| Hotline: 0983.970.780

Diện kiến những ông chủ dự án

Thứ Ba 06/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Qua nhiều lần dò la tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp cận được chủ của hai mô hình nuôi chồn nhung đen theo hình thức đa cấp lớn nhất hiện nay. Đó là “phật sống” Đoàn Việt Châu và Giám đốc dự án “Nhà nông làm giàu” Phạm Bá Kỳ.

Qua nhiều lần dò la tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp cận được chủ của hai mô hình nuôi chồn nhung đen theo hình thức đa cấp lớn nhất hiện nay. Đó là “phật sống” Đoàn Việt Châu và Giám đốc dự án “Nhà nông làm giàu” Phạm Bá Kỳ.

>> Đổ xô làm giàu con... giời ơi!

“PHẬT SỐNG” ĐOÀN VIỆT CHÂU

Ngôi nhà cũng là trụ sở của ông Đoàn Việt Châu nằm cuối con ngõ trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm nay bước sang tuổi 56 nhưng ông Châu còn rất khỏe mạnh, trai tráng. Ông tâm sự, giờ tháng nào ông cũng phải đến bác sĩ để được tư vấn chăm sóc sức khỏe định kỳ theo chế độ đặc biệt như một nguyên thủ, bởi giờ ông chỉ ốm một ngày thôi thì mô hình nuôi chồn sẽ bấn loạn vì không có người điều hành.

Lí giải ngọn ngành để hình thành mô hình bán chồn nhung đen vô cùng mới lạ này, ông Châu cho biết, trước từng tham gia bán hàng đa cấp cho thương hiệu Amway của Mỹ. Sau, ông mở thêm một trang trại ở huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình để chăn nuôi lợn, gà và các con đặc sản. Khi tiếp cận con chồn nhung đen, ông Châu nhận thấy loài vật này vô cùng dễ nuôi, chỉ ăn cỏ cây hoa lá nên đem về nuôi thử. Sau thấy chúng thích nghi, sinh sản, phát triển tốt nên có ý định nhân giống bán cho nông dân. Nhưng dở một điều chồn nhung đen rất khó bán do mới du nhập vào Việt Nam.

Nhiều tháng ròng nghiên cứu, ông Châu đi đến quyết định cải tiến mô hình kinh doanh của Amway để áp dụng bán chồn nhung đen giống và không ngờ đạt được thành công ngoài sự mong đợi. Ông Châu rất đắc chí với mô hình của mình vì cho rằng ông đang đi “cứu độ chúng sinh” những hộ nghèo, người vỡ nợ do chăn nuôi, trồng trọt thất bát. Chính vì vậy, mới có chuyện rất nhiều người tôn ông là “phật sống”, “bồ tát tái thế” hay người đem “lục lạc chồn” kết nối những miền quê.


Ông Đoàn Việt Châu

Để mô hình nuôi gia công chồn trường tồn vĩnh cửu, ông Châu cho biết có ba con số bất di bất dịch. Đó là số 4, số 2 và số 28. Ông Châu cho biết, phải bán 1 cặp chồn nhung với giá 4 triệu đồng người chăn nuôi mới có lãi và bản thân ông cũng có lợi nhuận. Nếu chỉ nâng lên hay giảm xuống một giá đều không được vì sẽ quá cao hoặc quá thấp. Còn với số 2, ông Châu cho biết mua chồn với giá 2 triệu đồng/đôi trong khi 1 cặp chồn ngoài thị trường hiện chỉ bán với giá 200 - 500 nghìn đồng để tạo ra sự độc quyền không ai có thể xâm phạm mô hình vì chỉ có ông Châu mới dám mua cái giá đó. Và với giá bán này, ông Châu tính toán mỗi hộ chỉ cần nuôi 10 cặp chồn, thu nhập bình quân hàng tháng đạt 17 - 18 triệu đồng là chuyện bình thường?

Và cuối cùng, con số khiến ông Châu thấy mình thông minh không kém gì các nhà toán học lừng danh là con số 28. Ông Châu khẳng định, nếu không có con số 28 mô hình của ông đã sập từ rất lâu rồi. Trong hợp đồng ông Châu quy định rất rõ, một vòng quay của mô hình gia công nuôi chồn chỉ có thời hạn 28 tháng. Sau khi hết hợp đồng, nếu các hộ muốn tiếp tục tham gia bắt buộc phải ăn hoặc hủy hết số chồn cũ đi và làm một hợp đồng mới hoàn toàn với giá ban đầu là 4 triệu đồng/cặp. Tuyệt đối không được để chồn lại làm giống hay bán ra nhà hàng. Theo ông Châu, việc hủy mô hình sau 28 tháng sẽ tạo ra khoảng trống nên luôn luôn có sự tuần hoàn, luân hồi, không bao giờ sợ mô hình bị bão hòa?

“Hiện mô hình của tôi đã mở rộng ra 37 tỉnh thành, ở miền Bắc chỉ còn duy nhất tỉnh Lào Cai là chưa có. Tôi cứ theo hai con đường để tiến vào Nam là đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A. Hiện, tôi đang cho nông dân và các tổ chức đoàn thể nợ 49 tỷ đồng, riêng tỉnh Nghệ An đang nợ tôi 22 tỷ đồng, chính vì trong dân nợ nhiều như vậy nên doanh thu bình quân hàng tháng của tôi giờ mới khiêm tốn 300 - 500 triệu đồng, thi thoảng cũng có tháng được 1 tỷ. Dự định của tôi trong năm 2012 chỉ tiến vào đến Huế rồi tạm dừng lại, nhưng do nhu cầu của người dân lớn quá nên chắc cuối năm nay tôi đến tỉnh Khánh Hòa và dự kiến tháng 6/2013, mô hình của tôi sẽ phủ kín toàn lãnh thổ Việt Nam”. Ông Châu khẳng định chắc nịch hoài bão của mình.

CHUYỆN GHI Ở GIẤC MƠ VIỆT

Rời nhà ông Đoàn Việt Châu, chúng tôi tiếp tục lần mò đến trụ sở Cty Giấc Mơ Việt nằm trên đường Đội Cấn, Hà Nội. Không có biển hiệu cũng chẳng có chỉ dẫn, chúng tôi phải dò la người dân sống quanh đó mãi mới tìm thấy văn phòng của Cty Giấc Mơ Việt (V-Dream). Ra tiếp chúng tôi là một thanh niên rất trẻ với phong cách CEO - giám đốc điều hành. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi được biết anh tên Phạm Bá Kỳ, Giám đốc Dự án “Nhà nông làm giàu” của Cty TNHH Đào tạo thương mại điện tử Giấc Mơ Việt.


Lần đầu tiên có một mô hình bán hàng đa cấp trong chăn nuôi

Theo lời quảng cáo của Kỳ, Tổng Giám đốc của Cty Giấc Mơ Việt chính là doanh nhân Nhữ Mạnh Hải nổi tiếng, người đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty CP HOMIVINA. Dứt lời, Kỳ chỉ cho tôi xem ảnh doanh nhân Nhữ Mạnh Hải trên trang bìa một tờ tạp chí chuyên viết về doanh nhân!

+ Nhắc đến mô hình nuôi chồn nhung đen của Cty Giấc Mơ Việt, ông Châu cho rằng, mô hình đó đang bóc lột của người dân và không hiểu ra cốt lõi của vấn đề khi chỉ hợp đồng trong vòng 24 tháng và thu mua 1,9 triệu đồng/đôi chồn nhung con. Ngược lại, phía Cty Giấc Mơ Việt lại cho rằng, ông Châu bán chồn giống lại còn bắt dân mua cả chuồng sắt là lãng phí và kiếm tiền thái quá.

+ Khi chúng tôi đặt câu hỏi, những đàn chồn hết hạn hợp đồng được dân bán lại với giá 750.000 đồng và 500.000 đồng/cặp, chủ dự án sẽ làm gì? Ông Đoàn Việt Châu cho biết, dân sẽ phải tự thịt ăn hoặc chôn đi trong khi hợp đồng ông ghi rõ là mua lại. Còn Giám đốc dự án “Nhà nông làm giàu” Phạm Bá Kỳ thì “chém gió” là đang khảo sát tiến hành xây dựng một nhà máy chuyên nấu cao chồn nhung đen vì chồn là vị thuốc rất quý. Thực chất, số chồn thu mua lại đó các chủ dự án lại đem bán cho những người nuôi khác chứ việc tiêu thụ thương phẩm gần như chưa có.

Sau khi biết tôi đến tìm hiểu về con chồn nhung để tham gia mô hình với quy mô và số lượng lớn, CEO Phạm Bá Kỳ ngồi phắt dậy trình bày vẽ sơ đồ lên bảng cho tôi hiểu kỹ về dự án “Nhà nông làm giàu”.

Vẫn là cách nói chuyện, giảng bài vui tươi, dí dỏm giống y hệt các “chuyên gia” bán hàng đa cấp thường thuyết trình, Kỳ huyên thuyên giảng giải một thôi, một hồi nào là ý nghĩa nhân văn, cơ hội làm giàu của nông dân, cũng như tương lai của dự án… Kỳ khoe Dự án của Cty Giấc Mơ Việt còn có sự tham gia hợp tác của Viện Chăn nuôi Quốc gia(?). Để tăng tính thuyết phục, Kỳ cho tôi xem bản hợp đồng hợp tác giữa Viện Chăn nuôi và Cty Giấc Mơ Việt ký tháng 5/2012 và thời gian hết hợp đồng là ngày 31/10/2012. Chưa nói đến chuyện thực hư của bản hợp đồng, đọc kỹ tôi thấy Viện Chăn nuôi chỉ là đơn vị chuyển giao quy trình và kỹ thuật nuôi chồn nhung cho Cty Giấc Mơ Việt chứ không có điều khoản nào liên quan tới hợp tác kinh doanh để bán với giá 3,9 triệu đồng/cặp chồn nhung đen.

Một điểm khác trong thời hạn hợp đồng của Cty Giấc Mơ Việt chỉ kéo dài 24 tháng, giá thu mua chồn cái 1 triệu đồng/con và chồn đực là 900 nghìn đồng. Và người nuôi chồn cũng phải đóng 500.000 đồng/lứa đẻ. Mô hình cũng cấm tuyệt đối người dân tự nhân đàn và sau khi hết hợp đồng phải tiêu hủy toàn bộ số chồn làm thực phẩm hoặc bán lại cho Cty với giá 750.000 đồng/cặp.

Một điều khác nữa, Kỳ cho biết, với mô hình của Cty Giấc Mơ Việt, nếu tôi giới thiệu được thêm một khách hàng tham gia vào mô hình của Cty sẽ được hưởng 8% tổng giá trị hợp đồng và người tôi giới thiệu lại giới thiệu thêm được một người thứ 3 khác tôi lại tiếp tục được hưởng thêm 3% hoa hồng trên tổng doanh số đó. Kỳ bảo rằng, với năng lực của tôi, chỉ trong vòng vài tháng kiếm vài trăm triệu đơn giản như không. Bằng chứng, Cty Giấc Mơ Việt chưa đầy 10 cán bộ, nhân viên, song mỗi tháng doanh thu luôn đạt 1,8 - 2 tỷ đồng và hiện có rất nhiều người tham gia mô hình của Cty Giấc Mơ Việt thu nhập hàng tháng lên tới cả trăm triệu đồng? (Còn nữa)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.