| Hotline: 0983.970.780

Mua đất nông trường dễ như mua rau!

Thứ Hai 20/08/2012 , 09:42 (GMT+7)

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi được những người dân ở xung quanh Nông trường Chè Long Phú (Quốc Oai, Hà Nội) nhiệt tình săn đón và “chào hàng” những diện tích đất khoán 50 năm mà nông trường giao cho họ. Việc mua bán đất thuộc sự quản lý của nông trường này xem ra còn dễ hơn cả việc mua 1 mớ rau…

Mua đất nông trường dễ như mua rau!

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi được những người dân ở xung quanh Nông trường Chè Long Phú (Quốc Oai, Hà Nội) nhiệt tình săn đón và “chào hàng” những diện tích đất khoán 50 năm mà nông trường giao cho họ. Việc mua bán đất thuộc sự quản lý của nông trường này xem ra còn dễ hơn cả việc mua 1 mớ rau…

Dân ào ạt bán

Con đường mà Nguyễn Văn Thiều, chủ khu đất rộng gần 3.000m2 mà Nông trường Chè Long Phú, nay là Cty CP Chè Long Phú, đã giao khoán 30 năm, rộng vẻn vẹn bề ngang của chiếc ô tô du lịch. Ấy thế mà Thiều bảo, biết bao nhiêu khách Hà Nội (nội thành Hà Nội - PV) đã từng đến gặp anh ta để hỏi mua mà chưa được. Nhất là đận “sốt” đất cách đây hơn 1 năm. Tấc đất như tấc vàng, khách cứ gọi là tấp nập, tấp nập…, Thiều bảo vậy.

Trong lá đơn “Xin giao khoán đất nông nghiệp” gửi Cty Chè Long Phú mà Thiều chìa ra cho chúng tôi hôm gã “ma-két-tinh” mảnh đất này, ghi rõ: Khu đất xin giao khoán tại đồi Bông, thuộc đội sản xuất số 1, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Thời hạn xin giao khoán là 30 năm, mục đích sử dụng là… trồng chè. Trong đơn, Thiều còn cam kết là sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đúng các quy định của pháp luật đất đai, sử dụng đúng hợp đồng giao khoán…

Ấy vậy mà Thiều vẫn rao bán. Rồi bảo, ở đây ai cũng muốn bán hết, chứ làm gì có ai xin nhận khoán đất để trồng chè. Trồng chè thì mấy năm mới được thu hoạch, giá lại rẻ, nên chẳng ăn thua. “Thà rằng cứ bán kiếm vài tỷ, nếu không kinh doanh buôn bán gì thì nước cuối là vứt vào ngân hàng, lấy lãi mà tiêu. Tội gì mà đi trồng chè cho khổ”, Thiều nói.


Hàng chục ngàn m2 đất nông lâm trường ở Quốc Oai (Hà Nội) đã được bán trao tay

Vốn chuyên nghề bán thuốc thú y, nhưng từ khi đất ở đây có giá, Thiều gần như chuyển hẳn sang làm “cò” đất. Thời điểm năm 2009 và đầu năm 2010, bình quân mỗi tháng Thiều môi giới được 2-3 thửa đất, kiếm vài chục, thậm chí hàng trăm triệu dễ như bỡn. Nhưng nay, khách ít, Thiều lại chuyển về làm nghề cũ – bán thuốc thú y và con giống các loại. Còn thửa đất được Cty giao khoán, anh ta đem bán nốt.

Không chỉ Nguyễn Văn Thiều, hàng chục hộ dân được giao khoán trồng chè của Cty CP Chè Long Phú cũng đã, đang, và sẽ bán những mảnh đất mà họ đã nhận khoán. Bà chủ hàng nước ven đường Hòa Lạc – Xuân Mai Bùi Thị Lựu cũng có mảnh đất rộng hơn 2.000 m2 bảo chúng tôi: “Cứ mua đi, có nhiều đại gia ở Hà Nội đã lên đây mua đất và xây biệt thự nghỉ dưỡng trên này rồi. Yên tâm là đất không tranh chấp, có chứng nhận của Cty đàng hoàng”.

Nói rồi như để chúng tôi thêm tin, bà Lựu quay sang bảo với Thiều: “Cái mảnh đất mà ông X. mua năm ngoái, chú đã làm được giấy tờ chuyển nhượng, có xác nhận của Cty (Cty Long Phú) đúng không?”. Thiều gật đầu, quả quyết thêm: “Nếu các anh mua, ba mặt một nhời, em dẫn các anh đến tận Cty để làm giấy chuyển nhượng. Gì chứ anh Ngọc, GĐ Cty này với em như anh em. Có gì khó đâu”.

Để minh chứng thêm, Thiều đưa ra 2 bản hợp đồng mà gã đã chuyển nhượng cho một người đã từng mua đất ở đây. Gã bảo, trước kia, mỗi sào (360m2) có giá không dưới 300 triệu đâu. Ngoài ra, để có chữ ký và con dấu chứng nhận chuyển nhượng của Cty, người mua phải thêm cho người bán vài chục triệu. Nhưng nay, do đất đã hạ nhiệt, mặt bằng chung về giá ở đây chỉ khoảng 150 – 200 triệu đồng/sào, tùy địa hình từng thửa đất. Người mua cũng được người bán miễn phí cho khoản tiền gọi là “xin chữ ký”.

