| Hotline: 0983.970.780

Bài 2: Toát mồ hôi vay vốn làm trang trại

Thứ Tư 21/05/2008 , 07:30 (GMT+7)

Một chủ trang trại ở Hà Tây cho hay, để làm thủ tục trang trại phải mất vài tháng với trên 20 con dấu các loại từ thôn, HTX, xã, huyện nhưng cũng không khó bằng chuyện vay vốn.

Nuôi gia công, vay vốn “cắt cổ”

Nuôi gia công dễ được ngân hàng cho vay vốn nhưng cũng chỉ là làm thuê “Để được vay vốn phải làm dự án, làm luận chứng kinh tế, tính toán tỉ mỉ tới mức làm bao nhiêu m2 chuồng, nuôi bao nhiêu con gà, lợn, rồi đầu vào gồm hạ tầng, giống, thức ăn, thuốc, tiền dự phòng, lãi %, khấu hao ra sao, đầu ra ở đâu, lãi lỗ như thế nào…Bao thứ cực kỳ phức tạp mà tôi nghĩ ngay cả người học đại học kinh tế cũng khó làm nổi chứ đừng nói nông dân chân đất, mắt toét. Không làm được thì không được vay nên phải thuê người viết hộ mà cuối cùng cũng chỉ được vay có vài ba chục triệu. Đấy là vay vốn thương mại, phải thế chấp nhà cửa, chịu lãi suất 1,6% chứ không có ưu đãi gì đâu nhé. Ai làm trang trại gia công, được Cty bảo lãnh vay vốn còn đỡ chứ cứ tự mình làm như chúng tôi, không biết đường đi nước bước rất khó vay, có vay cũng chẳng được là bao. Lạm phát, giá thịt lợn, giá thóc gạo tăng vọt, người ta bảo ưu tiên cho nông nghiệp nhưng chúng tôi làm trang trại ai tư vấn? Ai giúp ban đầu về vốn? Chẳng có ai cả. Nông nghiệp không giống công nghiệp, sinh lợi cao, thị trường ổn định mà lại cho vay với lãi suất bằng nhau thì ưu đãi cái gì?.”

Lâu nay chúng ta vẫn bảo phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, dồn đổi ruộng đất để sản xuất lớn mà mô hình trang trại chính là những điển hình cần mở rộng. Thực tế trang trại được ưu đãi gì? Sòng phẳng ra gần như không gì cả. Các địa phương đua nhau trải thảm đỏ đón nhà đầu tư nhưng không địa phương nào lại trải thảm đón các chủ trang trại cả vì sinh lời thấp, không có “lại quả” lại mang tiếng là còn để tỷ trọng GDP nông nghiệp cao? Chuyện vay vốn với các chủ trang trại cũng vậy, bị làm khó dễ, hoạch hoẹ đủ đường.

Đối với những chủ trang trại nuôi gia công, vay vốn tương đối dễ có điều lãi suất cao. Ông Phạm Văn Thân - chủ trang trại ở Cổ Đông (Sơn Tây) có 5,3 ha, thế chấp một căn nhà mặt đường để vay vốn ngân hàng 700 triệu với thời hạn 3 năm, lãi suất ban đầu 1,25%, sau tăng 1,48% và sắp tới 1,6% nên chỉ riêng tiền lãi ngân hàng mỗi tháng đã trên 10 triệu đồng. Trại của ông nuôi 1.900 con lợn gia công cho Cty CP, chi phí hàng tháng cho nhân công 3 triệu/3 người, điện đóm 7 triệu, khấu hao chuồng trại 5 triệu/tháng, lãi ngân hàng trên 10 triệu/tháng. Trong khi ấy giá nuôi gia công chẳng tăng, khi trước mỗi tháng trừ tất tật còn được cỡ 5-7 triệu đồng, giờ chỉ còn 3-4 triệu nên chẳng biết bao giờ ông thu hồi nổi vốn.

Anh Phùng Văn Mị - một chủ trang trại có tiếng ở Cổ Đông với tổng diện tích thầu đất tới 30 ha thừa nhận hầu như chẳng bao giờ thấy mặt cán bộ đến hỏi han và cũng chưa bao giờ tiếp cận nổi một đồng vốn vay ưu đãi. Anh Mị đã phải dùng cả 2 bìa đỏ của gia đình, nhờ viết luận án kinh tế mới vay được 300 triệu đồng từ ngân hàng với lãi suất thương mại. 30 ha mà vay được 300 triệu, vị chi mỗi ha được có 10 triệu, số tiền chỉ như muối bỏ bể bởi đầu tư riêng cho san ủi mặt bằng đã 700 triệu, cho xây chuồng trại đã 900 triệu. Số tiền vay mượn ngoài cũng không thể bù đắp khiến cho anh Mị phải đành làm kiểu “giật gấu, vá vai”, một tí nuôi lợn, một tí trồng cam, trồng rừng còn lại thì trồng sắn. 8 ha sắn của anh trừ chi phí đủ thứ mỗi vụ vỏn vẹn 1 ha thu được cỡ 7 triệu tiền lãi. Anh Mị chỉ ước ao có 1 tỉ đồng vốn để đầu tư mở rộng việc nuôi lợn, trồng cam Canh thay cây sắn và thả 100 con cá sấu nhưng đó chỉ là một ước mơ xa vời, nhất là ở thời buổi lạm phát, ngân hàng siết chặt vốn vay như hiện nay.

Nỗi niềm chủ trang trại “tự bơi”

Anh Phùng Văn Mị: "Vì thiếu vốn đầu tư nên tôi phải trồng 8 ha sắn" Những trang trại nuôi gia công, vay vốn còn thế huống hồ những trang trại “tự bơi”. Trang trại của anh Nguyễn Văn Lợi xã Thạch Thán (Quốc Oai, Hà Tây) lập năm 2005 với diện tích 5 mẫu. Ban đầu anh Lợi cũng được vay 20 triệu của ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhưng chỉ được 2 năm. 20 lợn nái, 150 lợn bột ngày ngày ngốn hết cả triệu tiền cám, chưa kể đến nhu cầu mở rộng trang trại cần nhiều vốn nữa nhưng lãi suất cao như hiện nay cũng là điều ngáng  trở.

Cùng ở Thạch Thán, trang trại của anh Đỗ Thế Vinh cũng thuộc diện nuôi tự túc, không gia công cho Cty nào. Để đầu tư vào trang trại, anh Vinh phải cầm 2 sổ đỏ vay ngân hàng trên 200 triệu và vay ngoài lãi tới 2-3%/ tháng khoảng 100 triệu nữa. Dù chăm chỉ làm ăn nhưng không may lúc nuôi lợn, lợn không được giá. Lận đận mãi, bỏ lợn chuyển sang nuôi 2000 gà thì thịt lợn giá lại cao vọt, tiếc đứt ruột đã đành mà vừa rồi đàn gà nhà anh bị thương hàn chết hết, lỗ trắng 100 triệu. Nguồn vốn cạn kiệt, giờ đây trang trại của anh không dám thuê nhân công bên ngoài mà vợ chồng, con cái cứ việc trần mình ra mà làm. Nhà anh có vườn cam, bưởi nhưng phân bón đầu tư hàng ngày đều phải vay lãi, cuối năm thu được tí sản phẩm cũng không đủ trả nợ. Con cá dưới ao đầu tư 6 tháng mới thu được, phải ăn, phải chăm sóc hàng ngày nên cũng phải vay lãi. Đứa con trai anh Vinh ngán ngẩm bảo rằng: “Lúc đầu nghe hô hào chuyển đổi làm trang trại tưởng được hỗ trợ, ưu đãi gì nên bỏ tất cả vốn liếng vào nuôi. Được tí lợi nhuận ban đầu cũng không dám để tích luỹ mà chỉ như một liều thuốc an thần giúp gia đình tôi khoan khoán dốc vốn tái đầu tư. Ai ngờ, càng làm càng lụn bại. Đâm lao đành phải theo lao, có lẽ sau bao năm trang trại, hết thời hạn thuê đất, chúng tôi lại trở về tay trắng thôi. Giờ bao đoàn đến tham quan, chụp ảnh, tôi cứ phải lỉnh đi…trốn bởi sợ họ quay lên ti vi, viết lên báo đài rằng làm trang trại được ưu đãi, lợi nhuận cao mà nhiều người khác lại lao theo thì khổ”. (Còn nữa)

"Chúng tôi cần tư vấn kỹ thuật chẳng ai giúp, cần vốn chẳng ai quan tâm, cần thị trường chẳng biết hỏi ai. Những khi vật nuôi dịch bệnh điêu đứng không ai ngó ngàng, những khi ế thừa sản phẩm không ai chìa tay cứu đỡ nhưng hễ có tí thành công là y như rằng đoàn này kéo đến, đoàn nọ thăm nom, quay phim, chụp ảnh rồi báo cáo, báo cầy rằng thành công ấy do được sự lãnh đạo sáng suốt, giúp đỡ tận tình của chính quyền các cấp. Nực cười chưa?” - Một ông chủ trang trại tâm sự.

 ------------

Bài 1: Chính sách cho nông dân - Từ văn bản đến thực tiễn

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm