| Hotline: 0983.970.780

Mua bò dễ như… mua rau

Thứ Hai 09/01/2012 , 12:23 (GMT+7)

Không phải chợ trâu bò, nhưng trên khu vực cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán.

Trâu bò ở nơi tập kết
Không phải chợ trâu bò, nhưng trên khu vực cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Bất cứ lúc nào khách hàng cần có trâu bò là người dân bản địa đều có thể qua biên dắt về.

>> Giáp Tết, trâu bò “hun nóng” vùng biên

Tôi đi mua bò

Trong vai người đi mua bò về mổ bán ngày Tết, chúng tôi vào một khu tập kết trâu bò ven đường cạnh mốc QL7 km222, cách cửa khẩu 3km, nơi đây có khoảng 50 con trâu bò của một số anh em người Mông đang chờ chủ nậu lên bắt. Vừa thấy người lạ đến, ngay lập tức có một người ra mời chào: “Anh đến đây mua bò à? Anh mua nhiều không, khi nào lấy, thích bao nhiêu cũng được… để em bán cho”.

Tôi thấy việc mua bán quá dễ dàng và công khai như vậy thì tỏ vẻ làm cao, nói: “Cứ từ từ, phải xem cụ thể giá cả thế nào, bò loại gì, bao nhiêu kg, kiểm dịch thế nào…”. Thấy tôi hỏi như vậy, những người bán bò nghĩ tôi là người mua bò sành sỏi liền giới thiệu sang anh Lầu Bá Bạn (xóm Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) để anh Bạn giới thiệu một cách ngọn nguồn.

Bằng câu làm quen xã giao của người bán trâu bò chuyên nghiệp, anh Bạn hỏi mua bao nhiêu con? Tôi trả lời mua khoảng chục con, cuối tháng lấy bò về bán hàng Tết. Để tin tưởng cho chuyến giao dịch, anh Bạn nói bất kể ai lên đây mua trâu bò cũng phải đặt cọc trước 500.000-1.000.000 đồng/con, khi đó anh thích bao nhiêu con cũng được. Bất kể thời gian nào anh cần bò là chúng tôi có cho anh.

Anh Bạn cho biết, cửa khẩu Nậm Cắn là nơi cung cấp trâu bò lớn nhất miền Trung. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ thời điểm giáp Tết các đầu nậu lên gom hàng hết; ít người bán lẻ lắm. Với Bạn thì khi nào cũng có sẵn hàng, vì anh có bạn hàng bên kia rất thân thiết nên bất cứ khi nào khách cần là có. Đang nói chuyện với chúng tôi, anh Bạn đưa tay chỉ về phía bãi ven đường nói: “Anh xem, ngày nào ở đây cũng có cả chục xe tải lớn nhỏ đến chở trâu bò đó, thế mà chúng tôi lúc nào cũng có sẵn trâu bò nhập cho họ là anh tin rồi chứ”.

Sau màn mời chào thành công, anh Bạn đưa ra một cuốn sổ nhỏ như bàn tay bảo tôi viết vào sổ với nội dung mua bao nhiêu con bò, đã đặt cọc bao nhiêu tiền, khi nào lấy là được... Tôi ra điều kiện, nếu đi sang Lào mua bò phải cho tôi đi theo để chọn, ngay lập tức anh Bạn gạt phăng đi rồi nói: “Không được đâu”. Anh lấy lý do là phải đi qua cửa khẩu nên chỉ có dân Mông (người địa phương) mới đi được thôi vì người Mông mới hiểu tiếng. Với lại phải trèo rừng, lội suối, nhiều muỗi vắt nên không thể đi được.

Quyết định không mua bò của Bạn, chúng tôi lại đi sang một nơi tập kết trâu bò khác gần đó. Vừa vào tới nơi, câu đầu tiên mà chúng tôi được nghe cũng là những câu tương tự như chủ hàng trước vừa nói. Điều đặc biệt, ông chủ hàng này còn giới thiệu luôn về việc kiểm dịch thì không phải lo rồi. “Tôi đã làm nghề này gần chục năm nhưng chưa khi nào thấy có người đến kiểm dịch gì cả. Về tới đây chỉ cần có giấy thỏa thuận bán bò của hai bên, sau đó mang ra xã đóng dấu là có thể chở trâu bò đi bất cứ chỗ nào mà không sợ bị bắt”, anh Sùng Trung Dính, một chủ nậu cho biết.

Nói xong Dính nói ngay, anh có quyết định lấy bò không để tôi còn làm thủ tục luôn. Không lấy bây giờ khoảng đầu giờ chiều chủ nậu dưới xuôi lên gom hết là không có hàng đâu. Ở đây hầu hết bãi tập kết nào cũng được phân ra thành ba loại trâu bò. Loại 1 có giá từ 17 triệu đến 20 triệu/con, loại 2 có giá từ 15 triệu đến 17 triệu đồng/con, loại 3 có giá từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/con, anh thích loại nào tôi lấy cho loại đó.

Trưởng bản mỗi năm ký trên ngàn giấy bán bò

Xã Nậm Cắn có 762 hộ, 3.998 nhân khẩu. Thống kê của xã, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 60%. Điều đáng nói mỗi năm một gia đình ở Nậm Cắn có giấy bán trâu bò lên đến cả trăm con. Lý giải về điều này, một người đi dắt bò thuê cho biết, chúng tôi chỉ biết chủ nậu thuê đi dắt với giá thỏa thuận. Khi về tới nơi thì ai viết giấy bán bò cũng được, miễn sao là có chữ ký xác nhận của trưởng bản là mình xuống xã đóng dấu cho bán bò hết.

Như nhà anh Sùng Chùng Sử (bản Trường Sơn) là diện hộ nghèo nhất bản, ấy thế mà từ đầu năm đến nay anh đã đến nhà trưởng thôn xin bán cả trăm con bò. Sử cho biết, một tháng mình sang bên Lào mua trâu bò một đến hai lần, mỗi lần đi như vậy chỉ mua được hai, ba con thôi. Nhiều lần bị biên phòng, hải quan bắt giữ thì mình lại nói người dân mua về để nuôi là lại được thả.

“Nhiều người đi mua trâu bò ở Lào về, lúc đang dắt đi trên đường gặp khách cũng bán luôn, chẳng cần phải giấy tờ. Lúc này chủ nậu tự thu xếp làm thủ tục với xã là được. Khi nào mà xã làm căng quá thì người dân lại quay về bản làm cái giấy bán bò rồi nhờ trưởng bản ký vào là coi như xong”, anh Sử cho biết.

Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Lầu Ga Long, trưởng bản Trường Sơn cứ chốc chốc lại có người vào xin ký giấy bán bò. Ông bảo, mình làm trưởng bản nhưng chẳng đi đâu ra khỏi địa bàn được. Ông Long ví von, trưởng bản ở đây chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là ký giấy bán bò cho người dân. Đi đâu xa một chút là y như rằng lại có người gọi điện và chực chờ ở nhà xin ký giấy rồi. Chính vì vậy mà trong năm 2011 vừa qua ông Long đã ký cho hơn 1.000 giấy bán bò. Chưa kể nói đến bản ông chia làm 3 tổ, mỗi tổ đều có người được quyền ký giấy như: công an viên, phó bản, bí thư chi bộ.

Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, về vấn đề người dân công khai mua bò từ Lào về là có thật. Huyện cũng đã phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan tuần tra, bắt giữ những trường hợp vi phạm. Chúng tôi rất ủng hộ người dân mua bán bò, nhưng phải khuyến khích buôn bán qua đường cửa khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, hầu hết người dân không chịu mà toàn vận chuyển trâu bò qua đường tiểu ngạch.

Khi chúng tôi hỏi, trong lúc đưa bò về xuôi nhỡ bị bắt thì sao, mình mất trắng à? Thì hầu hết nhận được cái cười tự mãn kèm theo câu nói của người dân nơi đây: “Chỉ cần giấy thỏa thuận bán bò có dấu và chữ ký xác nhận của xã là có thể đưa về xuôi bất cứ lúc nào mà không bị bắt”. Người dân xã Nậm Cắn nói chung và các chủ nậu nói riêng thường gọi đó là giấy “thông hành”.

Thông thường hai bên tự thỏa thuận bán với nhau, xong xuôi người bán sẽ viết một cái giấy bán. Chỉ cần có giấy bán này đưa lên xã là ngay lập tức được đóng dấu. Phí cho mỗi chiếc giấy bán trâu bò được xã thu 20.000-25.000 đồng. Đối với xe ô tô thì tùy từng loại lớn nhỏ mà có mức thu khác nhau, như loại xe nhỏ thường có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/xe. Xe có trọng tải lớn hơn từ 200.000-250.000 đồng/xe.

Ông Hờ Chống Nhìa, chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, hiện tượng người dân mua trâu bò từ bên Lào về đã có từ nhiều năm nay. Người dân sang Lào mua trâu bò chủ yếu là người Mông, họ đi theo hai đường cánh gà cửa khẩu Nậm Cắn. Còn việc xã đóng dấu cho người dân bán bò là dựa vào xác nhận của trưởng thôn, chứng thực đó là bò của địa phương.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.