| Hotline: 0983.970.780

"Bao luật" khủng khiếp

Thứ Sáu 19/10/2012 , 09:20 (GMT+7)

Để gà giống lậu đại náo được TP Móng Cái, để những chiếc xe chở gà khệnh khạng vượt gần 250km đường trên địa phận đất Quảng Ninh, các đầu nậu đã phải chi ra một số tiền khủng.

Để gà giống lậu đại náo được TP Móng Cái, để những chiếc xe chở gà khệnh khạng vượt gần 250km đường trên địa phận đất Quảng Ninh, các đầu nậu đã phải chi ra một số tiền khủng.

>> Gà lậu đại náo Móng Cái
>> “Gà bay” quốc lộ 1
>> Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt
>> Mẻ lưới đầu tiên



Xe chở gà chở hàng về tại bến đò thôn 3a

Chi 300 triệu đồng cho ong ve/tháng

Sáng sớm ngày 7/10, trong lúc ong ve đang còn say sưa trong giấc ngủ, chúng tôi tiến vào bến Khuyến Nông. Bến vắng lặng. Đầu đường vào bến có 2 chiến sỹ biên phòng ngồi trong một cái lán. Quay ra bến Lục Lầm thì khác hẳn, nó vẫn còn sôi động, để hoàn tất những lô hàng từ đêm qua?!

Trên những chiếc đò, đầy rẫy lông gà và phân gà trong khoang. Trên mặt sông Ka Long, lông gà bám vào nhau như những đám lục bình, trôi nhè nhẹ theo gió. Tạt vào quán nước tại bến Lục Lầm, hai “con ong” mắt lờ đờ đang “chém” với nhau về “án” kỷ luật tội để cho nhà báo ghi hình đêm qua.

Một ong nói: “Đ. mẹ, thấy bảo trên TP biết chuyện, chỉ đạo phải tìm kỳ được mấy thằng nhà báo. 30 “con giời” đi săn cả đêm đ. thấy nó đâu. Hôm nay mà không thấy nữa thì phải giăng lưới, nhử mồi mới được”. Ong còn lại đáp: “Mẹ, em lạ gì mấy thằng nhà báo. Nhìn bộ dạng nó đọc vị ngay. Chỉ sợ nó là an ninh, đ. phải nhà báo. Anh yên tâm, nó vào địa bàn mình là tóm sống”.

Về tận đến quán ăn đêm qua gần nhà nghỉ chúng tôi mới cười được! Chủ quán từng là cửu vạn và lái đò chở hàng lậu thất nghiệp từ đầu năm, trong lúc đánh cờ với tôi bảo: “Đồng hương Hải Hưng em nói thật. Có làm ăn gì ở đất này anh cứ đến gặp ông trùm H (đã đổi tên viết tắt). Kiểu gì ông ấy cũng chơi hết. Gà qué Chính phủ cấm như thế mà đêm qua ngồi đây anh thấy đấy, nó vẫn cứ chạy vè vè. Mỗi ngày ôm trùm này thu vài tỷ đồng, tất nhiên chi cũng bạo. Riêng tiền chi cho khoảng 300 “con ong ve” rải khắp các bến dọc đường biên, các đoạn đường giao thông ở Móng Cái này, đã lên tới trên 300 triệu đồng/tháng. Sau “Phương linh hột”, ông trùm này còn oách hơn nhiều”.

“À, mấy ong ve sáng nay nó vào nhà nghỉ “thăm” các anh đấy. Nó vào “thăm” xem có phải 2 anh là nhà báo không. Nó bảo đ. phải… Nếu anh muốn chơi gà giống thì cứ đến cây số 8, có 1 kho tập kết gà lớn hỏi ông K. Cứ hỏi xem thế nào, làm được thì làm không thôi. Chết mẹ gì.” – ông chủ quán nói thêm. Tôi thầm nghĩ, bẫy đang giăng mình.

Về đến phòng, đúng là túi của mình đã bị mất dấu. May thay trước khi ra ngoài chúng tôi đã dấu “hàng” trong bể xả nước nhà vệ sinh. Ngồi tính lại, theo lịch, hôm nay sẽ tiếp cận một ông chủ gà giống lậu tại Móng Cái, nhưng với những gì đang diễn ra, tiếp cận ông chủ này, chả khác nào chui đầu vào rọ. Để đánh lạc hướng của ong ve, chúng tôi đến thăm một người quen, nhưng ong ve vẫn theo sau, cho đến tận khi chúng tôi ra chợ mua sắm. Từ đây mới biết được bà Th, số ĐT 01642368xxx buôn gà giống lậu.

Sau khi cắt được đuôi, chúng tôi tìm đến nhà bà Th với tư cách đồng hương Hải Hưng tại phường Ninh Dương, con gái bà cho hay: “Mẹ em là chủ nhỏ, mỗi ngày chỉ được ông trùm phân bổ cho vài vạn con gà giống. Nhận hàng tại bến cây số 3. Hôm nào đủ xe thì nhà em chạy cả 2 xe ô tô của nhà về khu vực các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Còn không thì 1 xe. Nay mẹ em đi Thái Bình tối mới về. Cứ 7 giờ tối gà về thì xe nhà em ra bến nhận. Nhận xong chở đến cây số 15 lại đổ xuống, gà được chở qua đò sang bên kia sông để tránh trạm kiểm soát cây số 15, xe quay lại là xe không qua trạm rồi nhận gà bên này sông. Bây giờ nó không cho đi qua trạm nữa. Nó chỉ cho lách kiểu ấy thôi, nhưng chi cũng tốn kém lắm anh ạ!”.

Trạm kiểm soát cây số 15 làm… cảnh

Đóng một gói hàng bên trong là đồ phế thải, 5 giờ chiều chúng tôi lần theo con đường bên tay trái trạm kiểm soát số 15, thuộc địa phận xã Hải Tiến – nơi những chiếc xe gà đêm qua đi vào. Đó là một con đường đất rộng, nhưng nhiều ổ gà ổ voi (cho thấy quá nhiều xe cộ đi lại), bắt đầu có những chiếc xe không từ trong đi ra và những chiếc xe nặng trĩu hàng đi vào.

Kịch con đường đất rộng này là một bến đò bắc qua sông, người dân gọi là sông cây số 15 và bến đò gọi là bến đò thôn 3a xã Hải Tiến hay gọi theo cách dân buôn lậu là “bến đò tránh trạm cây số 15”. Từ đây, nhìn ra cầu cây số 15 và trạm cây số 15 rõ mồn một, khoảng cách chỉ chừng 700 mét.

Chạm bến, ngay lập tức 2 ong ve ra hỏi: “Đi đâu đấy?”. Tôi trả lời, chuyển cho ông anh gói hàng sang bên kia sông, ông anh đang qua lấy. Từ đó, 3-4 con ong ve thay nhau không chớp mắt soi chúng tôi từng cử động một. Nhưng, chỉ sau vài phút gọi điện “chửi” ông anh sao lâu thế, máy ghi hình của chúng tôi được gắn vào xe máy đã quay trọn khung cảnh bến đò trung chuyển gà giống lậu để lách qua trạm kiểm soát liên ngành cây số 15 này.

Chúng tôi nhanh chóng rút lui, và những chiếc xe máy chở gà ca 1 đã bắt đầu đưa xuống đò qua bên kia sông – nơi những chiếc xe ô tô lồng không đang đợi. Những chiếc xe ô tô này sau khi nhận gà đã vượt sông lần nữa (lần 1 vượt sông Ka Long từ Trung Quốc vào Việt Nam, lần 2 vượt sông cây số 15 để ra khỏi TP Móng Cái), rồi chạy dọc theo con sông lên ngay cạnh cầu cây số 15, cách trạm kiểm soát cây số 15 chừng 200 mét, ra QL18 chạy về xuôi.

Từ bến đò trung chuyển gà lậu thôn 3a đi ra, chúng tôi lại bị ong ve bám theo. Dù vậy, khi xuôi QL18 qua trạm cây số 15, chúng tôi vẫn “chộp” được 3 xe ô tô chở lồng không lao qua trạm kiểm soát vào TP Móng Cái để chuẩn bị cho một đêm đại náo TP Móng Cái nữa…

Đến thị trấn Hà Cối, cắt đuôi xong, chúng tôi quay lại gần trạm cây số 15 gặp một chiến sỹ tên G (đã được đổi tên) làm việc lâu năm tại trạm này nhờ lời giới thiệu của ông anh Lục Cả D giúp tôi buôn trâu từ Lào sang Trung Quốc.

D mào đầu: “Anh là dân trong ngành. Nhưng cái việc bao biên, bao luật được là anh giúp. Anh ở trạm kiểm soát 15 đã mười mấy năm rồi, nhiều anh em ở quê lên đây buôn bán anh đều giúp. Nhưng cũng có thằng, khi đã “đớp” được vài chuyến ngon lành, là nó nói chia tay anh luôn. Khi bị bắt không các lô hàng thì nó lại bám lấy anh để xin cho nó. Đời là thế. Ở đất này, “tướng” có, “tá” có, nhưng phải biết “chơi” thì mới tồn tại được. Anh là dân trong ngành, lại có mối quan hệ tốt với các ông trùm, bao biên như thế nào chỉ alô là xong thôi”.

Nói về chuyện đưa gà giống nhập lậu từ Trung Quốc về, D bảo: “Anh khuyên chú thời điểm này chưa nên động vào nó. Chú và anh không thể có khả năng để đưa nó trót lọt được về xuôi đâu. Tất nhiên, là chi lớn nhưng ăn vẫn rất dày, nếu chú quyết làm anh vẫn lo được”.

Chia tay D, chúng tôi lại bắt đầu theo những chiếc xe gà về xuôi. Cả quãng đường gần 150 km từ Móng Cái về Hạ Long, những chiếc xe chở gà chạy như ma đuổi... Thức đến 2 giờ sáng ngày 8/10 khu vực cầu Bãi Cháy, chúng tôi đếm được 12 xe ô tô chở gà xuôi QL18… Hàng chục vạn con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc lại tràn về các tỉnh miền xuôi trót lọt.  

“Thời điểm này chú biết các ông trùm ở đây bao biên cho một xe hết bao nhiêu không? 27 triệu đồng/xe. Để ra khỏi được Móng Cái, phải đi qua bến đò lậu (bến đò thôn 3a, xã Hải Tiến) lại phải bốc lên bốc xuống và chi phí thêm nữa. Còn qua trạm kiểm soát 15 rồi, từ đó về hết địa phận tỉnh Quảng Ninh thêm 13 triệu đồng/xe nữa. Đấy là chưa kể liên ngành, rồi trung ương về làm phải chi thêm. Đêm qua, anh vừa bao cho 2 xe chở vài vạn con gà giống qua bến đò cây số 15. Đêm nào cũng vậy. Nếu chạy thẳng qua trạm kiểm soát cây số 15 thì giá cao hơn nhiều. Nói thế thôi, có ông trùm mà không có bọn anh thì gà hay hàng lậu khác không bao giờ thoát được con đường độc đạo này”.

Người trong trạm kiểm soát cây số 15 nói thì hẳn là sự thực. Không chi một khoản tiền lớn để bao các cơ quan chức năng, làm sao gà giống lậu có thể đại náo được Móng Cái, có thể vượt qua được trạm kiểm soát liên ngành cây số 15 ngay trước mũi được? (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm