| Hotline: 0983.970.780

Tâm sự người 20 năm làm thú y xã

Thứ Năm 08/11/2012 , 09:36 (GMT+7)

Một lí do quen thuộc mà ngành thú y hay viện tới mỗi khi để dịch bệnh bùng lên, đó là lực lượng cán bộ thú y quá mỏng, đặc biệt thú y cơ sở. Thực tế đúng vậy không, bản thân thú y cơ sở họ đang nghĩ gì? PV NNVN tìm hiểu tại một vài địa phương.

Một lí do quen thuộc mà ngành thú y hay viện tới mỗi khi để dịch bệnh bùng lên, đó là lực lượng cán bộ thú y quá mỏng, đặc biệt thú y cơ sở. Thực tế đúng vậy không, bản thân thú y cơ sở họ đang nghĩ gì? PV NNVN tìm hiểu tại một vài địa phương.

Tâm sự người 20 năm làm thú y xã

Ngày công cao, nhưng...

Bà Lê Thị Là, cán bộ thú y xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đến nay đã ngót nghét vài chục năm làm cán bộ thú y xã. Bà bảo, công việc chính của cán bộ thú y xã bây giờ, nếu không phải lúc có dịch bệnh thì chủ yếu chỉ phải triển khai tiêm phòng, mỗi năm hai vụ là chính. 

Cụ thể như từ đầu năm, xã Tân Trường triển khai tiêm phòng vụ xuân cho gia súc gia cầm. Năm nay, do TƯ chưa có vacxin thích hợp nên đàn gia cầm trong xã không phải tiêm phòng vacxin CGC, chỉ một vài hộ đăng ký tiêm vacxin dịch tả cho gà với số lượng 100 con nên xem như chẳng tính công. Đàn trâu bò trong xã bây giờ chỉ còn vẻn vẹn chục con, lại chẳng phải tiêm vacxin LMLM nên cũng chẳng cần để ý. Việc tiêm phòng vụ xuân, vì thế chủ yếu chỉ có lợn và chó. Về đàn lợn, đợt tiêm phòng vụ xuân chỉ có khoảng 1.200 con phải tiêm, năm nay do không phải tiêm vacxin “tai xanh” nên mỗi đầu lợn chỉ tiêm 2 mũi vacxin là tụ dấu và dịch tả, tổng cộng 2.400 mũi.

Bà Là cho biết, mặc dù tiêm phòng 2.400 liều vacxin cho đàn lợn tuy phải kéo dài tới hơn nửa tháng trời, nhưng nếu các hộ dân tập trung được vào một lịch tiêm đại trà, lại có thú y viên ở các thôn phụ giúp cho tổ tiêm phòng của xã nữa thì chắc chỉ phải kéo dài liên tục một tuần. Nghĩa là xét về thời gian làm việc đích thực, tính gộp thành ngày công, bà Là chỉ mất khoảng 7 ngày đi tiêm phòng cho lợn. Nếu tính cả việc tiêm phòng 400 liều vacxin bệnh dại cho chó mất khoảng 5 ngày công nữa, tổng cộng đợt tiêm phòng vụ xuân năm nay, bà Là chỉ mất khoảng hơn chục ngày công là cùng.

Đợt tiêm phòng vụ thu, số lượng gia súc và các loại vacxin phải tiêm phòng không có biến đổi nhiều, nên số ngày công tiêm phòng cũng chỉ dao động khoảng 10-12 ngày công nữa. 

Thống kê về những công việc vặt vãnh khác từ đầu năm tới nay ngoài việc đi tiêm phòng, bà Là nhẩm tính: Việc kiểm tra nắm bắt tình hình dịch bệnh, dù số hộ chăn nuôi khá lớn nhưng số hộ lớn thực sự, phải thường xuyên kiểm tra với tần suất 1 lần/tháng chỉ khoảng 13 hộ. Việc này chỉ mất khoảng 1 ngày công/tháng. Ngoài ra, hồi đầu tháng 8/2012 phải đi lấy mẫu máu 2 lần cho Trạm thú y kiểm tra dịch tễ định kỳ, hết 1 ngày công nữa…

Cứ như bà cán bộ thú y xã Tân Trường thống kê thì kể từ đầu năm đến nay, tổng cộng những công việc chính, bà chỉ phải mất khoảng 35-36 ngày công là cùng. Với mức phụ cấp hiện tại mà UBND tỉnh Hải Dương chi cho mỗi cán bộ thú y xã 1 triệu đồng/tháng, nhân cho 10 tháng, và chia cho tổng số ngày công, mỗi ngày công sẽ có giá hơn 280 nghìn đồng chứ chẳng ít! Đó là chưa tính, mỗi ngày công bà Là đi triển khai tiêm phòng, cũng đều đã có quy định chi trả 55 nghìn đồng. 


Anh Nguyễn Văn Hiệu, cán bộ thú y TT Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, do người chăn nuôi "không khiến" thú y xã tiêm phòng nên chỉ việc đi phát vacxin thế này

Nghe tôi nhẩm tính thế, bà Là thừa nhận: Nếu cứ quy ra ngày công quả là cao thật, nhưng ngay như bản thân bà bao nhiêu năm nay cũng chẳng mặn mà gì, bởi công việc lách nhách quá. Việc đi tiêm phòng, đâu phải chỉ có tiêm đại trà là xong mà còn phải tiêm định kỳ cho lợn 35 ngày sau khi sinh. Số này dù không nhiều, chủ yếu những hộ nhỏ lẻ, nhưng đụng vào cái cũng mất đứt cả buổi. Có nhà trong xã đưa phân ra đường, phả mùi thối vào nhà hàng xóm, người ta cũng tới kêu thú y... Khổ nhất nữa là cái khoản báo cáo, mỗi tháng đều đặn 3 báo cáo.

Ngày 12 hàng tháng phải có báo cáo gửi Phòng nông nghiệp, ngày 15 hàng tháng phải có báo cáo gửi Trạm thú y, ngày 22 hàng tháng phải gửi UBND xã. Báo cáo mặc dù cũng chẳng có gì, ngoài việc thông báo địa bàn có dịch hay không, nếu có thì bệnh đó có chữa được không, chết bao nhiêu con… Thời buổi điện thoại cầm tay, có thông tin gì về dịch giã nhấc máy a lô một cái cũng xong, thế nhưng báo cáo cứ phải làm đều đặn. Xã Tân Trường có tổng cộng 9 thôn, 2 cán bộ thú y xã cứ thế thay nhau tổng hợp làm báo cáo. “Tóm lại làm thú y xã cũng chẳng khác gì làm ruộng, tính ra ngày công thì cao, nhưng đâu phải ngày nào cũng làm đâu. Đã thế dính vào một tí y như rằng mất đứt buổi làm, mà mất ngày nào là mất tiền ngày đó” – bà Là đúc kết.

Thu nhập thấp

Có một điều khiến vị cán bộ thú y xã Tân Trường luôn cảm thấy không hài lòng với cái chức cán bộ thú y xã, đó là mặc dù mang tiếng “cán bộ”, nhưng ngót vài chục năm cống hiến với nghề, mỗi tháng cũng chỉ được nhận phụ cấp, chứ đâu được như công chức xã, ngày ngày đến ủy ban ngồi phòng mát, tháng nào cũng tằng tằng lĩnh vài ba triệu… Tôi thắc mắc, công chức xã ngày nào họ cũng làm việc chuyên môn, giả như bây giờ phong cho cán bộ thú y xã là công chức, thì liệu có đủ việc để làm cho xứng với cái danh công chức hay không? Hơn nữa từ năm 2011 đến nay, Tân Trường còn được xếp vào xã loại I, có tới 2 cán bộ thú y lận?

Có một thực tế là khi càng nhiều trang trại chăn nuôi lớn, thì công việc của thú y cơ sở lại càng nhàn nhã. Đơn cử như việc tiêm phòng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hiệu, cán bộ thú y thị trấn Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đúng vào lúc xã này đang triển khai tiêm phòng “ba bệnh đỏ” cho lợn.

Anh Hiệu bảo, bây giờ hầu hết các hộ chăn nuôi ở đây đều là trang trại lớn, họ rất sợ cán bộ thú y xã đi từ nhà này tới nhà khác tiêm phòng, lây lan dịch bệnh nên chỉ muốn tự tiêm lấy. Thành ra đến vụ tiêm phòng, cán thú y xã chủ yếu chỉ việc đi đăng ký vacxin cho các hộ, rồi lấy vacxin về phát cho thú y viên các thôn. Sau đó, thú y viên các thôn phát cho các hộ tự tiêm, chứ cũng chẳng mấy khi phải trực tiếp triển khai tiêm phòng!

Bà Là xua tay phân tích: Đàn lợn của xã Tân Trường có những 3.600 con, gần 100 nghìn con gia cầm…, xếp vào hạng tốp đầu về số lượng gia súc gia cầm trong huyện. Nếu công tác thú y làm cho đầy đủ, bài bản, từ tiêm phòng, kiểm dịch, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là công tác kiểm soát lò mổ, quản lí tại các chợ thì quanh năm chẳng hết việc. Nói ngay như chuyện kiểm soát giết mổ, trước năm 2005, bà Là còn được Trạm thú y ký HĐ đảm nhiệm việc kiểm tra vệ sinh và đóng dấu kiểm dịch cho các lò mổ trong xã. Cứ 5 giờ sáng hàng ngày là đánh xe máy tới các lò mổ kiểm tra, đóng dấu thì mới cho chuyển thịt lợn đi, đố nhà nào dám buôn hay mổ lợn bệnh. Rồi hộ nào kinh doanh buôn bán gia cầm thịt, gia cầm giống ra vào địa bàn xã thế nào đều nắm hết…

Mỗi tội hồi đó Trạm thú y khoán công thấp quá, kiểm soát đóng dấu mỗi lò mổ một tháng chỉ được 12 nghìn đồng, cả xã chỉ có gần chục lò mổ nên chẳng đủ tiền xăng, thế nên tới cuối năm 2005 bà Là bỏ luôn việc đi “khám thịt”. Thành ra bây giờ, lò mổ trong xã Tân Trường bung bét, cũng chẳng có ai đoái hoài. 

“Nếu không được là công chức, thì trả công cho tôi cao lên, tất tần tật mọi việc liên quan tới việc kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh giết mổ… tôi làm được tất, chứ chẳng cần một xã có tới 2 cán bộ thú y làm gì. Bây giờ phụ cấp chỉ có 1 triệu đồng/tháng, thì công việc cũng chỉ xứng đáng như hiện tại thôi. Của nào, công đó” – bà Là thẳng thắn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.