Xây biệt thự trên đất nông trường

Ở phần đất do Cty Chè Long Phú quản lý thuộc địa bàn xã Hòa Thạch, chuyện mua bán, chuyển nhượng đất diễn ra hết sức bình thường từ nhiều năm nay. Nhưng còn bình thường hơn nữa khi hàng chục căn nhà hiên ngang mọc lên trên diện tích đất chuyên dụng trồng chè, trong đó có những căn biệt thự, nhà cao tầng. Thế nhưng chính quyền cũng như Ban lãnh đạo Cty chưa có biện pháp xử lý.

Dẫn chúng tôi đi thực địa một số căn biệt thự được xây dựng trên phần đất này, Thiều bảo, căn nhà kiên cố kia thuộc về lãnh đạo Ban Tổ chức chính quyền (nay là Phòng Nội vụ) huyện Quốc Oai. Vị này hiện đã nghỉ hưu, nhưng mảnh đất và căn biệt thự kia được mua và xây từ thời ông này còn đương chức. Ngay gần bên cạnh đó, một căn nhà 3 tầng kiên cố của vị cán bộ địa chính xã mà Thiều quen.

Thiều bảo, ở khu vực này, khối người có chức, có quyền đua nhau xây biệt thự, nhà vườn trên phần đất của nông trường. Khi tôi hỏi Thiều rằng, tại sao xây dựng ở đây mà không cần xin phép, thì Thiều nói, chẳng có căn nhà nào có phép, mà trong quá trình xây dựng cũng không thấy có cơ quan nào đứng ra ngăn cản, hoặc đình chỉ xây dựng. “Thế nên họ cứ vô tư mà xây thôi. Anh cũng nên mua 1 mảnh đất, xây cái biệt thự, cuối tuần về đây nghỉ ngơi thư giãn thì còn gì bằng”, Thiều tranh thủ tư vấn cho tôi.


Hàng loạt biệt thự hạng sang mọc lên trên đất vốn chuyên trồng chè

Cty CP Chè Long Phú được cổ phần hóa từ Nông trường Chè Long Phú vào năm 2009, tổng giá trị DN khi cổ phần hóa là hơn 11,1 tỷ đồng, trong đó nhà nước chiếm 44,7%, còn lại là cổ phần bán đấu giá và ưu đãi cho người lao động. Đến nay, phần vốn sở hữu nhà nước tại DN vẫn giữ nguyên, tuy nhiên tỷ lệ vốn do người lao động sở hữu chỉ còn hơn 5%, còn lại do cổ đông bên ngoài nắm giữ.

Sau cổ phần hóa, Cty đã đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, tuy nhiên do gặp khó về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, kết quả sản xuất kinh doanh không cao. Trong hai năm 2009-2010, Cty lỗ hơn 320 triệu đồng.

Hiện khu vực này có hàng chục hộ dân đã xây cất nhà trên đất nông trường với tổng diện tích lớn, rầm rộ nhất từ năm 2009. Ngôi nhà khang trang nhất trong số các ngôi nhà được xây dựng trong khu vực đất của Cty Chè Long Phú tại xã Hòa Thạch, bám sát mặt đường Hòa Lạc – Xuân Mai là của hộ ông Nguyễn Văn S., một đại gia từ Hà Nội lên mua đất. Theo lời bà Lựu thì mảnh đất hiện tại khoảng gần 1.000m2 mà ông xây nhà là đất được ông mua bằng giấy sang nhượng tay với giá 350 triệu đồng. Ông S. là người thứ 5 mua mảnh đất này. Năm 2009, ông tiến hành xây nhà để về nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần.

Theo tìm hiểu của PV, các hộ dân xây nhà trái phép tại đây đều mua đi bán lại qua nhiều người. Trong đó, đa phần là người từ nơi khác đến. Tiếp xúc với chúng tôi, một số hộ dân cho biết họ mua lại với giá hàng trăm triệu đồng của một số người tự xưng là có công khai hoang khu vực đất này.

Chị Hoàng Thị Tám, một người sở hữu hơn 3.000m2 đất ở xã Hòa Thạch cho biết: “Đất ở đây rẻ nên mua thôi, chứ ở đây chẳng thấy chính quyền địa phương chứng nhận cho tôi. Nhưng tôi thấy người ta làm cả thì tôi cũng làm. Ở đây tôi mua đi bán lại chứ chẳng phải tranh chấp của ai cả. Mua đi bán lại 3, 4 chủ rồi chứ phải bây giờ tôi mới làm đâu”.

Sau nhiều lần liên lạc với ông Đỗ Đình Ngọc, GĐ Cty CP Chè Long Phú nhưng thất bại, PV đã cố gắng lấy thông tin qua điện thoại để hỏi về việc quản lý đất nông trường, ông Ngọc cho biết, hiện một số diện tích đang bàn giao về cho xã quản lý nên không nắm rõ được tình hình. Còn về việc một số biệt thự, nhà cao tầng xây trên đất giao khoán, ông Ngọc cho rằng, trong diện tích đã đó đã có cả một phần đất ở, nên họ được xây dựng là đương nhiên (!?).

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm