| Hotline: 0983.970.780

Giá sữa rẻ hơn... nước tinh khiết!

Thứ Hai 25/08/2008 , 13:05 (GMT+7)

Rất nhiều hộ nông dân tại huyện Củ Chi (TPHCM) đang nuôi “báo cô” đàn bò sữa do sữa bán ra có giá rất thấp.

Anh Nguyễn Văn Nùng: “Nếu không bán sữa cho Vinamilk thì tôi chẳng biết bán sữa cho ai!?”
Rất nhiều hộ nông dân tại huyện Củ Chi (TPHCM) đang nuôi “báo cô” đàn bò sữa do sữa bán ra có giá rất thấp. Nhiều người than thở: “Giá 1 lít sữa không bằng 1 lít… nước suối”.

Nông dân âm thầm bán bò sữa!

Kể từ khi “bão giá” ập đến, trang trại quy mô trên 70 con bò sữa của anh Nguyễn Thanh Vũ (ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) gần như không còn sinh lời.

Anh Nguyễn Văn Nùng (ấp Giữa) nuôi 15 con bò sữa cho biết, hàng ngày anh phải bán cho các “lái sữa” đến tận chuồng vắt với giá 5.800 đồng/lít.

Các lái sau đó đem tới cho Vinamilk và ăn chênh lệch 300 – 500 đồng/lít.

Rất nhiều lần anh Nùng đến đăng ký bán sữa trực tiếp cho Vinamilk, nhưng do các “lái sữa” đã đăng ký trước nên anh đành lủi thủi ra về.

Khi nghe Foremost thu mua giá hậu hĩnh hơn anh cũng sốt sắng đi đăng ký, nhưng sau 6 tháng kiên trì đeo đuổi anh Nùng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu với lý do: Nguồn thu mua đã đủ!

Giá sữa thấp cũng khiến nhiều hộ chăn nuôi tính đến giải pháp thu hẹp sản xuất. Trước đây, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mành từng nuôi 9 con bò sữa nhưng giờ đã giảm đàn còn 4 con lay lắt trong chuồng.

“Có nhiều hộ trước đây nuôi nhiều thì bán bớt đi để gia đình tự làm, không phải thuê lao động nữa. Họ tiết giảm chi phí tối đa để làm sao phù hợp với giá sữa thấp như hiện nay”

Ông Nguyễn Duy Tân - cán bộ Thú y Củ Chi

Ông Mành cho biết, do giá sữa bán cho các lái thu mua của Vinamilk chỉ có 5.800 đồng/lít nên sau nhiều tháng cầm cự, cuối cùng ông quyết định giảm đàn xuống còn 4 con để nuôi cho…đỡ buồn.

“Nuôi nhiều chỉ tổ mệt mà không có lãi. Giờ một mình tôi gắng nuôi vài con, đợi xem giá sữa có thay đổi hay không!” – ông Mành nói.

Nhiều hộ nông dân cho rằng, do hiện nay ngoài Foremost và Vinamilk, tại đây chưa có DN thu mua thứ ba nào nên thiếu sự cạnh tranh. Ngay cả khi có hai DN, giá sữa thu mua cũng chênh lệch quá lớn.

Trước đây khi giá thức ăn chăn nuôi chưa leo thang, người chăn nuôi còn có đồng ra đồng vào. Giờ thì khác, đàn bò sữa đã trở thành gánh nặng cho nhiều hộ nông dân khi giá cám, hèm, cỏ, rơm, xác mì tăng chóng mặt, gấp 2 thậm chí đến gần 3 lần.

Theo tính toán của người chăn nuôi, hiện một con bò sữa “ngốn” trung bình một ngày khoảng 10kg cám (50.000 đồng), nửa bao hèm (9.000 đồng), 30kg cỏ (12.000 đồng), 10kg xác mì (6.000 đồng), cộng với tiền điện, nước, công lao động, thuốc thú y…, tổng cộng trên 80.000 đồng/ngày/con!

Chính vì vật giá leo thang, trong khi giá sữa bèo bọt đã khiến anh Nguyễn Thanh Vũ cũng như nhiều hộ nông dân khác tính đến chuyện chuyển một số bò sữa sang thành bò thịt.

“Sắp tới tôi sẽ bán một số con ít sữa cho lò mổ bò!” – nông dân Vũ khẳng định.

Ông Nguyễn Duy Tân, cán bộ thú y huyện Củ Chi từng lăn lộn nhiều năm tiêm phòng bệnh cho đàn bò sữa của các xã trong huyện, cho biết tình trạng giảm đàn bò sữa đang âm thầm diễn ra, nhất là tư đầu năm đến nay khi giá sữa bán ra không còn sinh lời cho người chăn nuôi.

“Có nhiều hộ trước đây nuôi nhiều thì bán bớt đi để gia đình tự làm, không phải thuê lao động nữa. Họ tiết giảm chi phí tối đa để làm sao phù hợp với giá sữa thấp như hiện nay” – ông Tân nói.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.