnh tật nhưng con lại mắc bệnh lạ như vậy?

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.