| Hotline: 0983.970.780

Sụp đổ được báo trước!

Thứ Ba 26/03/2013 , 09:36 (GMT+7)

Đúng dự đoán, sau một thời gian phát triển rầm rộ, mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp đang có dấu hiệu sụp đổ. Những người trót tham gia giờ như ngồi trên đống lửa vì không bán được chồn con còn chủ mô hình lặn mất tăm.

Đúng dự đoán, sau một thời gian phát triển rầm rộ, mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp đang có dấu hiệu sụp đổ. Những người trót tham gia giờ như ngồi trên đống lửa vì không bán được chồn con còn chủ mô hình lặn mất tăm.

TRẢ GIÁ

Chúng tôi trở lại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc trong một bầu không khí u ám, ảm đạm bao trùm lên các làng quê nghèo. Đây là một trong những địa phương tham gia mô hình nuôi chồn nhung đa cấp của ông Đoàn Việt Châu với số lượng lên tới hàng nghìn con.

Nhận được điện thoại, ông Trịnh Xuân Trần ở thôn Vực Lựu, xã Minh Quang phi xe máy từ mỏ đá về nhà tiếp khách. Mấy tháng nay, việc tiêu thụ chồn nhung con ách tắc, ông chẳng thiết tha loài vật này nữa nên vùi mình cả ngày trong mỏ đá phụ giúp con cái. Lần thứ hai dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi chồn, ông Trần buồn bã cho biết, đàn chồn bố mẹ ông mua đã đẻ ra trên ba chục con, đến tuổi xuất bán rồi nhưng năm lần bảy lượt gọi điện không thấy ông Đoàn Việt Châu tới thu mua.

Trước Tết gọi thì ông hẹn sau Tết, sau Tết gọi ông hẹn cuối tháng, cuối tháng gọi ông lại hẹn đầu tháng sau… Giờ ông Trần và hàng chục hộ nuôi chồn khác tại Tam Đảo chỉ còn cách… ngồi chờ. Căn chuồng lợn bên cạnh ông Trần dự định mua thêm 15 đôi chồn nữa về nuôi nay bỏ không mạng nhện chăng kín, ông thú thật, giờ có cho không cũng không dám tham gia nữa vì “ngấm đòn” rồi!


Ông Trịnh Xuân Trần ở Tảm Đảo, Vĩnh Phúc cho biết, đã lâu lắm rồi không thấy ông Đoàn Việt Châu đến bắt chồn

Lôi bản hợp đồng và sổ sách ra tính toán, ông Trần thở dài bảo ban đầu hí hửng tưởng làm giàu “nóng hổi” với mô hình nuôi chồn nhung đen nào ngờ bây giờ đến vốn chưa chắc đã thu lại được. Theo đó, ông bỏ ra 60 triệu đồng mua 15 cặp chồn giống bố mẹ và hơn 10 triệu tiền lồng. Trước Tết vài tháng, ông xuất được hai lứa chồn con thu về 13 triệu, từ đó đến nay đã hơn 2 tháng ông không bán được cho dù là một con, như vậy hiện tại ông vẫn đang lỗ 60 triệu đồng. Đặt giả thiết, ông Đoàn Việt Châu không đến thu mua nữa thì với số chồn trong chuồng đó, ông Trần bán ra với giá thị trường thu được không quá 6 triệu đồng, canh bạc làm ăn không thể dở hơn.

Nhưng gia đình ông Trần so với anh Trương Văn Tư ở xóm Xạ Hương, xã Minh Quang vẫn còn may chán. Anh Tư mua 50 cặp chồn để tham gia mô hình mất hơn 200 triệu đồng, mặc dù bán được tới 5 lứa chồn con nhưng anh thu lại chưa nổi 50 triệu nên vẫn lỗ hơn 150 triệu. Từ sau Tết Quý Tỵ đến nay, anh cũng chưa bán được con nào mặc dù trong chuồng hiện có tới trên dưới 90 chồn con đã quá tuổi xuất bán. “Ông Châu vẫn hứa hẹn với chúng tôi khi nào về mua chồn nhà ông Hùng (đại diện mô hình Đoàn Việt Châu tại Tam Đảo) thì đến bắt luôn một thể nhưng chúng tôi cũng chưa biết khi nào. Lo đến mất ăn mất ngủ nhưng cả huyện Tam Đảo này đã có ai bán được chồn đâu nên mình đành phải đợi chứ biết làm sao chú?”. Anh Tư đắng đót.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hiệp ở xã Tam Quan hẹn vào nhà hỏi han tình hình chăn nuôi chồn ngay lập tức bị ông nói những lời vô cùng khó nghe. Ông tuyên bố nếu chúng tôi đến sẽ cho một trận, lí do “tại những bài báo chúng tôi viết mà ông không bán được chồn con?”. Hiện, ông Trần đang nợ đầm nợ đìa ngân hàng gần 200 triệu đồng tiền vay mua chồn mà chưa biết kiếm đâu ra để trả, có nguy cơ phải bán căn nhà đang xây thô. Vì vậy, chúng tôi không hề buồn phiền trước những lời nói lúc nóng giận của ông Hiệp, trái lại thấy thương cho hoàn cảnh khi không chỉ ông mà cả con cái ông cũng bị kéo vào canh bạc “chồn nhung đa cấp”. Nhưng cũng khó trách được ai, bởi người nông dân bị đánh vào lòng tham mấy ai không bị mắc lừa, đến khi nhìn thấy hệ lụy thì chuyện đã rồi!

HOẢNG LOẠN

Để biết rõ chủ mô hình có về thu mua chồn nữa hay không, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Tân Long, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, người thay mặt ông Đoàn Việt Châu quản lý, theo dõi tại địa bàn Vĩnh Phúc. Thật bất ngờ, gặp chúng tôi ông Hùng không một chút giấu giếm cho biết đã rút khỏi mô hình của ông Đoàn Việt Châu từ sau Tết. Để chứng minh lời nói của mình, ông Hùng dẫn ra chỗ cánh thợ cơ khí đang hàn chuồng và cho biết sắp tới ông sẽ quay sang nuôi chim bồ câu. Để ý kỹ quả thực chúng tôi thấy những lô lồng nhốt chồn còn sót lại đã phủ kín bụi vì đã rất lâu rồi ở khu vực huyện Tam Đảo không có người mới tham gia mô hình.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng (người đứng bên trái) đã từ bỏ việc làm ăn với ông Đoàn Việt Châu và quay sang làm chuồng nuôi chim bồ câu

Ông Hùng chia sẻ, trước Tết ông nhận thấy mô hình của ông Đoàn Việt Châu có vấn đề khi lịch thu mua chồn bắt đầu thất thường, tiềm ẩn hiểm họa nếu tiếp tục theo đuổi. Sau khi cân đong, đo đếm nhận thấy mình cơ bản đã thu hồi được số vốn ban đầu bỏ ra, ông quyết định chấm dứt hợp tác làm ăn với ông Đoàn Việt Châu. Với số chồn hiện tại, ông Hùng đang liên hệ với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tại khu du lịch Tam Đảo để bán thịt thương phẩm hy vọng gỡ gạc được đồng nào đó.

Thật chua xót cho số phận những người tham gia nuôi chồn nhung đen tại Tam Đảo khi vẫn thấp thỏm hy vọng ông Đoàn Việt Châu đến bắt chồn mà không hề hay biết người đại diện cho ông Châu tại Vĩnh Phúc là ông Nguyễn Mạnh Hùng đã bỏ mô hình. Điều đó đồng nghĩa với việc cái ngày mà ông Châu đến thu mua chồn con có thể không bao giờ xảy ra. Một cơn hoảng loạn với người chăn nuôi chồn nhung đen đa cấp tại Vĩnh Phúc đã hiển hiện trước mắt.

Người dân ở Vĩnh Phúc còn nuôi hy vọng, nhưng tại tỉnh Bắc Giang, nơi tham gia mô hình nuôi chồn nhung đa cấp từ những ngày đầu tiên không khí vỡ trận bắt đầu xảy ra khi người dân đã nhìn thấy rõ ngày khai tử mô hình của ông Đoàn Việt Châu.

Vào vai một hộ nuôi chồn nhung đa cấp tại Tam Đảo đang lo lắng vì không bán được chồn con, chúng tôi được vợ chồng anh chị Luyện, Vân ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết, tại Bắc Giang, hai kho chồn của ông Châu đã chật cứng không còn chỗ chứa trong khi chồn con tại các gia đình hiện nay cũng lúc nhúc đầy chuồng không đếm được mà gọi điện khản cổ không thấy ông Châu đến bắt.

“Chị là người theo ông Châu từ những ngày đầu tiên chị biết giờ các tỉnh miền Bắc đã đóng băng toàn bộ rồi. Ông Châu giờ nằm hẳn trong miền Nam để phát triển thị trường trong đó nhưng không ăn thua. Tôi hỏi chú, 37 tỉnh, thành đổ vào đầu ông Châu, ông Châu đổ đi đâu hết? Ông Châu đổ ra sông cũng không hết được. Chị khuyên chân thành, giờ chú thấy ai mua năm chục, một trăm ngàn một con thì bán gấp đi gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó chứ cứ chờ đợi ông Châu đến bắt mong manh lắm, ngàn cân treo sợi tóc rồi chú ạ! Nếu có chỗ nào thu mua chồn nhung chú nhớ báo chị nhé, 50.000 đồng/con chị cũng bán”. Chị Vân giọng gấp gáp khuyên nhủ.


Một không khí hoảng loạn bao trùm lên người nuôi chồn nhung đa cấp tại Bắc Giang

Người nuôi chồn tại Bắc Giang cho biết đang theo dõi sát sao từng động tĩnh, cử chỉ của ông Đoàn Việt Châu đề phòng có biến. Theo đó, hiện nay ông Đoàn Việt Châu đang cố gắng làm tất cả những gì có thể để phát triển thị trường phía Nam nhằm giải nguy cho thị trường miền Bắc và miền Trung nhưng xem ra khó có thể cứu vãn được tình hình.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay tại Bắc Giang chồn con tại các hộ tham gia mô hình của ông Đoàn Việt Châu chật chuồng không đếm xuể, mặc dù mua với giá 4 triệu đồng/cặp nhưng giờ có ai hỏi mua 50.000 đồng/con, thậm chí 20.000 đồng người dân ở đây cũng sẵn sàng bán tống bán tháo như chạy loạn.

Nhiều gia đình quá bức xúc vì bỏ ra nhiều tiền mà chưa thu lại được đồng nào làm căng lên được ông Châu về thua mua cho vài chục chồn con nhưng đa phần là mua chịu, nghĩ lại càng tức hơn vì vừa không thu được tiền lại mất cả chồn. Người bức xúc quá làm toáng lên, người thì im lặng chờ đợi sự kỳ diệu sẽ đến, nhưng trong thâm tâm người nuôi chồn nhung đa cấp tại Bắc Giang ai cũng ngầm hiểu ông Châu đã không còn khả năng thanh khoản nữa. Chính vì thế, huyện nghèo Lục Ngạn đang bị bao trùm bởi một bầu không khí hoảng loạn.

Để bạn đọc hiểu rõ, chúng tôi xin nêu lại hình thức kinh doanh chồn nhung đa cấp của ông Đoàn Việt Châu và Cty Giấc Mơ Việt (Hà Nội) như sau:

Người chăn nuôi muốn tham gia vào mô hình phải mua chồn bố mẹ với giá 3,8-4 triệu đồng/cặp. Sau khi chồn bố mẹ đẻ ra chồn con được chủ mô hình hứa thu mua lại với giá 1,9-2 triệu đồng/cặp (trong khi giá ngoài thị trường của chồn nhung chỉ khoảng 100.000 đồng/con). Thời gian thu mua chồn con cũng là thời hạn hợp đồng, 24-28 tháng.

Hết thời hạn hợp đồng, người nuôi phải tiêu hủy hoặc làm thịt toàn bộ số chồn, nếu muốn tiếp tục tham gia mô hình phải mua chồn bố mẹ mới: 3,8-4 triệu đồng/cặp. Bên cạnh đó, những ai giới thiệu được người tham gia vào mô hình sẽ được chia % lợi nhuận và được chủ mô hình trích hoa hồng.

Từ tháng 10/2012, Báo NNVN đã có loạt bài “Ẩn họa nuôi chồn nhung đa cấp” cảnh báo những hiểm họa với người dân khi mua bán, nuôi chồn nhung đen dưới hình thức đa cấp với ông Đoàn Việt Châu và Cty Giấc Mơ Việt. Nay, đúng như cảnh báo, mô hình của cả hai đơn vị trên bắt đầu sụp đổ khiến hàng trăm hộ dân rơi cảnh bấn loạn, nợ nần.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.