| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân không đơn độc

Thứ Tư 01/08/2012 , 10:34 (GMT+7)

Hiện nay, ngoài những tổ liên kết hỗ trợ nhau trong thời gian hoạt động sản xuất trên biển, ngư dân miền Trung còn có 1 điểm tựa vững chắc khác là sự thường xuyên có mặt của các chiến sĩ thuộc Hải đoàn Biên phòng 48...

Chiến sĩ Hải đoàn 48 hoạt động tuần tra trên biển

Hiện nay, ngoài những tổ liên kết hỗ trợ nhau trong thời gian hoạt động sản xuất trên biển, ngư dân miền Trung còn có 1 điểm tựa vững chắc khác là sự thường xuyên có mặt của các chiến sĩ thuộc Hải đoàn Biên phòng 48 trên những vùng biển từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa.

Ngư trường bị lấn chiếm, ngư dân bị ức hiếp

Sau suốt 6 tháng trời ròng rã làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, Biên đội tuần tra thuộc Hải đoàn Biên phòng 48 vừa cập bờ tại Quy Nhơn (Bình Định) hôm 29/7. Bất chấp sự mệt mỏi sau chuyến hải hành kéo dài 180 ngày lênh đênh trên biển, các chiến sĩ thuộc biên đội tuần tra vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi. “Đoàn công tác chúng tôi rời bến vào ngày 29/1/2012, hơn 3 tháng đầu của chuyến tuần tra, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ giám sát nghề cá tại vùng biển vịnh Bắc Bộ từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) ngược lên phía bắc.

Đây là vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được phân định rõ ràng. Thế nhưng qua tuần tra, chúng tôi vẫn phát hiện 9 tàu cá của Trung Quốc hoạt động bất tuân thủ quy định của Hiệp định nghề cá tại vịnh Bắc Bộ. Chúng tôi lập biên bản những trường hợp vi phạm ấy để báo cáo lên cấp trên”, thiếu tá Bùi Đình Quang, Hải đội trưởng Hải đội 1 (thuộc Hải đoàn Biên phòng 48), cho biết.

Theo thiếu tá Quang, 9 trường hợp vi phạm nói trên là những chiếc tàu cá của ngư dân Trung Quốc dù không được phép đánh bắt tại vùng đánh bắt chung, nhưng họ vẫn “lẻn bóng” với những tàu được phép để vào đánh bắt, lấn chiếm ngư trường. Khi bị phát hiện, những chiếc tàu hoạt động phi pháp nói trên liền nổ máy chạy trốn theo kiểu “đánh võng” trên biển. Trong lúc chạy trốn, thuyền viên trên tàu của họ liên tục thả xuống biển những đoạn dây dài, cả những tấm lưới to để khi tàu của đội tuần tra tiếp cận sẽ bị vướng chân vịt không đuổi được nữa. “Hầu hết ngư dân trên những chiếc tàu cá của Trung Quốc bị chúng tôi bắt, khi được hỏi, họ đều trả lời là được tuyên truyền rằng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không như các nước khác trong khu vực, khi phát hiện tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm, họ bắn chìm tàu, bắt tịch thu phương tiện hoặc đòi tiền chuộc. Đối với những tàu cá vi phạm của Trung Quốc, chúng tôi nhận nhiệm vụ sau khi lập biên bản và giải thích cho họ biết hành vi của họ là vi phạm rồi cho họ rời khỏi vùng đánh bắt”, thiếu tá Bùi Đình Quang cho biết thêm. Hải đội trưởng Bùi Đình Quang nhớ lại, trong chuyến tuần tra trước đó (năm 2011), khi đến vùng biển Đà Nẵng, chiến sĩ Hải đoàn 48 đã phát hiện 30 tàu cá Trung Quốc đánh bắt chỉ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 25-30 hải lí về hướng đông bắc. Khi thấy tàu của bộ đội Việt Nam, các tàu cá Trung Quốc bỏ chạy. Tiếp tục hành trình đến khu vực cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 15 hải lí, lại phát hiện 20 tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Đơn vị đã bắt giữ một số tàu, lập biên bản rồi cũng thả họ đi.

Thượng úy Phan Hoàng Nam, biên đội phó Biên đội ĐX/HĐ48, cho biết thêm: “Trong quá trình đi tuần tra, chúng tôi thường xuyên gặp cảnh ngư dân của các tàu cá miền Trung bị các tàu cá của Trung Quốc ức hiếp ngay chính trên vùng biển của Việt Nam. Ngư dân Trung Quốc thường hoạt động tập trung với số lượng tàu lớn, tàu của họ to hơn và có công suất lớn hơn tàu của ngư dân mình. Khi đối mặt, tàu cá của Trung Quốc dàn hàng ngang, đuổi tàu cá của ngư dân mình để giành ngư trường đánh bắt. Nếu ngư dân mình kiên cường, không chịu rời ngư trường, ngư dân Trung Quốc không ngần ngại dùng hành động uy hiếp đến tính mạng của ngư dân ta. Nếu không có lực lượng tuần tra của chúng tôi can thiệp, chắc chắn các tàu cá của ngư dân mình sẽ bị lép vế, mất ngư trường đánh bắt”.

Bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hàng đầu

Phạm vi hoạt động của Hải đoàn Biên phòng 48 kéo dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với chiều dài hơn 900 km bờ biển với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới vùng biển, bảo vệ sự bình yên cho ngư dân hoạt động sản xuất trên biển và giám sát nghề cá trong khu vực 4 thuộc vịnh Bắc Bộ. “Chúng tôi chọn những chiếc tàu có kỹ thuật tốt nhất của 3 Hải đội thuộc Hải đoàn 48 để thành lập biên đội tuần tra gồm 4 tàu. Trong đó có 1 tàu trinh sát thường xuyên bám biển. Gặp bất cứ tàu ngư dân nào, chúng tôi cũng cho họ số điện đàm, để khi gặp sự cố, họ liên lạc ngay với chúng tôi đến can thiệp kịp thời. Ngoài nhiệm vụ chính do đơn vị giao, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ chính trị mà chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu”, Hải đội trưởng Hải đội 1, thiếu tá Bùi Đình Quang tâm sự.

“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển để bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển. Sự thường xuyên có mặt của ngư dân trên biển lúc này cũng rất quan trọng, bởi qua thông tin của họ, chúng tôi cập nhật đầy đủ những diễn biến trên những vùng biển do đơn vị quản lý. Từ đó, chúng tôi can thiệp kịp thời khi có sự cố xảy ra”, thiếu tá Bùi Đình Quang, Hải đội trưởng Hải đội 1.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ an ninh trên vùng biển quản lý, nếu trong lúc đang hoạt động phát hiện tại những vùng biển nhạy cảm có ngư dân Việt Nam đang đánh bắt, những người lính Hải đoàn 48 liền dừng lại để tiếp cận. Sau đó, đội công tác cử người sang tàu của ngư dân thăm hỏi, kết hợp giải thích, hướng dẫn họ không nên đánh bắt sâu hơn, vi phạm vùng biển của nước bạn nhằm tránh va chạm xảy ra.

Ngoài ra, khi tàu ngư dân liên lạc nhờ giúp đỡ về y tế cho những trường hợp ngư dân bị đau bệnh hoặc tai nạn khi đang hoạt động trên biển xa, các chiến sĩ Hải đoàn 48 cũng không ngại khó, liền tiếp cận cho quân y sang giúp đỡ ngư dân. Hoặc trường hợp gặp tàu ngư dân hết nước ngọt, họ ra hiệu xin nước thì tàu tuần tra cũng luôn sẵn lòng dừng chuyến hải hành để chia sẻ. “Nhiều khi lượng nước ngọt dự trữ cho chuyến tuần tra dài ngày vơi đi do hỗ trợ nhiều tàu của ngư dân, anh em chiến sĩ phải tiết kiệm chuyện tắm rửa để dành nước phục vụ cho ăn uống”, thượng úy Phan Hoàng Nam nói vui.

Sự có mặt của các chiến sĩ Hải đoàn 48 cũng như lực lượng hải quân trên các vùng biển mặc dù lặng lẽ, nhưng đã giúp đỡ cho ngư dân rất nhiều. Ngư dân Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ - Bình Định) tâm sự: “Trong tháng 4 vừa rồi, 4 chiếc tàu của gia đình tui và một số tàu khác đang đánh cá tại vùng biển Trường Sa thì bị tàu Trung Quốc rượt bắn. Tui liền gọi điện cầu cứu các lực lượng tuần tra trên biển. Tàu của chiến sĩ ta lập tức chạy đến hỗ trợ. Nhân cơ hội này, mấy tàu cá của tụi tui quay ngược, rượt lại họ”. Rồi ông Ái nói thêm trong tiếng cười sảng khoái: “Gặp tàu sắt tụi tui còn ớn, chứ gặp tàu gỗ thì có gì đâu phải ngán, vì tàu của tui to lắm, có công suất tới 800-900CV. Mấy lần gặp tàu đánh cá của họ vào hoạt động sâu trong vùng biển của mình, tui quay tàu rượt nó chạy có cờ”.

Cũng theo ngư dân Nguyễn Văn Ái, từ khi lực lượng tuần tra thường xuyên có mặt trên biển, ngư dân an tâm bám biển hơn nên hoạt động sản xuất cũng mang lại hiệu quả cao hơn. “Từ đầu năm đến nay, 4 chiếc tàu của gia đình tui ra khơi đều đều. Chiếc BĐ 94439 TS đi được 5 chuyến, chiếc BĐ 94529 TS cũng đi được 5 chuyến, chiếc BĐ 94033 TS đi được 4 chuyến, và chiếc BĐ 94029 TS đi được 3 chuyến. Chuyến nào cập bờ cũng khẳm be, bán được 20-30 tấn cá, thu được từ 700 triệu đến gần 1 tỷ đồng. Với tốc độ thu nhập này, chỉ vài năm sau là tui sẽ thu hồi được khoản vốn 4,8 tỷ đồng đầu tư đóng mới chiếc tàu có công suất 800 CV (tàu BĐ 94529 TS) vừa hạ thủy trong năm nay”, ông Ái phấn khởi khoe.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm