| Hotline: 0983.970.780

Sân gôn - Được ít, mất nhiều

Thứ Tư 21/09/2011 , 08:42 (GMT+7)

Sau những quyết tâm "sắt đá", nhiều dự án sân gôn (golf) đã được triển khai, đi vào hoạt động trong sự bức xúc của người dân sở tại. Vậy hiệu quả KT-XH từ sân gôn như thế nào? Chúng ta được gì, mất gì từ các sân gôn? Những ghi nhận của PV NNVN trong quá trình khảo sát thực tế phần nào trả lời được câu hỏi này.

Sau những quyết tâm "sắt đá", nhiều dự án sân gôn (golf) đã được triển khai, đi vào hoạt động trong sự bức xúc của người dân sở tại. Vậy hiệu quả KT-XH từ sân gôn như thế nào? Chúng ta được gì, mất gì từ các sân gôn? Những ghi nhận của PV NNVN trong quá trình khảo sát thực tế phần nào trả lời được câu hỏi này.  

Những chủ đầu tư “họ Hứa” 

Một trong những “chiêu bài” để chủ đầu tư lấy đất nông nghiệp là cam kết tạo việc làm cho nông dân khi sân gôn đi vào hoạt động. Vậy mà bây giờ ở nhiều sân gôn, số lao động địa phương được tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trưởng thôn ghét sân gôn

Ông trưởng thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn nhớ mãi cái mốc cách đây hơn chục năm. Không phải vì ông làm cái chức “vác tù và hàng tổng” bằng ấy thời gian, khi sân gôn Vân Trì bắt đầu khởi động, mà là vì nó đánh dấu việc 90% dân trong thôn ông bây giờ chẳng có việc làm gì ổn định cả. 

Ông trưởng thôn Thọ Đa với tập hồ sơ sân gôn

Một tập giấy cũ, thứ mà ông Hội gọi là “Hồ sơ sân gôn” bao gồm các văn bản đi lại từ thời mới mất đất. Theo đó, dự án sân gôn Vân Trì thuê đất nông nghiệp để xây dựng từ năm 1995. Chủ đầu tư thời điểm đó là Cty TNHH DEAHA - Hàn Quốc. Do hầu hết diện tích thu hồi đều là đất lúa hai vụ nên nông dân Thọ Đa phản ứng dữ dội lắm. Để xoa dịu tình hình, chủ đầu tư vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp. Nhưng rồi họ lại thất hứa.

Đền bù, giải phóng mặt bằng xong, DEAHA rào tường, động thổ rồi để đất không 5 năm không sinh lợi gì cho xã hội. Người dân trong vùng phần vì bức xúc trước thái độ bỏ phí đất lúa, phần vì chờ dự án sân gôn hoàn thành để con em có công ăn việc làm. Kêu gào mãi cuối cùng sân gôn mới tiếp tục xây dựng vào năm 2004.

Trong tập “Hồ sơ sân gôn” của ông Hội có một bản cam kết 198 mà chủ đầu tư là Cty TNHH DEAHA mạnh miệng: Mỗi một hộ gia đình mất đất sẽ có một lao động phổ thông được nhận vào làm việc tại sân gôn. Đem so sánh cam kết ấy với thực tại bây giờ mới biết vì sao vị trưởng thôn này lại ghét sân gôn đến thế: Cả thôn có hơn 2.400 khẩu nhưng số lao động được vào làm việc ở trong sân gôn chỉ vỏn vẹn chưa đến 50 người.

“Hồi mới xây dựng họ cũng tuyển hàng trăm người vào nhưng cứ loại dần. Nguyên nhân chính là vì yêu cầu khắt khe quá. Họ chỉ tuyển những lao động có độ tuổi 18-40, có trình độ đại học, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ… Dân Thọ Đa này xưa nay chỉ biết cấy lúa, trồng rau, giờ bỏ ruộng đất đi rồi thì chỉ có nước đi làm thuê thôi. Cánh đàn ông có sức thì đi làm thợ nề, cửu vạn, bốc gạch thuê. Cánh đàn bà chân yếu tay mềm trông vào mớ rau muống mang ra chợ bán. Thanh niên trong thôn cứ hết tuổi đi học là kéo nhau đi làm ở các KCN, chấp nhận đồng lương ba cọc ba đồng rồi chôn vùi tuổi thanh xuân trong các nhà máy” - ông Hội ngán ngẩm.

Cách sân gôn Vân Trì chừng 40km, người dân xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang kêu gào chủ đầu tư sân gôn Đầm Vạc thực hiện lời hứa “mỗi gia đình mất đất được một suất lao động phổ thông vào làm việc ở trong sân gôn”. Thanh Trù có 7 thôn thì hầu hết đều “dính” sân gôn Đầm Vạc, trong số đó thôn Vinh Quang nặng nề nhất. Cả thôn có 201 hộ với hơn 415 người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có tầm 30 người đủ tiêu chuẩn làm việc ở sân gôn. Nhưng con số này chắc chắn sẽ giảm vì theo thống kê của ông trưởng thôn Lương Văn Đệ, bình quân cứ một năm thôn Vinh Quang có cả chục người bị loại khỏi sân gôn do không đủ các tiêu chuẩn làm việc.

Cũng may, trong thôn có đội thợ xây thường xuyên lang thang hết vùng này sang vùng khác làm nghề xây dựng nên cũng giải quyết được khoảng 30% việc làm cho những người có sức. Còn lại đụng đến thứ gì làm thứ nấy kiếm sống qua ngày.

Ông Đệ thở dài: “Dạo mới xây dựng sân gôn, chủ đầu tư còn tuyển vào làm công nhân xây dựng, trồng cỏ, được tầm vài tháng hết việc số lao động cứ bị loại dần. Giờ muốn vào làm ở sân gôn Đầm Vạc phải có bằng đại học, trình độ tiếng Anh, cái đó dân Vinh Quang chịu không làm nổi. Cả thôn bây giờ chỉ còn khoảng 3 ha ruộng canh tác nhưng dân cũng chẳng mấy mặn mà vì làm không bõ công”.

59 sân gôn = 1 nhà máy may

Gia đình ông Lê Văn Trịnh (52 tuổi) ở thôn Thọ Đa, ngày chưa có sân gôn Vân Trì mỗi tháng chỉ trông vào 7 sào ruộng khoán, nhưng cả gia đình 7 người vẫn cảm thấy sống khỏe. Vậy mà bây giờ nhìn vào gia cảnh nhà ông sao mà “nản” quá: 4 đứa con thì cả 4 đều chẳng có  nghề ngỗng gì, suốt ngày theo đám người làm thuê gặp việc gì làm việc đó. Bà vợ ông lại đau ốm thường xuyên. 

Nhiều nông dân đã được nhận vào làm việc trong sân gôn, nay lại thất nghiệp

Với ngần ấy diện tích ruộng, thời điểm mới đầu đền bù 2,7 triệu/sào, sau đó chủ đầu tư nâng lên 21 triệu, gia đình ông Trịnh cũng được hơn 100 triệu, nhưng làm gian nhà con con đã hết mất tiêu. Bây giờ, năm bảy con người nhưng có ngày góp tất cả tiền làm thuê lại không mua nổi cân thịt lợn.

Tương tự, khu tái định cư xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hoà Bình, nơi bà con nông dân nhường đất xây dựng sân gôn Phượng Hoàng, cũng thảm không kém. Bà Nguyễn Thị Huy có 4 đứa con vừa mất việc từ sân gôn này tâm sự: Thời gian đầu, trong giai đoạn xây dựng thì sân gôn mới cần nhiều lao động phổ thông tại địa phương. Nhưng sau đó với lý do người lao động không đáp ứng được yêu cầu, chủ sân gôn đã cho nghỉ việc hàng loạt, trong đó có 4 đứa con bà.

