| Hotline: 0983.970.780

Dân nhượng đất làm Thủy điện Sông Tranh: Mất đất và... mất tất!

Thứ Năm 03/05/2012 , 10:40 (GMT+7)

Đằng sau những nhà máy thuỷ điện mang tầm chiến lược ấy, vẫn còn nhiều nỗi trăn trở, bởi cuộc sống của cư dân vùng dự án đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ.

* Đã 6 năm trôi qua, nông dân không hề được cấp lại đất sản xuất

Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ điện ở Quảng Nam đã bổ sung một nguồn điện năng rất lớn cho quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra diện mạo mới cho các địa phương miền núi của tỉnh.

Tuy nhiên, đằng sau những nhà máy thuỷ điện mang tầm chiến lược ấy, vẫn còn nhiều nỗi trăn trở, bởi cuộc sống của cư dân vùng dự án đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó, mất đất sản xuất là một vấn đề thực sự bức xúc...

Chỉ tay về phía 2 sào ruộng của mình đang chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, ông Hồ Thanh Vân (thôn 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lo lắng: “Hồi cái thủy điện ni chưa tích nước, mỗi vụ tui thu về hơn 400 kg lúa khô. Nhờ rứa, chẳng bao giờ sợ thiếu gạo đổ nồi mỗi khi đến kỳ giáp hạt. Còn chừ, mất đất là coi như chiếc cần câu cơm đã bị gãy rồi”. Ông Vân có tổng cộng 3 sào đất lúa, để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, các cơ quan có trách nhiệm quyết định thu hồi của ông gần 70% diện tích đất canh tác lúa vừa nêu. Nhà đông miệng ăn, bầy con thơ lại đang tuổi cắp sách đến trường nên số tiền mà cách đây mấy năm Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 đền bù thiệt hại và hỗ trợ cho vợ chồng ông chuyển đổi ngành nghề cứ thế vơi dần. Bây giờ, mỗi lần nhìn ra phía lòng hồ mênh mông nước ấy là ông Vân lại phập phồng nỗi lo thiếu đói.


Ít nhất 2.000 ha đất trồng rừng SX bị thu hồi để phục vụ việc xây dựng thủy điện

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, thuỷ điện Sông Tranh 2 thi công, ngoài 134 ha đất ở bị ảnh hưởng thì 2.466 ha đất sản xuất nông nghiệp của hơn 1 nghìn hộ dân tại xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Tân cũng bị thu hồi. Theo ông Thiệu, năm 2006 – thời điểm bắt đầu thực hiện dự án, mỗi mét vuông đất sản xuất bị thu hồi, người dân chỉ được nhận 4 nghìn đồng tiền bồi thường thiệt hại. Sau này, năm 2010, mức đền bù được điều chỉnh tăng lên 16 nghìn đồng/mét vuông, trong đó chưa kể một khoản kinh phí hỗ trợ riêng. Ông Thiệu nói: “Ở đây không bàn đến chuyện đền bù ít hay nhiều, vấn đề là ở chỗ người dân bị mất đất sản xuất khiến cuộc sống của họ đang gặp phải không ít khó khăn. Bởi, mặc dù dự án triển khai đã 6 năm nay nhưng đến thời điểm này nông dân vẫn chưa được cấp lại đất sản xuất tại nơi tái định cư mới”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 2.466 ha đất sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp của nông dân xã Trà Bui, Trà Giác, Trà Đốc, Trà Tân bị thu hồi để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thì có gần 110 ha là đất lúa. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My chậc lưỡi: “Đất canh tác lúa mất đi rất dễ nhưng việc cải tạo lại chừng đó diện tích là chuyện không hề đơn giản. Thời gian gần đây, lãnh đạo địa phương có chính sách hỗ trợ cho nông dân 7-15 triệu đồng/ha để đầu tư khai hoang lúa nước nhưng thực tế cho thấy tiến độ đang diễn ra hết sức chậm chạp vì ở những vùng này địa hình đa phần là đồi núi, hơn nữa lại bị chia cắt nhỏ”.

Còn tại huyện Hiệp Đức, để xây dựng nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 3, nhà nước tiến hành thu hồi gần 76,3 ha đất, trong đó có hơn 44 ha đất trồng cây hằng năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng cây lâu năm của tổng cộng 25 hộ dân ở xã Phước Gia. Theo quyết định (số 780/QĐ-UBND, ngày 12.3.2009) của UBND tỉnh Quảng Nam thì mức đền bù thiệt hại cho người dân đối với 4 loại đất vừa nêu dao động từ 2.500-10.000 đồng/mét vuông.

Ngoài cây cối, hoa màu, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý – một hộ dân ở xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức còn bị thu hồi 1.017 mét vuông (hơn 2 sào) đất canh tác lúa. Bàn giao ngần ấy diện tích đất lúa cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thuỷ điện Sông Tranh 3, ông Lý nhận được 10.170.000 đồng tiền đền bù. Theo tính toán, chỉ cần sản xuất lúa trên hơn 2 sào đất đó trong khoảng 5 vụ là vợ chồng ông Lý thừa sức có được số tiền bồi thường như vừa nêu. Bây giờ, nhận cọc tiền ấy rồi, giao đất là mất vĩnh viễn. Không biết, rồi đây đời con, đời cháu của họ biết lấy đất đâu mà trồng lúa. Nhà nông, không làm ruộng là đồng nghĩa với việc cầm bao đi mua gạo ăn. Thật là nghịch lý.

Ngoài thuỷ điện Sông Tranh 3, để thi công hạng mục đường vận hành vào nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 4, nhà nước cũng quyết định thu hồi hơn 8,3 ha đất của 81 hộ dân và 3 tổ chức ở xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức với tổng số tiền đền bù là hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, diện tích đất trồng lúa, rừng sản xuất, cây lâu năm, cây hằng năm, nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng là gần 5,4 ha. Ông Nguyễn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung, nhất là góp phần giải quyết đáng kể tình trạng thiếu hụt nguồn điện năng ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều rằng, việc nông dân mất đất sản xuất chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Bởi, công tác hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho những hộ dân bị ảnh hưởng vẫn còn nhiều bất cập.


Diện tích SX lúa liên tục bị thu hẹp vì các NM thủy điện đua nhau mọc lên

Được biết, nhằm bù lại những diện tích đất canh tác lúa đã bị thu hồi, thời gian qua huyện Hiệp Đức đã lồng ghép nguồn vốn của Chương trình 134 và 135 hỗ trợ cho nông dân với mức 40 triệu đồng/ha để đầu tư khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Vậy nhưng, xem ra khâu này vẫn rất khó thực hiện vì ở nhiều nơi, nhất là tại các xã vùng thấp đã hết quỹ đất hoang. Ông Nguyễn Hoa nói: “Mặc dù tiền không thiếu nhưng trong năm 2011 vừa qua nông dân toàn huyện chỉ khai hoang, cải tạo được vỏn vẹn 5 ha lúa nước. Một con số rất khiêm tốn”.

Theo ngành Công thương Quảng Nam, trong tổng số 58 dự án thủy điện đã được phê duyệt thì hiện nay có 7 nhà máy phát điện (công suất hơn 315 MW), 8 dự án đang xây dựng (công suất 470,6 MW), 18 dự án trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị khởi công và 17 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu. Thống kê sơ bộ từ phía Sở NN&PTNT tỉnh này, tổng số diện tích đất trồng rừng kinh tế và đất sản xuất nông nghiệp đã bị thu hồi để phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện là gần 5.700 ha thuộc quyền sở hữu của 3.180 hộ dân, tập trung chủ yếu ở huyện Đông Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, Đại Lộc, Quế Sơn, Nam Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức. Ngoài ra, hơn 142 ha đất trồng rừng kinh tế và gần 200 ha đất sản xuất nông nghiệp khác cũng sắp bị thu hồi để bàn giao cho các chủ đầu tư...

An ninh lương thực bị đe dọa

Theo quy hoạch sử dụng đất mà ngành Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam đang trình phê duyệt, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có thêm 8 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng, trong đó có việc thu hồi để xây dựng thuỷ điện. Trước vấn đề này, phát biểu tại hội nghị lần thứ 6 bàn về vấn đề tam nông do Tỉnh uỷ Quảng Nam tổ chức cách đây không lâu, ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam lo lắng: “Thu hồi ngần ấy diện tích là quá lớn. Theo tôi, cần phải tiếp tục rà soát lại để hạn chế hơn nữa tình trạng này. Người thì tăng, đất sản xuất thì cứ giảm mạnh, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.