| Hotline: 0983.970.780

"Lợi ích kép" cho... doanh nghiệp

Thứ Hai 13/08/2012 , 10:44 (GMT+7)

Trải qua nhiều năm thực hiện ở hàng loạt tỉnh, đến nay chương trình này đang có những dấu hiệu bị DN cung cấp mũ bảo hiểm lợi dụng như cung cấp mũ không đạt chất lượng; nông dân mang tiếng được đổi mũ với giá rẻ nhưng thực chất không hề rẻ chút nào.

Chương trình đổi mũ bảo hiểm kém chất lượng lấy mũ mới đúng quy chuẩn được Trung ương Hội Nông dân VN giao cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn – Chi nhánh phía Nam thực hiện kể từ năm 2009. Trải qua nhiều năm thực hiện ở hàng loạt tỉnh, đến nay chương trình này đang có những dấu hiệu bị DN cung cấp mũ bảo hiểm lợi dụng như cung cấp mũ không đạt chất lượng; nông dân mang tiếng được đổi mũ với giá rẻ nhưng thực chất không hề rẻ chút nào.


Bảng niêm yết giá đổi cho nông dân

Khó hiểu việc chọn nhà cung cấp

Tiêu chí của chương trình: “Đổi mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng lấy MBH mới đúng quy chuẩn” nhằm: Hưởng ứng thập kỷ hành động vì an toàn giao thông (ATGT) đường bộ của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; Năm ATGT quốc gia 2012; Tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông; Thu hồi lại mũ cũ, mũ kém chất lượng để người dân không sử dụng khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy nhằm giảm thiểu các chấn thương không đáng có, đặc biệt là chấn thương sọ não do TNGT gây ra. Ngoài ra còn giúp cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa, các hộ nông dân diện chính sách.

Có thể nói, tiêu chí của chương trình là rất hay, có lợi ích cho bà con nông dân. Do đó, từ năm 2009 đến nay chương trình này đã thực hiện được trên 40 tỉnh, thành phố; hỗ trợ cho người dân và cán bộ các cấp HND gần 2 triệu MBH. Vậy nên, được biết trong năm 2012 này, chương trình tiếp tục thực hiện tại các tỉnh, thành phố và thực hiện lần thứ 2 đối với những tỉnh đã triển khai năm trước…

Điều đáng chú ý, đây là một chương trình lớn, thực hiện trên địa bàn cả nước nhưng không hiểu “quy trình lựa chọn doanh nghiệp” để cung ứng MBH cho nông dân là như thế nào mà đến nay chúng tôi chỉ ghi nhận được có 2 đơn vị tham gia cung ứng MBH cho chương trình (trước đây thêm 2 DN khác) đó là: Cơ sở Sản xuất mũ bảo hiểm Đức Huy và Cty TNHH TE AN Việt Nam.


Hợp đồng ký gửi của Cơ sở Đức Huy với Trung tâm HTNDNT

Đáng nói, Đức Huy chỉ là một cơ sở sản xuất MBH không phải là công ty nhưng lại chiếm phần lớn lượng mũ cung cấp (!?). Chính vì thế, trong quá trình triển khai cơ sở này đã để lộ ra nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng như: MBH cung ứng cùng chủng loại, mẫu mã ngoài thị trường bị cơ quan chức năng phát hiện kém chất lượng; dấu hiệu nhập nhèm báo cáo thuế, tài chính, hóa đơn cung ứng…, đồng thời giá MBH mà Đức Huy đưa đến tay nông dân thậm chí còn… cao hơn so với giá ký gửi cho HND và đại lý.

Nông dân mất tiền mua MBH kém chất lượng

Từ ngày 9/5 đến 1/6/2012, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Hội Tiêu chuẩn- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chi cục QLTT, Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và TP. Phan Thiết tiến hành tổ chức kiểm tra đợt 3 đối với các doanh nghiệp MBH, kinh doanh xăng dầu…

Kết quả kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh MBH, trong đó có lấy 1 mũ nhãn hiệu JAMASATA (mã 012), loại có kính chắn gió sản phẩm của Cơ sở Đức Huy - TP.HCM để thử nghiệm đánh giá chất lượng. Kết quả cho thấy, MBH JAMASATA không đạt chất lượng. Mẫu này được lấy tại hộ kinh doanh Nguyễn Kinh Luân – số 52 Hải Thượng Lãn Ông, TP. Phan Thiết. Theo đó, các chỉ tiêu thử nghiệm không đạt gồm: Gia tốc dội lại tức thời; độ bền đâm xuyên (khi bị tai nạn vẫn bị chấn thương sọ não); hệ số truyền sáng của kính chắn gió.


MBH hiệu JAMASATA kính (mã 012) kém chất lượng nhưng có giá thị trường tới... 210.000đ/mũ và đổi cho nông dân là 145.000đ/chiếc trong khi giá ký gửi chỉ 100.000đ/chiếc

Với trường hợp này, Chi cục đã có thông báo kết quả thử nghiệm, thông báo dừng kinh doanh loại mũ bảo hiểm nêu trên và tổ chức lập biên bản thống kê số lượng và niêm phong loại mũ bảo hiểm này, đồng thời đề nghị hộ kinh doanh Nguyễn Kinh Luân liên hệ nhà sản xuất để tổ chức khắc phục và có báo cáo khắc phục gửi về Chi cục để xem xét thông báo tiếp lục lưu thông lại hàng hóa trên nếu đáp ứng các quy định về chất lượng.

Điều đáng nói, dù MBH hiệu JAMASATA kính (mã 012) này kém chất lượng nhưng có giá thị trường tới 210.000đ/mũ, giá niêm yết 195.000đ, và giá đổi là 145.000đ/chiếc (đã hỗ trợ nông dân). Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được trong “Hợp đồng ký gửi hàng hóa” giữa Cơ sở Đức Huy và Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn - Chi nhánh phía Nam (gọi tắt Trung tâm HTNDNT) thì giá loại mũ này chỉ có... 100.000đ/chiếc.

Trong khi đó, nông dân nghèo dù “mang tiếng” được hỗ trợ 50.000đ/chiếc, và các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được trợ giá 70.000 đồng/mũ thì Cơ sở Đức Huy xem ra vẫn còn được “lời” 45.000đ/mũ bán cho nông dân và 25.000đ/mũ bán cho gia đình chính sách (!). Đáng nói, đây là chương trình phi lợi nhuận.

Tương tự, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCLSPHH) miền Trung (thuộc Cục QLCLSPHH) phối hợp với Chi cục TCĐLCL và Chi cục QLTT TP. Đà Nẵng vừa thực hiện đợt kiểm tra chất lượng MBH trên thị trường. Kết quả kiểm tra ngày 12/7 cho thấy, vẫn còn nhiều MBH không đạt chất lượng được bày bán công khai trong đó có MBH của Cơ sở Đức Huy – nơi cung cấp MBH cho chương trình.

Theo đó, về chất lượng MBH, Đoàn kiểm tra lấy 5 MBH thì có đến 3 mẫu  không đạt chất lượng về độ va đập và hấp thụ xung lực. Cụ thể, MBH hiệu X-teen/Jamasata 001 của Cơ sở Đức Huy độ bền đâm xuyên ở điều kiện thuần hóa A không đạt; MBH hiệu NaNa của cơ sở Trương Thị Nội và MBH hiệu Asia MT110 của Cty TNHH SX-TM-KT Á Châu đều không đạt về tiêu chuẩn độ bền va đập và hấp thụ xung động, đâm xuyên.


MBH hiệu X-teen/Jamasata 011 của Cơ sở Đức Huy dù không chất lượng nhưng giá đổi cho nông dân là 75.000đ/chiếc trong khi giá ký gửi chỉ 46.000đ/chiếc

Theo tài liệu của chúng tôi, MBH hiệu X-teen/Jamasata (mã số 011) của Cơ sở Đức Huy kém chất lượng nhưng giá thị trường tới 130.000đ/chiếc, giá niêm yết 125.000đ/chiếc, đổi cho nông dân là 75.000đ/chiếc và cho đối tượng chính sách là 55.000đ/chiếc. Trong khi đó tại “Hợp đồng ký gửi hàng hóa” giữa Cơ sở Đức Huy và Trung tâm HTNDNT thì MBH X-teen/Jamasata 011 giá chỉ 46.000đ/chiếc.


Kết quả thử nghiệm MBH X-teen/Jamasata 011 của Cơ sở Đức Huy không đạt chất lượng

Doanh nghiệp “lợi kép”

Đây là chương trình “đổi MBH kém chất lượng lấy MBH mới đúng quy chuẩn” và hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, Trung tâm HTNDNT dường như đang bị nhà cung cấp MBH “qua mặt”. Bằng chứng là để MBH kém chất lượng cùng chủng loại trên thị trường vẫn đổi cho nông dân. Hơn thế, họ còn được hưởng lợi lên tới vài chục ngàn đồng/MBH với danh nghĩa “bán hỗ trợ cho nông dân’’.

Sáng 31/5/2012, chương trình đổi MBH không chất lượng lấy MBH hợp quy cho nông dân tại xã Bình Khương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mang MBH không hợp quy (không đảm bảo chất lượng) đến đổi cho nông dân ở đây. Sự việc được cán bộ của Sở KH- CN Quảng Ngãi phát hiện 20 MBH không hợp quy tại điểm đổi với loại ký hiệu 008KD nhãn hiệu X -TEEN. Mặc dù MBH này kém chất lượng nhưng có giá thị trường là 180.000đ/chiếc, giá niêm yết là 170.000đ/chiếc và giá đổi cho nông dân là 120.000đ/chiếc.

Đấy là chưa kể giá mà Cơ sở Đức Huy khi ký gửi hàng hóa cho Trung tâm HTNDNT chắc chắn chưa phải là giá gốc. Và như vậy, đồng nghĩa với việc Cơ sở Đức Huy được lãi tới hai lần trên một MBH (lãi lần thứ nhất khi ký gửi và lãi lần thứ 2 khi cung cấp cho nông dân).

Như vậy, theo thống kê từ khi thực hiện chương trình (năm 2009) tới nay đã “đổi” được khoảng 2 triệu MBH (trong đó phần lớn là của Cơ sở Đức Huy) thì con số lợi nhuận mà Trung tâm HTNDNT đã “vô tình” giúp nhà cung ứng lời “khủng khiếp” cỡ nào? Không những thế, dư luận đang cho rằng, một số ít DN đang “núp bóng”, lợi dụng chương trình này để bán được số lượng lớn MBH giá cao.

Trong khi đó, theo các công ty sản xuất và kinh doanh MBH, chi phí để bán MBH trong giai đoạn hiện nay rất cao và nhiều rủi ro. Bởi lẽ ngoài việc khảo sát, thiết lập hệ thống đại lý cho mình, các công ty này phải tốn rất nhiều chi phí khác cho quảng cáo, marketing... Như vậy, bằng việc “liên kết” với Trung tâm HTNDNT, Cơ sở Đức Huy và một số DN khác đã vừa dễ dàng đẩy được khối lượng hàng hóa “khổng lồ” trong khi hoàn toàn không tốn các chi phí kể trên lại được mang tiếng “thơm thảo”!

Đáng quan tâm hơn, hàng chục tỷ đồng tiền MBH mà “liên kết” này đã “hỗ trợ” cho nông dân tại hàng loạt các tỉnh, thành nhưng không rõ được quyết toán thế nào và Cơ sở Đức Huy xuất hóa đơn ra sao để làm nghĩa vụ về thuế với cơ quan nhà nước (?!).

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.