Hiện tại chỉ có khoảng dăm ba chục người còn trụ lại được với những công việc nhặt bóng, bảo vệ, chăm cỏ. Sau khi tuyệt vọng với cảnh làm thuê cật lực ở sân gôn, giá lương bèo bọt đến mức thấp hơn cả việc lên rừng bẻ hoa chuối, hái chè mang xuống chợ bán, nông dân xóm Rổng Tằm lại quay về với 2 bàn tay trắng, không một tấc đất canh tác, không một thửa ruộng cắm dùi, nghề nghiệp chẳng có, nghe thật não nề.

Người ta thống kê trong 90 dự án sân gôn đã được cấp phép, có 24 dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hơn 8 nghìn lao động. Phần lớn số lao động trên là người địa phương, với thu nhập bình quân từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các dự án gôn này nộp ngân sách cho Nhà nước trong năm 2010 là 505 tỷ đồng. Các địa phương đều cho rằng, các dự án sân gôn giống như các dự án khu du lịch cao cấp đã góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch của địa phương.

Một đại diện chủ đầu tư sân gôn Phượng Hoàng, cách đây không lâu, đã lạc quan rằng, thông qua việc xây dựng các sân gôn, công tác thu hút khách du lịch sẽ có “bước nhảy diệu kỳ”, số lượng khách đến Việt Nam sẽ đông hơn, ngân sách Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn và trên hết, đây sẽ là điều kiện tốt để mọi người có cơ hội tham gia tiếp cận môn thể thao này, qua đó nâng cao số lượng và trình độ chuyên môn của những người chơi gôn.

Chúng tôi đưa ra câu hỏi: Sân golf có lợi gì cho dân địa phương không? Cả hai ông trưởng thôn Vinh Quang và Thọ Đa đều trả lời: “Không làm lợi gì cho đời sống dân sinh mà chỉ là nơi vui chơi cho những người có tiền. Nhân dân sống bằng nguồn lợi đất canh tác, đất lúa, giờ không có đất, sân golf lại thất hứa nên chúng tôi biết trông vào ai, kêu ai bây giờ”.

Ông này còn tự tin khẳng định: Người Việt Nam cũng sẽ dần dần có nhu cầu chơi gôn, khi nền kinh tế ngày càng phát triển. Riêng với dự án sân gôn Phượng Hoàng, chủ đầu tư tin chắc sau khi hoàn thành, trong 2 năm đầu sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách chơi gôn/năm và 100.000 lượt du khách khác. Doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 6 triệu USD. Kể từ năm thứ ba trở đi, dự án đón khoảng 120.000-150.000 lượt khách chơi gôn và khoảng 150.000 lượt du khách khác. Doanh thu đạt khoảng 8 triệu USD/năm...

Những con số có cánh trên tưởng như trở thành hiện thực đến nơi, thế nhưng trên thực tế, cả dự án sân gôn này, chỉ giải quyết việc làm cho khoảng vài chục lao động mà thôi; trong khi đó, hàng ngàn người dân đã phải ra đi, chưa biết sẽ làm gì sau khi nhường lại hàng trăm ha đất cho dự án.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, làm một phép so sánh cụ thể: Với 8 nghìn lao động được tạo việc làm tại tất cả các sân gôn trong nước, với mức thu nhập bình quân chưa đến 2 triệu đồng/người/tháng, thì cũng chỉ “ngang ngửa” với một nhà máy may cỡ bình thường, cả về số lượng lao động và thu nhập. Trong khi đó, 59/90 dự án sân gôn có quyết định thu hồi đất đã lấy đi gần 16 nghìn ha đất, cả nông nghiệp và đất khác, tương phản hoàn toàn với nhà máy may kia, chỉ chiếm có… khoảng 10ha đất.

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.