| Hotline: 0983.970.780

Những “phủ quan” xã thời nay

Thứ Hai 09/12/2013 , 10:13 (GMT+7)

Bà lão nhà quê cứ lẩn mẩn ngó quanh cái trụ sở vô cùng to lớn, lộng lẫy của xã mình. Hết sờ tay vuốt cái cột giả đá to hơn cột đình, mát lạnh chẳng kém gì que kem lại xoa xoa bậc tam cấp phẳng phiu. Bà thần người nhẩm trị giá cái trụ sở bằng đúng 2.000 tấn thóc.

Bà lão nhà quê ở vào cái tuổi gần đất, xa trời cứ lẩn mẩn ngó quanh cái trụ sở vô cùng to lớn, lộng lẫy của xã mình. Hết sờ tay vuốt cái cột giả đá to hơn cột đình, mát lạnh chẳng kém gì que kem lại xoa xoa bậc tam cấp phẳng phiu đến độ tờ giấy ép xuống cũng không thấy hở một kẽ, bà thần người nhẩm trị giá cái trụ sở bằng đúng 2.000 tấn thóc.

Lộng lẫy và uy nghi

Cái trụ sở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc, Nam Định) phải nói rất hoành tráng. Tuy được xây cách đây đã mấy năm nhưng nó vẫn không hề lạc mốt, ghi kỷ lục với 23 phòng, xấp xỉ 1.500m2 xây dựng, tốn cỡ 7 tỉ (thời giá hiện tại khoảng 10 tỉ) chưa kể trang thiết bị. Thiết kế ban đầu của nó có ba tầng nhưng do diện tích xây dựng lớn quá nên để “lách” quy chế vẫn ba tầng ấy được tách ra làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một xây hai tầng, giai đoạn hai xây nốt hội trường 330 chỗ ngồi trên tầng ba mà làm vẫn liền mạch không nghỉ ngày nào. Trụ sở ủy ban Mỹ Phúc cũ hai tầng dựng cách đây cỡ hai chục năm, được coi là "đệ nhất huyện" hồi đó với nhiều phòng làm việc, phòng họp, hội trường nay được bố trí hẳn cho Ban công an và Ban nông nghiệp xã. Gần đó, HTX của địa phương cũng riêng một căn nhà.

Mỹ Phúc là xã loại 2 với cơ cấu 22 cán bộ, mỗi người một phòng chẳng đụng chạm gì nhau. Mỗi phòng cán bộ thường trực có một bộ bàn ghế uống nước trị giá 35 triệu nghe nói bằng gỗ cẩm vân hay cẩm thị gì đó còn cấp thấp hơn bằng gỗ gụ, tủ, bàn làm việc có những loại bằng gỗ quý khác chưa tính… Khung cửa, cánh cửa của các phòng bằng gỗ muồng.

Trụ sở xã khi xây mới được hỗ trợ 2 tỉ đồng, còn lại là tiền của địa phương. Ông Trần Thành Tám - Chủ tịch xã cho biết có những đồ dùng được xã hội hóa (do các doanh nghiệp tặng) chứ không kinh phí còn đội lên nhiều. Tuy thế, việc xây trụ sở to cũng khiến cho Mỹ Phúc phân kỳ ra trả nợ trong 4 năm 2009, 2010, 2011, 2012 mới dứt.

Trụ sở xã càng xây sau độ bề thế càng tăng. Trụ sở ủy ban xã Nam Hồng (Nam Trực, Nam Định) bắt mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dãy cau vua thẳng tắp, to cao lừng lững như những hàng vệ sĩ bồng súng đứng canh lối vào. Hai bên hàng cau là hai cái hồ bán nguyệt được kè dựng công phu. Cái sân rộng thênh thang càng làm nổi bật lên tòa nhà ba tầng đồ sộ dài 42 mét, rộng 13 mét có tổng diện tích xây dựng 1.464 m2.


Trụ sở xã Nam Hồng nguy nga như trụ sở cơ quan cấp tỉnh

Trụ sở thiết kế cả đường dẫn cho ô tô chạy tuốt lên tận tiền sảnh có mái che, trời mưa gió người ta chỉ việc bung cửa ô tô là ung dung bước vào trong cơ quan, người không mảy may dính một giọt nước.

Theo những bậc cầu thang tôi nha nhẩn đếm được 25 phòng làm việc cả thảy cộng 1 phòng họp, 1 hội trường 250 chỗ ngồi. Đó là chưa kể các công trình phụ trợ cho tòa ủy ban như nhà làm việc của ban công an, nhà bảo vệ… Tổng giá trị của trụ sở mới trên giấy tờ là 10,7 tỉ, chưa kể các trang thiết bị.

Trước đây, trụ sở xã Nam Hồng ở tòa nhà hai tầng khá rộng rãi nhưng lại chung với trạm y tế, sau thấy không được hợp mắt lắm người ta mới bàn cách xây dựng trụ sở mới. Một khu đất rộng 4.393m2 được nhanh chóng dọn dẹp, san lấp để từ đó mọc lên cái trụ sở đồ sộ phục vụ cho 22 cán bộ cả thảy, mỗi người một phòng rộng vào khoảng 20 m2.

Xây mới trụ sở được hỗ trợ 1,5 tỉ đồng còn lại Nam Hồng chủ yếu trông đợi vào nguồn bán đất giãn dân. Xã có quốc lộ chạy qua, đất bám hai bên đường thành đất vàng, xén ra bán phân lô rầm rập mà đỉnh cao nhất phải kể đến năm 2010. Hàng trăm suất đất đã được bán theo cơ chế 50% nộp lên trên, 50% xã giữ lại.

Khi có chủ trương bảo vệ đất lúa của Chính phủ, diện tích đất đẹp của Nam Hồng đã cơ bản bán xong. Số tiền bán đất, ngoài xây trụ sở lớn, người ta cũng xây mới luôn trạm y tế với kinh phí khoảng 4 tỉ đồng. Tuy nhiên trạm y tế này thường xuyên vắng hoe vì hễ ốm người ta vẫn thích lên bệnh viện huyện hoặc các phòng khám tư nhân ngoài thị trấn hơn.

Xa hoa và tráng lệ

Xét về độ hoành tráng, trụ sở xã Nam Hồng còn chạy dài so với trụ sở ủy ban thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) đang xây dựng. Có lẽ đây là một trong những cái trụ sở ủy ban cấp xã, thị trấn to nhất, đắt nhất toàn quốc. Cái trụ sở khiến cho bất kỳ ai đi qua đều phải sái cổ ngoái nhìn, phải nuốt khan nước bọt ừng ực.

Đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện để bàn giao, nó như một đại công trường. Này là một tốp thợ dăm ba người đang đu tòng teng bôi bôi, trát trát trên cái cổng to lớn lạ thường, nọ là tốp thợ nề, thợ nhôm kính, thợ gỗ… xăng xái chỗ nọ, chỗ kia bên trong. “Xoèn xoẹt, ù ù, tu tu…”, tiếng khoan, tiếng đục, tiếng người cười nói hòa thành một bản đại hợp xướng vô cùng ầm ĩ.

Khác với kết cấu trụ sở nhiều xã thường kết hợp luôn với hội trường ở tầng trên cùng, trụ sở và hội trường của thị trấn Cổ Lễ hoàn toàn tách biệt. Hội trường mênh mông tầm mắt với 430 ghế ngồi nhấp nhô như trong rạp hát lớn của một nước phương Tây.

Không mất chỗ cho hội trường nên ba tầng nhà của ủy ban rảnh rang diện tích bố trí một cách hào phóng nhất cho các phòng ốc. Có gần 30 phòng cả thảy, cái nào cái nấy đều rộng trên dưới 30 m2. Tầng hai của tòa nhà bố trí một phòng họp 50 chỗ, tầng ba một phòng họp 100 chỗ. Nội thất toàn cục đều bằng gỗ chò chỉ.

Làm sao cho bát cơm của dân đầy lên chứ trụ sở đẹp mà đời sống của nhân dân cực khổ thì để mà làm gì? Lời một người dân.

Cách đây chừng hai chục năm, khi trụ sở làm việc thị trấn Cổ Lễ được xây dựng quy mô ba tầng với 15 phòng đã là cả niềm kiêu hãnh bởi nhiều trụ sở xã hồi đó chỉ là nhà ngói. Thời thế xoay vần, khi những trụ sở xã lần lượt được xây mới với hai, ba tầng đồ sộ, đủ cung cách, đủ màu mè đã đẩy trụ sở Cổ Lễ thành lạc mốt.

Dù cái trụ sở cũ vẫn còn tốt chán, chỉ cần đầu tư cỡ 1,5-2 tỉ tu bổ là lại như mới ngay nhưng như thế còn đâu cái tính tiên phong? Người ta đã quyết dẹp bỏ phương án tu bổ mà xây hẳn mới. Tuy chưa hoàn thành nhưng nó đã xứng đáng là một cái trụ sở đệ nhất với con mắt của người trong nghề định giá phải trên dưới 20 tỉ đồng. Tính ra mỗi cán bộ ủy ban tiêu tốn xấp xỉ 1 tỉ đồng cho việc xây dựng trụ sở làm việc.

Cổ Lễ có phải là một đơn vị giàu? Xin thưa, thị trấn 13.000 dân này có thu nhập chỉ khoảng 17 triệu đồng/người/năm tức còn thua cả nhiều xã thuần nông khác. Một phương án để thanh lý cái trụ sở cũ được tính đến, dù biết như thế vẫn còn thiếu rất nhiều tiền để xây trụ sở mới. Thiếu thì mặc thiếu, cái trụ sở vẫn ngày ngày tượng hình, kịp phục vụ cho 22 cán bộ, mỗi người một phòng rộng cỡ xấp xỉ 30m2...

Quyết định 23/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã, phường, thị trấn: Cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn, tùy theo chức vụ, chức danh mà tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc từ 10-15 m2/người. Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc là 5 m2/người.

Đối với Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND; Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiêu chuẩn diện tích tối đa là 12 m2/người.

Tiêu chuẩn diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc là 10 m2/người được áp dụng đối với Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam…

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm