| Hotline: 0983.970.780

"Chịu ơn" sinh vật ngoại lai

Thứ Ba 23/08/2011 , 08:24 (GMT+7)

Xung quanh việc Bộ TN-MT xếp loài tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương vào danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại đang tạo ra một cuộc tranh cãi giữa các nhà quản lý và các nhà khoa học. Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là người nông dân tại nhiều địa phương đang phải chịu ơn những loại vật nuôi này.

 

Xung quanh việc Bộ TN-MT xếp loài tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) vào danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại đang tạo ra một cuộc tranh cãi giữa các nhà quản lý và các nhà khoa học. Việc tranh cãi này có thể sẽ còn kéo dài, chưa biết đến bao giờ có hồi kết, tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, đó là người nông dân tại nhiều địa phương đang phải chịu ơn những loại vật nuôi này.

Bình Định: Nông dân ơn tôm thẻ chân trắng

Thời gian qua, ngư dân ở Bình Định sống nhờ con tôm thẻ chân trắng - đối tượng đang bị Bộ TN-MT xếp vào loại sinh vật ngoại lai

Khi con tôm sú thành cơn “ác mộng”, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tán gia bại sản thì con tôm thẻ chân trắng (TCT) xuất hiện và trở thành cứu cánh cho người nuôi tôm ở Bình Định. Trong vụ nuôi đầu năm 2011 này, nếu như người nuôi tôm sú tiếp tục thất bại cay đắng thì những hộ nuôi tôm TCT lại thắng lợi giòn giã.

 Về vùng nuôi tôm Hồ Úc thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) trong những ngày này, tôi cảm nhận được không khí hồ hởi lan tỏa khắp các mặt đìa. Nhìn đâu cũng thấy “sinh khí” làm ăn tở mở chứ không như cách đây 8 năm, vùng nuôi tôm trọng điểm này ảm đạm đến thê lương. Hỏi ra thì biết, mấy năm nay người nuôi tôm ở đây đã “nếm” được “mùi vị” thắng lợi sau nhiều năm đắm chìm trong thất bại. Hỏi thêm về nguyên nhân dẫn đến thắng lợi thì ai nấy đều nói: “Nhờ con tôm thẻ chân trắng”.

Ghé lại đìa tôm rộng 8.000m2 của ông Trần Đức Nha đang lúc giữa trưa, vừa rửa tay, ông Nha vừa mở lời chào: “Đi đâu mà nắng non vậy, vào làm ngụm nước trà giải nóng. Tui vừa mới cho tôm ăn xong, mệt đứ đừ”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi sà vào hỏi ngay: “Làm ăn khấm khá không mà tươi trẻ ra vậy?”. Ông Nha cười: “Mấy năm nay nhờ con tôm thẻ chân trắng cứu nên giờ sống lại được rồi”.

Tôi nhìn quanh để kiểm chứng thì quả nhiên mọi thứ đã thay đổi. Chạy máy đảo nước bây giờ không còn là những chiếc máy nổ nhỏ, vừa cũ kỹ vừa sét rẹt có giá 5-6 triệu đồng/máy, mà là 1 máy nổ to đùng kèm cái mô tơ chạy cùng lúc 6 giàn máy đảo khí có giá đến 40 triệu đồng. “Con tôm nó đang cho mình tiền thì mình cũng phải biết ngó nghĩ đến nó, tạo cho nó điều kiện phát triển tốt hơn bằng những thiết bị hiện đại hơn”, ông Nha giải thích.

Nhấp vài ngụm trà, ông Nha lại kể: “Hơn 10 năm nay, từ khi UBND xã Phước Sơn cho thuê 64 ha đìa tôm ở vùng này, người nuôi tôm liên tục thất bại với con tôm sú. Nuôi vụ nào trắng tay vụ đó, nợ nần đầy đầu. Đến khi nghe dân 2 xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) và Mỹ An (Phù Mỹ) chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trúng đậm, chúng tôi đổ xô ra đó học nghề, về nuôi từ năm 2009 đến nay ai cũng thắng. Mấy năm qua, chúng tôi trả được nợ nần của những năm trước, còn có dư để đầu tư nuôi tiếp chứ không phải bám vào ngân hàng”.

Rồi ông Nha tính toán: Tiền đấu giá đất đìa tôi nộp cho xã 15 triệu/ha/năm. Tiền đầu tư mua giàn đảo 30 triệu, tiền mua bạt lót đáy đìa 50 triệu nữa. Thả tôm giống (mật độ 70 con/m2) nuôi 2 tháng rưỡi thu được 9 tấn tôm (70 con/kg). Trừ mọi chi phí còn lãi hơn 500 triệu. "Con tôm chân trắng không chỉ giúp chúng tôi xóa bỏ nợ nần mà còn giúp nông dân có cơ làm giàu trở lại. Bà con chịu ơn con tôm chân trắng, không có nó, chỉ có chết" - ông Nha phấn khởi nói.

Bên cạnh đìa tôm của ông Nha là đìa tôm rộng 7.000m2 của ông Tám Hải. Vụ nuôi đầu năm 2011 ông Hải trúng đậm nhất vùng, thu được những 14 tấn tôm, với giá 84.000đ/kg (100 con) hiện nay, ông Hải đã nghiễm nhiên bỏ vào hầu bao gần 70 triệu đồng lãi ròng. Đó chỉ là những đơn cử nhỏ, không khí thắng lợi con tôm TCT đang tràn lan khắp các vùng nuôi tôm trọng điểm ở Bình Định như ở Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), xã Phước Hòa, Phước Sơn (Tuy Phước), xã Mỹ An (Phù Mỹ) và xã Hoài Hải, Hoài Mỹ (Hoài Nhơn)...

Anh Thành, chủ cơ sở cung ứng thức ăn thủy sản Thành Ly ở Đống Đa (Quy Nhơn) phân tích cụ thể: “Nuôi tôm sú thời gian kéo dài 4-5 tháng, chi phí nuôi từ 80-85 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm nhưng lại khó nuôi, tỷ lệ thành công chỉ có 20% và sản lượng kém. Trong khi đó, nuôi tôm TCT thời gian chỉ 2 tháng rưỡi là thu hoạch, chi phí chỉ khoảng 60 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm mà tỷ lệ thành công cao đến hơn 80%. Sản lượng thì cao gấp 3-4 lần so với tôm sú. Trong vụ nuôi đầu năm 2011 có nơi thu được những 15 tấn/ha. Những diện tích nuôi trên cát năng suất còn cao đến 20 tấn/ha. Tính ra nuôi tôm TCT an toàn mà hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so tôm sú”.

Biết phòng ngừa sẽ giảm rủi ro

 Nghe người nuôi tôm lý giải về thành công trong mấy năm qua chưa đã, tôi về Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước tìm hiểu thêm. Ông Nguyễn Hữu Hiền- cán bộ thủy sản khẳng định: “Thời gian từ năm 2006 về trước, tỷ lệ dịch bệnh hàng năm trên tổng diện tích nuôi tôm sú cao đến 80-90% thì từ năm 2009 đến nay, khi đa số diện tích chuyển sang nuôi tôm TCT tỷ lệ dịch bệnh giảm xuống chỉ dao động trên dưới 10% trên tổng diện tích nuôi (970 ha)".

Trong những năm trước, những vùng nuôi tôm trên cát ở Bình Định vẫn còn xảy ra sự cố nhưng nay đã có giải pháp khắc phục hiệu quả.

"Khắc phục các vấn đề của vùng nuôi tôm trên cát, cần sự phối hợp của nhiều bên tác động để điều chỉnh cách thức hoạt động của người nuôi tôm. Nuôi tôm vùng này phải duy trì độ mặn cao từ 22-30‰, để lượng nước ngọt ngầm cần cho ao tôm giảm. Tiếp đến cần giảm mật độ nuôi, duy trì 80-100 con/m2. Ở mật độ này dễ duy trì các yêu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp hơn, sẽ ít sử dụng nước hơn. Và đặc biệt chỉ nên nuôi 2 vụ một năm. Vụ 2, điều chỉnh sao cho khi tôm 60 ngày tuổi là vào mùa mưa là phù hợp”, ông Võ Đình Tâm-Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định.

Do con tôm thẻ chân trắng tạo được niềm tin trong lòng người nuôi nên trong những năm qua, diện tích nuôi giống tôm này ở Bình Định không ngừng tăng lên. Ông Võ Đình Tâm- Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT Bình Định) cho biết: “Nếu như năm 2003 ở Bình Định chỉ có 27 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thì đến năm 2011, con số này đã tăng đến 561 ha. Tỷ lệ nuôi tôm TCT tăng từ 6,6%/tổng diện tích nuôi vào năm 2003 lên đến 89%/tổng diện tích nuôi vào năm 2011. Hầu hết diện tích nuôi tập trung ở những vùng cao triều ven đầm Thị Nại và nuôi trên cát ở các xã ven biển. Hiện nay, sản lượng tôm TCT chiếm hầu hết trong tổng sản lượng tôm thu hoạch hàng năm ở Bình Định (5.600 tấn tôm TCT/6.300 tấn tôm thương phẩm)”.

Là một người tâm đắc với nghề, từ rất sớm ông Tâm đã “soi” con tôm thẻ chân trắng về nhiều mặt, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Mặt tích cực về hiệu quả kinh tế của con tôm TCT thì đã quá rõ, về mặt tiêu cực do con tôm TCT mang lại cho môi trường thì theo ông Tâm có nhiều giải pháp khắc phục để hướng đến phát triển bền vững.

Ông Tâm nói: “Để phong trào nuôi tôm phát triển theo định hướng bền vững chúng tôi cho rằng một trong các vấn đề là cần duy trì sự cân bằng giữa khả năng tự làm sạch của nguồn nước và tổng lượng vật chất thải ra từ các hoạt động trong vùng nuôi tôm. Trong tự nhiên khả năng tự làm sạch của mỗi vùng nước khác nhau, do vậy việc chia vùng nuôi tôm ra nhiều tiểu vùng và đề ra hình thức nuôi phù hợp là điều cần thiết. Trên cơ sở thực tế từng địa phương, qua kinh nghiệm theo dõi nhiều năm, Bình Định đã phân vùng nuôi tôm ra thành nhiều tiểu vùng và đang áp dụng nhiều phương thức nuôi phù hợp”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm